|
Có thế nào chơi như thế
|
![]() |
Nguyễn Đình Đăng dịch từ nguyên văn tiếng Anh
đăng tại The Jerusalem Post ngày 26/2/2010
Ivo Pogorelich không bao giờ làm gì nửa vời. Khi nghệ sĩ piano danh tiếng người Croatia này — người sẽ có 4 buổi biểu diễn tại đây từ 15/3 tới 19/3 — bừng sáng trên sàn diễn quốc tế năm ông mới 22 tuổi, đó dĩ nhiên là một tình huống rất ngoại lệ. Sự kiện này đã xảy ra 10 năm sau khi ông tới Moscow học nhạc, lúc đầu tại trường nhạc trung ương, sau đó tại Nhạc viện Moscow, trong đó có 4 năm học dưới sự hướng dẫn của bà giáo người Georgia, Aliza Kezeradze, người đã kết hôn với ông vào năm 1980, dù hơn ông 21 tuổi. Cùng năm đó, ông đã tham gia cuộc thi piano quốc tế mang tên Frederic Chopin tại Warsaw và đã bị loại tại vòng 3. Cơn thịnh nộ do quyết định này gây ra đã khiến một vị giám khảo hùng hồn tuyên bố Pogorelich là thiên tài và tự rút khỏi hội đồng để phản đối. Một nghệ sĩ mới lớn và yếu bóng vía, trong trường hợp như vậy, dĩ nhiên ngay lập tức sẽ tìm người để xin lời khuyên nhủ về tương lai sự nghiệp và tìm những cách khác để kiếm kế sinh nhai. Nhưng điều này thật quá xa lạ với Pogorelich. “Tôi đã từng sống nhiều năm tại Moscow, dưới chế độ cộng sản,” nghệ sĩ piano 51 tuổi từ Thụy Sĩ trả lời phỏng vấn qua điện thoại. “Nhiều tháng trước khi cuộc thi này diễn ra, chúng tôi đã biết rằng Đảng Cộng sản đã quyết định trao giải nhất của cuộc thi cho một nghệ sĩ piano Việt Nam (Đặng Thái Sơn). Vì thế tôi không ngạc nhiên.” Liệu ông có chút thất vọng với việc “dàn xếp tỉ số” này không? “Này, tôi là một người đàn ông đã có vợ con,” ông nói. “Tôi biết sống chung với lũ.” Trên thực tế, Pogorelich nói, sự phô trương rùm beng của thông tin đại chúng sau thất bại của ông trong cuộc thi này là những gì tốt nhất đã xảy ra với ông: “Tôi đã nhận được quá nhiều từ vụ này. Về sự nghiệp, tôi đã đạt được nhiều thứ từ cuộc thi đó, hơn bất kỳ người thắng cuộc nào từng đạt được.” Và ông có các băng ghi âm để chứng minh điều này. Trước khi thua tại Warsaw, Pogorelich đã thắng tại cuộc thi Casagrande ở Terni, Ý, năm 1978, và cuộc thi Âm nhạc Quốc tế tại Montreal năm 1980. Một năm sau, ông đã biểu diễn recital ra mắt tại Carnegie Hall ở New York, rồi biểu diễn ra mắt tại London. Từ đó ông đã biểu diễn độc tấu rất nhiều lần trên toàn thế giới cũng như cùng các dàn nhạc giao hưởng (DNGH) hàng đầu thế giới, trong đó có DNGH Boston, DNGH London, DNGH Chicago, Vienna Philharmonic và Berlin Philharmonic. Nhìn bề ngoài, Pogorelich dường như đã có tất cả mọi thứ ngay từ đầu. Ông đã từng là một học sinh piano siêu năng khiếu — thoạt nhìn là biết liền — và cho dù có thể hơi quá khi nói rằng ông luôn chuốc lấy tai vạ, chắc chắn ông không bao giờ nao núng giáp trận hoặc trốn tránh tranh cãi. Ông thường xuyên là chủ đề chọn lọc đáng quan tâm của một loạt chương trình trên các phương tiện truyền thông, nhưng không phải tất cả đều tập trung vào âm nhạc của ông. “Tôi bắt đầu sự nghiệp ở lứa tuổi lớn hơn Mozart một chút. Tôi có bản tính khiêu khích lòng ghen tị. Mọi người nói tôi đẹp trai và lắm tiền. Tôi đã chờ đợi cái ngày khi mọi người ngừng nói về bề ngoài của tôi, về tài năng của tôi, và về tiền bạc của tôi,” ông nói với vẻ bộc trực đặc trưng của mình. “Bây giờ khi tôi đã ngoại ngũ tuần, họ nói rằng tôi vẫn ‘giữ được phong độ’.” Cứ nhìn các hình chụp gần đây thì thấy Pogorelich quả là vẫn “giữ được phong độ.” Nói chung, sức khoẻ tráng kiện của ông là một