kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Bà gác-dan thông thái
(Hoàng Ngọc Biên dịch & giới thiệu)

 

     Robert Pinget là một trong những đại biểu của nhóm Tiểu thuyết mới gồm những người viết ở Pháp những năm 50 một thời quây quần ở Nhà xuất bản Les Éditions de Minuit, số 7 phố Bernard Palissy, Paris VIè, cùng với Samuel Beckett, Michel Butor, Claude Ollier, Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute, Claude Simon – trong Tuyển tập các Nhà văn Pháp hiện đại, Nxb. Trình bầy, Saigon, 1969, chúng tôi đã cảm hứng đưa thêm vào danh sách Marguerite Duras, Jean-Marie Gustave Le Clézio và Claude Mauriac. Sinh năm 1919 ở Genève, Thụy sĩ, thuở nhỏ Robert Pinget học ban cổ điển ở bậc trung học, lớn lên mê hội họa (như Claude Simon), ông dự định trở thành họa sĩ và theo học một thời gian ngắn ở École des Beaux Arts ở Paris, nhưng rốt cuộc lại theo ngành luật, và năm 1946 ông qua Paris hành nghề luật sư (như Nathalie Sarraute). Suốt năm năm vẽ tranh (từng triển lãm một lần ở Paris, 1950), ông không ngừng viết, viết như những nguệch ngoạc chấm phá của một người đi từ cái vẽ, và năm 1951 ông đã cho ra đời tác phẩm đầu tiên, Entre Fantoine et Agapa, gồm 20 truyện ngắn, ấn bản đầu tiên ở Nxb. La Tour de Feu, sau đó in lại ở Nhà Minuit. Ngoài chuyện vẽ, ông làm thơ rất nhiều (“tôi trước tiên là một thi sĩ”) trước khi đột nhiên có một khám phá lạ lùng ở tuổi trên ba mươi: tìm ra tiếng nói của chính mình, với Mahu ou le Matériau (1952), tiếng sét “ái tình” của ông, thời ấy từng được Alain Robbe-Grillet chào đón như “một mẫu đến sớm của những hình thức tiểu thuyết hiện đại nhất” (Le Monde). Khởi sự bằng những truyện ngắn có tính hoạt kê, những loại trào phúng thi vị và ngụ ý – ngụ ý nhưng không mang một ý nghĩa giáo dục mà chỉ do phát minh thuần túy, ông đã dần dà tiến đến một thứ ngôn ngữ và một lối diễn tả kiểu cách riêng biệt (rất tự nhiên chứ không phải khổ công tìm kiếm) để suy niệm về sự thật, về những giới hạn và những cạm bẫy của nó. Câu chuyện kể của ông thường tự tổ chức, như trong truyện kể Fable (1971) chẳng hạn, và như thế người đọc cảnh giác vừa đoán ra được cái kiến trúc của nó, đồng thời có thể khám phá ra những viễn cảnh của nó.
     Robert Pinget lần đầu tiên đến với kịch nghệ bằng bản dịch Pháp ngữ vở All That Fall của Samuel Beckett – Tous ceux qui tombent (có phải vì thế mà Beckett đã đáp lễ bạn mình với bản Anh ngữ của La Manivelle The Old Tune cho đài phát thanh Anh?). Ông từng theo đoàn kịch Tréteau de Paris qua New York (1971) làm cố vấn sân khấu cho các vở diễn của mình (ArchitrucDead Letter), từng là diễn viên kịch trên sân khấu Pháp (1972) trong vở Abel et Bela của chính mình. Có thể nói Pinget là người thích “ngao du” từ thể loại này qua thể loại khác, ngao du từ chính những bản văn của mình, hẳn là để phát hiện một ngôn ngữ thỏa đáng cho một nội dung vừa hiện thực vừa thi vị: sau Le Fiston, ông có bản dành cho sân khấu Lettre morte ra đời cùng năm 1959; ba năm sau Baga, ông lại có kịch bản Architruc; vở kịch truyền thanh La Manivelle ra đời năm 1960, một năm sau ông phát triển thành Clope au dossier.
     Pinget là người đi nhiều, viết nhiều, đã từng làm nhiều nghề khác nhau, như họa sĩ thiết kế nhà cửa, giáo viên dạy các trường trung học (ở London), và là một trong những nhà văn Pháp có số phận lạ lùng: nổi tiếng ở ngoài nước trước khi được nhìn nhận xứng đáng trên chính mảnh đất dung thân của mình là nước Pháp, với nhiều giải thưởng văn học lớn như Prix Femina, Prix des Critiques... Robert Pinget mất ngày 25 tháng Tám 1997, để lại một gia tài đồ sộ những tác phẩm tuyệt đẹp trải dài từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện kể, kịch trình diễn và kịch truyền thanh...
 

