thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những gì viết trong gió [I]
(Diễm Châu dịch)
 

EM CÓ THẤY XỨ SỞ CỦA NHỮNG TRIỀN DỐC LỚN

 
Em có thấy xứ sở của những triền dốc lớn
nghiêng mình từ ngọn núi tới cát sông 
nặng nề vươn dậy
hướng tới những đỉnh cao trong đám cháy của đêm.
 
Em có thấy con đường của những dòng sông reo ca 
đi về biển man dại 
biển bị lưỡi cày khổng lồ của băng hà đẽo vạc,
lấm tấm những cánh đồng và phủ bóng rừng 
biển gặp em.
 
Nơi đây, trong vòng ôm mỏi mệt 
nơi đóa hoa gặp tuyết,
em tìm thấy chiếc nôi mà nỗi đau muôn thủa
ra đời trong tiếng hát.
 
 

NHỮNG DẤU HIỆU

 
Không phải 
những tiếng vun vút của bánh xe trên đường nhựa ướt mưa 
là những dấu hiệu của thành phố.
 
Không phải
tiếng nghiến rít của những xe tải sữa chạm phải lề đường
những buởi sáng trời có mây che. Những chuyến tàu vụt qua.
 
Không phải
ngọn lửa rực lặng lẽ của những ánh đèn quảng cáo  
bên trên những dòng sông sống động
cũng chẳng phải chuỗi ngọc lấp lánh 
của những ngọn đèn vòng cung.
 
Không phải tiếng lanh tanh của pha lê  
trong những tiệm ăn lớn ồn ào.
Tiếng gọi chát chúa của những hồi còi tàu trong cảng   
hai ngắn một dài, hai ngắn một dài.
Không phải chuyến tàu điện ban đêm
tiếng hát âm âm trên những đường phố mà anh không quen biết.
Tiếng kèn xắc-xô ở lầu tư.
 
Không —
những dấu hiệu của thành phố,
cái mạch đập điên cuồng của thành phố,  
anh sẽ nhận ra chúng vào một đêm: —
đêm
mà lần đầu tiên
anh đi một mình đơn độc và không hy vọng, —
cất lên như một tiếng cười nhạo vang dội đằng sau lưng anh
từ vỉa hè của những đường phố:
— tiếng lộp cộp của chính những bước chân anh.
 
 

SIÊU HÌNH HỌC CỦA THÀNH PHỐ

 
Dưới những vỉ sắt ở cống rãnh,
dưới những hầm đá mốc meo,
dưới những chiếc rễ ẩm ướt của những lối đi trồng cây điền-ma*
và những thảm cỏ ngoài công viên:
 
Những sợi gân của dây cáp điện thoại.
Những mạch máu trống rỗng của ống dẫn ga.
Những ống cống.
 
Từ những ngọn núi cao vút trời của con người về phía đông
từ những mặt tiền các biệt thự về phía tây sau dậu hoa thơm
— cũng những ống sắt và đồng vô hình ấy  
nối chúng ta lại với nhau.
 
Không ai nghe thấy cuộc sống lép bép của những đường cáp điện thoại.
Không ai nghe thấy tiếng ho đau yếu của những ống dẫn ga dưới vực sâu.
Không ai nghe thấy những ống cống ầm ầm lăn đi những bùn lầy và mùi hôi thối trên hằng trăm cây số trong tăm tối.
Gan ruột sắt của thành phố
đang làm việc.
 
Nhưng ở trên cao, trong ánh ngày, đúng là em đang nhảy múa với những
gót chân bừng cháy trên đường nhựa, và em mang lụa là trên con mắt
trắng của rốn em và một tấm áo khoác mới trong nắng.
 
Và ở đâu đó trên cao ấy, trong ánh sáng, đúng là tôi đang đứng sững
nhìn ngắm mảnh hồn xanh của điếu thuốc phất phơ bay như một thiên thần thanh khiết,  
qua đám lá cành của những cây hạt dẻ tới cuộc sống đời đời.
 
------------------------------------------------
*linden trees (Anh Mỹ); tilleuls (Pháp). (người dịch)
 
 

XỨ SỞ CỦA ĐƯỜNG SẮT

(trích)
 
Tôi đã ngủ trong một căn nhà nằm kế bên một đường xe lửa
nơi những chuyến tàu tốc hành bụi bặm lao tới băng ngang mặt lộ.
Tôi đã để tai nghe một khúc ca đã nhỉ vào đầu óc tôi
một giai điệu mê cuồng và ám ảnh.
 
