ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
Piano mùa ma ám


Nguyễn Đình Đăng dịch từ Mark Swed
Piano for the spooky season”, Los Angeles Times, 29/10/2004

 

Phong cách biểu diễn của Ivo Pogorelich tại Nhà hát Irvine Barclay là gần như siêu phàm.

 

Những đám mây bão vỡ ra, để lộ vòm trời đen như nhung. Đội bóng chày “Bít-tất Đỏ” vừa thắng. Và vầng trăng – đỏ rực ma quái – lù lù hiện ra trong nguyệt thực toàn phần nửa giờ trước khi Ivo Pogorelich bắt đầu biều diễn độc tấu tại Nhà hát Irvine Barclay tối hôm thứ Tư vừa qua.

Một thời tiết quái đản. Một đêm quái đản. Một nghệ sĩ piano quái đản. Một buổi hoà nhạc quái đản.

Quái đản và kinh ngạc.

Liệu đó có phải là điều diễn tả Pogorelich ngày hôm nay? Liệu có cái gì đã bao giờ diễn tả được Pogorelich?

Ông đã gây náo động vào năm 1980 khi ông bị loại khỏi vòng 3 tại cuộc thi piano quốc tế ở Warsaw. Mặc dù quá độc đáo đối với vài thành viên trong ban giám khảo, chàng trai gầy gò 22 tuổi, mặc quần da, đầu tóc bù xù, nét mặt hờn dỗi, đã thu phục khán giả, đoạt được hợp đồng thu âm đầy quyến rũ của hãng Deutsche Grammophon, và đã chinh phục trái tim của một nửa số thiếu nữ mới lớn ở Ba Lan.

Ông là một nghệ sĩ piano đã từng làm công chúng sửng sốt bởi kỹ thuật chói lọi, tiếng đàn thực sự sâu thẳm và sáng choang như kim khí, và lối chơi Chopin “hoành tráng” làm ngất xỉu thính giả thuộc mọi tầng lớp. Ông thật bí ẩn. Ông cưới bà giáo piano Nga của mình. Ông có vẻ như vừa khao khát làm ngôi sao sàn diễn lại vừa khinh bỉ nó.

Theo dòng thời gian, Pogorelich ngày càng xa lánh sự chú ý của công chúng. Ông tổ chức một cuộc thi piano tại Đức mà quốc tế ít để ý (Ông đã tổ chức một cuộc thi như vậy tại Pasadena năm 1993). Không phô trương rùm beng, ông cũng làm việc thiện ở Bosnia, nơi ông đã thành lập một quỹ để xây dựng một bệnh viện. Thỉnh thoảng ông ra mắt các đĩa thu âm. Ông hủy nhiều hợp đồng cam kết.

 

 

Xuất hiện trên sân khấu tối thứ Tư vừa qua là một Pogorelich trung niên, chắc nịch, đầu cạo trọc, dường như đang cư ngụ trong một thế giới âm nhạc hoàn toàn do ông tạo nên. Ông hầu như không nhận thấy khán giả. Ông đã yêu cầu nhà hát tắt hết đèn, tối thui như trong rạp chiếu bóng. Ông chơi đàn trong bóng tối, và chỉ có một tí ánh sáng le lói trên đàn piano đủ để chiếu rọi những ngón tay huyền thoại của ông.

Ông mở đầu bằng Beethoven. Bản sonata ngắn, trữ tình No.24 (Opus 78) và bản cuối cùng, sonata No.32 (Opus 111) được ông chơi nối tiếp nhau, không quãng nghỉ cho vỗ tay. Nhưng đó hoàn toàn chưa phải là khía cạnh kỳ quặc nhất trong cách trình diễn các bản nhạc này. Chúng được chơi sao mà chậm, chậm không tưởng tượng được, chậm tới mức tai ác, khiến ta phải tự hỏi không biết có phải cơ thể Pogorelich tuân theo một quá trình trao đổi chất khác toàn bộ chúng ta chăng. Liệu có phải ông cảm nhận thời gian trên một bình diện khác?

