ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [5]: Peter Sculthorpe: một hoà âm bất tuyệt


TƯỞNG NIỆM PETER SCULTHORPE (1929-2014)

 

 

Peter Sculthorpe, nhạc tác gia vĩ đại nhất của nước Úc đương đại, vừa qua đời hôm 8 tháng 8, 2014, hưởng thọ 85 tuổi, để lại cho hậu thế hơn 350 tác phẩm âm nhạc bất hủ. Ông là nhà tiền phong đã tạo nên bản sắc đặc thù của âm nhạc Úc và đã đặt Úc vào một vị trí vững chãi trong lịch sử âm nhạc thế giới. Trong những ngày qua, báo chí và mạng thông tin toàn cầu đã tràn ngập những bài viết tưởng niệm Peter Sculthorpe. Hôm nay tôi chỉ xin kể lại một vài điều thú vị về âm nhạc và cuộc sống của ông mà tôi được biết.

Tôi từ trại tị nạn Mandaluyong (Philippines) đến Úc vào cuối năm 1983, và lần đầu tiên tôi nghe nhạc Peter Sculthorpe là một buổi tối tháng 3, 1984, khi 2ABC-FM phát thanh nhạc phẩm Sun Music I do Sydney Symphony Orchestra trình tấu. Thật là một cảm xúc lạ lùng khi nghe sự tương phản giữa nhóm kèn đồng kết hợp với những nhạc cụ bộ gõ rất dữ dội như sự rung chuyển của mặt đất và nhóm đàn dây vi vút lung linh như từ cõi trời cao thanh thoát. Sau khi bản nhạc đã chấm dứt, tôi vẫn còn cảm thấy mình như đang du hành qua một sa mạc bao la dưới ánh mặt trời rực rỡ, nhưng điều khiến tôi thắc mắc lúc ấy là bản nhạc để lại trong tôi một dư vị mang tính Á Ðông cổ sơ nhưng vô cùng mới mẻ. Tôi tự hỏi: tại sao một nhạc tác gia Úc, người da trắng, mà lại có thể sáng tạo một bản nhạc khác hẳn với nhạc Anh quốc và Âu Châu? Lần thứ nhì tôi nghe nhạc Peter Sculthorpe là một buổi tối tháng 8, 1986, khi 2ABC-FM trực tiếp truyền thanh nhạc phẩm Earth Cry (Tiếng Kêu của Ðất) do Adelaide Symphony Orchestra trình tấu dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Jorge Mester. Bản Earth Cry có một vẻ đẹp rất lạ lùng, với những giai điệu đầy ám ảnh như những tiếng hát cổ sơ trên một nền âm thanh mang màu sắc âm u và huyền bí.

Vài năm sau, khi theo học âm nhạc ở University of New England, tôi mới biết rằng Peter Sculthorpe đã viết nhạc phẩm Sun Music I vào năm 1965, trong thời gian ông say mê tìm hiểu âm nhạc Á Ðông, đặc biệt là cổ nhạc của Nhật Bản và Bali, và Sun Music I là kết quả của những cảm nghiệm văn hoá được ứng dụng vào một bút pháp độc sáng. Còn nhạc phẩm Earth Cry thì được ông viết trong năm 1986 để diễn tả niềm tri cảm của ông đối với thổ dân Úc; và những giai điệu đầy ám ảnh, những màu sắc âm thanh âm u và huyền bí ấy là những gì ông đã “nghe” được từ mặt đất thiêng của xứ sở này.