Tôi đã dừng chân trên những lối đi, tôi đã đứng lại để nhìn ngắm
khi chiếc đầu máy thon thon khoe những cạnh sườn loáng bóng
dồn dập phi mau qua bao dặm thép không cùng
trên con đường rong ruổi về vực sâu lóe sáng.
 
Tôi đã lắng nghe tiếng kêu của nó và nó kêu gọi tôi bằng tên tôi
và nó tới nhà tôi mỗi ngày như một người bạn
và nó thì thào với đầu óc tôi, mi hãy bán tất cả những gì mi có,
và hãy thong dong như cơn gió lướt nhanh.
 
Là vì nhất định rồi sẽ tới một ngày và nhất định rồi sẽ tới một lúc 
khi đất dưới chân mi trở thành than hồng.
Và mi sẽ bỏ trốn chính bản thân mi và rồi mi sẽ tới cùng ta  
trong cuộc bay bổng trên những đường rày ca hát.
 
Và mi sẽ không tìm được sự bình yên nào, mi sẽ tìm kiếm khắp nơi
qua mọi thời đại và mọi miền đất: môt dòng nước tuôn tràn như thác.
Và mi sẽ lắng nghe những vòng bánh xe của ta như một tiếng trống dập dồn trong máu mi
trong lúc mi săn lùng giấc mộng cuối cùng.
 
Tôi đã ngủ trong một căn nhà nằm kế bên một đường xe lửa  
nơi những chuyến tàu tốc hành đu đưa lao tới ầm ầm qua mặt lộ.
Tôi đã để tai nghe một khúc hát đã khắc chạm trong đầu óc tôi  
một giai điệu loạn cuồng và mê hoặc.
 
Và tôi nghe thấy nó ban ngày và tôi nghe thấy nó ban đêm  
như một khớp xương của thép gõ thật khẩn cấp và mạnh mẽ.
Và tôi đã mơ thấy nó đêm nay, và tôi nghĩ nó có thật  
thế nên tôi đã khép cửa lại và bỏ đi.
 
------------------------------------------------------------------
* Đây là một trong khá nhiều bài mà Rolf Jacobsen đã làm về hệ thống đường sắt ở Na-uy. Mối liên hệ giữa ông và đường sắt của nước ông hết sức «thắm thiết» khiến có lời «truyền» lại rằng, mỗi khi ông có việc cần đi đâu bằng đường sắt, cơ quan hỏa-xa Na-uy rất vui mừng đón tiếp ông và không dám.. lấy tiền vé!  (người dịch)
 
trích Đất và sắt, 1933.
 

THỪA KẾ VÀ MÔI TRƯỜNG

 
Thật thơ ngây vô tội
với những con ngươi mở lớn
và đôi mày hãi hùng
và đôi môi bĩu ra thật kỳ dị
như một đứa trẻ
nàng bắt đầu nhảy
dưới ánh đèn sân khấu mượt mà, những ánh đèn êm dịu.
Tango và
Cucaracha
theo nhịp phách, như sau:
Hai cánh tay giơ lên. Hai bước sang một bên.
Khuỵu xuống ngượng ngùng nơi đầu gối.
 
Lúc này
với những con ngươi thơ ngây
và đôi mày hãi hùng
chiếc mặt nạ hơi ngạt giương mắt nhìn thế giới
với chiếc vòi bĩu ra thật kỳ dị
như một đứa trẻ.
 
Rồi chúng ta bắt đầu nhảy
dưới ánh đèn sân khấu lạnh lẽo, những ánh đèn trắng.
Tango và
Cucaracha
theo nhịp súng máy, như sau:
Những cánh tay giơ lên. Hai bước về một bên.
Khuỵu xuống ngượng ngùng nơi đầu gối.
 
 

RÊU, RỈ SÉT VÀ MỌT

 
Rêu bước ra từ đất.
Âm thầm như cánh dơi lúc ban đêm
rêu đậu trên những tảng đá và chờ đợi,
hay trong đám cỏ, bên dưới,
với những chiếc cánh xám như tro.
 
Rỉ sét đi từ chiếc đinh tới chiếc đinh 
và từ tấm biển sắt tới tấm biển sắt trong tăm tối
xem xét cẩn thận
đã tới giờ hay chưa.
Khi những nòng thụt ngừng nghỉ;
khi những cột chống đã từ lâu ở trong đêm tối,
rỉ sét phải làm công việc lặng lẽ và đẫm máu của mình.
 
