ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
Nghệ sĩ piano Nam Tư – người đã “giết Chopin”


Nguyễn Đình Đăng dịch từ Zdenko Antic,

 

Lời người dịch:
Đây là một trong những bài báo đầu tiên được viết chưa đầy một tháng sau khi cuộc thi piano quốc tế Frederic Chopin lần thứ X kết thúc tại Warsaw (2 – 19/10/1980). Tại cuộc thi này, nghệ sĩ piano 22 tuổi người Nam Tư Ivo Pogorelich đã bị loại khỏi vòng chung kết. Việc loại Ivo Pogorelich đã khiến nghệ sĩ piano Martha Argerich giận dữ bỏ hội đồng giám khảo sau khi nói rằng bà thấy xấu hổ vì người ta đã loại một thiên tài. Có những thông tin khẳng định việc loại Pogorelich là kết quả của một sự dàn xếp do Liên Xô áp đặt trước cuộc thi nhiều tháng, mà hãng Deutsche Grammophon gọi là một “âm mưu chính trị Xô Viết”. Nghệ sĩ piano Việt Nam Đặng Thái Sơn – người được giải nhất cuộc thi năm đó, trong một trả lời phỏng vấn mới đây, cũng đã đề cập tới vụ xì-căng-đan này. Bài này và chuỗi bài ở cuối nhằm chia sẻ một số thông tin và quan điểm liên quan mà có lẽ nhiều độc giả tại Việt Nam chưa được biết.
N.Đ.Đ.

 

Tóm tắt:
Tại cuộc thi piano quốc tế Frederic Chopin năm nay ở Warsaw, nghệ sĩ piano trẻ tuổi người Nam Tư Ivo Pogorelich đã trở thành đối tượng của một cuộc tranh cãi chưa từng thấy. Bất chấp cách trình bày Chopin xuất sắc, tuy gây tranh cãi của anh, Pogorelich đã bị loại khỏi cuộc thi và không được phép tham gia vòng chung kết. Quyết định của hội đồng giám khảo đã gây nên một dòng thác phản đối, và kết quả là Pogorelich đã được trao giải thưởng đặc biệt của Liên đoàn Sinh viên Ba Lan và các nhà phê bình vì là “Nhân cách nghệ thuật độc đáo nhất và một tài năng ngoại hạng.”

 

*

 

Anh ta là một trong những nghệ sĩ piano hay nhất mà tôi từng được nghe trong 80 năm,” một nhạc sĩ theo dõi cuộc thi nói. “Anh ta rõ ràng là một thiên tài,” một nhạc sĩ khác kêu lên; và một người đàn ông Pháp trong số thính giả hôn lên đầu ngón tay mình rồi nói, “Chà, anh ta chơi được, nhưng anh ta đã giết Chopin.”[1]

Đó là những ý kiến điển hình được bày tỏ rất xúc động sau trình diễn của nghệ sĩ piano trẻ tuổi người Nam Tư Ivo Pogorelich tại cuộc thi piano quốc tế Frederic Chopin được tổ chức tại Warsaw năm nay. Không chỉ cách trình bày Chopin say sưa và xuất sắc (mặc dù gây tranh cãi) của Pogorelich, nhưng hơn nữa, việc loại bỏ anh một cách vô lý sau vòng thứ ba ra khỏi vòng chung kết của cuộc thi đã đặt anh vào trung tâm của một cuộc bàn luận căng thẳng không có tiền lệ trong cộng đồng nghệ thuật của Warsaw. Cuộc tranh cãi về cách trình bày Chopin của Pogorelich đã được phát biểu hay nhất bởi Martha Argerich, ủy viên của hội đồng giám khảo và là người thắng cuộc thi Chopin này vào năm 1965. Bà Martha Argerich nói rằng “bà thấy xấu hổ làm một ủy viên của hội đồng giám khảo”.[2] Nikita Magaloff, một ủy viên khác trong hội đồng giám khảo, đã lên tiếng rằng “một nghệ sĩ như vậy mà lại không được tham dự vòng chung kết thì thật là một điều không thể tưởng tượng nổi.” Cả hai vị này, cùng với Paul Badura-Skoda, đã rút khỏi hội đồng giám khảo và bày tỏ sự bất mãn của họ trong một tuyên bố trên truyền hình.[3]