vấn đề liên quan nhiều tới mồ hôi hơn là nhờ có gene tốt. Hồi nhỏ, ông từng bị sốt thấp khớp mãn tính, và sau này bị viêm gan siêu vi trùng. Thay vì chấp nhận bất kỳ khuyết tật nào về lâu dài, ông đã thực hành một chế độ tập thể dục chặt chẽ, được phát minh ra vào những năm 1920 để giữ “co” cho vũ công ballet Nga — mà ông duy trì cho đến ngày nay, và thường xuyên đi bộ nhiều hàng ngày. Người ta có thể nghĩ Pogorelich không quan tâm nhiều tới các phương tiện truyền thông, hoặc các tin đồn về những khía cạnh phi âm nhạc trong cuộc sống của ông. Sai. “Tôi là một nhà vô địch về quảng cáo,” ông tuyên bố. “Nếu người ta ghen tị, đó là việc của họ. Lòng ghen tị nó mạnh lắm. Cách duy nhất để thoát khỏi những người ghen tị là để cho họ tự nổ tung vì lòng ghen tị của chính họ.” Lòng ghen tị chắc chắn không cản trở được sự nghiệp của Pogorelich phát triển nhanh gấp đôi. Ông bắt đầu ghi âm cho Deutsche Grammophon, và năm 1982 ông đã thành một trong những nghệ sĩ độc quyền của hãng này. Trong những năm qua, ông đã trình diễn một chương trình rộng và thực hiện những bản thu âm đáng được khen ngợi, chơi các tác phẩm của Bach, Beethoven, Brahms, Haydn, Liszt, Mozart, Mussorgsky, Prokofiev, Rachmaninoff, Ravel, Scarlatti, Scriabin, Tchaikovsky và Chopin. Song, có lẽ lối diễn xuất các tác phẩm của Chopin đã khiến người ta dễ nhận ra ông nhất.
Cứ theo dõi biểu diễn của Pogorelich tại cuộc thi Chopin năm 1980 thì dễ hiểu vì sao giám khảo lại đùng đùng bỏ hội đồng. Chàng trai này đã chơi Scherzo số 3 thật vô song, pha trộn những cú phang táo bạo, dữ dội với những đoạn chạy bồng bềnh, ngọt ngào. Hôm nay, trong tầm nhìn của ba thập kỷ, sự pha trộn này đã góp phần vẽ nên những nét khái quát về ông như một nghệ sĩ và một con người. Như có thể hình dung, Pogorelich có một quan điểm mạch lạc về nhà soạn nhạc Ba Lan lãng mạn — cho dù ông có một tài nghệ chơi Chopin thật cao cường, quan điểm đó lại không hẳn là một sự ngưỡng mộ một cách ngây thơ. “Mọi người đều xúc động bởi âm nhạc của Chopin, nhưng rốt cuộc, ông là một người nhu nhược và kiêu căng. Tôi đã thất vọng khi đọc các bức thư của Chopin,” ông nói. “Chopin sang Anh, gặp Nữ hoàng Victoria, và sau đó nói rằng bà đã nở một nụ cười bề trên. Tôi muốn ói khi đọc câu này.” Pogorelich tin rằng quan điểm sống của Chopin đã ảnh hưởng bất lợi tới nghệ thuật của chính Chopin: “Chopin đã làm những lựa chọn sai lầm trong cuộc đời. Nếu Chopin là một con người tốt hơn, ông đã có thể để lại cho đời nhiều di sản quý giá hơn.” Trong số những thuộc tính khác của mình, Pogorelich có biểu hiện của một người thân Anh. Ông từng sống ở Anh 20 năm và gắn bó nhiều với nước Anh. “Nữ hoàng Elizabeth mê hoặc tôi,” ông nói. “Bà ấy không bao giờ ốm và luôn luôn có tinh thần trách nhiệm. Tôi tự hỏi liệu các thần dân của bà có hiểu họ may mắn như thế nào khi có một nữ hoàng như bà.” Pogorelich là một người tin tưởng tuyệt đối rằng hành động giá trị hơn lời nói suông: “Picasso, chẳng hạn, đã tạo nên các tác phẩm của một đại thiên tài, và người ta hỏi ông lấy cảm hứng từ đâu. Ông trả lời rằng ông đã phải lao động chăm chỉ 8 – 9 giờ liền trước khi cảm hứng đến với ông. Tôi đã không tình cờ mà có ngày hôm nay. Tôi luôn chăm chỉ lao động. Khi tôi còn học trong trường nhạc, tôi nghèo kiết xác mà phải thu xếp để ăn đủ mỗi ngày ba bữa. Người ta hỏi về tiền bạc của tôi. Ngày nay người ta muốn thành công ngay lập tức — họ không hề quan tâm tới việc bạn