kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Ly rượu cuối cùng
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

HAROLD PINTER

(1930~)

 

Lời người dịch:
 
Khi đọc One For the Road, những người có dịp tiếp xúc với tác phẩm của Harold Pinter từ những vở kịch đầu tiên chắc hẳn sẽ thấy nổi bật một sự thay đổi khá lớn: vở kịch được viết như một câu trả lời đặc biệt với một tình thế đặc biệt, trong khi những vở như The Birthday Party, The Dumb Waiter hay The Hothouse chẳng hạn, ẩn dụ ở mức độ cao và khá rõ, nhưng cũng rõ là đã được viết không có chủ ý đi đến kết cục đặc biệt nào, ngoài việc phơi bày những lạm dụng quyền lực mà Pinter cho đến ngày xuất hiện trên màn ảnh tại buổi lễ nhận Giải Nobel văn chương cuối năm nay đã không ngừng lên tiếng chống đối dữ dội. One For the Road là vở đầu tiên (1984) Pinter cho thấy sức ép của những kẻ có quyền là tàn bạo, phi nhân, nguy hiểm như thế nào qua hành động cụ thể và trực tiếp. Những ẩn dụ một thời nay đã trở thành sự kiện, như Pinter từng trả lời Nicholas Hern trong bài phỏng vấn năm 1985:
 
Tôi không thực sự coi One for the Road là một ẩn dụ. Về bất cứ gì. Nó mô tả một hoàn cảnh trong đó có những nạn nhân bị tra tấn. Ta có kẻ tra tấn, ta có những nạn nhân. Và ta có thể nhìn thấy hai trong những nạn nhân đã bị tra tấn thể xác... *
 
Có ít nhất chín mươi quốc gia ngày nay vẫn sử dụng tra tấn khá phổ biến – như một việc ngày thường đã được chấp nhận. Bất cứ bỏ tù, hay bắt bớ, đều có tra tấn đi theo. Và ở cả hai phía của hàng rào, cộng sản hay không cộng sản. Trong thực tế thì ở bên phía được gọi là phía “chúng ta” bên này hàng rào – tôi đặc biệt liên hệ Trung Mỹ và Nam Mỹ – nhiều hơn ở bên phía được gọi là phía “bọn họ” bên kia hàng rào.*
 
Bạo hành thể xác, nghĩa là giết người và hiếp dâm, là những sự kiện được đưa ra trong One for the Road.
 
Tuy nhiên, cái khác biệt giữa thời trước và bây giờ ấy là thời trước, vào năm 1957, những trại tập trung hãy còn là một vết thương để hở mà không ai có thể làm như không biết, trong khi bây giờ người ta quên quá dễ cái kinh hoàng đang diễn ra quanh chúng ta.*
 
Người đọc Pinter thực tình không phải đã không nhìn ra những vở kịch trước kia của Pinter phản ảnh một thái độ khó chịu trước những sự kiện nay đã trở thành lịch sử, cho dù là lịch sử đau buồn, như cuộc Cách mạng Hungary, việc sát nhập Đông Âu vào Liên bang Xô viết... Nhưng trong mắt nhìn của nhà văn, cái kiểu suy nghĩ đưa đến những hành động trịch thượng “bọn chúng là quái vật – chúng ta là thiên thần” cũng làm ông không yên tâm và... mất bình tĩnh.
 
