kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Đoạn kịch nháp I
(Hoàng Ngọc Biên dịch & giới thiệu)

 

Samuel Beckett sinh ngày 13 tháng 4 năm 1906 ở Dublin, Ái nhĩ lan. Sau thời gian học ở Portora Royal School và Trinity College (Dublin), ông ra trường với bằng Master of Arts, dạy Anh ngữ ở trường Cao đẳng sư phạm Paris (1928-1931) và Đại học Dublin (1931). Năm sau ông từ chức và sống bốn năm lang thang ở Anh, Đức và Pháp. Cuối 1937 ông sống một thời gian ngắn ở Paris, trong một căn nhà tồi tàn riêng biệt ỏ khu Montparnasse. Lần thứ hai qua Pháp (1940) ông bị kẹt lại vì tình hình chiến sự. Năm 1941 ông tham gia Kháng chiến cùng một người bạn cũ ở Cao đẳng sư phạm, và qua năm sau phải trở về lánh nạn ỏ Vaucluse. Ba năm sau đó ông phục vự trong Hồng thập tự Anh, rồi tiếp tục sống rất lẻ loi ở Paris cho đến năm 1949, khi ông cưới vợ và kết thân với những nhà văn siêu thực, các nhạc sĩ và họa sĩ ở thủ đô nước Pháp. Bắt đầu viết từ 1945, vở kịch đầu tiên của ông, En attendant Godot, diễn lần đầu tiên trên sân khấu Babylone ngày 3.1.1953, là một thành công lớn và làm ông nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng ông vẫn sống “trốn tránh” xã hội và chỉ lui tới trong vòng những bạn bè thân thiết. Là người ít nói, ông không thích những cuộc bàn cãi văn chương. Thỉnh thoảng (và rất ít khi) ông chịu nhận trả lời phỏng vấn, rồi sau đó tiếp tục... im lặng. Gần như toàn bộ tác phẩm của Samuel Beckett đều được viết trước tiên bằng tiếng Pháp, rồi sau đó chính ông viết một bản khác bằng (hoặc dịch qua) tiếng Anh – hay ngược lại, trừ một vài trường hợp đặc biệt như kịch All That Fall, với bản Pháp ngữ Tous ceux qui tombent của Robert Pinget. Ông được trao Giải Nobel Văn chương năm 1969. Danh sách tác phẩm của ông dài, ghi ra cuốn này thi tội cho cuốn kia, nên chúng tôi xin được để dành toàn bộ sự tò mò cho người đọc. Samuel Beckett mất ngày 22 tháng 12 năm 1989, để lại trong lòng người đọc ông những sự thương tiếc... im lặng.
        Beckett thường được coi là một bậc thầy viết ngắn (minimalist master) một phần là do nhiều vở kịch ngắn hoặc cực ngắn (playlets), hoặc kịch câm của ông, viết để trình diễn sân khấu, hoặc truyền thanh, truyền hình – những màn kịch trong đó thường khi ông đem đời sống, nhận thức và cả chuyện viết lách thu nhỏ và gói gọn vào một nội dung dày đặc thân phận hẩm hiu, khắc nghiệt, mệt mỏi, vô vọng của con người. Cái giới hạn chữ nghĩa của ông, như thế, mở ra cái mênh mông bị dồn ép của đời sống.
        Đoạn kịch nháp I dịch từ nguyên bản tiếng Pháp Fragment de théâtre I in trong tập kịch Pas – suivi de quatre esquisses*[*] là một trong những thí dụ tiêu biểu của đoản kịch Beckett.
Hoàng Ngọc Biên

_________________________

[*]Les Éditions de Minuit, Paris, 1978. Bản tiếng Pháp Beckett ghi viết vào những năm 60, nhưng về sau được phát hiện là cuối những năm 50; bản tiếng Anh Rough for Theatre I xuất bản lần đầu ở Nhà Grove Press, 1976)

____________________________________

 

Samuel Beckett

(1906-1989)

 

ĐOẠN KỊCH NHÁP I

 

Góc phố. Vôi gạch đổ nát.

