ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [7]: Ôi, sao mà lắm “diva” đến thế! Nhưng... “diva” là gì?


 

Maria Callas, giọng hát opera tuyệt đỉnh.
(Photo: Houston Rogers)

 

Những năm gần đây, báo chí ở Việt Nam rất sính dùng chữ “diva” để ca tụng những nữ ca sĩ “nổi tiếng” trong lĩnh vực ca nhạc quần chúng. Chữ “diva” có sức hấp dẫn đến mức gây ra những cuộc tranh cãi “ai xứng đáng là diva”, và thậm chí người ta còn phát động một cuộc bình chọn “Diva thế hệ mới” và kết quả là ... hàng loạt cuộc tranh cãi khác.

Thế nhưng, “diva” có nghĩa là gì vậy?

Chữ “diva” đã được báo chí tiếng Anh dùng từ năm 1883, mượn từ chữ “diva” trong tiếng Ý, nghĩa là “nữ thần”, để gọi những những nữ danh ca opera, đặc biệt cho giọng hát soprano (còn nam danh ca opera giọng tenor thì được chuyển sang giống đực là “divo”). Trong thế kỷ 20, khi nói “diva”, người ta liên tưởng ngay đến những giọng ca tuyệt đỉnh như Maria Callas, Joan Sutherland, ...

Dần dần, giới báo chí thương mại đã làm cho chữ “diva” lan sang lĩnh vực điện ảnh và nhạc phổ thông, rồi còn lan sang cả những lĩnh vực khác nữa, chẳng hạn: “tennis diva”, “boxing diva”, “running diva”, “cooking diva”, vân vân, thậm chí... “pole dance diva” (nữ thần múa cột)!

Cái kiểu dùng chữ “diva” càng ngày càng lệch lạc này đã bị báo Time phê phán. Ngày 21/10/2002 , báo Time khẳng định: “By definition, a diva was originally used for great female opera singers, almost always sopranos.” (“Theo đúng định nghĩa, chữ diva đầu tiên được dùng cho những nữ danh ca opera, hầu như luôn luôn là những giọng hát soprano”).

Thế nhưng, chữ “diva” lại còn có thêm một nghĩa mới nữa, nhưng là nghĩa xấu. Theo Từ điển Oxford, nghĩa mới của “diva”“a woman regarded as temperamental or haughty” (“một người đàn bà bị xem là có tính nết cáu kỉnh hay ngạo mạn, khinh rẻ nhân gian”).

Ngày 20/12/2012, trang blog “Oxford Dictionaries” có đăng bài “Word in the news: diva” của nhà từ điển học Allison Wright (biên tập viên của những ấn bản từ điển tại Hoa Kỳ). Allison Wright giải thích rằng danh hiệu “diva” thời bây giờ đã trở thành một sự ca ngợi lẫn sự xúc phạm, vì cái nghĩa “một người đàn bà bị xem là có tính nết cáu kỉnh hay ngạo mạn, khinh rẻ nhân gian” thì ngồi sát bên cái nghĩa mang tính âm nhạc nhiều hơn của nó (being classified a diva has become both praise and insult, where a sense like “a woman regarded as temperamental or haughty” sits comfortably next to its more musical definition.) Vì thế, Allison Wright nhận định rằng khi ta gọi một người nào đó là một “diva” thì giống như ta vạch ra một đường chỉ rất mỏng để bước đi lên đó, và đường chỉ ấy có rất nhiều hậu quả mang tính ngữ nghĩa (Calling someone a diva is a fine line to walk and one that has vast semantic consequences.)

Chưa hết, trong những thập kỷ gần đây, tiếng lóng ở các đô thị nói tiếng Anh còn dùng chữ “diva” với một nghĩa rất ư là kinh khủng. Urban Dictionary định nghĩa “diva” là “female version of a hustler”, nghĩa là... gái điếm. Ngoài ra, cái nghĩa “một người đàn bà bị xem là có tính nết cáu kỉnh hay ngạo mạn, khinh rẻ nhân gian” thì được Urban Dictionary diễn dịch ra thành: “một mụ cáu kỉnh, ngạo mạn, luôn luôn muốn ai cũng làm theo ý mình; mụ thường ăn nói thô lỗ và khinh rẻ những người khác, mụ cứ tưởng rằng mụ được thiên hạ ưu ái tột bậc, nhưng thực tế không phải vậy; mụ là loại đàn bà ích kỷ, hư hỏng, và lúc nào cũng ra vẻ kịch tính quá trớn” (“a bitchy woman that must have her way exactly, or no way at all; often rude and belittles people, believes that everyone is beneath her and thinks that she is so much more loved than what she really is; she is selfish, spoiled, and overly dramatic”.)