Mọt trắng các vì sao
bám từng chùm trên những khung cửa kính mịt mờ của trời
và chăm chú nhìn
và chăm chú nhìn những ánh đèn thành phố.
 
trích Chen chúc, 1935
 

MÙA HÈ CỦA CỎ GAI

 
Ngay cả mùa hè của cỏ gai cũng ẩn nấp dưới đất.
Nó ẩn trong những hạt mầm đui mù, một ý nghĩ còn thiếp ngủ, vòng hoa xanh.
 
Là vì một ngày kia nữa mùa hè của cỏ gai cũng nở trên trái đất, 
như một đàn cò bay nó vươn những chiếc cổ dài
dọc theo những đường hào và đồng cỏ, rướn thẳng trong nghe ngóng, trong chờ đợi,
reo ca đầy sức sống trong mọi thớ sợi và đường mạch, hôm nay, hôm nay
mùa hè của chúng ta đã đến, mùa hè từng được mơ tưởng trong đáy tim Thượng đế.
 
Hãy mở mắt ra, cỏ gai, ngày của mi đã đến,  
đừng hổ thẹn vì những trang phục nhà nghèo của mi.
Những con ong đất đang chờ mi, cũng như những cánh chuồn chuồn và đám ếch vui nhộn  
của những đường hào,
là vì cả mi nữa cũng có một ánh sáng để đem lại, một thứ ánh sáng dịu dàng như con mắt của loài thú:
sự nhẫn nại.
 
 

NGÀY VÀ ĐÊM

 
Ngày của chúng ta bất tận.
Ngày không cùng.
Nó chỉ đi qua nơi khác, 
lặng lẽ rời đi trong chốc lát,
khoác chiếc áo xanh lên vai,
nhúng đôi chân vào biển và đi khỏi;
rồi lại chạy trở lại, với những bông hồng trên má, 
và với đôi tay tươi mát 
nâng cằm em lên và nhìn vào mặt em:
— Dậy đi chứ?
 
Đêm của chúng ta bất tận.
Đêm không cùng.
Nó chỉ đi qua nơi khác
trong chốc lát; 
rồi lại có đó   
với đôi mắt như người lên cơn sốt, 
mái tóc ướt đẫm như rỏ mồ hôi 
và nhìn anh, và nhìn anh:
— Sao không ngủ?
 
Hoan lạc là bất tận, đớn đau không cùng, 
cái chết không cùng, sự sống không cùng.
Chúng chỉ đi khỏi trong chốc lát, chúng đi vòng trái đất  
tới một trái tim khác, 
trong chốc lát, 
rồi trở lại, với những tiếng nói ngập ngừng:
— Còn ngủ à? Thức dậy chưa?
 
Bất tận là các vì sao và gió.
Chỉ có chính bản thân anh, 
chẳng phải là người anh vẫn tưởng.
 
Trích Tàu tốc hành, 1951
 

THỜI CỦA NHỮNG BẢN ĐẠI HÒA TẤU

 
Thời của những bản đại hòa tấu
lúc này đã qua.
 
Chúng đã cất lên trời cao thật lộng lẫy
như những đám mây giông bão lấp lánh dưới mặt trời 
trên những thế kỷ lớn.
Những đám mây vồng dưới bầu trời trong trẻo. Coriolan.*
 
Kìa chúng đang tuôn xuống như mưa, 
một cơn mưa có vạch, màu đá xám trên mọi làn sóng âm thanh và mọi chương trình,
bao trùm trái đất như một tấm áo ướt, một chiếc túi vang vang.
 
Kìa chúng đang rơi xuống lại từ những tầng trời cao, 
chúng quất vào những tòa nhà chọc trời như trận mưa đá bằng điện khí
và ngấm vào buồng ngủ của người nông dân
và gõ lùng bùng trên những biệt thự ở ngoại ô và những biển gạch**
như âm thanh muôn thủa.
 
Mưa như âm thanh.
Seid umschlungen Millionen,***
để bóp nghẹt những tiếng la thét
 
hết mọi ngày, hết mọi ngày
trên trái đất đang thèm khát và lại thấm hút chúng.
 
-------------------------------------------------------------
* Khúc nhạc mở đầu do Beethoven soạn vào năm 1807 cho bi kịch của Collin, thi sĩ Áo.
** Nguyên tác: “Villabyene” có nghĩa là “thị trấn của tư gia” ở vùng ngoại ô thành phố, tương phản với “murstenshavet”: “biển gạch”- những khu nhà cũ hơn ở bên trong thành phố.
*** “Hãy ôm ghì lấy nhau, hỡi muôn người”, một câu trong bài “An die Freude”của Schiller (thường được biết tới như bài “Ca ngợi niềm vui”), bài thơ được dùng làm lời cho đoạn chót trong “Hòa tấu khúc số 9” (1823) của Beethoven. (người dịch)
 
 

HÀNG BAO-LƠN ĐƠN ĐỘC

 
Mãi bên trong một thành phố lớn và ở tít cao lơ lửng một hàng bao lơn đơn độc,
trên cao ấy dưới những đám mây cùng với gió, nơi chưa một ai từng đặt chân
là vì ở ngoài đó thật lạnh và đi xuống lại thật xa.
 
