kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Cây cối trong vườn
(Hoàng Ngọc Biên giới thiệu & chuyển ngữ)

 

 

Iom H. Cik sinh ngày 19 tháng 1 năm 1938 tại Pnom Penh, Cambodge. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Lycée Pnom Penh năm 1957, ông được gia đình cho du học ở Pháp. Tại Đại học Sorbonne, Paris, ông có dịp làm quen và kết thân với những đồng hương, có người đầu óc cách mạng cực đoan như tiến sĩ Khieu Samphan chẳng hạn, về sau đã trở thành một trong những người lãnh đạo của nước “Campuchia mới” nổi tiếng thế giới với những chiến tích tàn sát tập thể những người dân Cambodge vô tội. Sau khi tốt nghiệp cử nhân triết và tiến sĩ văn chương ở Sorbonne (luận văn về Samuel Beckett), Iom H. Cik lấy vợ là người Pháp và dạy học tại một trường trung học ở Strasbourg. Iom H. Cik, làm thơ, viết văn, viết kịch, viết nhạc, và có năm tác phẩm xuất bản đã gây được ít nhiều tiếng vang trong giới văn học nghệ thuật hiện đại ở Paris. Cá tính mạnh nhưng bản chất khép kín rụt rè, Cik chưa bao giờ lên trang nhất các tạp chí văn học, thích chơi đàn dương cầm ở nhà sau những giờ dạy học hơn tham gia các phỏng vấn, tranh luận văn học. Thế nhưng những cái ông viết ra, như vở kịch ngắn Dialogue des arbres (một trong bốn vở ngắn trong tập sách mang cùng tên do Nxb. Présentations, Strasbourg, ấn hành năm 1998) được giới thiệu trên đây thật quả là... những vấn đề.
       Cây cối trong vườn là một trong nhiều vở kịch ngắn được Iom H. Cik viết và cho phổ biến trong những năm 70 và 80 ở Pháp. Cây cối trong vườn không có tên nhân vật, điều này có nghĩa là đối thoại ở đây không chỉ dành cho hai bên nói qua nói lại, mà còn có thể mở rộng cho nhiều bên – nghĩa là nhiều nhân vật: như thế, người đạo diễn sau khi tiếp nhận bản văn, tùy cách đọc của riêng mình, có thể chọn số “người” tham dự, nghĩa là có thể biến đối thoại (giữa hai bên) thành đàm thoại (giữa nhiều bên). Căn cứ vào những huớng dẫn về âm thanh của tác giả, có vẻ như Cây cối trong vườn không cần, và không nên có nhạc nền: âm thanh duy nhất cần đạo diễn xử lý một cách sáng tạo sẽ chỉ là năm ba thứ tiếng động âm và câm như đã ghi trong bản văn. Ánh sáng cũng là một yếu tố khá quan trọng: sáng tạo của đạo diễn không ở chỗ phải trả lời những đòi hỏi phức tạp của người viết, mà ở chính cách xử lý tốc độ của các chuyển biến. Sau cùng, cái khô khốc trong những đối thoại có thể là chủ ý của tác giả. Người đạo diễn Cây cối trong vườn có thể sử dụng sáng tạo của riêng mình, nhưng cũng rất nên coi đấy là một đòi hỏi sân khấu.

__________________________________

 

cây cối trong vườn

đối thoại đêm

 

Buổi chiều. Văn chương hơn một chút, ta bảo là hoàng hôn. Hoàng hôn trong vườn. Nhưng đây phải là một hoàng hôn rất muộn, và vườn chẳng qua chỉ là một ý niệm, bởi vì khi màn mở ra, khán giả chỉ thấy còn một chút nắng không rõ, một chút ánh sáng không rõ – có thể không còn gì cả, bởi cảnh trí rất chóng chuyển từ cái chút sáng tưởng tượng kia qua bóng tối.

Đêm. Xa xa, người thính tai lắm nghe được một tiếng gì như là tiếng côn trùng, người khác, tùy nghi, có thể cho đó là tiếng ễnh ương. Rõ nhất là tiếng xe cộ – nhưng vẫn là từ xa, rất xa.

Sân khấu không cần nhiều chi tiết: chỉ là đêm, hay gần như đêm. Tuy nhiên, cũng có thể để ló ra từ hậu trường một vài ánh đèn, nhưng ánh đèn là những đốm sáng tù mù từ các cửa sổ nhỏ không hình thù, nhất là không chiếu một chút sáng nào ra bóng tối. Có thể có tiếng gió, hay tiếng lá, hay cả hai. Cây trong vườn đêm lao xao nói chuyện.

