thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
LÀM THƠ [17]
 
Đã đăng: LÀM THƠ [1] - [2] - [3] - [4] - [5] - [6] - [7]
[8] - [9] - [10] - [11] - [12] - [14] - [15] - [16]
 

Chỉ là những con chữ vô hồn

 
Khi chữ nghĩa chỉ còn là một bãi biển mênh mông không gì che lấp
Khi chữ nghĩa chỉ còn là một đám rừng dày đặc
Không còn nỗi đau
Thơ không còn tìm thấy nhau
 
Không còn sương khói trong lòng người
Không còn những bông hoa cà phê tháng hai nở như tuyết trắng
Không còn những sợi dây chăng ngang sườn núi và thơ đi lắt lẻo
Không còn lúc thơ bị té xuống những đám lá mùa thu phủ vàng rực trong chiều
Mảnh vườn bốc khói ấy không còn cô Tiên cho thơ nghe kể chuyện
Cô bé bán diêm không còn được sưởi ấm
Mụ phù thuỷ hung ác sẽ không phải đền tội trong hoàng hôn màu máu
Những lá sen trên ao nước sẽ không bao giờ nhẹ sương, không còn trôi như những con thuyền ngày mưa bằng giấy.
 
Chỉ còn những lễ hội bằng tiền công quỹ
Những sân khấu hoành tráng khắp nơi tha hồ chen lấn giành phần
 
Thơ cũng có khi được bước lên sân khấu, nhưng quay mặt về bóng tối, giấu những giọt nước mắt của mình. Thơ mua vui cho những mệnh phụ, những đứa trẻ động cỡn, những ông già hồi dương, những ương ương sắp chín. Cánh tay thơ mềm oặt, không kéo nổi mọi thứ. Thơ mềm như dải lụa được thả cùng bong bóng lên trời, gặp phải mưa xuân mọi thứ ảm đạm như giấc mơ. Giấc mơ về một cánh đồng úa vàng như cỏ. Nhưng cánh đồng giờ đã hoá sân golf, quên mất cái thời khốn khổ nghèo nàn phi lý của thế giới chữ nghĩa. Của thơ. Cái thời một bông hoa tái xanh cũng có quyền xưng danh dưới nắng. Bây giờ thơ núp bóng nặc danh, hoá trang làm sang nhưng không thoát khỏi cảnh lang thang.
 
Ngửa tay ngả mũ
 
 
 

Cửa sổ

 
Đi qua cánh đồng úa vàng đó, thơ nhìn thấy những cửa sổ. Qua ô cửa sổ, thơ nhìn thấy bạn bè của mình nằm hai bên vệ đường, như những tội ác nằm rên rỉ
 
Tội ác của sự dối trá đóng vai hàn lâm
Tội ác của sự quy nạp liều lĩnh, như tự do hứng tình trong thơ được quyền tuyên ngôn thành tự do sáng tạo, có vần thành tự do nói xạo
Tội ác của trò đạo đức giả đóng vai phân xử dàn hoà
Tội ác của sự buôn thần bán thánh đóng vai tu sĩ
........................
 
Nhưng khổ thay những tội ác đó lại có cuộc đời không ngắn ngủi. Thần chết đành đứng kế bên với hai mắt ráo hoảnh. Qua cửa sổ đó thơ nhìn thấy bóng tối và một ngôi nhà bằng gỗ đang bị đốt cháy. Người ta đang xây lại một ngôi nhà bê-tông và những người đày tớ đang cần mẫn sơn lại bằng một thứ sơn màu nâu giả gỗ xỉn màu.
 
 
 

Chuyến xe thơ

 
Một lúc sau quay lại, thơ thấy ngôi nhà bê-tông đó không còn sơn màu nâu giả gỗ nữa, mà đã sơn son thiếp vàng hoa văn lộng lẫy. Có lẽ do người ta bây giờ đã quá nhiều tiền.
 