Điều gì là lý do gây nên sự tranh cãi đầy cảm xúc mà một số người tham dự gọi là một trong những vụ bê bối lớn nhất trong các cuộc thi piano gần đây? Đối với thế giới âm nhạc, cuộc thi Chopin, cùng với những cuộc thi ở Moscow và Brussels và cuộc thi Van Cliburn ở Texas, là một trong những sự kiện piano quan trọng nhất thế giới, nơi một tài năng trẻ đầy hứa hẹn thường được phát hiện. Mỗi năm “tại cuộc thi piano Chopin tình cảm lại biến thành niềm say mê thuần khiết lên tới cực điểm, một `cơn sốt Chopin’ thật sự, lướt qua đất nước này như một cơn điên loạn.[4] Cuộc thi năm nay là cuộc thi lớn nhất từ trước tới giờ, với 149 nghệ sĩ piano từ hơn 30 quốc gia. Cuộc thi đã bị vây hãm bởi các vụ bê bối xảy ra do việc bình chọn của hội đồng ban giám khảo trong các vòng loại.

Tranh cãi đã bắt đầu ngay sau vòng một, khi số thí sinh bị cắt từ 149 xuống còn 42. Giám khảo người Anh gốc Hungary, nghệ sĩ piano nổi tiếng Louis Kentner bất ngờ bỏ hội đồng giám khảo vì tức giận rằng không học trò nào của mình lọt qua vòng một. Tuy nhiên, sự ra đi của ông Kentner chẳng thấm vào đâu so với cơn giận dữ nổ ra sau khi hội đồng giám khảo quyết định cắt sau vòng ba từ 15 thí sinh vòng bán kết xuống còn 7 thí sinh vào vòng chung kết. Hội đồng giám khảo đã loại Ivo Pogorelich, người Nam Tư, 21 tuổi, đã học tại Moscow và thắng cuộc thi quốc tế mới đây tại Montreal. Hội đồng giám khảo rõ ràng đã bị xúc phạm bởi phong cách bất kính của Pogorelich. Trong một lần ra sân khấu, anh mặc quần da và áo sơ-mi trắng. Anh chơi một sonata, đứng lên cho thính giả vỗ tay hoan hô, đi vào cánh gà, rồi lại quay ra sân khấu chơi tiếp 3 etudes bắt buộc, cứ như thể anh chơi một encore.

Anh chơi dữ dội và say sưa, đánh các note thành cụm, phang mạnh các đoạn pianissimo (rất khẽ), và lướt nhẹ trên fortissimo (rất mạnh). Anh không để ý tới những gì viết trong tổng phổ và đã làm sai mọi thứ. Ngoại trừ một điều. Anh rõ ràng là một thiên tài.”[5] Một nhạc sĩ theo dõi cuộc thi nói: “Anh ta có thể sánh với Horowitz. Anh chơi từng note một cách chính xác, đầy cảm xúc, đầy biểu cảm. Anh là toàn bộ dàn nhạc. Anh đã chơi vượt thời đại mình 200 năm.”

Trong khi đó, Ivo Pogorelich đã được biến thành một thần tượng, và khi anh bước ra chào khán giả, các TV camera đã bám theo anh từng bước. Đám đông hô vang “Ivo, Ivo!” trong khi anh ngẩng đầu lên, ném một cái nhìn lạnh lùng, khinh bỉ vào hội đồng giám khảo ngồi trên ban-công.