Với One for the Road Pinter không chỉ nêu lên một sự kiện tra tấn, mà là một tình hình tra tấn... chính thức trên thế giới, trong nghĩa được các chính phủ cho phép. Khởi đầu là những gì xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi người ta dành chỗ khá nhiều trong các nhà tù khá rộng cho một số lượng người khá đáng kính vì cái tội khá rõ ràng, là đòi hòa bình, chống độc tài. Nhiều tổ chức quốc tế từng lên tiếng tố cáo tình trạng này, nhưng khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận ra cái vị trí “ngon lành “ là tiền đồn ngó qua biên giới Nga của mình, có nghĩa tất nhiên là chắc ăn sẽ lâu dài được che chở, thì những người tốt của phe “chúng ta” trở thành thô bạo không kém, và thô bạo một cách chính thức, một cách có đạo đức, có dân chủ... so với những thô bạo đã được chính thức coi là của “bọn quỉ”. One For the Road là một vở kịch được viết khi những hình ảnh và sự kiện đã đầy ắp trong đầu nhà văn: ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông tiếp xúc với người dân, những người dân hiền lành ngây thơ vô tội, cả những phụ nữ khả ái, và không ít người trong số đó thản nhiên cho rằng việc bắt bớ và tàn sát người không xét xử, không dựa theo tội trạng, trong tình hình đe doạ của cộng sản, là... việc đương nhiên hợp lý. Nhắc đến đất nước có hân hạnh được Mỹ coi là tiền đồn này, cái tiền đồn có nhiệm vụ bi đát “giữ cho thế giới được sạch sẽ và dân chủ”, nhưng khi nói chuyện với người phỏng vấn về hiểm hoạ một thế giới đã học quen sự dửng dưng trước những hành động dã man của các chính quyền, Pinter (thời điểm phỏng vấn là tháng 2.1985) gần như lúc nào cũng đặt Tiệp Khắc bên cạnh Chilê.
 
Năm 1948 việc Nga xóa sổ Đông Âu quả là một sự kiện rõ ràng thô bạo, nhưng hồi đó tôi cảm thấy rất mạnh và ngày nay cũng cảm thấy mạnh như thế, rằng chúng ta có bổn phận phải đặt những hành động và thái độ của riêng mình vào một lối xem xét có tính phê phán và tinh thần tương đương với tình hình ấy...
 
Mong người đọc bản chuyển ngữ Ly rượu cuối cùng (bản dịch năm 1986 được một người bạn ở Việt Nam cất giữ gần đây đã được gửi về Mỹ... cho tạp chí Văn) có thể nhận ra được phần nào tại sao Harold Pinter trên giường bệnh vẫn còn bận tâm chống đối mạnh mẽ như thế, và tại sao sự chống đối ấy dễ dàng gặp phải phản ứng mạnh mẽ không kém, cho rằng Pinter chống đối một chiều.
 
Chúng ta có thể nào nghĩ ra nhà viết kịch tài hoa có vẻ như đã lên tiếng một chiều, bởi lẽ chiều này là chuyện bức thiết, trong khi chiều kia đã... chiều?
 
----------------------
* Những dòng in nghiêng trích từ bài "Phỏng vấn" đã được in chung với kịch bản One For the Road, Nxb. Methuen, London, trong ấn bản năm 1985.

 

__________________

 

LY RƯỢU CUỐI CÙNG *

 

Một căn phòng. Buổi sáng.
NICOLAS trước bàn giấy. Hắn chồm người ra trước và nói vào máy.
 
NICOLAS

Đưa nó vào đây.

 
Hắn ngồi xuống lại. Cửa mở. VICTOR bước vào, chậm rãi. Áo quần anh tơi tả. Mình mẩy anh thâm tím. Cánh cửa đóng lại sau lưng anh.

Hello! Chào mi. Mi mạnh giỏi? Chúng ta hãy đừng nên nói lòng vòng nữa. Nói gì cũng được nhưng không được loanh quanh. D’accord?[1] Mi là người văn minh. Ta cũng thế. Ngồi xuống đi.

 
VICTOR từ từ ngồi xuống.
 
NICOLAS đứng, bước đến gần anh ta.

Mi nghĩ đây là cái gì đây? Nó là ngón tay của ta. Và đây là ngón tay út của ta. Ta huơ huơ ngón tay lớn của ta trước mắt mi. Như thế này. Và bây giờ ta cũng làm như thế với ngón tay út của ta. Ta cũng có thể dùng cả hai... cùng một lúc. Như thế này. Ta tuyệt đối có thể làm bất cứ gì ta thích. Mi có nghĩ là ta điên không? Mẹ ta nghĩ thế đấy.

Hắn phá ra cười.