Bây giờ thơ không còn chỉ múa may chữ nghĩa nữa, mà chính thức gia nhập vào gánh xiếc. Thơ cỡi trên những chiếc xe ngựa hoa văn hình thù chạm khắc mạ vàng như trong chuyện cổ tích. Mỗi khi thơ cưỡi xe thơ vòng quanh sân khấu thì hổ báo sư tử cũng quỳ mọp hay chạy theo. Hổ báo bây giờ vẫn còn lừa được người lạ, còn hàng ngày vẫn cùng thơ chơi đùa tập luyện, thậm chí đến bữa ăn còn tranh những miếng ngon mềm tơ non ngon ngọt của thơ, nếu lơ ngơ không tranh kịp thì lát nữa phải ra ngoài kiếm ăn. Mà bên ngoài bây giờ nghe giá xong dù là hổ báo trâu ngựa gì cũng chỉ còn cách nhịn đói đi nằm.
 
 
 

Đêm

 
Thơ đi ngủ hay ôm những hổ báo sư tử ấy
Vì chúng không có thật
Dưới lớp da hổ báo sư tử ấy là những con cáo tinh ranh
Thơ gọi đó là những mảnh da lừa
Cả buổi tối thơ đi ngủ nhiều khi cũng không có thật
Nhiều khi thơ phải thức
 
Những miếng ăn non mềm
Những hơi thở ấm áp
Những bước chân không một tiếng động
Những bóng đen vội vã, mờ ám
Cũng không có thật, không bao giờ có thật
Thơ rượt đuổi sự không có thật ấy, rượt đuổi mãi đến cuối đường gặp một gã ăn mày
 
Có thật
 
Chắc là một giấc mơ. Khi thơ thức dậy sân khấu lại lục tục mở cửa
Thơ lại thấy người ta bán vé
Những cáo chồn đang bắt đầu mặc áo da sư tử
Và người xem thì cứ xếp hàng
Thơ cúi mặt bước lên sân khấu
Đó là cuộc đời có thật của thơ.
 
 
 

Giấc mơ

 
Buồn quá thì mơ, không còn thác Bản Giốc thì vẫn còn dòng thác ở quê nhà của thơ. Thác nước hùng vĩ đang reo vang giấc mơ ngày chưa có thuỷ điện. Tuổi thơ của thơ ngày xưa tung mờ như khói. Giờ khô như ngói. Những mỏm núi đá nằm trơ ra dưới nắng hạn như thiêu. Cỏ cây hoa lá rong rêu... chết héo, mơ ngày xưa sắc đỏ chói chang. Không có ngôi sao màu vàng nhưng có những kỹ sư thuỷ điện đội mũ nhựa màu vàng, đang đứng trên đập cao ra lệnh...
 
Hình như là để cắt điện tối nay.
 
 
 

Man rợ

 
Rất lâu sau khi có điện trở lại, thơ lại khua chiêng trống lại âm vang
Vì bây giờ cúp điện là thua, làm gì còn củi để đốt
 
Những lễ hội với những lá cờ, đỏ pha như máu
Những dịu dàng, gì cũng hoá festival
Không còn những ánh than hồng, những tro lửa bay như hoa pháo
Chỉ còn những ánh đèn lồng, treo cao, mờ mờ ảo ảo
Sau lễ chỉ còn rượu. Và đàn bà...
Ôi những dịu dàng bàn tay ánh mắt, ôi mồ hôi và tóc bồng bềnh
 
Và lá cờ vẫn đỏ pha sắc máu, như hồng cầu đã mất của thơ...
 
 
 

Hạ giá

 
Thơ không bao giờ mua bán
 
Nhưng nhà thơ thì mua bán mọi thứ. Bán cái chết chung tình cho các đôi tình nhân. Bán sự rủa nguyền mà tội ác chưa được hưởng. Bán sự cam chịu cho quần chúng. Bán sự hỗn loạn cho xã hội. Bán sự hèn hạ cho lòng tham. Bán nòi giống cho ngoại bang. Bán điên dại tới khi không còn gì cũng cứ bán
 
Đã bán phải có lúc tồn hàng, dù hạ giá nhưng chiết khấu lại cao ngất ngưởng
 
Những món hoa hồng đậm đà này dành cho các nhà thơ, không phải cho thơ. Thơ chỉ còn có một lá cờ. Mỗi khi nhà thơ đánh trống, thơ phải kéo mình lên, trình diễn cơ thể như một trò mại dâm mà vẫn đầy liêm sỉ. Thơ chỉ ghét người ta lợi dụng lúc đó để quay phim.
 
 
 
 
 
----------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021