ROBERT PINGET

(1919-1997)

 

 

BÀ GÁC-DAN THÔNG THÁI

kịch truyền thanh

 

 

Một căn phòng riêng của người gác-dan. Ở giữa, một cái bàn tròn có phủ một tấm thảm móc đan. Chung quanh có những chiếc ghế thời Henri II. Phía trong là một tủ ly tách lớn cùng thời ngổn ngang những bức tượng bằng thạch cao và bằng đồng. Mỗi bên tủ đựng ly tách có một bức tranh lồng khung mạ vàng và phía dưới là những cây màu xanh trong các chậu che ngoài. Phía trên đầu bàn có một ngọn bách đăng với những chuỗi dài bằng thủy tinh.

Cửa kính lớn ở bên phải có đề chữ “gác-dan” mà người ta đọc ngược phía sau. Cửa bên trái toàn bằng ván.

Bà gác-dan, Bà Trouille, đang ngồi ở bàn, đối diện với khán giả. Bà ta có dáng một con mụ lẳng lơ và điên khùng. Trạc năm mươi. Nhồi phấn quá lố. Trước mặt bà là một bản thảo mà bà đang đọc.

 

BÀ TROUILLE (bà ta đọc): Nữ công tước lại rót một tách trà. Công tước đang mơ mộng viễn vông vừa hút một điếu xì gà lớn bỗng giật mình và bảo bà: “Này bà, lại một tách nữa sao? Bà cũng biết là như vậy bà sẽ không ngủ được đâu.” Nữ công tước cười một cái cười bí ẩn và vẫn không trả lời. Bà không trả lời sao? Công tước hỏi. Có gì quan trọng đâu, nữ công tước nói. Và bà ném chỗ trà trong tách vào mặt ông. Công tước bị bỏng rất nặng. Ông ngạt thở. Nữ công tước đắc thắng. Một tên bồi phòng nghe công tước ngạt thở bèn chạy lại. Khi thấy công tước nằm bất tỉnh hắn gọi một tên bồi khác. Rồi chúng vực ông lên giường ông. (Bà ngẩng đầu lên. Suy nghĩ.) Giường ông? Thường quá. Đối với một vị công tước thì người ta phải nói sao nhỉ? (Bà ta lấy trước mặt một cuốn tự điển những chữ đồng nghĩa và tìm những chữ đồng nghĩa của chữ giường mà bà ta đem kiểm lại.) Chỗ nằm. Chõng. Bộ ván. Bộ ngựa. Giường lính. Sập. Phản*... (Một lát.) Ta phải dùng chữ chỗ nằm rồi. (Bà đọc định nghĩa.) Dùng trong thơ hay trong hành văn cao quý. (Một lát.) Được lắm. (Bà gập cuốn tự điển lại, rồi bôi bỏ trên bản thảo và sửa lại. Bà tiếp tục đọc.) Lên giường ông. Nữ công tước vẫn đắc thắng. Bà ta không nhúc nhích khỏi ghế mình đang ngồi. Đắc thắng chán đi rồi, bà cầm ống điện thoại và quay một số. A lô? Anh đấy à? Em vừa tạt nước trà của em vào mặt hắn đấy. Em đã lấy một cái cớ vụn vặt thôi. Hắn hỏi em tại sao em không nói chuyện với hắn. Ồ, Adrien! Bây giờ chúng ta tự do rồi! Lẽ ra em có nên giết hẳn hắn không nhỉ? (Đến đây có người gõ ở cửa kính.) Cái gì đấy? (Người ta nghe có tiếng nói ở bên ngoài. Bà gác-dan đến mở cửa.)

TIẾNG NÓI Ở NGOÀI: Xin bà vui lòng chỉ hộ phòng của nữ công tước Bois-Suspect.