Trong xã hội Âu Mỹ hôm nay, song song với kiểu báo lá cải hay gán nhãn hiệu “diva” bừa bãi với mục đích thương mạì, chữ “diva” cũng thường được dùng theo nghĩa xấu để mô tả thái độ ứng xử tồi tệ của giới ca sĩ và diễn viên. Do đó, rất nhiều ca sĩ lừng danh ở các nước Âu Mỹ không muốn bị gọi là “diva”. Thử nêu vài ví dụ:

- Đại danh ca Patti LaBelle (69 tuổi, hai lần đoạt giải Grammy) không muốn bị gọi là “diva”. Bà nói: “Tôi luôn luôn thấy mình như một người đàn bà hát bằng cả tấm lòng và hiến tặng 120 phần trăm. 'Diva' là một chữ mà tôi không muốn gọi chính mình, vì nó bị lạm dụng một cách quá bừa bãi. Nó chẳng còn hay ho gì nữa.” [“Patti LaBelle Slams Today's Divas as ‘Little Heifers Who Can't Sing’”, báo Us Today, 24/01/2014]

- Nam ca sĩ Christopher Maloney cảm thấy sốc khi bị gọi là “diva”. Trong trường hợp này, chữ “diva” (với nghĩa xấu, dành cho phái nữ) lại bị áp dụng cho phái nam. [“'X Factor' Christopher Maloney shocked by James Arthur 'diva' comments”, Báo DigitalSpy, 20/11/2012]

- Vì thái độ ứng xử tồi tệ, Kenya Moore bị gọi là “diva” trong thời gian quay cuốn phim Celebrity Apprentice [“The real reason behind Kenya Moore's diva behavior”, báo Examiner, 20/04/2014]

- Báo Celebitchy gọi ca sĩ Lorde “đích thực là một mụ diva và đạo đức giả, bị ám ảnh bởi bề ngoài” [“Lorde is a ‘total diva & hypocrite, she’s obsessed with her looks’”, báo Celebitchy, 17/01/2014]

- Vì thái độ ứng xử tồi tệ, Jennifer Aniston bị gọi là “diva” trong thời gian quay cuốn phim mới [“Jennifer Aniston a 'Diva' on Set of New Film? Cast Complains”, báo Christian Post, 26/02/2013]

- Nữ danh ca Jennifer Lopez cố gắng chứng tỏ mình không phải là “diva” [“Jennifer Lopez Sets Out to Prove She's No Diva”, báo Eonline 23/04/2010].

- Nữ danh ca Mariah Carey bị sốc và cảm thấy kinh tởm khi bị gọi là một “diva” [She said: 'I am baffled, shocked and appalled when I am called a diva”, báo Daily Mail, 24/11/2009].

 

*

 

Đến đây, một câu hỏi rất cần được nêu lên cho người Việt: Tiếng Việt đã có thừa từ ngữ hay ho và chính xác để mô tả những giọng ca tuyệt vời, thì tại sao lại không dùng, mà lại đi mượn chữ “diva” có nhiều nghĩa lằng nhằng dễ gây hiểu lầm của nước ngoài để mà dùng?

Không chỉ vay mượn một cách thiếu sáng suốt, báo chí ở Việt Nam còn dùng chữ “diva” một cách rất... lạ lùng. Trên trang Wikipedia tiếng Việt có một mục gọi là “Diva Việt Nam”. Mục này giải thích rằng chỉ có 4 ca sĩ Hà Nội được xem là “Diva Việt Nam” (gồm Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, và Trần Thu Hà). Mục này còn giải thích rằng “khái niệm diva thường chỉ được báo chí nhắc tới với những ca sĩ của tân nhạc Việt Nam đương đại, chứ không dùng cho các ca sĩ thế hệ trước như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Dung hay của các dòng nhạc khác như Ánh Tuyết, Khánh Hà, Ngọc Hạ...”

A ha! Tại sao chỉ có “những ca sĩ của tân nhạc Việt Nam đương đại” thì mới được gọi là “Diva Việt Nam”? Tại sao Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Dung thì không phải là “Diva Việt Nam”? Tại sao Ánh Tuyết, Khánh Hà, Ngọc Hạ, ... thì không phải là “Diva Việt Nam”?

Trong thực chất, ở Việt Nam, cái trò dán nhãn “diva” rõ ràng chỉ nhắm vào mục đích thương mại, chứ chẳng có một chút gì hợp lý và chẳng dựa trên một tiêu chí khả tín nào cả. Càng ngày cái trò ấy lại càng thêm nhảm nhí đến mức có hàng loạt bài báo ca tụng những ca sĩ “xinh đẹp bốc lửa thể hiện đẳng cấp diva” với bộ áo thời trang “khoe trọn tấm lưng trần thon thả cùng làn da trắng nõn ngọc ngà, làm ngây ngất trái tim người hâm mộ bởi vẻ đẹp ngọt ngào, lôi cuốn”, chứ chẳng màng đến giọng hát.

