thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái răng hư

 

Người có răng thì phải đau, y có răng, răng y phải đau. Phải gọi là nhức răng mới đúng, nhức phát điên. Không biết con chuột, con mèo, con heo, con chó có bị đau răng hay không, chứ con người đã khổ muôn hình vạn trạng còn thêm nhức răng nữa. Chưa hết, con người không chỉ khổ mà còn lo. Loài người là sinh vật độc chiếm nỗi lo, lo mới khổ nhiều hơn khổ. Người xưa theo xúi: “không lo xa ắt có buồn gần”. Trời ơi, tới đâu hay tới đó vẫn sướng hơn chứ, đời người mấy đâu. Y chủ trương không lo xa, nên răng y nhức nhiều hơn ai hết.

Mỗi khi răng nhức, y cho rằng thế gian này chỉ mỗi răng của y nhức nhiều nhứt, nhức vô địch, nhức ghi kỷ lục Guinness. Y la trời la đất. Y làm như trời và đất là hai thủ phạm chính trong vụ y nhức răng. Đổ cho trời cũng đúng, bởi trời bắt y có cái ngưỡng chịu đau quá thấp. Mà thứ gì qui tại trời cũng đều có lý cả, nên yên tâm đổ thừa. Y chửi thề trời, y đá đạp đất, tay chân y co quắp rồi lại bung ra… Ước mơ có xe máy, có người yêu xinh đẹp không bằng ước cái răng hư biến mất tức thì.

Năm y 18 tuổi, đi khám nghĩa vụ quân sự, bị đánh giá sức nhai chỉ còn bảy mươi phần trăm. Từ ngày đó, sức nhai ngày càng giảm khi lần lượt mấy cái răng cấm ra đi. Không sao, sức nhai giảm thì khéo nhai tăng, giống như người làm nông, già yếu được bù cho kinh nghiệm lao động.

Cái gì dùng lâu phải mòn, phải hư, phải xuống cấp; răng cũng không ngoại lệ. Nhưng răng không dùng được nữa, nó bắt đầu nhức. Chưa có cái răng nào từ biệt hàm răng mà êm thấm cả. Giới chuyên môn bảo hàm răng con người xấp xỉ ba mươi hai cái, nhưng y biết răng y không bao giờ đủ ba mươi hai cái, khỏi cần đếm. Y nhớ vừa khi thay răng đều, răng khôn chưa mọc, răng cấm bắt đầu hư. Không, nói chính xác là từ khi có răng, răng đã bắt đầu hư, mà răng hư thì nhức. Y nếm mùi nhức răng từ lúc sáu tuổi kia. Cái răng cửa bị sún không chịu nhường chỗ cho răng non mọc, đứng chang áng đó gây nhức, y khóc quá chừng. Mẹ y luồn sợi chỉ vô răng sún, giựt một cái, cái răng rớt ra. Bà liệng cái răng lên mái nhà, hô: “Bớ chuột, răng cũ về mày, răng mới về thằng Mẹo nhà tao”. Mấy con chuột trên nóc nhà cười khẩy: “Con người cứ luôn nghĩ mình khôn ngoan đấy mà”, và thể nào cũng có con chuột tha cái răng về tổ, lâu lâu lấy ra gặm cho vui. Cũng như bao bà mẹ khác, mẹ y hay kể về những đứa con của mình, và y nghe: “Trời ơi, thằng Mẹo nhà tôi mỗi lần mọc răng là nó sốt, nó khóc cả đêm”. Y kết luận: Con người rõ đã khổ vì răng cả đời, khổ từ cái răng mọc đầu tiên! Bây giờ y chưa già, không biết nếu còn sống đến khi rụng hết răng thì sẽ ra sao, lấy cái khỉ gì nhức nữa?

 

*

 

Cái răng cấm đứng thứ tư ở hàm trên, phía má phải, gây đau khổ cho y nhiều nhứt. Khởi đầu nó lủng một lỗ trên mặt nhai, giới chuyên môn bảo men răng bị tróc, ngà răng phơi ra, ảnh hưởng ống thần kinh Tomes, gây buốt. Cái lỗ bằng đầu bút bi rồi nhanh chóng to dần bằng đầu đũa, khi ăn, thức ăn nhét vào và bắt đầu nhức. Nhức lim rim rồi hết, một kiểu nhức cảnh báo. Giống như trước khi bão đến, gió rong nhẹ bốn bề vậy. Ngày nọ nó nhức bừng lên, từng cơn đến, rồi từng cơn đến như bão giông, như lũ cuốn, như sóng thần, nhức mờ cả mắt, nhức điếng ruột điếng gan. Cái răng nhởm lên cuồng nộ.

Răng: Anh muốn tống khứ tôi sao?
 
Lợi: Không
 
Răng: Anh định vắt chanh bỏ vỏ à?
 
Lợi: Không
 
Răng: Thế vì cái gì?
 
Lợi: Thú thiệt, anh hôi hám quá và không còn tác dụng.
 