A, mù, ngồi trên một chiếc ghế xếp, cò cưa cây vĩ cầm. Bên cạnh hắn là cái hộp mở lưng chừng, để đứng, đặt trên nó là một cái bát gỗ.

A ngừng cò cưa, quay đầu về phía hậu trường bên phải, lắng nghe.

Một lát.

A. – Xin rủ lòng thương, xin rủ lòng thương kẻ tội nghiệp này.

Một lát. A lại bắt đầu cò cưa. Hắn lại ngưng lần nữa, quay đầu về phía hậu trường bên phải, lắng nghe.

B đi vào, ngồi trên một chiếc ghế tay dựa có bánh xe mà hắn dùng một cây sào để đẩy tới.

A (nổi cáu). – Xin rủ lòng thương!

Một lát.

B. – Nhạc lên nào! (Một lát.) Vậy ra đây chẳng phải là nằm mơ. Thế! Cũng chẳng phải ảo giác, mấy bà câm hết, và ta ta cũng câm luôn, trước mấy bả. (Hắn tiến tới, ngừng lại, nhìn vào cái bát gỗ. Không xúc động.) Tội chưa. (Hắn đưa bàn tay huơ trước mắt của A. Cứ huơ tay như thế.) Tội chưa. (Một lát.) Bây giờ ta có thể đi về rồi, chẳng có gì bí ẩn. (Hắn lùi lại, ngừng hẳn.) Trừ phi cùng đứng với nhau, và cùng sống với nhau, cho tới chết. (Một lát.) Anh bảo sao về chuyện ấy, Billy, ta có thể gọi anh là Billy, như con trai ta? (Một lát.) Anh thích có bạn bên cạnh không, Billy? (Một lát.) Anh có thích đồ hộp không, Billy?

A. – Đồ hộp gì?

B. – Thì là thịt bò muối, Billy, chỉ thế thôi. Cho có cái gì chịu được đến mùa hè, và phải cẩn thận. (Một lát.) Không thích? (Một lát.) Và thêm vài củ khoai nữa, hai kilô, ba kilô (Một lát.) Anh có thích khoai không, Billy? (Một lát.) Ta chỉ cứ việc để cho chúng nẩy mầm, thế rồi, đúng vào lúc thuận lợi, đem chúng chôn xuống đất, thử xem sao. (Một lát.) Không à? (Một lát.) Ta ta sẽ chọn chỗ và anh anh sẽ chôn chúng xuống đất. (Một lát.) Không à?

Một lát.

A. – Cây cối đang làm gì đấy?

B. – Khó nói lắm. Bây giờ là mùa đông, anh biết đấy.

Một lát.

A. – Ban ngày hay ban đêm?

B. – Ô... (hắn nhìn lên trời)... ban ngày, có thể nói thế. Không có nắng là cái chắc, nếu có thì anh đã chẳng hỏi làm gì. (Một lát.) Anh vẫn theo dõi kiểu tôi lý luận đấy chứ? (Một lát.) Anh có còn tỉnh táo không đấy Billy, anh vẫn còn chút xíu tỉnh táo đấy chứ gì?

A. – Thế nhưng trời sáng chứ?

B. – Vâng. (Hắn nhìn lên trời.) Vâng có sáng, không có chữ nào khác. (Một lát.) Ta có phải tả ánh sáng cho anh? (Một lát.) Ta có phải cho anh một ý niệm về nó, về cái ánh sáng ấy?

A. – Đôi khi ta thấy như là ta suốt đêm ở đây chơi, và lắng nghe. Ngày xưa ta còn cảm nhận được đêm xuống và lo sửa soạn. Ta sắp xếp cây vĩ cầm của ta và cái bát gỗ của ta và chỉ cần mỗi chuyện là đứng lên, khi nàng nắm tay ta.

Một lát.

B. – Nàng?

A. – Thì là vợ ta. (Một lát.) Một người đàn bà. (Một lát.) Thế mà giờ đây...

Một lát.

