ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
Grief


Nhạc phẩm của Hoàng Ngọc Trường, sáng tác năm 2009 cho piano và nhóm tứ tấu đàn dây (2 violins, viola, và cello), do chính tác giả và các bạn nhạc sĩ trình bày và thu âm tại nhà riêng.

 

Nghe nhạc:

[mp3, 8’43”]

 

Đọc bản nhạc:

[pdf]

 

 

Đôi dòng về nhạc sĩ Hoàng Ngọc Trường

 
Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Cách đây mấy mươi năm, ở Melbourne, trong một đêm chuyện trò với bạn bè văn nghệ, điêu khắc gia / hoạ sĩ Lê Thành Nhơn (1940-2002) có nói: “Đã mang cái nghiệp nghệ sĩ, mà gặp hoàn cảnh khó khăn khiến không thể sống trọn vẹn với nghệ thuật, phải đi làm những việc khác, thì nghệ thuật trở thành một mối ám ảnh ghê gớm. Rồi đến một lúc nào đó, nó không tha cho mình, nó đòi hỏi, vật vã, thúc giục, năn nỉ mình vất hết tất cả, để trở về với nó...”

Hôm nay, khi lắng nghe những bản nhạc của Hoàng Ngọc Trường, tôi bỗng nhớ lại những lời ấy của Lê Thành Nhơn.

Hoàng Ngọc Trường sinh năm 1960 tại Saigon, và sống trong một gia đình tràn ngập không khí nghệ thuật, với văn chương (Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Thu Hồng, Hoàng Ngọc Nguyên), hội hoạ (Hoàng Ngọc Biên), và âm nhạc (violinist Hoàng Ngọc Hỷ [1955-2008], guitarist Hoàng Ngọc Anh [1977-2002]). Người nhạc sĩ vĩ cầm là anh ruột và người nhạc sĩ Tây-ban-cầm là cháu ruột của Hoàng Ngọc Trường. (Cũng cần nói thêm điều này: có lẽ ít có ai biết thi/văn/hoạ sĩ kiêm dịch giả Hoàng Ngọc Biên cũng là người sáng tác nhạc. Cách đây không lâu, tôi đã có dịp nghe một ca khúc rất tao diễm theo nhịp Valse chậm, có nhan đề là Hồ thu, do Hoàng Ngọc Biên sáng tác cách đây hơn nửa thế kỷ, lúc anh mới 17 tuổi. Gần đây, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Trường đã phóng tác một bài Hồ thu khác, nhạc không lời, dựa trên ca khúc của Hoàng Ngọc Biên.)

Sau khi theo học piano tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn được 4 năm (của hệ 7 năm), thì biến cố 1975 xảy ra, Hoàng Ngọc Trường phải ngưng tập đàn, rồi anh dành thì giờ cho Toán học (cũng là một niềm say mê khác của anh). Mấy năm sau đó, anh sang định cư ở Mỹ, tốt nghiệp Bachelor of Science in Electrical Engineering tại University of Utah năm 1985.

Sau đó, anh dời xuống Santa Barbara (California) để làm việc trong ngành điện. Ở đó, ngoài giờ đi làm, anh tham gia trình diễn trong những ban nhạc alternative rock/art rock, đồng thời anh theo học nhạc jazz tại Dick Grove School of Music (Hollywood).

 

Hoàng Ngọc Trường cùng các nhạc sĩ trong nhóm ở Santa Barbara (1988)

 

Năm 1990, anh dời lên San Francisco để tìm một môi trường sinh hoạt âm nhạc tốt hơn. Ban ngày, anh làm việc cho hãng Sun Microsystems. Ban đêm, anh chơi với một nhóm nhạc gothic-rock. Rồi anh bắt đầu yêu thích ambient/art-rock và nhạc phim, và quyết định trở thành một người sáng tác và sản xuất âm nhạc. Năm 1991, anh theo học sáng tác tại San Francisco Conservatory, và tốt nghiệp vào năm 1996.

 

Hoàng Ngọc Trường trình diễn cùng nhóm nhạc ở San Francisco (1993)

 

Từ đó, những sự bận bịu của đời sống gia đình và công việc khiến anh tưởng như đành phải rời bỏ giấc mơ âm nhạc của mình, nhưng sau khi thân phụ của anh từ trần, rồi tiếp đến là hai cái tang của hai người nhạc sĩ trong gia đình, anh quyết định trở lại với âm nhạc như một cách để diễn tả nỗi đau buồn mất mát của mình.

Vì sinh kế, anh vẫn chưa thể sống toàn thời cho âm nhạc. Hiện nay, anh đang làm công việc của một Physical Design Director của WIFI IC Division trong Qualcomm. Thế nhưng, để tiếp tục nuôi dưỡng cảm thức sáng tạo, anh vẫn dành thì giờ để theo dự những khoá nhạc tác ngắn của Steve Reich, Joowan Kim và Darcy Reynolds. Dự định của anh trong tương lai gần là viết một loạt nhạc mới theo phong cách art-rock/minimalist influence/computer music, và thành lập một ban tứ tấu cho piano và đàn dây, và trong năm 2012, anh sẽ thực hiện một buổi trình diễn dài một giờ, kết hợp với một cuộc triển lãm các tác phẩm digital art của Hoàng Ngọc Biên.

Cách đây mấy hôm, Hoàng Ngọc Trường gửi cho tôi nghe 4 bản nhạc của anh: Dusk (1994), Grief (2009), Sadness (2009, viết chung với Joowan và Ruychi), và Waltz (2011). Trong đó, hai bản DuskGrief đã từng được trình diễn ở San Francisco.

Cả 4 bản nhạc đều rất tinh tế về chuyển động hoà âm và cấu trúc đa điệu. Hoàng Ngọc Trường không chuộng nghịch âm và những sự cầu kỳ, phức tạp mang tính hình thức trong giai điệu và tiết tấu. Anh không cố gắng viết nhạc “khó”, không chuộng nét “virtuosic”, không đòi hỏi tài diễn tấu của những diệu thủ. Nhạc của Hoàng Ngọc Trường cần sự im lặng và cảm nhận sâu sắc nơi người trình tấu và người lắng nghe, vì mỗi bản nhạc của anh thanh tao và trầm lắng như một bài thơ mà ngôn từ là những âm thanh đẹp đẽ, chân thật và đầy cảm xúc.

 

Sydney, 05, tháng Giêng, 2012
Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Hoàng Ngọc Trường trong một buổi chơi nhạc ở San Francisco.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021