Từ đó, tôi bắt đầu yêu thích âm nhạc của Peter Sculthorpe. Thế rồi, tôi có dịp gặp và chuyện trò với nhạc tác gia lừng danh Ross Edwards, một môn đệ xuất sắc của Peter Sculthorpe. Tôi kể cho Edwards về cảm tưởng của tôi khi nghe nhạc của Sculthorpe, và Edwards đã giải thích rằng chính Sculthorpe là nhạc sĩ Úc đầu tiên thực sự thành công trong việc nhảy ra khỏi cái bóng to lớn của truyền thống nhạc cổ điển Âu Châu. Trong những năm 60 của thế kỷ 20, khi đại đa số người Úc da trắng vẫn còn cảm thấy xa lạ với văn hoá Á Ðông, thì Sculthorpe đã nhận định rằng Úc là một phần của Ðông Nam Á, rằng Úc phải hướng về Ðông Nam Á và nối kết với Ðông Nam Á để làm phong phú cho văn hoá của mình. Rồi đến đầu những năm 70, khi đại đa số người Úc da trắng vẫn còn xem thổ dân Úc là bán khai, và chính phủ Úc chưa chấp nhận thổ dân Úc có quyền công dân, thì Sculthorpe đã là một trong những nghệ sĩ đầu tiên công khai xiển dương những giá trị văn hoá và tâm linh của thổ dân Úc. Và, tuyệt vời thay, chính những nhạc phẩm chiêm nghiệm về văn hoá Á Ðông và thổ dân Úc của Sculthorpe lại là những nhạc phẩm khẳng định bản sắc của âm nhạc Úc đương đại.

Thực ra, ngay cả trước khi Sculthorpe đem những giai điệu của thổ dân Úc và những âm thanh của thiên nhiên Úc vào tác phẩm của ông, thì giới phê bình gia âm nhạc quốc tế đã bắt đầu nhận ra bản sắc Úc trong tác phẩm của ông. Năm 1965, ngay sau khi thưởng thức buổi trình diễn ra mắt nhạc phẩm Sun Music I, thì John Frederick Neville Cardus, phê bình gia âm nhạc lừng danh của nước Anh, đã nhận định rằng nhạc phẩm ấy “đặt những nền móng cho một dòng nhạc Úc mang tính độc sáng và tính bản sắc.”

Ðầu những năm 90, tôi có tham dự vài masterclass của Peter Sculthorpe về nghệ thuật sáng tác, nhưng những lúc ấy tôi chưa có cơ hội để trao đổi gần gũi với ông. Ðầu tháng 7, 1995, khi tôi tham dự Darwin International Guitar Festival, thì có một buổi tối tôi may mắn được nói chuyện riêng với ông. Tối hôm đó, một số nhạc sĩ guitar và nhạc tác gia Úc và quốc tế (gồm Leo Brouwer, Stepan Rak, Jose Maria Gallardo del Rey, Richard Charlton, Slava Grigoryan, Gerard Brophy, Phillip Houghton,... và tôi) cùng nhau uống rượu, chuyện trò và chơi đàn dưới mái hiên của khu nội trú trong trường Ðại Học Northern Territory. Khoảng 10 giờ tối, Peter Sculthorpe ghé vào ngồi chơi một lát, và sau khi nghe Slava và tôi chơi ứng tấu với nhau xong, ông nói nhỏ với tôi: “... Ra ngoài hút thuốc...”

 

Hoàng Ngọc-Tuấn & Peter Sculthorpe
tại Darwin International Guitar Festival 1995 [photo: Stepan Rak]

 

Dưới bầu trời đầy sao của đêm tháng 7, tôi bật quẹt mời ông châm điếu thuốc, và bất ngờ ông hỏi: “Anh theo đạo Phật hả?” Tôi nói: “Ðúng vậy, còn ông?” Ông nói có một lần ông đã quyết định theo Thiền tông nhưng bất thành. Ðầu những năm 60, sau nhiều chuyến viếng thăm Nhật Bản, ông cảm thấy rất yêu thích Thiền tông và ông xin gia nhập vào hàng ngũ thiền sinh tại một thiền viện ở Kyoto. Khi ông vào thiền viện, họ yêu cầu ông trút bỏ mọi thứ, kể cả một pho tượng Phật nhỏ, mạ vàng rất đẹp, mà ông đã mua được và rất khoái trá. Ông bèn mang tất cả hành lý ra gửi trong một cái hộc ở nhà ga Kyoto. Trong những ngày học thiền, thỉnh thoảng ông lại nhớ pho tượng Phật, và lén đi ra nhà ga, mở hộc đựng đồ để ngắm và sờ pho tượng Phật. Rồi ông nghiệm ra rằng Thiền tông có lẽ không thích hợp với tính nết của ông, một người thích sống tự do, không chịu được những quy tắc nghiêm khắc và không thể từ bỏ óc lý luận nhị nguyên.