BÀ TROUILLE: Sân đầu tiên, cầu thang lớn, tầng thứ hai bên phải. (Bà ta đóng cửa và trở lại bàn. Bà tiếp tục đọc.) Ồ! Adrien! Chứng ta tự do rồi! (Ngẩng đầu lên, suy nghĩ.) Chúng ta tự do được vài ngày. (Bà sửa lại bản thảo. Tiếp tục đọc.) Lẽ ra em có nên giết hẳn hắn đi không? Phạm tội! Anh sẽ yêu được một kẻ phạm tội chăng? Tội trạng cao quý! Em yếu đuối lắm, Adrien ạ. Một người trong dòng họ Bois-Suspect ngày xưa không hề ngần ngại chặt đôi một lúc đến ba kẻ thù. (Bà sửa lại bản thảo.) Bốn. Em nói sao cả một đội quân đấy chứ. Anh có biết truyền kỳ của dòng họ Bois-Suspect không? Nhưng mà anh có biết truyền kỳ là gì không đã? (Bà ngẩng đầu lên.) Đến đây, Adrien phải nói cái gì ở đầu dây bên kia chứ. (Một lát.) Tôi thật là điên, người ta đâu có nghe ông được. (Tiếp tục đọc.) Anh bảo sao? Quý tộc, anh không chú ý đến giai cấp đó à? Anh thường lắm, Adrien ạ, thường lắm. Em giận đấy. Nữ công tước bỏ dây nói xuống. Bà ngạt thở. Cái thể chất yếu ớt của bà không cho phép bà đi tới thêm nữa. Bà rung chuông gọi người đàn bà bồi phòng và bảo đưa cho bà lọ muối của bà.

(Người ta nghe tiếng Ông Trouille.)

TIẾNG ÔNG TROUILLE: Tôi có thể vào chứ?

BÀ TROUILLE: Ông muốn gì đấy?

TIẾNG ÔNG TROUILLE: Tôi quên cái này.

BÀ TROUILLE: Vào đi. (Ông Trouille từ cửa bên trái bước vào.) Người ta không còn được yên tĩnh mà làm việc nữa. Thôi, lẹ lên chứ.

ÔNG TROUILLE: Người ta hỏi ai đấy bà?

BÀ TROUILLE: Nữ công tước. Ông quên cái gì đấy?

ÔNG TROUILLE: Cái này. (Ông ta đến lấy đôi dép trong một góc phòng.)

BÀ TROUILLE: Từ rày xin ông nhớ xếp nó vào trong phòng đấy. Như vậy thì làm sao tôi tập trung ý nghĩ được? (Bà ta nhìn ông chăm chú.) Ông lại bị rách một lỗ nơi áo nữa sao? Đến xem. (Ông Trouille lại gần bà. Bà ta nhìn chỗ bị rách.) Đồ ngu, ông cố tình làm rách đấy phải không?

ÔNG TROUILLE: Không phải lỗi tôi... Tôi vừa ở bàn giấy ra thì...

BÀ TROUILLE: Lỗi người khác, dĩ nhiên rồi. Quả là ông đưa cả lũ tới chỗ phá sản mất. Tôi không thể cứ tranh đấu một thân một mình được.

ÔNG TROUILLE: Tranh đấu?... Dù sao bà cũng nói quá đấy.

BÀ TROUILLE: Một cuộc tranh đấu kiểu Teuton**, ông à.

ÔNG TROUILLE: Sao?

BÀ TROUILLE: Kiểu người Teuton. Nghĩa là của người Teuton.

ÔNG TROUILLE: Bà có những ý nghĩ thật lạ.