 

 

Trybuna Ludu – tờ nhật báo của Đảng Cộng sản Ba Lan – đã xúc động viết: “Ivo Pogorelich là một nghệ sĩ piano ở đẳng cấp như vậy và một nhân cách nghệ thuật tầm cỡ như vậy thì việc loại anh khỏi vòng chung kết phải được coi là một sai lầm”.[6] Khán phòng Warsaw Philharmonic đã không đủ rộng để chứa tất cả những người muốn nghe Pogorelich biểu diễn. “Cách trình bày Chopin Sonata cung Si trường của anh ta[*] thật vô song, trong khi ‘Hành khúc tang lễ’ từ Sonata này rất bi tráng và sẽ còn đọng lại trong trí nhớ của thính giả,” tờ Trybuna Ludu viết.

Nhật báo Zycie Warszawy nhận xét rằng “Ivo là nghệ sĩ gây tranh cãi nhất trong toàn bộ các cuộc thi Chopin sau Đệ Nhị Thế Chiến. Cách trình bày của anh khác xa tất cả những gì mà chúng ta đã được học, từ truyền thống của chúng ta.” Điều này đã khiến hội đồng giám khảo băn khoăn bối rối và tranh cãi bùng lên. Eugene List, ủy viên giám khảo, nói: “Cậu ta rất tài năng, nhưng tôi đã cho cậu điểm rất thấp. Cậu ta không tôn trọng tổng phổ. Cậu ta đã dùng các thái cực tới mức biến dạng.”

Ivo Pogorelich sinh tại Belgrade năm 1958. Năm lên 7 tuổi, anh bắt đầu chơi piano, và vài năm sau anh vào học nhạc tại Zagreb. Năm 12 tuổi anh được gửi tới Moscow, nơi anh học piano trong 10 năm dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ piano Liên Xô Malinyin và Gornostaeva.[7] Anh đã thắng cuộc thi piano mới đây tại Montreal, và buổi diễn Chopin đầu tiên của anh tại khán phòng Warsaw Philharmonic đã bị cắt ngang bởi những tràng vỗ tay hoan hô xúc động cuồng nhiệt.

Tại cuộc họp báo sau cuộc thi ở Warsaw, Pogorelich đã bảo vệ cách diễn tấu của mình như sau: “Đó không phải là ngẫu nhiên hay ngông cuồng, mà là kết quả của quan niệm riêng của tôi. Chopin đã sáng tác trong thế kỷ 19, và các buổi hòa nhạc của ông đã diễn ra trong các phòng khách nhỏ. Ngày nay chúng ta có các điều kiện khác. Tai chúng ta đã thay đổi dưới tác động của các nhạc cụ điện tử; chúng ta chơi đàn trong các phòng hòa nhạc lớn, dùng các đàn piano hoàn hảo về mặt kỹ thuật. Tất cả những yếu tố đó đòi hỏi một cách diễn tấu mới mẻ và đánh giá lại âm nhạc mà Chopin đã sáng tác cho chúng ta.”

Căn cứ vào phản ứng của cả công chúng lẫn các nhà phê bình âm nhạc thì thông điệp của Pogorelich đã được mọi người hiểu và ủng hộ nhiệt liệt ở Warsaw. Tại lễ trao giải thưởng, Pogorelich đã được chào đón và hoan hô rất dài, và đã được tặng giải đặc biệt của các nhà phê bình vì là “Nhân cách nghệ thuật độc đáo nhất và một tài năng ngoại hạng.” Một ngày sau khi cuộc thi kết thúc, Pogorelich biểu diễn độc tấu tại khán phòng Warsaw Philharmonic và anh đã nhận được một tặng phẩm của Liên đoàn Sinh viên Ba Lan với dòng chữ “Tặng Ivo Pogorelich – người chiến thắng của chúng tôi.”

Trong bất kỳ trường hợp nào, Pogorelic có thể cảm thấy hài lòng vì những tranh cãi mà cách trình bày Chopin ngông cuồng của anh đã dấy lên. Đây là một khởi đầu tốt cho các cuộc thi khác. Tuy nhiên, còn phải xem sự đánh giá lại nhạc cổ điển một cách táo bạo của anh liệu có được chấp nhận trong tương lai.

 

Dịch xong ngày 26/3/2012 tại Tokyo.