Một trong các tác phẩm huyền ảo nhất của Beethoven, Opus 111, vang lên với những hợp âm trần tục rồi sau đó tan vào tình trạng mất trọng trường, chuyển thành các âm láy bay dần lên thiên đường trong đoạn cuối của các biến tấu. Pogorelich, tuy nhiên, bắt đầu chơi đoạn này tại một điểm xa xăm trong vũ trụ, xa hơn cả vầng trăng đỏ quạch kia, rồi từ đó bay về phía các thiên hà vời vợi.

Quay lại Trái Đất để nhanh nhẹn cúi chào khi kết thúc, ông trông cũng trạc tuổi như khi ông bắt đầu chơi, do đó có thể ông đã chứng minh lý thuyết của Einstein rằng những người ở các không-thời gian khác nhau già đi nhanh chậm không như nhau.

Nhưng mọi thứ đã diễn ra không hoàn toàn quá thong dong như vậy. Đoạn vui nhộn trong chương đầu của Opus 78 vẫn vui nhộn, nổi bật trên nền nặng nề bao quanh, khiến mọi thứ càng mơ hồ khó hiểu. Hầu như trong toàn nhạc phẩm, Pogorelich không bộc lộ bất cứ biểu cảm gì trong khi chơi đàn. Nhưng khi bàn tay trái của ông chìm sâu vào phím thấp nhất, âm thanh ông tạo ra có độ vang mạnh tới mức nhấn chìm cả khán phòng. Đoạn láy các note cao ở cuối Opus 111 chậm dần nhưng đều đặn như nhịp đồng hồ và mãnh liệt, nghe thật phiêu diêu.

Một khi đã thâm nhập vào âm thanh, người ta không còn lắng nghe nhiều, và chắc chắn không còn săm soi lý giải. Pogorelich không chơi Beethoven mà đã bỏ bùa Beethoven một cách ma quái.

Sau khoảng nghỉ giải lao còn quái hơn. “Những khoảnh khắc âm nhạc” (Moments Musicaux), Opus 16 số 1 của Rachmaninov trương phình ra đến nỗi có thể bị nhầm với Morton Feldman[*] và dường như kéo dài tới cả tiếng đồng hồ. Thực tế, trong vài phút đầu, không thể nhận ra Sonata số 2 của Scriabin.

Thế rồi, đột nhiên, Pogorelich lại trở về Trái Đất một lần nữa với 3 Etudes Siêu việt (Transcendental Etudes) của Liszt, mà ông chơi với sự điêu luyện kiểu cũ. Ngoại trừ cái đó ra, sự điêu luyện này không hoàn toàn “mang tính người”. Đôi bàn tay rộng kia lướt phím trong etude số 5 (“Ánh lửa ma trơi”) nhẹ nhàng gần như khiêu dâm và mềm mại tới mức không làm gợn một đám mây. Số 8 (“Cuộc cuồng săn”) nghe bạo liệt như xuất quỷ nhập thần. Và số 10 là sự vọt trào của âm thanh và cơn cuồng nộ kỳ lạ, lộng lẫy, đầy kinh hãi.

Cây đàn piano hầu như không còn đứng vững sau encore với nhạc phẩm “Islamey” của Balakirev đầy phô trương  - viết thế là để phòng hờ trường hợp bạn vẫn chưa hiểu, rằng không một nghệ sĩ piano nào khác có thể tạo ra một tiếng đàn như vậy. Không một nghệ sĩ piano nào khác, ở đây có nghĩa là, trên hành tinh này.

 

_________________________

[*]Morton Feldman (1926–1987) – nhà soạn nhạc Mỹ, một trong những người tiên phong của trào lưu “âm nhạc vô định” (N.D.).

 

---------------------

 

 
Mark Swed là trưởng phê bình âm nhạc của Los Angeles Times từ năm 1996. Ông còn viết bình luận âm nhạc cho các tờ báo như Wall Street Journal, Los Angeles Herald Examiner, 7 Days, đã từng viết cho New York Times, The New Yorker, The Economist, Musical America, Opera News, BBC Music, Gramophone, Stagebill, Schwann-Opus, và nhiều báo chí tại Hoa Kỳ cũng như quốc tế.
 
Mark Swed cũng là tác giả bài báo “Sức mạnh phía sau truyền thống âm nhạc cổ điển Việt Nam: Bà Thái Thị Liên” (“The force behind Vietnam's classical music tradition: Madame Thai Thi Lien”, Los Angeles Times, 26/12/2010).