 

Mùa xuân vừa qua chẳng có gì hấp dẫn – nhỉ...

Hấp dẫn? Có gì trên đời này ta có thể dám gọi là hấp dẫn?

Thì là một cái gì tương tự như thế. Không bắt buộc phải là...

Bắt buộc? (Giọng như gây gổ) Trên đời này có ai bắt buộc được ai?

Đơn giản, có thể nói: một cái gì làm ta xúc động, chẳng hạn...

Xúc động? Trên đời này...

Thôi, mới ngủ dậy, đừng có điên nữa, có thể xúc động là chữ không diễn tả đúng, nhưng đơn giản là...

Đơn giản? Chẳng có gì trên đời này anh hay bất cứ ai có thể dám nói là đơn giản...

 

Đêm hoàn toàn. Có thể là nhiều màu chồng lên nhau làm thành cái màu đen ấy của đêm, nhưng màu đen là một màu đen sâu thẳm, nhức nhối, khốn đốn. Ánh đèn xa, hay là những đốm sáng tù mù từ trong các cửa sổ nhỏ dần, tuyệt nhiên không tỏa chiếu một chút sáng nào ra vườn. Vườn trong đêm hình như sâu hơn, thấp hơn, và như đang mất hút sang một thế giới khác, thuộc một không gian khác...

 

Anh đang ở đâu đấy? Nói cái gì đi chứ? Bộ tối quá rồi câm luôn à?

Câm? Ai mà câm được trên đời này?

Tối quá ta không trông thấy anh, làm sao ta biết được anh câm hay không câm?

Tối ư? Thế sáng mà biết được à? Tối hay sáng – đó không phải là vấn đề. Vấn đề là...

Không có vấn đề gì trên đời này. Thế nên không thể có chuyện vấn đề là. (Một lát) Anh có nghe mưa không? Mùa này mà vẫn cứ có mưa...

Thế mới biết là tương đối cả: thời tiết tương đối, thời gian tương đối, cuộc đời tương đối, tình yêu tương đối, màu sắc tương đối, đêm ngày, tối sáng...

Đêm ngày? Đêm ngày thì có gì khác nhau? Đêm tối ngày sáng. Ngoài cái chỗ ấy...

Cái chỗ ấy thôi cũng là khác quá đi rồi anh bạn. Thử hỏi trên trời dưới đất, có ai khi người ta thức dậy thì mình đi ngủ. Có ai khi người ta tụ họp ăn bữa cuối cùng trong ngày, nói cười đã bắt đầu bớt râm ran, có người miệng vẫn còn cố chuyện trò mà mắt đã bắt đầu lim dim, áo xống cái cởi ra cái mặc vào, thì mình bắt đầu sống dậy, bắt đầu nói...

Nói khẽ chứ. Người ta còn thức cả đấy!

 

Có tiếng lao xao của người, tiếng bát đĩa khua nhưng không rộn ràng lắm. Mọi thứ tiếng đều rất khẽ, rất câm, không biết từ đâu, nhưng phải là nghe từ xa, rất xa – kể cả dăm ba tiếng leng keng không rõ là của tàu điện, hay xe ngựa, hay của một cái gì khác.

 

Thức thì rồi cũng phải ngủ thôi. Trên đời này có ai thức hoài được đâu.

Nhưng cũng có ai ngủ hoài được đâu. Ngủ như ta ngủ đây, e cũng chỉ có mình ta. Ngủ suốt ngày, im lặng suốt ngày, biến mất suốt ngày, bốc hơi suốt ngày – sự hiện diện giống như chuyện giả ngộ... Ánh sáng đấy mà chẳng nhìn thấy gì, đời sống đấy mà chẳng nghe thấy gì. Trong khi người ta...

Người ta sao kệ người ta. Chỉ nhìn mình thôi chưa đủ mệt sao?

Mệt ấy à? Cái mệt trước sau gì cũng không tránh được, thì hãy cứ nhìn người khác một chút cho biết...

Một chút cho biết? Ngày không lo ngủ, anh chỉ được mỗi cái tò mò không ai bằng.

Tò mò? Trên đời này có ai không tò mò?

 

Lại những tiếng leng keng, rất khẽ, không biết của tàu điện, hay xe ngựa, nghe từ xa, xen với tiếng chó sủa, tiếng nhặt tiếng khoan, hay gần như vậy, cũng từ rất xa.

 

Lâu lắm ta không thấy trời xanh, nhỉ...

