ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
Người ta gọi nó là tiếng ồn — nhưng anh ấy gọi nó là âm nhạc


Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Lời người dịch:
Dưới đây là một trong những bài "điểm nhạc" (music review) đầu tiên về các buổi trình diễn âm nhạc của John Cage. Bài này xuất hiện trên nhật báo Chicago Daily News ngày 19 tháng 3, 1942, lúc John Cage gần 30 tuổi. Nếu bây giờ Pence James còn sống và đọc lại những gì mình viết, hẳn ông phải tự cảm thấy rất buồn cười (và xấu hổ). Lúc ấy, rõ ràng ông chỉ viết theo những xung động cảm tính. Một nhà phê bình đúng nghĩa phải là một người có khả năng tiên tri. Y phải vượt qua cái cảm giác khó chịu tự nhiên khi chứng kiến một hành động nghệ thuật quá mới lạ, và nhìn thấy tiềm năng phát triển của hành động ấy.
 
Thời thanh niên, John Cage đã bất chấp những lời phàn nàn, chê trách của không ít "những nhà phê bình mù".[1] Ông quyết liệt đi trên con đường âm nhạc của riêng mình, và trước khi qua đời, ông đã được công nhận là một nhà cách mạng, người khai sáng mỹ học của tiếng động và sự im lặng trong âm nhạc hậu hiện đại.

 

_____________________

 

Nó không phải là nhạc rừng. Nó không phải là nhạc jazz nóng bỏng. Nó cũng chẳng phải là "boogie-woogie" hay "swing".[2] Vậy nó là cái gì?

Nhiều nhà trí thức, trong số đó có nhiều giảng viên của viện Đại Học Chicago, hôm nay đang cố tìm cho ra câu trả lời. Đêm hôm qua, họ đã đi xem một cuộc hoà nhạc giao hưởng tại Thính Đường Mandel. Dàn nhạc đại học của nhạc trưởng Charles Buckley trình tấu. Tiến sĩ Frederick Stock được mời làm nhà chỉ huy cho một số tác phẩm đặc biệt.

Nhưng, đâu đó ở khoảng giữa của chương trình, thình lình có sự đột nhập của một chàng tuổi trẻ gan dạ tên là John Cage cùng với các "nhạc sĩ" của anh ta. Họ chơi những chai đựng bia, những chậu hoa, những cái chuông dùng để đeo vào cổ bò cái, những ổ thắng xe hơi, những cái kẻng báo giờ ăn, những tấm thiếc dùng để giả tiếng sấm và, theo lời của Cage, "bất cứ thứ gì bọn tôi có thể chạm tay đến".

Sau khi dàn dây diễn tả khá ngọt ngào bản St. Paul's Suite for String Orchestra, [3] nhạc trưởng Buckley rút lui, và Cage cùng các thành viên của "nhóm nhạc gõ" của anh bày nhạc cụ ra để trình tấu một tiết mục gọi là Canticle, được viết bởi anh Lou Harrisson ở Oakland, Calif.

Cô Xenia, vợ của Cage, trông nom những chậu hoa; Katharine Manning và Barbazon Lindsay chăm sóc những thứ như mõ, cồng nhỏ, trống lắc, và phèng la; và Marjorie Parkin hai tay bận bịu với một cái chiêng lớn (tức là cái cồng Tàu), một tấm thíếc giả sấm, cái tambourine, và bộ phong linh. Stuart Lloyd đánh những cái trống.

Cage giơ đũa chỉ huy lên, và công việc bắt đầu. Một loại tiết tấu man rợ tràn ra từ sân khấu làm cho khán giả quằn quại trên ghế ngồi.

Thoạt tiên, vì bộ dạng nghiêm trọng của các nhạc công và vì sự tân kỳ đáng sợ của ban nhạc gõ, không ai mỉm cười. Cuối cùng thì khán giả cũng bắt đầu thấy khoái trá, vỗ tay một cách nhiệt tình, và được đáp lại bằng một cái miệng nhe răng cười toe toét của Cage.