Hàng bao lơn nghĩ mình cô độc nhất trên khắp thế giới
và thường nghe chuông đổ nhịp nhàng mỗi Chúa nhật tử nhà thờ thánh Bac-tô-lô-mê-ô,
nó nghĩ tại sao Đức Chúa trời lòng lành vô cùng lại không thể giúp ta,
dẫu sao thời ngài cũng ở tít cao  
và ngài có thể dùng ta như một cái kệ nho nhỏ để đặt những đồ lặt vặt của ngài.
Nó quen biết gió tây hơn cả, nên đã nhờ gió tìm hiểu cho.
 
Thế rồi những dàn gióng bằng thép to lớn và những kẻ lặn lội leo trèo một ngày kia đã xuất hiện
và họ đã hạ hàng bao lơn kia xuống bằng những ngọn đèn khí đá trong không đầy 8 phút
và máng lên một tấm bảng kẽo kẹt với những ống đèn xanh đỏ quảng cáo   
cho Uýt-ki Tô-cách-lan.
 
 

TƯỢNG ĐÀI

 
Họ đã bít kín mắt tôi bằng phún thạch sa,  
họ đã cột đôi bàn tay tôi lại bằng đá. Khuôn mặt tôi  
lúc này nặng một tấn và đôi hàm tôi,
chĩu nặng giữa đôi vai,  
đôi vai ấy đã được xây để gánh đỡ 
những chòm sao.
Họ đã cho tôi một cái bụng có thể nuốt trửng 
những kim tự tháp 
và những con mắt như những giọt đá, nhưng lúc này họ không hay là tôi thấy được 
phía bên trong của thế giới 
cả phía trước lẫn phía sau, họ đã chẳng hề nghĩ tới.
 
Có lẽ tôi có thể nâng dậy tháp Eiffel bằng tay trái
và gập lại cho mình như một vòng nguyệt quế chung quanh  
thái dương,  
nhưng tôi sẽ không làm thế, là vì tôi thấy được   
phía bên trong của thời gian và thấy được tương lai 
trong đá,  
đá chồng lên đá.
Thế tuy nhiên tôi cũng vẫn là một ngọn đuốc  
cho mai sau.
Họ đã chẳng hề nghĩ tới.
 
 

THIÊN THẦN HỘ MỆNH

 
Tôi là cánh chim đã xô phải cửa sổ nhà em buổi sáng 
và người bạn đồng hành mà em không thể biết,  
những đóa hoa lấp lánh cho người mù.
 
Tôi là vòng băng ở bên trên những khu rừng, vòng băng chói lòa, 
và những tiếng nói chuông đồng của những ngọn tháp các nhà thờ lớn.
Ý nghĩ chợt đến với em vào giữa ngày  
và thấm đượm em một niềm hạnh phúc riêng biệt.
 
Tôi là ai đó mà em yêu cũng đã lâu.
Tôi bước bên em ban ngày và đăm đắm nhìn em 
và tôi đặt môi tôi lên tim em,  
nhưng em không biết.
 
Tôi là cánh tay thứ ba của em và chiếc bóng   
thứ nhì của em, chiếc bóng trắng, 
không được em để tâm  
và cũng chẳng còn có thể quên em được nữa.
 
 

KHI HỌ NGỦ

 
Hết thảy đều là những đứa trẻ khi họ ngủ.
Khi không có chiến tranh giữa họ với nhau.
Họ mở đôi bàn tay và hít thở  
theo nhịp điệu yên hàn mà trời đã phú cho con người.
 
Họ mở miệng như trẻ nhỏ  
và hết thảy, họ đều hé mở đôi bàn tay, 
người lính cũng như nhà chính khách, kẻ tôi đòi cũng như các chủ nhân.
Các vì sao canh gác và trên những mái vòm  
có một lớp sa mù dày đặc 
trong những khoảnh khắc mà không ai hại ai ấy.
 
Giá như họ có thể nói với nhau lúc này  
khi trái tim họ tựa những đóa hoa hé mở.
Những lời nói tựa những cánh ong vàng  
hẳn phải lọt vào đấy.
— Chúa ôi, xin hãy dạy tôi tiếng nói của giấc ngủ.
 
