ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
Thôi hết còn gặp nhau


 

Bài hát phổ từ bài thơ “Buồn” trong tập Trên tất cả đỉnh cao là lặng im của Phạm Công Thiện được tôi viết một năm sau lần đầu gặp gỡ ông, cũng là lần cuối, tại Munich. Đưa ông từ sân bay về nhà trọ ngay trung tâm thành phố, ông chẳng mang theo gì ngoài một valise nặng toàn sách. Lôi ra một đống sách, ông nói “Cho Hương!”
 
Thời gian đó, tôi thường ở trường đến khuya mới về nhà. Buổi khuya tĩnh lặng khiến tôi thích ư ử ngâm nga hát những câu nhạc chợt đến trong lúc ngồi chờ xe điện. Chẳng hiểu sao, luôn là những nét nhạc mang âm hưởng cải lương vọng cổ xuất hiện thật tự nhiên trong trí. Mặc dù không thể hát được câu vọng cổ nào ra hồn, tôi rất mê âm điệu cải lương, nhất là hai bản Nam Ai và Tứ Đại Oán, bởi màu sắc đậm đặc ai oán thê lương, đậm đặc blues, nghe là não lòng. Nhất là những chỗ người hát “xuống xề”, nhảy một quãng rộng (quãng 10 hay 13) khiến tôi có cảm giác như bị hụt cẳng, lọt giếng một cách vô cùng ngọt ngào.
 
Với ca trù, chèo thì cái lẳng lơ, nũng nịu, nhẩn nha nhấn nhá, ở không được dứt không xong, câu nhạc cứ thế mà dùng dằng đến sốt ruột, cũng làm tôi vô cùng mê mẩn. Nó làm tôi nghĩ tới những viên cuội nằm trong khe suối ướt mềm trơn trượt, từ viên này sang viên khác, chỉ cần di bàn chân đi thật nhẹ nhàng, lướt trên cái trơn nhẵn ấy, nhưng đừng để ngã, thì tha hồ mà đong đưa.
 
“Có chuyện buồn...” mà Phạm Công Thiện kể, tôi đã nghe thấy nó như thế.
 
Trên chuyến tàu tốc hành từ Munich đi Berlin một đêm tháng chín năm 2000, toa tàu dành để phục vụ khách ăn uống vắng ngắt, chỉ còn tôi và ông vẫn ngồi lại cùng chai vang đỏ gần cạn. Ông nói nhiều, tôi chỉ việc lắng nghe, hay thật sự chẳng còn nhớ đã nói gì với ông. Duy nhất không thể quên là ánh mắt sắc như dao ẩn sau cặp kính trắng như xuyên thấu, lột trần mọi vỏ bọc, khiến tôi trở nên yếu đuối, vô phương chống đỡ.
 
Rồi, ông nhắm mắt lại, và bắt đầu niệm chú. Phải chi tôi hiểu được những câu chú ấy có nghĩa gì, hiểu được cơn chấn động nơi những mật ngữ ấy bay qua, rơi vào, đọng lại. Và hiểu được lý do của những xao xác trong lòng tôi, hay lòng ông lúc ấy.
 
“Thôi hết còn gặp nhau” đã ra đời từ câu chuyện kể của ông, và cũng là điều tôi muốn kể bằng âm nhạc của mình. Nó là sự kết hợp của nỗi im lặng giữa đỉnh cao và hố thẳm, ngọt ngào như khi tôi bị hỏng cẳng, lọt giếng bởi câu vọng cổ miền Nam. Là nỗi âu lo dùng dằng khép mở của nàng Tiên nữ “vú nhỏ nghẹn ngào” thơm ngát, vừa khiến “nóng đỏ trăng sao”, đã làm “dột mấy rừng đào”, vừa ngây ngất say đã chẳng còn gặp nữa. Nàng tiên nữ ấy đã khiến ông chới với như trượt trên những viên cuội dưới khe nước trơn nhẵn ướt mềm kia. Là tiếng lào rào phù phép của những thiền sư Tây tạng trì tụng tiếng “OM” dài bất tận, xen trong tiếng lục lạc, một nhạc cụ trong nhạc lễ của Phật giáo Tây tạng. Là tiếng chuông nhà thờ La mã, chồng lên tiếng glass bowl của những thiền viện Tây tạng, như ông đã từng có thời là con chiên Chúa, hay là một thiền sư say mê Mật tông. Là tiếng piano với những bồi âm của cả hai loại chuông kia, chồng lên nhau, tạo thành những thoáng mê sảng, cùng lúc như thức tỉnh, chấm dứt một cuộc rong chơi trên cõi tạm này. Là nén hương lòng tôi dành đưa tiễn ông về miền cực lạc.
 
“Thôi hết còn gặp nhau”, sau mười năm cất kỹ trong ngăn tủ chỉ vì cái tên Phạm Công Thiện quá lớn, cuối cùng đã được tôi quẳng hết ngại ngùng để cho nó đến với ông, để thấy trong hơi thở mình là hơi thở của đời sống đang chảy trôi thật nhẹ nhàng, như là cánh bướm thoáng đậu thoáng bay, vừa chấp chới trên cao, bỗng vụt sà xuống thấp... hơi thở tung tăng, tung tăng, tung tăng... (*)
 
đô fá fà... đô fá fà... đô fá fà...
 