Mi có nghĩ huơ huơ ngón tay trước mắt người khác là điên không? Ta có thể nhận ra mi nghĩ như thế nào rồi. Mi là một người cực kỳ thông minh. Thế nhưng mi có sẽ nhìn kiểu như thế nếu đây là chiếc giày[2] của ta – hay cái củ cặc của ta? Không phải mắt ta. Mắt của người khác. Mắt của bọn người tụi nó mang đến đây cho ta. Làm hại chúng nó dễ quá mà. Linh hồn chiếu sáng qua chúng nó. Này mi có theo đạo nào không? Ta thì có. Theo mi nghĩ Chúa trời[3] về phe nào? Ta sẽ uống chút rượu đây.

Hắn đến tủ buýp phê, rót uýt ki.

Chắc là mi đang tự hỏi con vợ mi hiện ở đâu. Nó đang ở trong một phòng khác.

Hắn uống.

Con đàn bà đẹp đấy.

Hắn uống.

Trời ơi, ngon thật.

Hắn rót một ly khác.

Mi đừng lo, ta nhậu được mà.

Hắn uống.

Mi chắc là đã nhận ra ta cũng thích nói chuyện gẫu. Chắc mi nghĩ ta thuộc một hệ thống biết dự kiến, có qui tắc, lập ra từ lâu; nghĩa là ta nói chuyện gẫu liên miên, nói thân mật, vô tư, ta khai hỏa, có thể nói thế, một cách nhẹ nhàng, gần như là thảnh thơi, trong khi có người khác đang đợi ngoài hành lang, im lặng, nghe ngóng, căng cuộn như một con báo sư tử. Không, không. Không phải hoàn toàn như thế đâu. Ta là chủ ở chỗ này. Chúa trời có nói cũng nói qua ta. Là ta nhân thể nói tới Kinh Cựu ước kia, mặc dù còn lâu ta mới là Do thái. Ở đây mọi người đều kính trọng ta. Kể cả mi, ta cho là thế? Theo ta nghĩ thì đó là thái độ đúng đắn.

Một lát.

Đứng dậy.

 
VICTOR đứng dậy.

Ngồi xuống.

 
VICTOR ngồi xuống.

Cám ơn mi lắm.

Một lát.

Mi nói ta nghe xem...

Im lặng.

Con vợ mi quả là một con đàn bà đẹp. Mi hên lắm. Nói ta nghe thử... một ly cuối cùng, ta nghĩ...

Hắn rót rượu.

Mi kính trọng ta chứ, ta cho là thế?

 
Hắn đứng ngay trước mặt VICTOR và cúi nhìn xuống anh này.
 
VICTOR nhìn lên.

Ta hẳn là có lý khi ta cho là thế?

Im lặng.
 
VICTOR (trầm tĩnh)

Tôi không quen biết ông.

 
NICOLAS

Nhưng mi kính trọng ta.

 
VICTOR

Tọi không quen biết ông.

 
NICOLAS

Mi muốn nói là mi không kính trọng ta?

Một lát.

Mi muốn nói là mi sẽ kính trọng ta nếu như mi biết ta rõ hơn? Thế mi có muốn biết ta rõ hơn không?

Một lát.

Mi có muốn biết ta rõ hơn không?

 
VICTOR

Điều tôi muốn... chẳng liên quan gì đến chuyện này.

 
NICOLAS

Ồ có chứ, có đấy.

Một lát.

Ta nghe người ta nói nhiều về mi. Gặp mi đây ta quả là hài lòng vô cùng. Ấy, ta không biết hài lòng có phải đúng là chữ ta muốn nói không. Với ngôn ngữ chúng ta phải rất thận trọng. Hào hứng. Ta thấy hào hứng. Trước tiên là vì ta đã nghe người ta nói nhiều về mi. Thứ hai là vì nếu như mi không kính trọng ta thì mi đúng là độc đáo. Mọi người khác đều biết là Chúa trời phán qua ta. Vậy ra mi không có lòng tin, ta cho là thế?

Một lát.

Mi không tin là có một thứ ánh sáng dẫn đường?

Một lát.

Vậy mi tin gì?

Một lát.

Vậy thì... về mặt tinh thần... mi đang lội bì bõm trong một vũng cứt nhẹp. Mi biết đấy... giống như khi người ta ăn phải một cái omơlét thối.

Một lát.

Ta nghĩ ta đáng được một ly cuối cùng.

Hắn rót rượu, uống.

Mi có uống uýt ki không?

Một lát.