B. – Giờ đây?

A. – Khi ta đi ta không biết, và khi ta đến ta cũng chẳng hay, khi đã đến nơi ta cũng không biết, là lúc bấy giờ là ban ngay hay ban đêm.

B. – Ngày xưa anh đâu có như thế. Anh bị cái gì thế? Phụ nữ? Bài bạc? Thượng đế?

A. – Xưa nay ta vẫn thế.

B. – Thôi nào!

A (hung hăng). – Xưa nay ta vẫn thế. Ngồi xổm trong tối, cò cưa một điệu hát nhàm tai cũ rích rải ra khắp nơi!

B (hung hăng). – Chúng ta từng có vợ, không thế sao? Anh thì có vợ anh để cầm tay dẫn anh đi và ta thì có vợ ta để tối đến đưa ta ra khỏi cái ghế có tay dựa và để sáng hôm sau lại đặt ta lên cái ghế ấy và để đẩy ta đến tận góc đường khi ta nổi điên. Không thế sao?

A. – Què? (Một lát. Không xúc động.) Khổ thân.

B. – Chỉ có mỗi vấn đề: lúc trở về.Thường thường ta vẫn thấy như là trong khi ta vùng vẫy, cứ hướng thẳng mà tiến tới để làm một vòng quanh thế giới, thì ta đi nhanh hơn. Cho đến ngày ta hiểu ra là ta có thể trở lại bằng cách đi thụt lùi. (Một lát.) Chẳng hạn, ta ở điểm A. (Hắn đi tới một chút, rồi ngừng lại.) Ta đi tới tận điểm B. (Hắn đi lùi một chút.) Và ta trở về A. (Hăm hở.) Đường thẳng! Khoảng không trống toác. (Một lát.) Ta bắt đầu làm anh xúc động?

A. – Đôi khi ta nghe những tiếng bước chân. Những tiếng nói. Ta tự bảo, Chúng nó trở về đấy, có mấy đứa trở về, thử tìm cách về ở chỗ cũ, hoặc tìm một cái gì đã để quên, hoặc tìm một người nào chúng đã bỏ lại.

B. – Trở về! Ai mà muốn trở về đây? (Một lát.) Thế anh không có gọi người ta đấy chứ? (Một lát.) Không có la làng lên? (Một lát.) Không chứ gì?

A. – Anh không để ý sao?

B. – Ồ ta, anh biết đấy, để ý... Ta ở đấy, trong chỗ ta ẩn núp, ngồi trong tối, hai mươi ba giờ trên hai mươi bốn giờ. (Hung hăng.) Anh muốn ta để ý cái gì đây? (Một lát.) Anh tưởng chúng ta như thế là có thể thuận hòa với nhau, khi mà giờ đây anh đã bắt đầu hiểu ta?

A. – Thịt bò muối, anh bảo thế à?

B. – Thực ra, từ đó anh đã sống bằng cái gì? Anh hẳn là đã bị bỏ đói.

A. – Có những thứ tràn lan ra đấy.

B. – Ăn được?

A. – Đôi lúc.

B. – Tại sao anh không để cho mình chết quách đi?

A. – Nói chung thì ta còn may mắn. Ngày hôm nọ ta đã vấp trúng một bọc hồ đào.

B. – Đâu được!

A. – Một bọc nhỏ, đầy quả hồ đào, giữa đường đi.

B. – Vâng, được rồi, thế nhưng tại sao anh không để cho mình chết quách đi?

A. – Thì ta đã có nghĩ đến chuyện ấy.

B (nổi cáu). – Nhưng anh không làm như thế!

A. – Ta không đến nỗi bất hạnh lắm. (Một lát.) Cái bất hạnh của ta lúc nào cũng là vậy, bất hạnh, nhưng không bất hạnh lắm.

B. – Nhưng mỗi ngày anh hẳn là phải bất hạnh hơn một chút chứ.

A (hung hăng). – Ta không bất hạnh đủ!

Một lát.