---------------
(*) lấy ý từ câu “hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ” trong tập “đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”
 
 

Nghe nhạc:

[mp3, 3’11”, giọng hát, tiếng đàn piano và hoà âm của Jazzy Dạ Lam]

 

Đọc bản nhạc:

[pdf]

 

 

 

-----------------

Bài liên quan:

[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Nó ngồi viết, không cố gắng, không mục đích, không ý nghĩa. Nó không đi tìm hạnh phúc. Nó đang ngồi thở thanh bình, thở im lặng, thở gió, thở trái đất. Hơi thở không thuộc về ai cả. Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ... (...)
 
Tro (truyện / tuỳ bút) - Thận Nhiên
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Cuốn sách nhỏ ấy là một người thầy, với riêng tôi. Nó dạy tuổi trẻ tôi những bài học làm sao sống đến cạn cùng sự chán chường, sự thơ mộng, sự rồ dại, sự khao khát, sự giận dữ, sự phóng thả, và quan trọng nhất là nó làm tôi “cháy”... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Chưa bao giờ thương những con chim như chiều nay / tràn đầy mặt đất / những con chim thêu niềm tuyệt vọng / lao về phía tàn tro / cháy bừng / Mộng mị...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... tới đây ai cũng thấy câu chuyện của tôi ngày hôm ấy quả tẻ nhạt, đúng không? // thế thì đây, điểm nhấn / ... tôi lặp lại: chẳng ai gạt được cái chết hết, cho dẫu cái chết cũng một thứ bịp bợm nốt “... rạng đông tôi xin thề thức dậy ba giờ sáng” ...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... em đừng nói với tôi về rừng / buổi chiều hình như đã mưa / cơn mưa phùn mãi mãi ở lại chứ không bay đi như cơn mưa phùn của Thiện / em cũng đừng nói với tôi về mặt trời / vốn không bao giờ có thực...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Ông còn tiên đoán cho thế giới đến khi ông trăm tuổi. Nhưng tôi dừng trích ở đây vì ông đã vừa “đi hết một đêm hoang vu trên mặt đất”, ở tuổi 71. Từ giờ khắc này, ông sẽ nhìn Hy mã lạp sơn bằng con mắt của “loài” khác. Từ bây giờ, tôi cũng đang cảm thấy có một Hy mã lạp sơn đã bắt đầu sụp đổ và tan chẩy. Cho một đại dương cuộc sống mới hình thành... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Thiện ơi, tôi vẫn thỉnh thoảng đọc câu thần chú “Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté, Bodhi Svaha” mà bạn đã dạy cho anh em cầu nguyện tai qua nạn khỏi mỗi lần đi qua những nơi đèo heo hiểm trở. Và đôi khi tôi tự hỏi có nên tiếp tục khấn câu thần chú này nữa hay thôi, khi mà được trở về Vương Quốc Hư Vô là một ước nguyện giải thoát. Bây giờ bạn đã giải thoát... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn về thành phố Mỹ Tho, dạo quanh vườn hoa Lạc Hồng, có dãy nhà xây kiểu Pháp, một thời Phạm Công Thiện và gia đình sống ở đây, cố hình dung gương mặt ông lúc hai mươi tuổi... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... gió thổi mưa chiều thứ bảy đã về sớm / cây khế đồi cao không kịp trổ / gió thổi gió thổi gió thổi / hiện tượng cơn bão // Thiện nói Henry Miller chết tôi không buồn / con ong chết tôi buồn lắm / tôi nói trời đất chết tôi không bất ngờ / Phạm Công Thiện chết tôi ngờ ngợ lắm...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... tôi nhớ lại xa lắm những ngày áo sinh viên văn khoa / tuổi đôi mươi tôi tóc dài huyền hoặc / con mắt trần gian đen tròn mê hoặc / sách vở trên tay vụng về chạy theo Sartre / thao thức bức rức nức nở tìm trong Thiện / giọt nắng sân văn khoa thấu qua tôi đau điếng / giọt mưa đường cường để thấm lạnh da con gái / cơn miên man dậy men tự bao giờ...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Tôi tin tưởng vào thiên tài. Với tôi, Phạm Công Thiện là thiên tài. Thiên tài không ở trí tuệ anh, không ở các sáng tác của anh, càng không phải thiên tài ở tư tưởng anh, mà chính là ở sức hút kinh hoàng của hơi thở ngôn ngữ Phạm Công Thiện. Dù hiểu hay không hiểu, ngôn ngữ kia vẫn ẩn chứa sức lôi cuốn ma quái khó cưỡng. Như chớp lửa thiêng sẵn sàng thiêu trụi mọi lưỡng lự, e dè, triển hạn ngáng đường những tâm hồn đồng thanh đồng khí ý hướng tìm đến nhau trong chân trời hủy phá và sáng tạo... (...)
 
Buổi sáng Jakarta (truyện / tuỳ bút) - Phan Nhiên Hạo
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Thiên tài của Phạm Công Thiện là điên được trong văn chương, một cách chân thành, rực rỡ. Ngoài đời ông có điên hay không tôi không biết, không chắc, không quan trọng. Phạm Công Thiện điên được cũng vì ông sống ở miền Nam, nơi có tự do. Những con chim trong lồng không hiểu được điều này, chúng sẽ nói tự do không làm nên tác phẩm lớn. Chúng không biết rằng điều quan trọng đối với phần lớn thi sĩ không phải tác phẩm lớn hay bé, mà là quyền được điên. Điên mà không sợ bị kiểm điểm, bị phê bình, bị trừng phạt bởi lợn... (...)

 

 

------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021