Ta nghe nói mi có một căn nhà dễ thương lắm. Toàn sách là sách. Có người mách với ta rằng mấy đứa trong bọn nhóc của ta đã đá lung tung chỗ sách của mi. Đái cả trên những thảm trải nhà, đại khái những chuyện như thế. Ta mong chúng không làm như thế. Ta mong thật tình đấy. Nhưng mi biết nó ra sao rồi –chúng có bao nhiêu là trách nhiệm – và chúng ý thức những trách nhiệm ấy – những trách nhiệm ấy – thường xuyên hiện diện – ngày cũng như đêm – và thế là, có đôi khi, chúng đái trên vài ba tấm thảm. Mi hiểu đấy. Mi đâu phải là ngu.

Một lát.

Con trai mi khoẻ chứ?

 
VICTOR

Tôi không biết.

 
NICOLAS

Ồ, ta chắc chắn là nó khoẻ thôi. Nó bao nhiêu tuổi nhỉ... bảy... hay xấp xỉ thế? Tốt tướng, nghe người ta nói thế. Ấy tuy nhiên, nó hành động như vừa qua thì quả là điên rồi. Thế nhưng nó khoẻ chứ?

 
VICTOR

Tôi không biết.

 
NICOLAS

Ồ, ta chắc chắn là nó khoẻ thôi. Dù sao, ta cũng sắp có chuyện muốn nói với nó và sẽ xem xem sao. Nó đang đâu đó ở tầng hai, ta tin thế.

Một lát.

Còn bây giờ thì...

Một lát.

Mi nói sao đây? Chúng ta có phải là bạn không?

Một lát.

Ta sẵn sàng nói thành thật, như một người bạn thật sự. Ta thích cái chết. Còn mi thì sao?

Một lát.

Mi thì sao? Mi có thích cái chết? Không bắt buộc phải là cái chết của mi. Của người khác ấy. Cái chết của người khác. Mi có thích cái chết của người khác không, hoặc nữa, bằng mọi giá, mi có thích người khác chết nhiều như ta đây thích không?

Một lát.

Lúc nào mi cũng lờ đờ như thế này sao? Ta tưởng mi thích kiểu đấu đá mặt đối mặt chứ.

Một lát.

Chết. Chết. Chết. Chết. Như nhận xét trước đây của những chính quyền đáng kính nhất, chết là đẹp. Đó là cái trong sáng nhất, êm ái nhất trên thế gian này. Chuyện ăn nằm giao cấu so với nó chẳng thấm tháp vào đâu.

Hắn uống.

Nhân nói tới chuyện giao cấu...

Hắn cười cái cười man dại, ngừng.

Con đó nó... đụ chứ? Hay nó có...? Hay là nó có... thích... mi biết đấy... gì nhỉ? Nó thích làm chuyện gì? Ta nói về con vợ mi đó. Vợ của mi.

Một lát.

Mi có biết cái chuyện tiếu lâm hồi xưa? Sao, nó có đụ không?

Nặng nề, bằng một giọng khác.

Nó đụ chứ!

Hắn phá ra cười.

Tất nhiên là câu hỏi khó trả lời. Hỏi như thế có thể có nghĩa là nó đụ như một con thỏ cái... hay nó không đụ tí nào?

Một lát.

Được, chúng ta ai nấy đều là sản phẩm của Chúa trời. Ngay cả vợ mi.

Một lát.

Ở đây chỉ có một bổn phận. Là lương thiện. Mi không có bổn phận nào khác. Mi hãy cân nhắc đi. Trong đầu ấy. Mi có biết ai đang lãnh đạo đất nước này không? Không biết? Vậy thì, đấy là một con người tuyệt vời. Hôm mới đây, ông ấy kéo riêng ta ra, ta nghĩ là thứ Tư tuần rồi, ông ấy kéo riêng ta ra tại một cuộc tiếp tân, toàn là những người quyền cao chức trọng đến viếng, ông kéo riêng ta ra, ta đây, và ông bảo ta, ông bảo, bằng một thứ giọng mà ta chỉ có thể mô tả như một tiếng thì thầm khàn khàn, Nic, ông bảo, Nic (đấy là tên của ta), Nic, nếu có khi nào cậu tình cờ gặp một tên nào mà cậu có lý do đúng đắn để tin là đang chọc tức ta, hãy cho chúng biết lương thiện là cách xử sự tốt nhất. Miếng phó mát ngon hết sẩy. Của con dê. Một ly cuối cùng.