B. – Với ta, thì chúng ta sinh ra để đồng tình với nhau.

A (khoác một cử chỉ theo đường vòng). – Thế thì bây giờ nó trông ra sao rồi?

B. – Ồ ta, anh biết đấy... Ta không bao giờ đi xa, chỉ đi lui đi tới một chút trước cửa. Đây đúng là lần đầu tiên ta đẩy đến đây.

A. – Nhưng anh nhìn chung quanh đấy chứ?

B. – Không không.

A. – Sau bao nhiêu ấy giờ trong bóng tối mà anh không –

B (hung hăng). – Không! (Một lát.) Tất nhiên, nếu anh muốn ta nhìn chung quanh ta thì ta sẽ nhìn. Và nếu anh muốn đưa ta đi dạo, ta sẽ thử tả cảnh cho anh, đi đến đâu tả đến đấy.

A. – Anh muốn bảo là anh sẽ hướng dẫn cho ta? Ta sẽ không lạc đường?

B. – Hoàn toàn đúng. Ta sẽ bảo anh, Từ từ chứ Billy, chúng ta đang đi về phía một đống rác to tướng, anh quay trở lại đi và khi nào ta bảo thì hãy quẹo qua trái.

A. – Anh sẽ làm như thế!

B (thừa thắng xông lên). – Từ từ chứ, Billy, từ từ, ta trông thấy một cái hộp tròn giữa cái rãnh đàng kia, có thể là rau quả, hay những trái đậu tây.

A. – Đậu tây!

Một lát.

B. – Anh bắt đầu thích ta? (Một lát.) Hay đấy chỉ là ta tưởng tượng?

A. – Đậu tây! (Hắn đứng dậy, đặt chiếc vĩ cầm và cái vĩ đàn xuống chiếc ghế xếp và lần mò bước về phía chiếc ghế có tay dựa.) Anh đang ở đâu đấy?

B. – Ở đây nè, bạn thân của ta. (A nắm được chiếc ghế có tay dựa và bắt đầu đẩy nó một cách mù quáng.) Dừng lại!

A (vẫn đẩy chiếc ghế). – Dễ quá! Dễ quá!

B. – Dừng lại! (Hắn dùng cây sào đập phía sau mình. A buông chiếc ghế ra, bước lùi lại. Một lát. A lần mò tìm cách trở về chiếc ghế xếp của mình. Hắn đứng bất động, lạc bước.) Tha lỗi cho tôi! (Một lát.) Xin anh tha lỗi cho tôi, Billy!

A. – Ta đang ở đâu đây? (Một lát.) Lúc nãy ta ở đâu thế?

B. – Ta lại mất hắn nữa rồi. Hắn bắt đầu thích ta thế mà ta đã đánh hắn. Hắn sẽ bỏ ta đi, ta sẽ không bao giờ gặp lại hắn nữa. Ta sẽ không bao giờ gặp lại ai nữa. Chúng ta sẽ không bao giờ còn nghe được tiếng nói con người.

A. – Tiếng nói con người anh nghe thế chưa đủ sao? Lúc nào cũng vẫn những lời rên rỉ như thế, từ thuở nằm nôi cho tới lúc xuống mồ.

B (giọng than van). – Xin anh làm cho tôi cái gì đó trước khi đi nhé!

A. – Đấy! Anh nghe chưa? (Một lát. Giọng than van.) Ta không làm sao đi được! (Một lát.) Anh nghe chưa?

B. – Anh không đi được à?

A. – Ta không thể đi mà không đem theo đồ đạc của mình.

B. – Đồ đạc chúng nó làm gì được cho anh?

A. – Không làm gì cả.

B. – Và anh thì không thể đi nếu không đem chúng theo?

A. – Không. (Hắn lại bắt đầu lần mò, đứng bất động.) Rốt cuộc thế nào tôi cũng tìm ra chúng. (Một lát.) Hoặc bỏ chúng lại luôn.

Hắn lại bắt đầu lần mò.