BÀ TROUILLE: Cái đó không phải là những ý nghĩ. Cái đó thuộc về huyền thoại. Thôi, đi đi ông, làm tôi phát cáu rồi đấ. (Ông Trouille đi ra ở cửa bên trái. Bà Trouille tiếp tục đọc.) Lọ muối của bà. Bà hít rất dài. Bà đã kịp tránh được khỏi ngất. Nữ công tước nằm dài trên một chiếc giường nghỉ. (Ngẩng đầu lên.) Một chỗ nằm nghỉ. (Một lát.) Nói vậy đúng không nhỉ? (Lật tự điển ra lại. Đọc lại hết các chữ giường, chỗ nằm, chõng, v.v...) Có vẻ không đúng. (Gấp cuốn tự điển lại. Suy nghĩ.) Chỗ nằm nghỉ... chỗ nằm nghỉ... Ghế bành! Ghế bành! (Bà sửa lại bản thảo. Tiếp tục đọc.) Nữ công tước nằm trên một cái ghế bành dài. Bộ salon được căng bằng lụa gỗ hồng. Những chân quì bằng đá hoa dưới những tấm kính phản chiếu những ánh rực rỡ đông phương chung quanh bà đội đỡ những cây hiếm trong các chậu che ngoài màu đỏ thắm. (Ngẩng đầu lên.) Chậu che ngoài... chậu che ngoài... (Lật tự điển ra lại. Tìm kiếm. Không tìm ra.) Không cớ chữ đồng nghĩa. (Bà đọc lại.) Những ánh rực rỡ đông phương chung quanh bà đội đỡ trong các... (Một lát.) màu đỏ thắm... (Ngẩng đầu lên.) các... màu dỏ thắm... Bình hoa? Độ đỡ những cây rất hiếm trong các bình hao. (Tỏ dấu chịu. Sửa lại bản thảo. Tiếp tục đọc.) Những chiếc ghế dựa gỗ đào trên tấm thảm Ba tư được sắp xếp theo hình bán nguyệt như suốt ngày suốt đêm lúc nào cũng đợ chờ những vị đại sứ và những nhà tỉ phú đến ngồi chung quanh một cái bàn tròn xoay đầy mứt kẹo và bánh trái mà những vị này vốn biết những sở thích tế nhị của bà chủ, với nhiệt tình của họ, đã không ngớt làm vui lòng bà bằng cách cho đem đến từ những tiệm ngon nhất ngoài phố. Mánh khóe tình yêu mà! Ai mà nói được những phép thuật của mình! Cả cuộc đời người đàn bà, linh hồn của một xã hội tổ chức theo những định luật của con tim! (Bà ngẩng đầu lên.) Những định luật của con tim! (Tiếp tục đọc.) Những phong tục quê mùa của ta không phải là không biết những vẻ quyấn rũ của những phong tục đã làm vẻ vang cho những người mà... (Bà không thể tự đọc lại được.) những người mà... sự tàn sát ghê rợn?... vẻ vang cho những người mà đoạn đầu đài... đoạn đầu đài? đã tước đoạt mất những phần tử cao quí nhất... (Bà sửa lại. Tiếp tục đọc.) Sự tàn sát ghê rợn của đoạn đầu đài đã tước đoạt mất những phần tử cao quí nhất. Nỗi buồn của những cuộc cách mạng đẫm máu! Sự kinh tởm những cuộc khích động dân chúng! Những bầy thú hăm hở diệt trừ đóa hoa của một nền văn minh rạng rỡ, những đoàn người gầm thét, những đám tiện dân khát vọng! Những phế tích, những phế tích bốc tỏa máu những nạn nhân! Những cuộc lễ hi sinh! Những cuộc lễ hi sinh! (Có người gõ ỏ cửa kính.) Gì đó? (Người ta nghe có tiếng nói ở ngoài. Bà gác-dan đến mở cửa.)

TIẾNG NÓI Ở NGOÀI: Xin bà vui lòng chỉ hộ phòng nữ công tước Bois-Suspect.

BÀ TROUILLE: Sân đầu tiên, cầu thang lớn, tầng thứ hai bên phải. (Bà lại đóng cửa và trở lại bàn, ngồi xuống.)

TIẾNG ÔNG TROUILLE: Người ta hỏi ai đấy bà?