 

TUỔI GIÀ

 
Tôi ưa thích những người già.
Họ ngồi nhìn chúng ta mà chẳng thấy, 
và mãn nguyện với những gì họ có trong người,
như những kẻ buông câu dọc theo những dòng sông lớn, 
trơ như đá  
vào một đêm hè.
Tôi rất yêu những người buông câu dọc theo những dòng sông 
những người già và những kẻ ra khỏi nhà sau một cơn bệnh lâu ngày.
 
Họ có một điều gì đó trên đôi mắt  
mà thiên hạ không còn nhìn ra,
những người già, tựa như những người dưỡng bệnh 
mà đôi chân chưa đủ vững 
và vầng trán nhợt nhạt như sau cơn sốt.
 
Những người già  
những kẻ lại trở thành chính bản thân họ chầm chậm  
và tan biến đi chầm chậm,
như sương khói, không hề nhận thấy, họ hòa lẫn
vào giấc ngủ 
và ánh sáng.
 
 

NHỮNG TẦNG THÁP MUỘN PHIỀN

 
Những người nô lệ có những bàn tay mạnh mẽ và xây những tầng tháp muộn phiền.
Họ có trái tim bằng chì và đôi vai tựa vách đá và xây những tầng tháp muộn phiền.
Họ có những bàn tay tựa những chiếc búa đá và xây những ngọn núi của lặng thinh.
 
Những ngọn núi ấy vươn mình ở Burgund và Baalbek và Xeres de la Frontera.
Những lũy thành xám tro bên trên những khu rừng, những vầng trán đá và những con mắt ưu sầu,  
ở nhiều nơi trên trái đất  
mà chim én phóng ra trên không trung thành những vòng xoắn lớn   
tựa những nhát roi lặng lẽ.
 
 

NHỮNG NGÔI NHÀ THỜ CỔ BẰNG GỖ*

 
Tôi tin ở những ngôi nhà thờ tăm tối,
những ngôi nhà thờ vẫn còn đó như những dàn hỏa bằng dầu hắc trong rừng 
và như những bông hồng nhung thẫm tỏa một hương thơm 
từ những thời có lẽ đã có nhiều tình yêu hơn.
Những ngọn tháp đen nháy mà tôi tin ấy: những ngọn tháp thơm mùi nắng
và trầm hương xưa mà bao thế kỷ đã đốt ở bên trong.
    Laudate pueri Dominum, laudate nomen Domini.**
 
Những lưỡi rìu đã đẽo vạc hình thành chúng hết thảy và những chùm chuông bạc đã reo vang trong chúng.
Có ai đó đã khắc những giấc mơ vào đấy và cho chúng những chiếc cánh khiến chúng có thể lang thang
qua mọi thời và những ngọn núi — trỗi dậy khắp chung quanh như những lượn sóng vỡ.
Lúc này chúng là những con tàu biển, với những tháp canh hướng về Đông Ấn,
Santa Maria, Pinta và Niña khi những ngày tối lại
ở chốn tận cùng thế giới, cách Andalusia hằng bao năm.
    Laudate pueri Dominum, laudate nomen Domini.
 
Kinh hoàng khắp nơi nơi, lúc này cả Kha-luân-bố cũng hãi sợ
khi những ảo ảnh quyến rũ họ rời xa mãi và gió lè những lưỡi rắn.
Các vì sao lạnh lùng nhìn xuống với những con mắt sắt điên dại,
hết mọi ngày đều tà vạy, không còn giải thoát nữa, nhưng chúng ta
vẫn tiếp tục bơi, bơi, bơi.
    Laudate pueri Dominum, laudate nomen Domini.
 
------------------------------------------------
* «Stavkirker». Na-uy còn một số nhà thờ bằng gỗ dựng từ thời Trung cổ (nhất là ở phía tây). Ngôi nhà thờ bằng gỗ cũ kỹ nhất còn lại được xây cất vào tiền bán thế kỷ XII. Gỗ ở đây thường màu nâu hơi đỏ; một số những trang trí chạm trổ bên ngoài tựa như cánh chim hoặc những hình người ở mũi tàu, thuyền xưa.
** Tiếng La-tinh: «Hỡi con trẻ, hãy ngợi khen Chúa, hãy ngợi khen danh thánh Chúa». Phỏng theo Thánh vịnh 113: «Hỡi các tôi tớ Gia-vê, hãy ngợi khen, hãy ngợi khen danh thánh Gia-vê. (người dịch)
 
trích Cuộc sống âm thầm, 1954
 

NGƯỜI THỢ ĐÚC Ở NHỮNG THÁC NƯỚC

 
Có một người ở Na-uy. Một người
hát hoài bên kia những cánh rừng  
và vật lộn với sắt.
 