Hắn rót rượu.

Con vợ mi và ta đã có một buổi chuyện trò rất ngon lành nhưng ta không thể không có nhận xét là lúc ấy không phải là lúc sung sức nhất của nó. Có lẽ nó đang có kinh. Đàn bà vẫn thế mà.

Một lát.

Mi biết đấy, anh bạn ạ, ta còn thích nhiều chuyện khác, ngoài chuyện chết chóc. Nhiều chuyện lắm. Thiên nhiên. Cây cối, những thứ như thế. Một bầu trời xanh đẹp đẽ. Hoa nở.

Một lát.

Mi nói ta nghe coi... thật tình... mi bắt đầu yêu ta rồi?

Một lát.

Ta nghĩ vợ mi thì có. Bắt đầu. Nó bắt đầu mê ta rồi. Nó đang khởi sự bắt đầu... bắt đầu gục ngã. Cái phiền là, ta đang gặp những địch thủ. Bởi vì ở đây ai nấy đều mê vợ mày. Chính đôi mắt con ấy đã mê hoặc bọn chúng. Tên vợ mi là gì nhỉ? Gila... hay là gì đó?

Một lát.

Mi thích làm ai hơn? Làm mi hay là làm ta?

Một lát.

Nếu ta là mi, ta sẽ chọn ta. Cái phiền với mi, mặc dù ta nhìn nhận là mi có những phẩm chất xứng đáng, ấy là mi ở bên phe đang thua, trong khi ta thì chẳng thể phạm một sai sót nào. Mi hiểu ta nói gì chứ? Ôi trời ơi, xin cho con xưng tội, xin cho con được xưng tội với người. Con chưa bao giờ thấy cảm động hơn, trong suốt cả cuộc đời con, hơn là khi – chỉ mới ngày hôm nọ, thứ Sáu tuần rồi, con nghĩ thế – khi con người lãnh đạo đất nước này tuyên bố với cả nước: Tất cả chúng ta đều là người yêu nước, chúng ta muôn người như một, chúng ta tất cả đều chia chung một di sản. Trừ có mi, hẳn là như thế.

Một lát.

Ta cảm thấy có một mối liên lạc, mi thấy chưa, một sợi dây ràng buộc. Ta có chân trong một khối cộng đồng những lợi ích. Ta không cô độc. Ta không cô độc!

Im lặng.
 
VICTOR

Giết tôi đi.

 
NICOLAS

Sao?

 
VICTOR

Hãy giết tôi đi.

 
NICOLAS đến gần anh ta, và đặt cánh tay ôm quàng qua anh ta.
 
NICOLAS

Có chuyện gì thế?

Một lát.

Trời ơi là trời có chuyện gì thế?

Một lát.

Mmmnnn?

Một lát.

Có lẽ chỉ là mi đói bụng. Hay khát nước. Hãy để ta nói với mi cái này. Ta ghét tuyệt vọng. Ta thấy nó là loại không tha thứ được. Cái mùi thối của nó bốc lên mũi ta. Nó đúng là một vết nhơ. Tuyệt vọng, ông bạn ạ, chính nó là ung thư. Phải cắt bỏ nó đi. Quả thật, là ta thường thấy chuyện đó làm được. Chặt đứt phăng mấy hòn dái và thế là tuyệt vọng bay mất qua cửa sổ. Và ở lại với ta là một anh chàng hạnh phúc. Hay một cô nàng hạnh phúc. Cứ nhìn ta đây này.

 
VICTOR nhìn hắn.

Linh hồn mi chiếu sáng qua đôi mắt mi.

 

 

Sân khấu tối đen.

 
 
Đèn sáng. Buổi chiều.
 
NICOLAS đứng với một cậu bé.
 
NICOLAS

Tên mày là gì?

 
NICKY

Nicky.

 
NICOLAS

Thật à? Lạ quá nhỉ.

Một lát.

Mày có thích bọn cao bồi và Da đỏ không?

 
NICKY

Có. Tí thôi.