BÀ TROUILLE: Nữ công tước. Ông không quên cái gì chứ? (Bà lại cầm bản thảo lên. Đổi ý. Đứng dậy, đến lấy một bức tranh trong tủ đĩa bát và nhìn.) Versailles! Chuỗi hạt của hoàng hậu! Đứa con của Đền Thánh! (Bà đến ngồi xuống lại. Tiếp tục đọc.) Nữ công tước thấy diễn qua trước đôi mắt của tiềm thức bà những cảnh tàn khốc của lịch sử hiện vẫn còn đánh dấu một cách sâu đậm trong những... (Ngẩng đầu lên. Tìm kiếm.) Trong tâm can. (Bà viết. Tiếp tục đọc.) Trong tâm can những kẻ còn sống sót bây giờ. (Một lát.) Bà cảm thấy cô đơn, cô đơn vô cùng. Bà sẽ ra sao đây? Bà không yêu công tước. Bà vừa chứng tỏ bà khinh ông ta đến độ nào rồi. Từ trước bà vẫn khinh ông ta. Sự khinh bỉ giết chết dần dần. Công tước chỉ còn là cái bóng của chính ông ta. Ngay những ngày đầu tiên đám cưới, nữ công tước đã cảm thấy trước cái hố sâu chia rẽ hai người rồi. Một hố sâu không thông cảm. Liền sau đó là sự dày vò cắn rứt. Do lần đám cưới thứ nhất, công tước có được một người con... (Bà sửa lại bản thảo. Tiếp tục đọc.) Do lần hôn nhân thứ nhất, công tước có được một người con mà nữ công tước không làm sao yêu được, vì tìm thấy nơi thằng bé yếu ớt đó tất cả các vết sỉ nhục của người cha. Cái hố sâu giữa bà và chồng bà mỗi ngày lại càng sâu hơn, không những bị đào xới bởi việc hai người không hiểu được nhau, mà còn bởi sự hiện diện của thằng bé Patrice. Cho đến ngày thảm kịch bùng nổ. Người ta tìm thấy thằng bé nằm chết trên giường. Có tiếng đồn rằng cái chết đó không được tự nhiên. Nhưng người ta đã bưng bít những tiếng đồn đó đi. Công tước và nữ công tước ra đi về miền biển ở và chỉ trở về... (Bà ngẩng đầu lên.) Ra miền biển? (Một lát.) Đi trượt tuyết trên núi. (Một lát.) Đi Ấn độ! Đi Ấn độ! (Bà sửa lại. Tiếp tục đọc.) Và chỉ trở về hai năm sau. Họ nối lại tình thân hữu với bạn bè rất nhanh nhờ tiền của lớn lao của họ. (Ngẩng đầu lên.) Tâm lý thật hay. (Tiếp tục đọc.) Những cuộc lễ lại bắt đầu trở lại, những cuộc vui và những cuộc khiêu vũ. (Có người gõ ở cửa kính.) Gì đó? (Cùng một cách diễn. Bà ta đến mở cửa.)

TIẾNG NÓI Ở NGOÀI: Xin bà vui lòng chỉ hộ phòng của nữ công tước Bois-Suspect.

BÀ TROUILLE: Sân đầu tiên, cầu thang lớn, tầng thứ hai bên phải. (Một lát.) Hôm nay có tiếp tân? (Một lát.) Một tiệc rượu? (Bà đóng cửa. Trở lại chỗ cũ ở bàn. Sửa bản thảo.) Những cuộc lễ lại bắt đầu, những tiệc rượu và những cuộc khiêu vũ.

TIẾNG ÔNG TROUILLE: Người ta hỏi ai đấy bà?

BÀ TROUILLE: Tiệc rượu ở phòng nữ công tước.

(Ông Trouille đi vào.)

ÔNG TROUILLE: Sao?

BÀ TROUILLE: Tiệc rượu.

ÔNG TROUILLE: Họ sắp quấy rầy ta như vậy suốt đêm rồi đấy. Tôi sẽ móc một tờ cáo tri. Nữ công tước ở tầng thứ hai. (Ông ta lấy một miếng giấy trên bàn và bắt đầu viết.)

BÀ TROUILLE: Nếu có ai bị quấy rầy thì tôi cho rằng người ấy chính là tôi đấy. (Một lát bà nhìn ông ta viết.) Hãy viết bà nữ công tước.

ÔNG TROUILLE: Tôi biết rồi.

BÀ TROUILLE: Ông biết, ông biết! Ông mà biết cái gì, hả cái đồ bạc nhược khốn khổ kia?

(Ông Trouille đến móc tờ cáo tri trên cửa lớn.)

 

 

------------------------------
Bà gác-dan thông thái là bản dịch từ nguyên tác Pháp văn La Concierge érudite của Robert Pinget, đăng lần đầu tiên trên tuần báo Le Figaro Littéraire số 1024, ngày 2.12.1965, từng xuất hiện trên một tạp chí văn học ở Saigon trước khi được đưa vào Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, do Hoàng Ngọc Biên giới thiệu và dịch, 328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1969.
 
* Chữ phóng tác.
** Teutons: dân thuộc nước Đức xưa, từng xâm lăng nước Pháp xứ (Gaule) và bị Marius đánh không còn manh giáp gần Aix-en-Provence.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021