Khi chữ “diva” đã trở thành một chữ càng ngày càng trở nên nhảm nhí và mang những ý nghĩa xấu như thế, thì ai còn muốn mình là “diva” nữa? Ấy vậy mà gần đây, nhân sinh nhật thứ 80 của Thái Thanh, báo Thế Giới Tiếp Thị cho rằng “Thái Thanh có lẽ là người duy nhất xứng danh diva trong âm nhạc Việt.” Chắc hẳn họ muốn dùng chữ “diva” với nghĩa tốt để ca ngợi Thái Thanh, thế nhưng, như nhà từ điển học Allison Wright đã nhận định, “khi ta gọi một người nào đó là một ‘diva’ thì giống như ta vạch ra một đường chỉ rất mỏng để bước đi lên đó, và đường chỉ ấy có rất nhiều hậu quả mang tính ngữ nghĩa”, thế thì, thay vì dùng chữ “diva”, tại sao không dùng tiếng Việt rất phong phú và đẹp đẽ của chúng ta để ca ngợi Thái Thanh như một “đại danh ca” hay “ca sĩ thượng thặng”, hay “tiếng hát vượt thời gian”?

 

 

------------

Đã đăng:

... Thực tế cho thấy số lượng khán thính giả của nhạc cổ điển càng ngày càng giảm sút vì nhạc cổ điển thiếu sức thu hút. Nếu đem được nghệ thuật ứng tấu vào những buổi trình diễn thì nhạc cổ điển sẽ tạo nên một sinh khí mới. Chắc chắn là vậy, vì suốt nhiều ngàn năm qua trên khắp thế giời, hầu hết các nền âm nhạc cổ truyền đều xem trọng nghệ thuật ứng tấu, và khán thính giả âm nhạc ở mọi nơi, mọi thời đều luôn cảm thấy thích thú khi thưởng thức những dòng nhạc ứng tấu đầy bất ngờ của những nhạc sĩ tài hoa... (...)
 
Sau khi bài “Nhạc cổ điển và nghệ thuật ứng tấu” được đăng lên báo, người viết đã nhận được những email rất thú vị từ một số độc giả. Tựu trung những email ấy đều nêu lên một vài câu hỏi đại loại như thế này: “Sau nhiều năm chơi nhạc cổ điển chính xác theo bài bản, bây giờ muốn chơi ứng tấu thì nên bắt đầu từ đâu? Có thể học chơi ứng tấu được không?”... (...)
 
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng có đôi lần chứng kiến cảnh một ca sĩ đứng trên sân khấu say mê diễn tả những lời ca... sai. Người dễ dãi có thể nói: “Nhạc giải trí mà, sai vài ba chữ cũng đâu có hề gì...” Thế nhưng, thậm chí đã có những ca sĩ đứng trước hàng trăm ngàn người để hát bài quốc ca khai mạc một sự kiện lớn, mà lại hát sai lời. Thế mới đáng kinh ngạc... (...)
 
Bạn nghĩ thế nào về những cuộc thi đấu biểu diễn nhạc khí? Bạn có thực sự tin vào giá trị của chúng? Có phải chúng là những cơ hội cần thiết để các nhạc sĩ chứng tỏ tài năng đích thực của mình? Nhưng, nhạc sĩ có cần những “đấu trường” để chứng tỏ tài năng của mình hay không? Và liệu rằng kết quả của những cuộc thi đấu ấy có trung thực và khách quan không?... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PETER SCULTHORPE (1929-2014)] ... Peter Sculthorpe đã sống suốt một cuộc đời độc thân nhưng đầy niềm vui và không hề nghĩ đến cái chết. Trong dịp sinh nhật 80 tuổi, ông nói: “Ðừng lo lắng về cái chết. Tôi nghĩ, khi chúng ta ra đi, chúng ta sẽ chuyển hoá linh hồn của mình vào một hoà âm đẹp đẽ nào đó mà mình đã từng là một phần của nó.” Bây giờ, ở tuổi 85, thân xác già yếu của ông đã vĩnh viễn ra đi, nhưng linh hồn sáng rực của ông sẽ mãi mãi ở lại với thế giới này như một hoà âm bất tuyệt... (...)
 
Khi đi xem những buổi hoà nhạc, chúng ta thường vỗ tay tán thưởng sau mỗi tiết mục đặc sắc. Thật là một cảm giác phấn khởi khi toàn thể khán giả cùng vỗ tay vang dội để nhiệt liệt ngợi khen những nghệ sĩ tài hoa đã mang đến cho mình những khoảnh khắc âm nhạc tuyệt vời. Thế nhưng, đôi khi bạn đang thích chí vỗ tay, thì chỉ có lác đác dăm ba người khác phụ hoạ, hay thậm chí chẳng có ai phụ hoạ, và trong lúc bạn đang ngỡ ngàng, thì thình lình bạn thấy có hàng chục cặp mắt quay lại nhìn bạn, khiến bạn muốn... sởn cả tóc gáy... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021