B. – Anh hãy sắp xếp giùm cái chăn carô của tôi, bàn chân tôi thò ra ngoài lạnh rồi đây. (A bất động.) Ta cũng có thể tự làm lấy, nhưng như vậy thì sẽ quá lâu. (Một lát.) Làm giúp ta đi, Billy. (Một lát.) Sau đó ta sẽ có thể về nhà, chun vào cái xó cũ của mình mà nằm và sẽ tự bảo, Ta đã gặp con người ấy lần cuối cùng, ta đã đánh hắn và hắn thì đã giúp đỡ ta. (Một lát.) Sẽ tìm thấy năm ba chút tình rách tươm trong tim ta và sẽ chết giải hòa, với loại người như ta. (Một lát.) Anh thấy sao mà nhìn ta như thế ấy? (Một lát.) Bộ ta đã nói điều gì lẽ ra ta không nên nói sao? (Một lát.) Tâm hồn ta, trông nó giống cái gì vậy?

A vừa đi vừa lần mò về phía hắn.

A. – Anh hãy làm ra một tiếng động đi.

B làm ra một tiếng động. A lần mò, rồi bất động.

B. – Anh cũng không ngửi đựợc mùi sao?

A. – Ở đâu cũng cùng một mùi thôi. (Hắn chìa tay ra.) Ta có với tới tay của anh được không?

Hắn vẫn bất động, tay chìa ra.

B. – Hãy khoan đã, anh sẽ giúp ta mà không lấy gì lại sao? (Một lát.) Ta muốn nói là không điều kiện? (Một lát.) Trời ơi!

Một lát. Hắn nắm lấy tay A và kéo anh chàng về phía mình.

A. – Bàn chân anh?

B. – Sao cơ.

A. – Anh vừa bảo bàn chân anh?

B. – Nếu như ta biết được! (Một lát.) Vâng, bàn chân ta, bọc kín nó lại đi. (A cúi người lần mò.) Quì xuống, quì xuống, sẽ dễ cho anh hơn. (Hắn giúp anh chàng quì xuống đúng chỗ.) Đấy.

A (nổi cáu). – Buông tay ta ra chứ! Anh muốn ta giúp anh nhưng anh lại nắm chặt tay ta! (B buông hắn ra. A lục lọi trong tấm chăn carô.) Anh chỉ có một chân thôi sao?

B. – Có thế thôi.

A. – Thế chân kia?

B. – Nó mục, người ta cưa mất rồi.

A bọc kín bàn chân.

A. – Như thế này là tốt rồi.

B cúi người để xem.

B. – Chặt hơn chút xíu nữa. (A siết hơn nữa.) Hai bàn tay anh thật là tuyệt!

Một lát.

A (mò mẫm về phía ngực của B). – Toàn bộ cái còn lại là ở đây?

B. – Bây giờ anh có thể đứng dậy và có thể xin ta một ân huệ.

A. – Toàn bộ cái còn lại là ở đây?

B. – Cái còn lại? Người ta không có lấy đi cái gì khác hơn, nếu như cái anh muốn hỏi là cái đó.

Bàn tay của A, mò mẫm lên cao hơn, khi đến khuôn mặt, thì bất động.

A. – Mặt của anh đây sao?

B. – À vâng. (Một lát.) Chứ anh muốn nó ra sao bây giờ? (Những ngón tay của A dạo khắp, rồi bất động.) Cái này? Cục u của ta đấy.

A. – Màu đỏ?

B. – Tím. (A rút tay ra, vẫn quì như thế.) Hai bàn tay anh thật là tuyệt!

Một lát.

A. – Vẫn ban ngày?

B. – Ngày? (Hắn nhìn lên trời.) Có thể nói thế. (Hắn nhìn.) Không có chữ nào khác để gọi.

A. – Không phải sắp tối rồi sao?

B cúi xuống A, và lay người hắn.

B. – Nào, Billy, đứng dậy đi, anh bắt đầu làm ta khó chịu rồi.

A. – Không phải sắp đêm rồi sao?

B nhìn lên trời.