Răng: Đó đâu phải do tôi.

Lúc nhức đầu, đau bụng, y bảo thà đau răng dễ chịu hơn. Bây giờ đau răng, y bảo thà đau bụng chứ nhức răng thế này chịu không thấu. Aspirin, Tatanol chẳng xi nhê, không những uống mà nhét cả thuốc giảm đau vô răng hư cũng không thuyên giảm. Chườm lạnh, bấm huyệt, súc miệng với rượu mạnh… đủ kiểu, chẳng ăn thua. Tay bưng hàm có cái răng nhức, y biểu tay nha sĩ nhổ phứt. Nha sĩ nào dám nhổ, khuyên: “Anh về uống thuốc, hết nhức rồi lại nhổ”.

Răng hết nhức, y tưởng tượng ra nào kềm, nào nạy trên chiếc ghế nhổ răng mà lạnh người. Cứ “nhức - nhổ” thì còn gì răng nữa? Thôi, không nhổ, y tự biện hộ. Cái răng vừa hết nhức, y phát hiện cái bên cạnh lại lủng một lỗ ở mặt hông. Vì lõm bõm kiến thức phổ thông, y ngờ ngợ có con sâu răng đục từ răng này sang răng kia. Không như vậy, sao tay lang băm chợ trời bắt có sâu trước sự chứng kiến của mọi người bu quanh, và người nhức răng lập tức hết nhức? Con sâu răng nhỏ như chưn tăm, đầu màu nâu, thân màu trắng bò lổm ngổm trong đĩa sứ, nhìn rùng mình!

Soi gương thấy cái lỗ lủng to dần, y hăm: “Mày mà nhức lần nữa, chỉ một mũi thuốc tê Lidocaine và cái kềm của nha tá là xong đời mày. Tức là nếu mày không nhức, mày có thể tồn tại dù không còn nhai được. Đã không còn giá trị, còn làm khó thiên hạ thì a lê hấp biến nhé”. Y ra thông điệp tối hậu cho cái răng. Hình như cái răng biết sợ, nó nằm im một thời gian. Y không dám nhai phía có nó, cố né, nhưng rồi nó không biết điều, nó lại nhức. Lần này nó nhức tợn hơn lần trước, nhức kinh hoàng, nhức kinh thiên động địa, nhức hồn bay khỏi xác. Thức ăn nóng một chút, nó buốt lên tới óc. Thức uống lạnh một chút, nó nhức bưng cả hàm.

Răng: Anh quyết tâm tống khứ tôi sao?
 
Lợi: Hôm qua con ca-ve nói anh hôi như chuột chết.
 
Răng: Khổ quá, đó đâu phải lỗi tại tôi. Thân tôi là một khối can-xi chắc khừ, hôi sao được. Tôi nhai cả xi-măng, sắt thép...
 
Lợi: Đó là cách nói hình tượng, anh làm như tôi con nít ư?

Cái răng nổi khùng, nó nhức “điên cuồng như Vệ Tuệ”, mấy cái răng xung quanh khổ sở theo.

Răng đệ: Xin huynh ra đi nhẹ nhàng.
 
Răng huynh: Tại sao ngươi cũng muốn tống ta.
 
Răng đệ: Thằng lợi đấy chứ, đâu phải tụi đệ. Chúng ta từng khắng khít biết bao nhiêu, đệ hiểu lắm chứ.
 
Răng huynh: Đệ biết không, thời ăn gạo tem phiếu ta từng nhai nát cả viên sạn to bằng ba hạt gạo đấy.
 
Răng đệ: Đệ nhớ chứ, đận đó bọn đệ cũng ê ẩm theo, mà huynh kể khổ với nhau làm chi?

Y sốt lên vì cái răng đã mấy ngày, ăn uống khó khăn. Đêm ngủ y cứ chập chờn vì những cơn đau buốt. Tiếng vó ngựa rầm rập, cờ xí phần phật, bụi tung đầy trời, quân kêu dậy núi. Cỗ xe thập nhị mã vừa dừng, quân sĩ hô vang: “Đại vương vạn tuế”. Mặt y méo xẹo vì cơn đau răng ập đến, khùng lên, y ra lệnh: “Chôn sống tất cả bọn nho sĩ. Đốt hết, đốt hết mấy thứ sách do bọn đó viết ra”. Cả trăm người đầu vấn khăn đen, lưng thắt dải lụa xám, chân đi guốc mộc bị đất lấp từ chân, lên bụng, lên ngực, lên đầu mà không hề kêu la. Hoảng hồn, y bừng tỉnh thấy mình không phải Tần Thủy Hoàng. Người đi ra từ trại giam Kozelsk thành dòng nhỏ trên tuyết như cây nấm màu đen di động. Tuyết phủ trắng xóa rừng Katyn, ngồi trong xe Volga nhìn ra, xa kia là rừng nấm. Cơn đau răng lạnh buốt từng cơn, y gầm lên: “Giết tất cả bọn chúng”. Lệnh truyền đi, những tiếng súng nổ và những cây nấm màu đen ngã xuống. Y bừng tỉnh. Kiếp trước y là Stalin hay sao mà mơ ghê sợ thế? Mấy ngàn người chết chỉ vì mỗi cái răng bị hư sao? Thiếp ngủ rồi tỉnh giấc bao lần trong đêm, y còn thấy mình là Hitler, là Mao, là Ceausescu, là cái Lọ Nhỏ. Giấc mơ luôn có điều vô lí, ngay trong mơ vẫn biết là mơ nếu thấy điều vô lí trong câu chuyện. Ví như thời Đệ nhị thế chiến, xe Volga chưa ra đời, lấy gì Stalin cưỡi trong giấc mơ?