 
NICOLAS

Vậy thì thật sự mày thích gì?

 
NICKY

Tôi thích máy bay.

 
NICOLAS

Máy bay thật hay máy bay đồ chơi?

 
NICKY

Tôi thích cả hai loại.

 
NICOLAS

Thế à?

Một lát.

Tại sao mày thích máy bay?

Một lát.
 
NICKY

Thì là... bởi vì nó bay nhanh vô cùng. Trên bầu trời. Những chiếc máy bay thật.

 
NICOLAS

Thế máy bay đồ chơi?

 
NICKY

Tôi giả bộ cho nó bay nhanh như máy bay thật.

Một lát.
 
NICOLAS

Mày có thương má và ba mày không?

Một lát.

Mày có thương má và ba mày không?

 
NICKY

Có.

 
NICOLAS

Tại sao?

Một lát.

Tại sao?

Một lát.

Mày thấy câu hỏi kia khó trả lời hả?

Một lát.
 
NICKY

Má đâu rồi?

 
NICOLAS

Mày không thích má mày và ba mày phải không?

 
NICKY

Có. Tôi thích.

 
NICOLAS

Tại sao?

Một lát.

Mày có thích làm một người lính khi mày lớn không?

 
NICKY

Cũng không sao.

 
NICOLAS

Mày thấy không sao? Tốt. Vậy là mày thích lính. Tốt. Thế mà mày nhổ nước bọt vào lính của ta và mày còn đá họ nữa. Mày đã tấn công họ.

 
NICKY

Họ là lính của ông sao?

 
NICOLAS

Họ là lính của tổ quốc mày.

 
NICKY

Tôi không thích mấy người lính đó.

 
NICOLAS

Họ cũng chẳng thích mày, cưng ạ.

 

 

Sân khấu tối đen.

 
 
Đèn sáng. Buổi chiều.
 
NICOLAS ngồi. GILA đứng. Áo quần cô tơi tả. Mình mẩy thâm tím.
 
NICOLAS

Chị gặp chồng chi khi nào?

 
GILA

Khi tôi mười tám tuổi.

 
NICOLAS

Tại sao?

 
GILA

Tại sao?

 
NICOLAS

Tại sao?

 
GILA

Tôi gặp anh ấy thế thôi.

 
NICOLAS

Tại sao?

 
GILA

Tôi không tính trước chuyện này.

 
NICOLAS

Tại sao không?

 
GILA

Tôi không quen anh ấy trước đó.

 
NICOLAS

Tại sao không?

Một lát.

Tại sao không?

 
GILA

Tôi không có quen anh ấy trước đó.

 
NICOLAS

Tại sao không?

 
GILA

Tôi gặp anh ấy.

 
NICOLAS

Khi nào?

 
GILA

Khi tôi mười tám tuổi.

 
NICOLAS

Tại sao?

 
GILA

Anh ấy ở trong phòng.

 
NICOLAS

Phòng?

Một lát.

Phòng à?

 
GILA

Cùng một phòng.

 
NICOLAS

Với gì?

 
GILA

Với phòng tôi.

 
NICOLAS

Với phòng tôi?

 
GILA (hét lớn)

Với phòng tôi!

 
Một lát.
 
NICOLAS

Phòng? Phòng nào?

 
GILA

Một phòng.

 
NICOLAS

Phòng nào?

 
GILA

Phòng của cha tôi.

 
NICOLAS

Cha chị? Cha chị dính dáng gì tới chuyện này?

Một lát.

Cha chị? Chị táo tợn dữ ha? Đồ con đĩ.

Một lát.

Cha chị là một con người kỳ diệu. Đất nước ông hãnh diện về ông. Ông ấy chết rồi. Ông từng là một con người đáng tôn kính. Ông chết rồi. Bộ chị sẵn sàng xúc phạm đến hương hồn cha chị sao?

Một lát.