"Nghe hay hơn nhạc của Benny Goodman,"[4] một người đàn ông trong đám khán giả đã nói thế; trước đó, ông ấy đã tuyên bố "tôi chán ngấy nhạc Bach."

Để chơi bản này, họ dùng một vỏ chai bia, cái kẻng báo giờ ăn, cái ống sắt, những cái chiêng, bộ trống, những cái mõ, chiếc đàn piano, và một cái thùng rác

Trong tiết mục này, Cage sử dụng chiếc đàn piano. Trước hết, anh dùng những ngón tay để nhấn phím, nhưng rồi lại bắt đầu dùng bàn tay nện lên phím, rồi dùng hai cùi chỏ. Cuối cùng, anh cầm cái nắp gỗ che bàn phím đè xuống, nhấc lên liên tục, làm tất cả các nốt đàn kêu như sấm nổ. Rồi anh thò tay vào dưới cái nắp đàn mà vuốt những sợi dây đàn.

Điệu "fox trot"[5] ấy chấm dứt khi cô Manning đập nát chai bia và ném những miểng chai vào thùng rác.

Sau đó, khi Cage nghe người ta kể có một cô gái trong đám khán giả đã cho rằng nhạc của anh là "hoàn toàn khủng khiếp," thì anh đáp: "Chúng tôi có nhiều bài còn khủng khiếp hơn nữa. Cô ấy nên nghe chúng tôi lúc chúng tôi chơi với đồ điện—những cái còi báo động và các thứ như thế."

Cage nói anh không xem loại nhạc gõ của anh là một "cứu cánh của chính nó, mà chúng tôi đang cố gắng làm cho tất cả lĩnh vực âm thanh khả thính được đem vào sử dụng trong âm nhạc." Anh nói đây là buổi hoà nhạc thứ mười ba của anh. Khi anh chơi buổi nhạc gõ đầu tiên của anh vào năm 1938, chỉ có hai bản nhạc được viết cho nhóm nhạc gõ. Bây giờ có hơn 100 bản, anh vừa nói vừa thu nhặt những cái cồng, những chậu hoa, và những ổ thắng xe hơi.

 

Nguyên tác: "People Call It Noise—But He Calls It Music", Chicago Daily News (March 19, 1942),
do Richard Kostelanetz sưu tầm và in lại trong John Cage: An Anthology
(New York: Da Capo Press, 1991) 61.

 

 

Đã đăng trong loạt bài "NHỮNG NHÀ PHÊ BÌNH MÙ":

" Gertrude Stein: Một kẻ ngu xuẩn trong văn chương" — Michael Gold

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]"Những nhà phê bình mù" là nhan đề một tiểu luận của Nguyễn Hưng Quốc. Tôi xin mượn nhóm chữ này để gọi chung cho loạt bài viết của những nhà phê bình thiếu viễn kiến trong thế kỷ 20 mà tôi sẽ lần lượt giới thiệu trên Tiền Vệ. Hy vọng những bài viết ngô nghê này sẽ giúp cho những nhà phê bình mù của chúng ta hôm nay có dịp "đọc người mà nghĩ đến mình"!

[2]"boogie-woogie" và "swing" là những phong cách nhạc jazz thịnh hành trong những năm 1930. Pence James dùng những chữ này với ý xem thường, vì vào đầu những năm 1940, nhiều người da trắng còn đánh giá thấp âm nhạc của người da đen.

[3]St. Paul's Suite for String Orchestra là một nhạc phẩm do Gustav Holst (1874–1934) viết năm 1913.

[4]Benny Goodman (1909-1986) là một trong những nhạc sĩ da trắng nổi tiếng nhất về nhạc jazz. Ông sử dụng kèn clarinet.

[5]"fox trot" là một điệu khiêu vũ jazz theo nhịp 4/4 kết hợp cả những bước nhảy nhanh và những bước đi chậm. Ở đây, rõ ràng là Pence James có ấn tượng sai về nhạc gõ của John Cage. Từ đầu đến cuối bài, ông không ngớt so sánh loại nhạc gõ của Cage với những phong cách nhạc jazz!!!


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021