Trên kẽ đá cao
ông treo lò rèn.
Hơi nước mịt mù ở đấy.
 
Khắp nơi đều vang tiếng động  
của người vô hình này.
Ông rót quặng xuống biển  
và đá hoa cương vào những khe đá sâu 
nhưng không bao giờ rồi.
 
Bên kia những cánh rừng  
lúc nào chúng ta cũng nghe tiếng búa ông đập chí chát.
Nhưng tiếng ấy tan trong không khí và chỉ còn là tiếng hát  
và ánh sáng xanh biếc trên những cành thông  
như giữa người khổng lồ trong chuyện cổ.
 
 

CÁC ĐƯỜNG PHỐ ĐI ĐÂU

 
Các đường phố đi đâu 
khi không có một chiếc tàu điện nào trên đường,
chỉ có bụi và những que diêm đã cháy?
Chúng phải ở lại đây bên lò sát sinh  
và những tiệm bán kem bán sữa vĩnh viễn, 
khô và xám  
chúng ở lại đây và tiếp tục gặm những hàng rào cọc  
cho tới muộn chiều.
 
Trên thế giới có biết bao đường phố nghèo  
chỉ có những hàng đá lót song song,  
từ những ngọn đèn khí thắp tới lò sát sinh  
và một quán nước với mấy chiếc ghế và một cái quầy hàng.
 
Có những đường phố đã thua ngay từ trước   
là vì trong tay có quá nhiều xi-măng  
và trái tim quá nặng  
ngay từ khi sinh.
 
 

NHÀ ĐIÊU KHẮC

 
Những giọt nước mắt trắng của cẩm thạch   
nhỏ trên đôi tay nhà điêu khắc  
khi ông nhấc những tháng, năm lạnh lẽo ra cho chúng ta;
những hình ảnh hồng hào của đá, mọi hình thù đã biến dạng   
ông lại gỡ ra từ đông giá — hai bờ vai yểu điệu  
bộ ngực nhợt nhạt của người thiếu nữ, một vầng trán sầu muộn   
lại thành hình và những mẩu đá nhỏ xuống  
như những giọt lệ trên tay ông mỗi ngày.
 
Nhưng lúc này đêm đã dài thêm và hãi hùng ông nghe  
một tiếng búa gõ, một tiếng đục nhẹ   
trong chính lồng ngực mình. Người sẽ tìm được ở đây thứ đường nét nào, 
ông thường nghĩ. Người đang bắt giữ những gì lúc này, Chúa ôi,   
và những hình thù nào  
sẽ được đôi tay Người làm lộ ra từ tôi  
khi tất cả những mảnh sành vụn vỡ, tất cả những lạnh lẽo giá đông của tôi đã rụng rơi?
 
trích Mùa hè trong cỏ, 1956
 

TRONG NHỮNG CÔNG VIÊN LỚN

 
Những bể phun nước nho nhỏ trong những công viên lớn
cắt những bóng hình bằng giấy ánh bạc
mà hơi gió lật nhào.
 
Hàng cây lớn trở nên thân mật hơn khi đêm tới,  
nghiêng mình trên chiếc ghế dài anh ngồi và lặng lẽ hỏi:
anh từ ngôi sao nào tới thế?
 
 

THƯ GỬI ÁNH SÁNG

 
Tờ báo ban mai mở ra thật lộng lẫy   
trên trái đất, ấy là một ngày mới   
và một chiếc máy cày đã sẵn sàng ngoài kia với nắm tay đầy những cục u,
đang viết một lá thư gửi ánh sáng, lớn tiếng   
gầm từng chữ cho chính mình, là vì điều quan trọng  
là bỏ hết mọi sự vô, cả tiếng sấm lẫn tiếng ong,
lối đi của loài kiến đã mở rộng những dấu chân mượt mà  
nho nhỏ trong cỏ, sự bình yên của chúng ta  
và nỗi bứt rứt chúng ta cảm thấy về mọi sự — nó phải bỏ
tất cả những chuyện này vô.
 
Những đường nét lớn ẩm ướt  và một bàn tay chậm rãi  
khá run rẩy nhưng lúc này tất cả đã được nói ra,  
trang giấy đã đầy và mọi sự đã phơi bày ở chốn khai mở  
như một lá thư gửi không ai, lá thư của lưỡi cày  
gửi ánh sáng mà bất kỳ ai muốn đều có thể đọc.
 