Trong những ngày ở thiền viện, ông cảm thấy mọi thứ quá khô khan: trong vườn chỉ có những cây bonsai khẳng khiu, một cái thác nước bằng đá, không có nước chảy, và không gian vô cùng im lặng. Trong giờ tập thiền, một thiền sư đưa cho ông những công án và bắt ông trả lời, nếu ông không biết trả lời hay trả lời bằng logic thì sẽ bị quất một gậy vào lưng. Và ông bị quất đều đều... Thế rồi, ông từ giã thiền viện và đến ở trong một ngôi đền Thần đạo. Ở đó ông thấy vui hơn, vì được mang theo pho tượng Phật để nhìn ngắm mỗi ngày, vì được nhìn vườn cây sum suê hoa lá, được chuyện trò thoải mái và vừa uống trà xanh vừa ngắm một thác nước có nước chảy róc rách và nghe tiếng chim hót... Cuối cùng, ông nhận ra rằng cái “tôn giáo” duy nhất mà ông sẽ theo đuổi suốt đời là âm nhạc. Thế là ông trở vế Úc và tiếp tục viết nhạc. Ông nói ông chỉ học được từ đạo Phật một điều là: yêu thương muôn loài bằng cái tâm không phân biệt.

Tôi hỏi: “Có phải vì điều ấy nên ông đã quý trọng con người và văn hoá thổ dân Úc trong những năm 60, khi đa số người Úc còn nhìn họ bằng con mắt kỳ thị?” Ông nói: “Có lẽ đúng là nhờ điều ấy...” Nhưng sau đó ông cũng kể lại rằng từ thuở nhỏ, khi còn là một cậu bé ở Tasmania, ông đã lấy một cuốn sổ nhỏ để làm một cuốn từ điển tiếng thổ dân Tasmania, và bất cứ khi nào sưu tầm được một chữ, ông liền viết vào đó với nghĩa bằng tiếng Anh. Ông nói có lẽ ông đã làm như thế vì ông nghe người lớn kể lại rằng ngày xưa người da trắng và nạn dịch đã giết gần hết thổ dân ở Tasmania, khiến họ gần như tuyệt chủng, và ngôn ngữ của họ kể như đã mất, chỉ còn sót lại rất ít...

Sau cuộc chuyện trò với ông, tôi nghĩ có lẽ ông đã biết yêu thương muôn loài bằng cái tâm không phân biệt, một cách tự nhiên, trước khi ông học điều đó từ Phật giáo. Nhìn lại cả đời ông, tôi thấy ông đã luôn luôn sống như thế trong ý nghĩ, trong hành động và trong âm nhạc. Bằng cái tâm đó, ông đã vượt qua mọi thành kiến của xã hội, để nối kết văn hoá Ðông-Tây và nối kết những màu da. Bằng cái tâm đó, ông đã yêu nhân loại, yêu thiên nhiên và muôn loài cầm thú. Âm nhạc của ông tràn ngập những tiếng cười, tiếng khóc của con người, tiếng chim, tiếng thú, tiếng nước chảy, tiếng gió gào qua sa mạc, tiếng gọi của bầu trời và mặt đất...

Cho đến những năm cuối đời, ông vẫn sống với cái tâm đó. Năm 2004, ông đã viết nhạc phẩm Requiem để tưởng niệm những phụ nữ và trẻ em bị giết trong cuộc chiến Iraq. Năm 2006, ông đã viết String Quartet No.16 với những chương Loneliness (Sự cô đơn), Anger (Sự căm giận), Yearning (Sự khao khát), Trauma (Sự tổn thương), và Freedom (Sự tự do), để kêu gọi lòng nhân từ của xã hội đối với thân phận của những người tị nạn bị giam giữ trong các trại cấm. Năm 2008, ông đã viết nhạc phẩm Song of the Yarra (Bài ca sông Yarra) để kêu gọi ý thức của xã hội về các vấn đề môi sinh và sự hoà giải với thổ dân. Ông đã về hưu vào năm 1999, nhưng đến năm 2009, khi ngân sách quốc gia tài trợ cho đại học bị cắt giảm, ông đã hiến tặng 3 triệu rưỡi đô-la cho Ðại Học Sydney như một ngân quỹ để trả lương dài lâu cho một “Professor of Australian Music” (Giáo Sư Âm Nhạc Úc) với hoài bão rằng công việc này sẽ tiếp tục nuôi dưỡng nền âm nhạc Úc trong tương lai. Số tiền 3 triệu rưỡi đô-la này tương đương với số tiền lương mà ông đã nhận được trong suốt 36 năm giảng dạy âm nhạc tại Ðại Học Sydney (1963-1999). Ông nói: “Tôi tự hào về âm nhạc mà tôi đã viết, nhưng món quà này làm cho cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn.”