Làm sao anh có thể thấy trời xanh? Anh và ta, và cả ai nấy chung quanh đây, ban ngày ai cũng ngủ, ngủ để không ai biết có mình trên đời này, anh quên rồi sao? Nếu như anh chưa biết, thì ta nói để anh biết nhé, ngày nay, ban ngày trời vẫn còn xanh đấy – như xưa...

Như xưa thì có gì lạ, ai mà không biết? Cái gì có thể thay đổi, con người này, cây cối kia, trái tim nọ, bóng bàn, bóng rổ, điền kinh các thứ, chứ trời, trời thì làm sao có thể không dưng đánh đổi tối với sáng, hay ngược lại, trừ phi...

Đấy, thì vẫn còn có trừ phi đấy!

Nghĩa là, trừ phi...

Trừ phi nghĩa là trừ phi, không một hai gì cả. Trừ phi động đất ấy à?

Động đất, nếu là ban ngày, thì trời vẫn xanh. Anh quên mất địa lý, lịch sử, vạn vật, quên tuốt rồi...

Anh lạ lắm sao? Ta quên tuốt cả rồi đấy! Nhớ mà làm gì? Nhớ cho lắm chỉ thêm mệt xác. Nhớ hết mọi thứ như thế, rồi ban đêm trời có xanh được không? Anh thì cái gì cũng nhớ: trời xanh, mây trắng, chim chóc, rừng cây, hoa cỏ, mưa nắng, sân vườn, cảnh sát, ngả ba ngả tư, phố lớn phố nhỏ, đèn xanh đèn đỏ... Cứ y như là cái gì cũng phải ghi phải nhớ, cái gì cũng là của mình tất!

Không của mình thì của ai? Chết đi, liệu ai nấy có đem theo mình những cái của kia được đâu... Của chung cả: của ông trời trên kia kìa!

Trời đâu giờ này mà trời? Chỉ một màu đen tối thui... Nói mà không biết mình nói gì. Nghe cứ như con người phát biểu!

 

Những đốm sáng xa từ từ biến mất. Tiến trình biến mất này phải kéo dài hơn hai phút hay hơn thế nữa – trong khi khán giả băt đầu lại nghe tiếng gì như là tiếng côn trùng, cũng có thể là tiếng ễnh ương, tiếng âm và câm, như từ một vực thẳm, từ một khoảng không xa vắng, từ tưởng tượng, nhưng độ trầm bổng thì tương đối phân biệt được. Sân khấu sau đó bỗng im lặng, hoàn toàn im lặng, trước khi khán giả khởi sự nghe trở lại, ban đầu tiếng rất nhỏ, rồi sau đó lớn dần, đối thoại của cây cối:

 

(Giọng thân mật) Rồi, anh tỉnh ngủ hẳn chưa?

Không tỉnh ngủ thì ai nói chuyện với anh nãy giờ đấy? Không tỉnh ngủ mà còn nói được như thế sao?

Ngủ, có người vẫn nói được đấy...

Nói kiểu ấy là nói ba láp. Nói kiểu đụng đâu nói đấy, nói không suy nghĩ. Kiểu nói ấy tất nhiên không nói vẫn hơn. Kiểu nói làm cho người khác sợ hãi. Ta thà không...

Lại ta nữa rồi. Ta... Có ai quan tâm đến ta?

Không quan tâm! Là người ta không quan tâm đến cái hay cái tốt của ta thôi. Anh thử làm một chuyện gì bậy, rồi xem người ta có quan tâm hay không?

Việc gì phải thử: anh và ta, và ai nấy chung quanh đây, thiên hạ cả khối, như con người kia kìa, đâu đâu người ta cũng từng làm biết bao nhiêu chuyện bậy, bao nhiêu chuyện tày trời, lấn áp nhau, đè bẹp nhau, ăn thịt nhau...

Thế nghĩa là ai nấy được quan tâm quá đi chứ!

Được quan tâm kiểu đó chỉ có khổ thêm. Ai ham cứ ham, ta thì ta chẳng ham...

Còn ta, ta chẳng ham cũng chẳng sợ. Chém giết nhau riết, mọi chuyện trở thành nhàm, có khi không ai để ý, không ai còn nhắc tới...

 

Cảnh vật – thật ra chỉ là cảnh vật trên lý thuyết – bây giờ toàn một màu đen. Khắp sân khấu, và một cách nào đó, phải nói là khắp nhà hát, cùng một sự im lặng như nhau: nói cách văn chương mơ hồ, thì là im lặng của cái chết.