đã đạt được thành công đó như thế nào.” Trong khi một số người có thể thêm những tính từ như “khiêu khích” hoặc “hỗn xược” vào danh hiệu thiên tài của ông, Pogorelich đã mở cho thế giới thấy một khía cạnh khác, nhẹ nhàng hơn, trong nhân cách của mình trong hơn 20 năm qua. Sau khi đã tạo được danh tiếng ban đầu trên trường quốc tế, Pogorelich là người thường xuyên xuất hiện tại các phòng hòa nhạc lớn của thế giới, nhận hàng lô những bài viết tán dương và những lời khen ngợi. Tuy nhiên, vào năm 1996 vợ Pogorelich qua đời, và trong một số năm, ông đã biểu diễn rất thưa thớt. Thay vào đó, ông đã dành thời gian đầu tư cho các nhạc công của tương lai, thông qua một quỹ do ông mở năm 1986 tại Croatia. Ba năm sau đó, ông lại mở một liên hoan âm nhạc thường niên mang tên mình — tại Bad Wörishofen, Đức. Mục đích của liên hoan này là nhằm hỗ trợ các nhạc công trẻ đầy hứa hẹn bằng cách cho họ cơ hội biểu diễn chung với các nghệ sĩ nổi tiếng. Năm 1993, ông thành lập cuộc thi piano độc tấu quốc tế, kết hợp với Quỹ Đại sứ, tại Pasadena, California. Giống như các đối tác Đức, cuộc thi này đã được thành lập để giúp các nhạc công trẻ phát triển sự nghiệp của họ, người thắng cuộc được nhận được một giải thưởng tiền mặt lớn. Những nỗ lực nhân đạo của Pogorelich đã không qua mắt Liên Hiệp Quốc: Từ năm 1988 ông đã được bổ nhiệm là đại sứ thiện chí chính thức của Liên Hiệp Quốc. Sinh tại Belgrade, khi đó là một phần của Nam Tư, mẹ là người Croatia và cha là người Serbia, Pogorelich dĩ nhiên nhạy cảm với những nỗi kinh hoàng đã xảy ra khi nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ này tách ra và kéo theo một cuộc chiến đẫm máu vào đầu những năm 1990. Năm 1994, ông thiết lập một quỹ ở Sarajevo, thủ đô của nước cộng hòa Bosnia và Herzegovina thuộc Nam Tư cũ, để quyên góp tiền xây dựng một bệnh viện và cung cấp sự hỗ trợ y tế cho những người dân của thành phố. Ông cũng đã biểu diễn tại nhiều buổi hòa nhạc từ thiện để quyên góp tiền cho việc điều trị và nghiên cứu các bệnh nghiêm trọng như ung thư và đa xơ cứng. Mặc dù Pogorelich có một lịch hòa nhạc không thường xuyên vào những ngày này, nghệ thuật của ông vẫn được đánh giá cao. Sau buổi biểu diễn của ông tại Liên hoan Edinburgh năm 2009, một nhà phê bình âm nhạc đã nhận xét “nghệ sĩ piano này đã chuyển tải một cảm giác say mê tập trung cao độ”, nhưng cũng thêm vào rằng “cách tiếp cận này cũng xóa đi rào cản giữa chúng tôi, âm nhạc và diễn xuất của ông.” Nhà phê bình này cũng cho rằng cách Pogorelich chơi Sonata No 3 của Chopin là đầy chất thơ tinh khiết, lộng lẫy và không ủy mị. Rõ ràng, ông vẫn giữ được những gì cần cho diễn xuất điêu luyện, quyến rũ khán giả của mình. Pogorelich gắn một số việc ông làm với nguồn gốc đa văn hóa của mình: “Mẹ tôi là người Serbia, có nguồn gốc từ các triều đại của Đế chế Ottoman, và cha tôi sinh ra tại một đất nước từng bị thống trị bởi các đế quốc Hy Lạp, La Mã, và sau đó là đế quốc Áo – Hung, rồi những người Ý. Tôi đã may mắn được nghe ngôn ngữ khác nhau khi tôi còn là một đứa trẻ. Điều này đã mang thêm một sự phong phú về văn hóa vào những gì tôi làm.” Vậy, nơi nào Pogorelich thực sự cảm thấy là nhà mình? “Tôi đã sống 10 năm ở Moscow và 20 năm ở London,” ông nói. “Vợ tôi xuất thân từ gia đình có dòng dõi hoàng tộc La Mã, và tôi có một ngôi nhà ở Istanbul, nơi phương Đông gặp phương Tây. Tất cả đều ở trong cùng một thế giới mà thôi.”
Dịch sang tiếng Việt ngày 15/3/2012
|