Trong suốt cuộc đời của ông, Peter Sculthorpe đã nhận vô số huy chương cao quý của quốc gia và quốc tế. Ông đã được công nhận là một trong 45 biểu tượng của nước Úc, và được công nhận là “Australian Living Treasure” (Kho tàng sống của nước Úc). Thế nhưng, trong cuộc sống hàng ngày, ông không bao giờ nhắc đến những vinh dự đó. Bao giờ ông cũng đến với mọi người bằng một nụ cười từ ái và bao dung, luôn luôn quan tâm đến mọi người, luôn luôn quan tâm đến sự bình đẳng, nhân quyền, tự do, môi sinh, văn hoá, xã hội, giáo dục, âm nhạc, nghệ thuật...

Peter Sculthorpe đã sống suốt một cuộc đời độc thân nhưng đầy niềm vui và không hề nghĩ đến cái chết. Trong dịp sinh nhật 80 tuổi, ông nói: “Ðừng lo lắng về cái chết. Tôi nghĩ, khi chúng ta ra đi, chúng ta sẽ chuyển hoá linh hồn của mình vào một hoà âm đẹp đẽ nào đó mà mình đã từng là một phần của nó.” Bây giờ, ở tuổi 85, thân xác già yếu của ông đã vĩnh viễn ra đi, nhưng linh hồn sáng rực của ông sẽ mãi mãi ở lại với thế giới này như một hoà âm bất tuyệt.

 

 

------------

Đã đăng:

... Thực tế cho thấy số lượng khán thính giả của nhạc cổ điển càng ngày càng giảm sút vì nhạc cổ điển thiếu sức thu hút. Nếu đem được nghệ thuật ứng tấu vào những buổi trình diễn thì nhạc cổ điển sẽ tạo nên một sinh khí mới. Chắc chắn là vậy, vì suốt nhiều ngàn năm qua trên khắp thế giời, hầu hết các nền âm nhạc cổ truyền đều xem trọng nghệ thuật ứng tấu, và khán thính giả âm nhạc ở mọi nơi, mọi thời đều luôn cảm thấy thích thú khi thưởng thức những dòng nhạc ứng tấu đầy bất ngờ của những nhạc sĩ tài hoa... (...)
 
Sau khi bài “Nhạc cổ điển và nghệ thuật ứng tấu” được đăng lên báo, người viết đã nhận được những email rất thú vị từ một số độc giả. Tựu trung những email ấy đều nêu lên một vài câu hỏi đại loại như thế này: “Sau nhiều năm chơi nhạc cổ điển chính xác theo bài bản, bây giờ muốn chơi ứng tấu thì nên bắt đầu từ đâu? Có thể học chơi ứng tấu được không?”... (...)
 
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng có đôi lần chứng kiến cảnh một ca sĩ đứng trên sân khấu say mê diễn tả những lời ca... sai. Người dễ dãi có thể nói: “Nhạc giải trí mà, sai vài ba chữ cũng đâu có hề gì...” Thế nhưng, thậm chí đã có những ca sĩ đứng trước hàng trăm ngàn người để hát bài quốc ca khai mạc một sự kiện lớn, mà lại hát sai lời. Thế mới đáng kinh ngạc... (...)
 
Bạn nghĩ thế nào về những cuộc thi đấu biểu diễn nhạc khí? Bạn có thực sự tin vào giá trị của chúng? Có phải chúng là những cơ hội cần thiết để các nhạc sĩ chứng tỏ tài năng đích thực của mình? Nhưng, nhạc sĩ có cần những “đấu trường” để chứng tỏ tài năng của mình hay không? Và liệu rằng kết quả của những cuộc thi đấu ấy có trung thực và khách quan không?... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021