 

_________________________

[1]The New York Times, 21/10/1980.

[2]Như [1].

[3]NIN (Tuần tin tức Belgrade), 26/10/1980.

[4]The New York Times, 21/10/1980.

[5]Như [4].

[6]Theo NIN, 26/10/1980.

[*]Thực ra đó là Sonata No 2, cung Si giáng thứ, Op.35 của Chopin (N.D.)

[7]Như [6].

 

-----------------------

Các bài liên quan:

Sau khi các bài “Chơi tới trào nước mắt“, “Có thế nào chơi như thế“, “Tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt” được đăng, tại mục “Ý kiến bạn đọc” dưới bài “Chơi tới chào nước mắt” đăng tại vnmusic – trang web của Hội Nhạc sĩ Việt Nam – đã xuất hiện một số phản hồi (PH) của các độc giả Hoa Cải, Trang An (Ba Lan), LTrinh, yuan yuan, Trung Dung, Trần Ly Ly, Hoàng Ngọc Tuấn (Úc), và tranh luận (TL) giữa Đặng Hữu Phúc và Nguyễn Đình Đăng...
 
[Phỏng vấn nghệ sĩ piano IVO POGORELICH] ...“Bản nhạc chỉ là những ký hiệu chết. Nhiệm vụ của tôi là đưa vào một cái gì đó sống động...” [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
 
Có thế nào chơi như thế  (nhận định âm nhạc) - David, Barry
... Pogorelich là một người tin tưởng tuyệt đối rằng hành động giá trị hơn lời nói suông: “Picasso, chẳng hạn, đã tạo nên các tác phẩm của một đại thiên tài, và người ta hỏi ông lấy cảm hứng từ đâu. Ông trả lời rằng ông đã phải lao động chăm chỉ 8 – 9 giờ liền trước khi cảm hứng đến với ông. Tôi đã không tình cờ mà có ngày hôm nay. Tôi luôn chăm chỉ lao động...” [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng] (...)
 
[Phỏng vấn nghệ sĩ piano IVO POGORELICH] ... Các nhạc phẩm khó nhất là các bản nhạc dựa vào văn hóa dân gian. Các nhạc công dân gian — những người trình diễn đích thực của âm nhạc dân gian — đạt tới trình độ hoàn hảo mà các nhạc công cổ điển không đạt được bởi các nhạc công dân gian chơi một nhạc phẩm rất nhiều lần và vượt xa về độ trau chuốt cũng như sự tinh tế trong cách biểu hiện... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
 
Mối quan hệ của tôi với Chopin rất đặc biệt. Tôi ra đời trong chiến tranh ở Việt Nam, và khi tôi còn bé, chúng tôi đã phải sơ tán vào vùng núi. Tất nhiên vào thời đó không có điện, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều để học tập âm nhạc và có được các bản nhạc. Vật chất và thông tin bị thiếu thốn đủ đường... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
 
... Tôi chắc không chỉ Chopin, mà ngay cả những thế hệ trước chúng ta một chút – những bậc thầy của quá khứ, họ có thể cho rằng thanh niên ngày này chơi quá to và quá nhanh. Chơi như vậy chắc đánh mất linh hồn của âm nhạc. Với Liszt, điều này đôi khi có thể được. Âm nhạc của Liszt thuộc loại âm nhạc rất hào nhoáng và ngoạn mục! Nhưng với Chopin, tất cả nằm trong sự bí mật, tâm tình của âm nhạc... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
 
... Nếu chúng ta nhìn kỹ vào thực tế cuộc sống ngày nay, rất nhiều người còn có những khó khăn lớn ngay cả trong những điều cơ bản như sinh tồn. Thế giới này có rất nhiều vấn đề thực sự. Nghệ thuật không chỉ cần cho mục đích giải trí, mà đó còn là một nền giáo dục — một nền giáo dục rất quan trọng. Nghệ thuật mang lại mặt tích cực cho cuộc sống. Đó là vấn đề về cái đẹp, về lòng can đảm, và về nhân loại... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021