ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
"Trống cơm": trình tấu và tâm sự


 

 

Dưới đây là một đoạn phim dài 4 phút 30 giây, trích từ chương trình âm nhạc MASTERPIECE, do đài truyền hình quốc gia SBS của Australia phát vào lúc 3 giờ 30, chiều thứ Bảy, 5 tháng 8, 2006. Đoạn phim này thu cảnh Hoàng Ngọc-Tuấn trình tấu bài "Rice Drum" (Trống cơm) trước khán giả tại The Seymour Centre, Sydney. Xen lẫn vào cảnh trình tấu là những đoạn phỏng vấn do Carmel Schenke thực hiện, ghi lại những ý nghĩ của Justo Diaz (nhạc sĩ, giám đốc tổ chức Cafe Carnivale thuộc Musica Viva Australia) và Hoàng Ngọc-Tuấn, tại những địa điểm khác nhau.

"Rice Drum" là chương II trong FULL-MOON FESTIVAL SUITE (Tổ khúc Hội Trăng Rằm) do Hoàng Ngọc-Tuấn sáng tác, khai triển từ những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh.

Mời khán thính giả Tiền Vệ xem trích đoạn phim này tại:

http://tienve.org/home/images/trongcom.mpg

hoặc

http://tienve.org/home/images/trongcom.wmv [thích hợp với Internet Explorer]

Để nghe riêng bài “Trống cơm” [không xem phim và không có các đoạn phỏng vấn], hãy bấm vào hình nốt nhạc ở góc trên (phía bên phải) của trang này.

 

Bản dịch phần phỏng vấn:

 

Nhạc...

Justo Diaz: Tôi tin rằng Ngọc-Tuấn đang làm một cuộc thám cứu thật sự... Nhạc cụ của anh ấy đang thám cứu nền văn hoá của anh ấy. Vì sao? Vì anh ấy đến từ một truyền thống văn hoá rất mạnh mẽ, và điều anh ấy làm là anh ấy thám cứu qua nhạc cụ của anh ấy như một con người đứng trong truyền thống nhưng không phải chỉ dừng lại ở một phần của quá khứ hay lịch sử mà... theo tôi, cuộc thám cứu đó thật sự là một cuộc hoà trộn. Anh ấy đang hoà trộn gốc rễ văn hoá âm nhạc của riêng mình vào chiếc đàn cổ điển Tây phương...

Nhạc...

Hoàng Ngọc-Tuấn: Tôi là một trong những thuyền nhân. Tôi rời Việt Nam năm 1983 trên một chiếc ghe nhỏ cùng với những người bạn, đi từ Việt nam đến Phi-luật-tân. Tôi ở lại đó 7 tháng trong trại tỵ nạn. Rồi tôi đến Úc. Khi tôi rời Việt Nam... sống đời lưu vong, tôi nghĩ tôi cần phải làm một điều gì đó cho quê hương tôi, như một nhạc sĩ. Nhạc cụ của tôi là chiếc guitar và nó là một nhạc cụ Tây phương. Và tôi muốn "ăn cắp" nó để mang về cho Việt Nam bằng cách Việt-Nam-hoá nó. Vì thế tôi chỉnh âm nó theo cách khác. Tôi tạo ra cho nó một vài hệ thống chỉnh âm khác...

Nhạc...

Hoàng Ngọc-Tuấn: Bản nhạc tôi chơi gọi là "Rice drum", tiếng Việt Nam gọi là "Trống cơm". Đó là một loại trống cổ truyền mà khi bạn muốn chỉnh âm thì bạn trét cơm nếp nóng lên da trống. Và người ta tin rằng chiếc trống ấy là biểu tượng của ngày mùa. Tôi chọn chơi bản ấy, vì nó là một bản rất phổ thông mà bất cứ một người Việt Nam nào trên trái đất cũng biết đến và nhận ra căn tính văn hoá của mình... Mỗi di sản văn hoá đều hoặc là một gánh nặng để bạn mang vác hoặc là một thứ của cải để bạn thừa hưởng. Và tôi cố gắng chọn cách đối xử với cái di sản ấy, tôi xem nó như một chiếc xe để chở tôi và âm nhạc Việt Nam đến với thế giới rộng lớn hơn, thay vì cố gắng tái tạo nó như nguyên thể của nó. Bởi tôi không nghĩ tôi muốn làm việc như một người canh giữ viện bảo tàng, thay vào đó, tôi muốn làm việc như một nghệ sĩ cách tân, phát minh, sáng tạo...