 

NHỮNG GÌ VIẾT TRONG GIÓ

 
Có điều gì đó mà chúng ta đã quên
những gì viết trong gió và tiếng sấm
những gì chúng nói.
 
Mưa đập vào cửa kính, 
gió nâng mưa lên và xóa đi, 
con bướm vươn cánh buồm đỏ.
Chúng ta không sao nhớ lại được mình đang ở đâu,
— chúng ta mang điều đó trên đầu lưỡi 
nhưng bỗng dưng nó tê liệt và tất cả
như ở sau một tấm màn.
 
Một điều gì đó mà chúng ta đã quên,
một bước nhảy của thời gian, một ngôn ngữ
ngày trước thật quen biết, 
tất cả lúc này đều câm nín.
 
— một điều gì đó mà chúng ta đã quên 
những chữ của mưa của sấm mà chúng ta không còn có thể đọc ra,
những hình vẽ trên tuyết,
tất cả lúc này đã biến mất.
Đột nhiên con bướm xòe bên cánh  
như một đôi môi đỏ rực và thì thào những tiếng, 
những chữ không thể đọc ra 
đằng sau những vách đá nơi có ai đó khóc
và anh không thể làm gì được.
 
trích Thư gửi ánh sáng, 1960
 

GẦN NHƯ MỘT GIẤC MƠ

 
Nhóm dân ca vui nhộn miền Highlands*  
có tên gọi the Funny Fellows (Cornemuse Joe),**
dần dà khiến chúng tôi mệt mỏi, là vì chúng tôi đã khám phá ra  
họ không phải dân miền Highlands, ấy là những người châu Phi
có giọng trầm và khan,***với nhịp bước của tiếng trống   
xáp lại gần nhau mãi không thôi, như thể có lẽ chúng tôi   
đã vô tình phạm tới húy vật của họ.
Và nỗi kinh hoàng của chúng tôi lớn thêm khi chúng tôi nhận thấy   
họ không có khuôn mặt, ấy là những ống hình trụ của máy móc  
với những nòng thụt loáng bóng dầu mỡ lúc nào cũng   
lích-ca-lích kích, lích-ca-lích kích, lích-ca-lích kích 
xiết tay nhau để chào hỏi nhưng lại rụt tay lại  
lẹ như ánh chớp như bị lửa đốt và như một cơn tuyết lở  
trong tim chúng tôi cảm thấy sợi thừng ở sau lưng, không một ai
còn động đậy được bàn tay lúc này khi đêm đã gần kề   
và những ngọn lửa cao đã vọt lên sau những khu rừng.
 
--------------------------------------
* Vùng núi non Tô-cách-lan. 
** «Những anh chàng tức cười (Joe kèn-bị Tô-cách-lan)».
*** «có âm hầu» (gutturales), theo bản Pháp văn. (người dịch)
 
 

PITCAIRN

 
Một ngọn sóng ngoài biển 
mạnh mẽ như một đại thánh đường sụm xuống   
hay cả một khu phố bị phá hủy   
làm trào lên nét đẹp của sóng trong đêm đui mù  
cách đất liền cả ngàn hải lý ở ngoài khơi Pitcairn  
trên một địa cầu lẻ loi trong một vũ trụ lẻ loi
nơi không một bóng người, không một cánh hải âu nào thấy nó  
nâng cao những bàn tay bị xiềng xích    
và phóng những lời nguyền rủa   
vào mõt vực thẳm những vì sao.
 
 

IM LẶNG SAU ĐÓ

 
Hãy cố cắt đứt lúc này  
tất cả những thách thức và những bảng thống kê số bán,
những bữa điểm tâm Chúa nhật và những lò thiêu,
những cuộc diễu binh, những cuộc thi kiến trúc
và sáu đường xe chạy với những đèn hiệu chỉ đường.
Hãy băng qua đó và cắt đứt   
những chuẩn bị mừng lễ và những phân tích nghiên cứu thị trường
bởi đã trễ   
đã quá trễ,   
hãy cắt đứt và trở lại nhà
về với im lặng sau đó 
im lặng đến gặp anh như một dòng máu ấm vọt lên trán
và như tiếng sấm ầm ầm
và như những tiếng chuông mạnh mẽ
làm chấn động màng nhĩ,
bởi từ ngữ không còn,
không còn từ ngữ nữa,
từ nay tất cả sẽ nói
bằng những tiếng nói của đá và cây cối.
 
Im lặng ngụ nơi cỏ 
ở mặt dưới của từng lá cỏ  
và ở những kẽ xanh giữa những tảng đá.
Im lặng  
tiếp theo sau những phát súng và sau tiếng chim hót.
Im lặng
bao trùm lên người chết
và đợi chờ nơi cầu thang cho hết thảy ra đi.
Im lặng  
như con chim non nằm giữa đôi tay anh,  
người bạn duy nhất của anh.
 