Bộ chị sẵn sàng phỉ báng, hạ thấp, hương hồn cha chị? Cha chị từng chiến đấu cho tổ quốc ông ấy. Ta biết ông ấy. Ta tôn kính ông ấy. Mọi người đều tôn kính ông. Ông tin ở Chúa trời. Ông không suy nghĩ, như cả lũ cứt ỉa nhà chị. Ông sống. Ông sống. Con người ông làm bằng thép bằng vàng. Ông có chết, ông có chết, ông có chết, là chết cho tổ quốc ông, cho Chúa trời của ông. Và ông đã chết, ông đã chết, ông đã chết, cho Chúa trời của ông. Chị đúng là đồ cục cứt. Đẻ ra một đứa con gái như thế. Ôi số phận. Ôi, cái linh hồn tội nghiệp dằn vặt kia, mãi mãi bị ám ảnh bởi cái thứ cặn bã và nước dãi đó. Làm sao chị dám nói về cha chị với ta? Ta yêu ông ấy, y như ông là cha đẻ ra ta vậy.

Im lặng.

Chị gặp chồng chị ở đâu?

 
GILA

Ngoài đường.

 
NICOLAS

Chị đang làm gì ở đó?

 
GILA

Đang bước đi.

 
NICOLAS

Hắn đang làm gì ở đó?

 
GILA

Đang bước đi.

Một lát.

Tôi đánh rơi cái gì đó. Anh ấy nhặt lên.

 
NICOLAS

Chị đánh rơi cái gì?

 
GILA

Tờ báo ra buổi chiều.

 
NICOLAS

Lúc ấy chị say rượu.

Một lát.

Chị bị say thuốc.

Một lát.

Chị bỏ trốn khỏi bệnh viện.

 
GILA

Tôi không có ở bệnh viện.

 
NICOLAS

Bây giờ chị đang ở đâu?

Một lát.

Bây giờ chị đang ở đâu? Chị có nghĩ là chị đang ở bệnh viện không?

Một lát.

Chị có nghĩ là trên lầu bọn ta có mấy bà xơ không?

Một lát.

Chúng ta có gì ở trên lầu?

 
GILA

Không có bà xơ.

 
NICOLAS

Chúng ta có gì?

 
GILA

Mấy thằng đàn ông.

 
NICOLAS

Chúng nó có hiếp chị không?

Cô ta nhìn thẳng vào hắn.

Bao nhiêu lần rồi?

Một lát.

Chị bị hiếp bao nhiêu lần rồi?

Một lát.

Bao nhiêu lần?

Hắn đứng dậy, tiến lại gần cô, đưa ngón tay trỏ lên.

Đây là ngón tay trỏ của ta. Và đây là ngón tay út của ta. Chị nhìn đây. Ta huơ huơ mấy ngón tay trước mắt chị. Như thế này. Chị bị hiếp bao nhiêu lần rồi?

 
GILA

Tôi không biết.

 
NICOLAS

Và chị tự cho mình là người chứng đáng tin cậy?

Hắn đến tủ buýp phê, rót rượu,
ngồi xuống, uống.

Chị là người đàn bà đẹp lắm. Đúng ra, là trước đây chị đẹp.

Hắn ngửa người ra sau, uống, thở dài.

Con trai chị... bảy tuổi. Nó là một thằng nhóc củ cặc. Chị biến nó thành như vậy. Chị dạy nó trở thành như vậy. Truớc đây chị có quyền chọn lựa. Lẽ ra chị nên khuyến khích nó làm một thằng đàng hoàng. Thay vì vậy, chị khuyến khích nó làm thằng nhóc củ cặc. Chị khuyến khích nó nhổ nước bọt, đánh vào cả những người lính danh dự, những người lính của Chúa trời.

Một lát.

Ô nghĩa là... trong một nghĩa nào đó ta giả dụ đây là chuyện hoàn toàn lý thuyết.

Một lát.

Với ta chị chẳng có gì đáng quan tâm. Ta có thể thả chị ra khỏi đây, vào thời điểm thích hợp. Thế nhưng ta nghĩ chị có thể giải trí cho hết bọn chúng ta ở đây thêm một chút trước khi chị đi.

 

 

Sân khấu tối đen.

 
 
Ánh đèn. Đêm.
 
NICOLAS đứng.
VICTOR ngồi.
VICTOR ăn mặc sạch sẽ.
 
NICOLAS

Anh mạnh giỏi chứ? Sống sót?

 
VICTOR

Vâng.

 
NICOLAS

Vâng?