B. – Ngày... đêm... (Hắn nhìn.) Đôi khi ta thấy trái đất như đứng kẹt lại, một ngày không mặt trời, giữa mùa đông, trong cái âm u xám xịt của buổi tối. (Hắn cúi xuống A, lay người anh ta.) Nào, Billy, đứng dậy, anh bắt đầu làm ta lúng túng rồi.

A. – Anh có thấy cỏ ở đâu đó chứ?

B. – Ta không thấy cỏ.

A (hăng say). – Không có màu xanh ở đâu cả sao?

B. – Có một chút rêu. (Một lát. A khoanh tay trên tấm chăn carô và đặt đầu lên đó.) Trời hỡi! Anh không phải là sắp cầu nguyện đấy chứ!

A. – Không.

B. – Cũng không phải khóc chứ!

A. – Không. (Một lát.) Ta có thể cứ quì như thế này mãi mãi, đầu tựa lên hai đầu gối của một ông già.

B. – Một đầu gối. (Lay người hắn một cách hung bạo.) Đứng dậy đi chứ!

A (sửa lại dáng ngồi tốt hơn).- Êm ái quá! (B đẩy hắn ra một cách hung bạo. A té chổng gọng. Một lát.) Dora vẫn bảo ta, vào những ngày ta không kiếm được nhiều tiền, Ông với cái đàn hạc của ông! Tốt hơn ông nên bò càng mà dạo chơi, lấy mấy cái huy chương của bố ông mà ghim vào mông và một ống tiền đeo ở cổ. Ông với cái đàn hạc của ông! Ông cho mình là ai thế? Và bà ấy bắt ta ngủ dưới đất. (Một lát.) Ta cho mình là ai... (Một lát.) A cái này, ta không thể bao giờ... (Một lát. Hắn đứng dậy.) Không bao giờ có thể... (Hắn bắt đầu lần mò. Hắn bất động, lắng nghe. Một lát.) Nếu ta lắng nghe thật lâu thì ta có thể nghe được tiếng, một sợi dây đàn sẽ buông.

B. – Cái đàn hạc của anh? (Một lát.) Chuyện cái đàn hạc là chuyện gì nữa đây?

A. – Ngày xưa ta có một cây đàn hạc nhỏ. Anh câm miệng đi và hãy để ta lắng nghe.

Một lát.

B. – Anh sẽ cứ nghe như thế lâu nữa chứ gì?

A. – Ta sẽ cứ như thế này hàng giờ, lắng nghe mọi tiếng động.

Hai người lắng nghe.

B. – Những tiếng gì?

A. – Ta không còn biết đó là gì nữa.

Hai người lắng nghe.

B. – Ta thì ta nhìn ra nó rồi. (Một lát.) Ta thấy –

A (giọng khẩn khoản). – Anh không câm miệng được sao?

B. – Không! (A đưa hai bàn tay lên ôm đầu.) Ta thấy nó rồi, thấy rõ ở đàng kia kìa, trên cái ghế xếp. (Một lát.) Nếu ta lấy nó, Billy, và đem đi mất? (Một lát.) Này, Billy, anh nghĩ thế nào về chuyện ấy? (Một lát.) Một ngày kia, có thể sẽ có một lão già khác, ở đâu đó chun ra và bắt gặp anh đang chơi kèn acmônica. Và anh sẽ kể cho ổng nghe về cây vĩ cầm nhỏ ngày xưa anh từng có. (Một lát.) Hả, Billy? (Một lát.) Hoặc là bắt gặp anh đang hát. (Một lát.) Này, Billy, anh nghĩ thế nào về chuyện ấy? (Một lát.) Bắt gặp anh đứng đấy đang kêu quạ quạ trong gió mùa đông, bởi vì đã đánh mất cái kèn acmônica. (Hắn dùng cây sào đâm vào lưng anh ta.) Hả, Billy?

A quay người nhanh như cắt, nắm đầu cây sào và rứt nó ra khỏi tay của B.

 

(những năm 60?)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021