 

KHÔNG NGHĨ NGỢI —

 
Bên trong hết mọi ngày có một trái tim nho nhỏ  
và một bàn tay mở.
 
Có lẽ mỗi ngày tự nó đã là một cuộc đời.
Buổi sáng có luật lệ của buổi sáng và buổi chiều cũng thế   
và ban đêm có một vòng lửa bên trên nhà chúng ta  
mà không ai với tới được.
 
Vầng trán trắng nho nhỏ của con suối mùa hè   
đầy những suy tư mà nó không thể cầm giữ lại   
và thuộc về một thế giới khác, trong trẻo như pha lê
nhưng lẹ làng bay biến hơn, luôn luôn là nhạc.
 
Trái thông rơi như một tiếng cồng  
và có những đêm đầy thứ ánh sáng như đồng ấy.
Con cá hương lang thang trên dòng nước như một vệt  
phong nhiêu ở mãi sâu trong tim, miệng  
mở to và nuốt mà không hút nước.
 
Thuộc về thế giới này nữa còn là những nguồn vui nho nhỏ của phụ nữ:
một con mèo trên lòng, những tiếng thì thầm với con trẻ  
và tất cả những gì lớn dần lên, những sợi chỉ trên một chiếc máy dệt,
những dấu vết ba ngón tay trên mặt kính cửa sổ lúc ban chiều —
chúng quá nhỏ bé để gọi tên ra nhưng có lẽ
chúng là lớp cỏ ở bên dưới trong cuộc đời của chúng ta,
lớp sóng xanh tắm gội quanh những tảng đá trên bãi biển
và dòng suối với làn trán trắng,
không nghĩ ngợi, đầy nhạc.
 
trích Im lặng sau đó, 1965
 
(còn tiếp một kỳ)
 
---------------------------
Ghi chú của người dịch:
 
ROLF JACOBSEN (1907-1994) là một nhà thơ lớn của Na-uy, suốt đời hành nghề ký giả cho báo chí tỉnh lẻ. Ông sinh tại Oslo ngày 8. 3. 1907 và được nhìn nhận như người phát khởi trường phái «hiện đại» ở Na-uy với hai tập thơ in năm 1933 và 1935. Trong số những nguồn ảnh hưởng của Rolf Jacobsen, người ta thường nhắc tới nhà thơ Hoa-kỳ Carl Sandburg.
 
Năm lên sáu, Jacobsen cùng với cha mẹ cư ngụ tại Asnes. Đến năm 1920, ông trở lại Oslo học đại học ở đây 5 năm (không đỗ đạt gì cả). Ông đi lính (6 tuần) vào năm 1927. Ông trở về Asnes vào năm 1934 để chăm sóc cha. Sáu năm sau, ông lập gia đình với bà Petra Tendø; hai ông bà được hai người con trai.
 
Sau thế chiến gia đình định cư ở Hamar về phía bắc Oslo. Hai ông bà cư  ngụ trong một ngôi nhà cây cũ gần hồ Mjøsa và đường xe lửa. Năm 1950 Jacobsen «trở lại» đạo Thiên chúa (La-mã); một năm sau, ông trở lại với thơ và từ đó, đã lần lượt cho in thêm khoảng trên mười thi phẩm nữa...
 
Cùng với nhà thơ đồng thời với ông là Olav H. Hauge, Jacobsen thường được coi như một bậc thày của thơ Na-uy. Ông cũng được vinh dự là thành viên Hàn lâm viện Ngôn ngữ và Văn chương Na-uy. Năm 1968, ông được tặng giải thưởng Doubloug; và năm 1989, Hàn lâm viện Thụy-điển tặng ông Giải thưởng Lớn của Hội đồng Bắc Âu.
 
Rolf Jacobsen mất ngày 20. 2. 1994, khoảng chín năm sau bà vợ ông. Jacobsen đã dành tập thơ chót của ông (1995), với những bài rất dịu dàng thương mến, cho cuộc chung sống với bà...
 
Các bài thơ dịch ở trên trích từ hầu hết các thi phẩm của Rolf Jacobsen và dựa theo các bản Anh văn (sách song ngữ) của Roger Greenwald (1985) và Pháp văn của Olivier Gouchet (1991). Xin mời bạn đọc xem thêm bài đăng song song trên Tiền Vệ: «Rolf Jacobsen, một nhà thơ lớn của Na-uy».
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021