 

 

-----------------------

Các bài liên quan:

... Một nhạc sĩ theo dõi cuộc thi nói: “Anh ta có thể sánh với Horowitz. Anh chơi từng note một cách chính xác, đầy cảm xúc, đầy biểu cảm. Anh là toàn bộ dàn nhạc. Anh đã chơi vượt thời đại mình 200 năm” ... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng] (...)
 
Sau khi các bài “Chơi tới trào nước mắt“, “Có thế nào chơi như thế“, “Tôi là đời thứ 5 tính từ Liszt” được đăng, tại mục “Ý kiến bạn đọc” dưới bài “Chơi tới chào nước mắt” đăng tại vnmusic – trang web của Hội Nhạc sĩ Việt Nam – đã xuất hiện một số phản hồi (PH) của các độc giả Hoa Cải, Trang An (Ba Lan), LTrinh, yuan yuan, Trung Dung, Trần Ly Ly, Hoàng Ngọc Tuấn (Úc), và tranh luận (TL) giữa Đặng Hữu Phúc và Nguyễn Đình Đăng...
 
[Phỏng vấn nghệ sĩ piano IVO POGORELICH] ...“Bản nhạc chỉ là những ký hiệu chết. Nhiệm vụ của tôi là đưa vào một cái gì đó sống động...” [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
 
Có thế nào chơi như thế  (nhận định âm nhạc) - David, Barry
... Pogorelich là một người tin tưởng tuyệt đối rằng hành động giá trị hơn lời nói suông: “Picasso, chẳng hạn, đã tạo nên các tác phẩm của một đại thiên tài, và người ta hỏi ông lấy cảm hứng từ đâu. Ông trả lời rằng ông đã phải lao động chăm chỉ 8 – 9 giờ liền trước khi cảm hứng đến với ông. Tôi đã không tình cờ mà có ngày hôm nay. Tôi luôn chăm chỉ lao động...” [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng] (...)
 
[Phỏng vấn nghệ sĩ piano IVO POGORELICH] ... Các nhạc phẩm khó nhất là các bản nhạc dựa vào văn hóa dân gian. Các nhạc công dân gian — những người trình diễn đích thực của âm nhạc dân gian — đạt tới trình độ hoàn hảo mà các nhạc công cổ điển không đạt được bởi các nhạc công dân gian chơi một nhạc phẩm rất nhiều lần và vượt xa về độ trau chuốt cũng như sự tinh tế trong cách biểu hiện... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
 
Mối quan hệ của tôi với Chopin rất đặc biệt. Tôi ra đời trong chiến tranh ở Việt Nam, và khi tôi còn bé, chúng tôi đã phải sơ tán vào vùng núi. Tất nhiên vào thời đó không có điện, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều để học tập âm nhạc và có được các bản nhạc. Vật chất và thông tin bị thiếu thốn đủ đường... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
 
... Tôi chắc không chỉ Chopin, mà ngay cả những thế hệ trước chúng ta một chút – những bậc thầy của quá khứ, họ có thể cho rằng thanh niên ngày này chơi quá to và quá nhanh. Chơi như vậy chắc đánh mất linh hồn của âm nhạc. Với Liszt, điều này đôi khi có thể được. Âm nhạc của Liszt thuộc loại âm nhạc rất hào nhoáng và ngoạn mục! Nhưng với Chopin, tất cả nằm trong sự bí mật, tâm tình của âm nhạc... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]
 
... Nếu chúng ta nhìn kỹ vào thực tế cuộc sống ngày nay, rất nhiều người còn có những khó khăn lớn ngay cả trong những điều cơ bản như sinh tồn. Thế giới này có rất nhiều vấn đề thực sự. Nghệ thuật không chỉ cần cho mục đích giải trí, mà đó còn là một nền giáo dục — một nền giáo dục rất quan trọng. Nghệ thuật mang lại mặt tích cực cho cuộc sống. Đó là vấn đề về cái đẹp, về lòng can đảm, và về nhân loại... [Bản dịch của Nguyễn Đình Đăng]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021