Nhạc...

Hoàng Ngọc-Tuấn: Trong đời sống bình thường của tôi, tôi phải đổi hệ, bật qua bật lại giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Nhưng trong âm nhạc, tôi không cần phải làm cái việc đổi hệ ấy. Tôi chỉ chơi đàn, và trong âm nhạc của tôi có hai thứ ngôn ngữ: ngôn ngữ Việt nam, và ngôn ngữ hoàn cầu...

Nhạc...

 

 

_____________

 

Về FULL-MOON FESTIVAL SUITE (Tổ khúc Hội Trăng Rằm):

Tôi viết những bản phác thảo của tổ khúc này vào năm 1976, sau một thời gian suy nghĩ tìm cách thể hiện những làn điệu quan họ Bắc Ninh trên cây guitar với kỹ thuật trình tấu đương đại. (Cùng năm ấy, tôi cũng phác thảo tổ khúc MEMORIES OF THE HIGHLANDS.) Năm 1985, tại Sydney, tôi đã sửa chữa và bổ sung nhiều chi tiết để tổ khúc này được hoàn chỉnh và biến thành một trong những tác phẩm cho công trình nghiên cứu và sáng tác "Innovative Music Project 1985-1986" mà tôi đã được Australia Council for the Arts ủy thác và tài trợ để thực hiện.

FULL-MOON FESTIVAL SUITE là một nhạc phẩm gây nhiều thử thách cho người trình tấu. Tôi đã sáng chế nhiều kỹ thuật tạo âm mới (extended techniques) và một hệ thống lên dây (scordatura) đặc biệt nhằm tái hiện âm sắc của những loại nhạc cụ cổ truyền đồng bằng Bắc bộ. Nhạc phẩm này được công diễn tại Úc lần đầu vào tháng 3 năm 1996, trong buổi hoà nhạc "Echoes of Vietnam" tại Ashfield Auditorium, Sydney. Từ đó đến nay, tôi đã nhiều lần trình tấu FULL-MOON FESTIVAL SUITE trong những buổi hoà nhạc, những đại hội tây ban cầm, cũng như qua các đài phát thanh ở Úc...

Năm 1998, một số nhạc sĩ tây ban cầm trẻ Việt Nam đã tham dự cuộc tranh tài tây ban cầm quốc tế Printemps de la guitare 1998 tại vương quốc Bỉ (từ 21-9 đến 2-10 năm 1998). Trần Phương Quang đã biểu diễn FULL-MOON FESTIVAL SUITE trong cuộc tranh tài đó (Trần Phương Quang đã từng đoạt giải nhất Tài Năng Trẻ Guitar 1997 với tổ khúc này), và Bùi Tuấn Anh đã trình tấu tổ khúc MEMORIES OF THE HIGHLANDS. Tại Printemps de la guitare 1998, Bùi Tuấn Anh đã vào vòng chung kết và giành được hạng 8 trong số 10 nhạc sĩ xuất sắc nhất từ 66 quốc gia trên thế giới. (Sau đó, cũng với tổ khúc MEMORIES OF THE HIGHLANDS, Bùi Tuấn Anh đã đoạt giải nhất Tài Năng Trẻ Guitar 2000, và giải nhất độc tấu tại Đại Nhạc Hội Guitar 2002.)

Trong những năm gần đây, FULL-MOON FESTIVAL SUITE và MEMORIES OF THE HIGHLANDS là hai nhạc phẩm được trình tấu thường xuyên trong các chương trình guitar cổ điển và các cuộc tranh tài guitar ở Việt Nam.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021