 

Thôi hãy nói cái gì... tích cực hơn vậy. Sáng hôm qua, ta nằm mơ thấy một rừng cây. Một rừng cây trong buổi rạng đông, rừng cây không một bóng người, chỉ có tiếng gió xào xạc, và trước chút mặt trời mới ló dạng, lá cây xoay bên này bên kia liên tục, một bên tối, một bên sáng, cứ thế lấp lánh...

Hết phía bên tối thì qua phía bên sáng... Có thật thế không? Có thật là anh đã nhìn thấy một rừng cây như thế?

Thật – thật nghĩa là sao? Trên đời này mà lại có thể có chuyện thật? (Giọng bất ngờ thiết tha) Nhưng nằm mơ, thì ta quả có thấy như vậy: một rừng cây trong buổi rạng đông. Có điều, riêng cái chút mặt trời lấp ló bên kia núi, thì bởi vì ta quen ngủ ban ngày, cũng như anh thôi, nên không sao định rõ được nó đi lên hay đi xuống, không đoan chắc được cái ta nhìn thấy là bình minh, hay hoàng hôn. Nhưng từ lâu lắm rồi, bình minh hay hoàng hôn, với ta, và cả với anh, đương nhiên thôi, đâu có gì khác... Như anh vừa nói: tương đối cả.

Đã đành là tương đối, nhưng tương đối cũng có tương đối này tương đố nọ. Đánh đồng hết như thế thì coi sao được... Mà có thật là anh không thấy có con người?

Trong giấc mơ thì thật là như thế. Ai mà biết được? Cái gì nói ra cũng phải chắc chắn là có thì ai mà nói được, ai còn dám nói...

Thế... thế anh nhớ lại xem, anh có thấy ta?

Thấy anh? Tôi tôi còn không thấy nữa, huống là anh... Thôi thì có thể nói: tôi thấy tất, vậy anh cứ coi như tôi có thấy anh, (nhỏ giọng) và cả tôi nữa, không chừng. (Giọng bình thường) Nhưng không có gì đẹp đẽ đâu nhé: ngoài cái khoản lá cây xoay ngược xuôi lấp lánh trước gió, thì còn lại ai nấy trông xơ xác lắm. (Mệt mỏi) Không có gì vui...

Không có gì vui? Không có gì vui, thế sao anh bảo là tích cực?

Tích cực là tích cực, vui là vui. Hai cái khác nhau...

Khác? Sao lại khác?

Thì thiếu gì cái tích cực mà không vui – và ngược lại?

 

Mặt trời dường như bắt đầu ló dạng sau những dãy nhà cao tầng ở xa. Chỉ là một chấm sáng ửng một chút hồng, một chút cam, hay một chút vàng không rõ, loang theo chiều ngang, loang rất chậm, trông chỉ giống như một vạch sáng mỏng trên nền đen. Tiến trình loang chậm như thế, theo chiều ngang, phải kéo dài hai phút, hay hơn thế. Sự loang ngang bỗng có vẻ như dừng lại, và tuy không hiện thực, nhưng có vẻ như để nhường cho mẩu đối thoại sau cùng với giọng nói yếu dần, như ngái ngủ:

 

Tích cực mà không vui? (Tiếng ngáp) Tích cực mà không vui...

Và ngược lại...

Ngược lại, có nghĩa là vui (ngáp) mà không tích cực?

Đúng, vui mà không tích (ngáp) cực.

Vui mà không tích cực? Vui mà (ngáp) không tích cực.

Vui mà không tích cực...

Tích cực mà (ngáp)

không

vui...

(Tiếng ngáp dài, nhưng nghe không lớn... )

 

Vạch sáng mỏng trên nền đen loang dần theo cả chiều ngang lẫn chiều đứng: mặt trời ửng một màu cam đỏ ló dạng hẳn hoi, chậm rãi đi lên và dần dần lấn át màu đen bấy giờ đang ngả qua màu xám. Vườn cây bắt đầu hiện ra, vẫn còn chút ít màu xanh của cây lá nhưng rõ ràng (rõ ràng, nhưng không nên xử lý quá liều lượng cần thiết) xơ xác, một vườn cây không hẳn là chết, nhưng có thể đang đi đến chỗ chết. Màu xám của trời tất nhiên chuyển động, mỗi lúc một sáng hơn rồi ngả dần qua một màu trời như ta vẫn nhìn thấy trong buổi rạng đông. Trời không nhất thiết phải cần có mây. Mọi chuyển động đều phải chậm, nhưng đồng thời cũng đều phải nhanh dần. Cho đến khi

 

màn hạ

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021