 
VICTOR

Vâng. Vâng.

NICOLAS

Thật sao? Bằng cách nào?

 
VICTOR

Ồ...

Một lát.
 
NICOLAS

Ta không nghe được.

 
VICTOR

Cái miệng tôi.

 
NICOLAS

Cái miệng?

 
VICTOR

Cái lưỡi.

 
NICOLAS

Cái lưỡi nó làm sao?

Một lát.

Uống một ly chứ? Một ly cuối cùng. Sao, uống một ly chứ?

Hắn đến cầm chai rượu, rót vào hai cái ly, đưa một ly cho VICTOR

Uống đi. Nó sẽ làm cho anh mặc sức vui chơi.[4] Rồi sau đó chúng ta sẽ tìm người cho anh giải quyết.[4]

Hắn cười.

Chúng tôi có thể làm như thế, anh biết đấy. Chúng tôi có một ổ điếm hạng nhất ở lầu trên, tầng thứ sáu, có cả đèn chùm trên trần nhà, có đủ mọi thứ. Bọn nữ chúng nó sẽ mút của anh vào rồi khạc ra thành những bọt tăm nhỏ. Mọi người đều là tự nguyện. Bố cưng của bọn chúng nó đều làm việc cho chúng tôi. Và công việc ấy, tôi xin nhắc anh nhớ, là giữ cho thế giới được sạch sẽ, để phục vụ Chúa trời. Anh hiểu chứ? Uống đi. Uống đi. Anh từ chối uống rượu với tôi sao?

 
VICTOR uống. Cái đầu anh ngả ra sau.

Chúc sức khoẻ.

 
NICOLAS uống.

Anh có thể đi.

Một lát.

Anh có thể đi khỏi đây. Chúng ta sẽ gặp nhau lại, tôi hi vọng thế. Tôi dám tin là chúng ta sẽ vẫn là bạn như thế này. Đi ra đi. Hãy vui chơi với đời. Hãy ngoan ngoãn. Hãy yêu vợ anh. Nhân thể, cho anh biết là nó sẽ về với anh trong vòng một tuần lễ nữa. Nếu như nó sung sức. Vâng. Tôi có cảm tưởng là cả hai chúng ta đều có lợi sau những cuộc bàn luận.

 
VICTOR nói lẩm bẩm.

Sao?

VICTOR nói lẩm bẩm.

Sao?

VICTOR

Con trai tôi.

 
NICOLAS

Con trai anh? Ồ, đừng lo cho nó. Nó chỉ là một thằng nhóc củ cặc.

 
VICTOR đứng thẳng người và nhìn thẳng vào NICOLAS
 
Im lặng.
 

Sân khấu tối đen.

 
 
-----------------------------
Chú thích của người dịch:
* One for the road: một ly rượu cuối cùng, “dứt điểm”, trước khi ra về, từ một quán rượu, một tiệc vui, vân vân.
 
[1] Tiếng Pháp trong nguyên tác: Đồng ý?
[2] Boot: Giày ống. Có một loại dụng cụ tra tấn hình chiếc giày, xưa gọi là giày tra tấn.
[3] God trong nguyên tác. Có lẽ mỗi người có trong đầu một chữ tiếng Việt thích hợp với chữ có nghĩa khá rộng này, cho toàn văn vở kịch. Các chữ “Chúa trời” sử dụng trong bản chuyển ngữ đều chỉ là một đề nghị.
[4] It’ll put lead in your pencil (Rượu sẽ đem than bút chì để vào cây bút chì của anh) có nghĩa là sẽ làm tăng cường lực cho anh khi làm tình; mệnh đề này đi trước mệnh đề And then we’ll find someone to take it out: (Và sau đó chúng ta sẽ kiếm ai đó để lôi nó ra) có nghĩa là... sẽ tìm người cho anh tiêu hết cường lực ấy. Hai mệnh đề liên hệ, nên đổi cách chuyển ngữ mệnh đề trên, mệnh đề dưới cũng cần đổi cách chuyển ngữ.
 
 
-----------------
Bản dịch này đã đăng trên tạp chí Văn, số 109 & 110, tháng 1 & 2/2006, Xuân Bính Tuất, trang 132-153.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021