Nhớ chuyến đi nghỉ mát năm kia ở Đà Lạt, y gặp lại cảnh cũ người xưa. Đà Lạt có thể méo mó với ai đó vì qui hoạch không có tầm nhìn, nhưng với y vẫn thơ mộng như ngày nào, vẫn rừng thông rì rào che cỏ rác, vẫn con đường nhựa lúc nào cũng ươn ướt nước, hai bên đường cỏ hoa muôn sắc, hoang dại và quyến rũ. Người xưa của y bây giờ tình duyên gãy cánh, làm chủ một quán cà phê nhìn xuống bờ hồ Xuân Hương. Cảnh đó, người đây nhưng y lại nhức răng, nhức bừng bừng, nhức như cuồng phong, nhức như động đất thì còn ham muốn gì nữa. Ôi, duyên kì ngộ đổi ra duyên kì cục. Người xưa thầm đánh giá cao y chung tình với vợ quê nhà, khi y không đến chỗ hẹn. Cảnh tình vô duyên hết mức luôn. Răng hết nhức cũng hết luôn mấy ngày phép, y tiếc tình cũ đứt ruột, đứt gan.

Chưa hết, các bạn thử tưởng tượng coi, dịp lễ tết là để nghỉ ngơi ăn chơi, vậy mà cái răng hư đó cứ nhè vào những dịp vậy mà nhức. Cái răng tựa có linh hồn, nó ghen với y, nó hành y liền mấy cái tết ăn không ngon, ngủ không yên, chơi không sướng, mặt mày nhăn riết ba ngày xuân. Ôi thôi, không nổi khùng lên là may rồi. Ba mươi mấy cái răng đều hành y như cái răng cấm thứ tư hàm trên phía phải, còn gì là đời nữa hả trời?

Y thù cái răng ghê gớm. Bao lần rồi, lần này hết nhức tao phải cho mày biến thôi. Hắn đến phòng răng, tay nha sĩ dòm tới dòm lui, đưa kềm vô kẹp cái răng lắc qua, lắc lại, khuyên: “Chóp apex, tức chóp răng của nó còn tốt, anh nên trám thôi” Năm lần bảy lượt tới phòng răng cạy, nạo, đắp thuốc, răng mới trám xong. Rõ ràng trám răng mắc gấp mấy chục lần tiền nhổ răng.

Cái răng trám rồi, vẫn không dám nhai phía có nó, chỉ mỗi nó mà nguyên cả răng phía phải không còn tác dụng. Tưởng tránh nhau được là êm, ngày nọ nó lại nhức. Nhức rưng rức, nhức vắt lên mang tai, nhức tràn xuống hạch cổ, nhức vòng sang hạch gáy, nhức như triều cường, nhức như vỡ hồ chứa bùn đỏ, nhức vừa gấp gáp vừa kéo dài nhiều ngày. Cái răng thực hiện đúng nghĩa đen câu: “Không ăn được thì đạp đổ”. Ngoài răng ra, có cái gì không còn tác dụng vẫn làm hại người khác nhỉ? Y gào lên. Ôi có, là con người chứ còn ai vô. Có người chẳng còn giá trị, vẫn theo phiền nhiễu người khác. Xin con người đừng làm như răng! Xin răng đừng làm như con người! Y rên rỉ. Y chửi tay nha sĩ không chịu nhổ nó, khuyên trám. Y gầm gừ với vợ vì vợ không nấu cháo cho y ăn mà còn trả treo: “Bộ một mình anh nhức răng chắc?” Y quát hai đứa con vì chúng tranh nhau ngồi xích đu. Y kình lộn với nhân viên bảo hiểm y tế, vì đang nhức răng mà phải qua bao nhiêu thủ tục và chờ đợi mới nhận được thuốc. Đến cơ quan, y quát ngay cô em dở hơi khi cô hỏi y “cái áo mới có đẹp không?” Y thấy ai cũng chướng mắt, thấy vật chi cũng sôi gan. May y chỉ là viên chức quèn, không thì tai vạ tới nơi. Cứ thử hình dung y đứng đầu cơ quan nguyên tử năng, nguy hiểm khôn lường. Y bỗng phát hiện mọi khiếm nhã, mọi sai lầm của mình đều có thể đổ cho hôm đó đau răng, dĩ bất biến ứng vạn biến mà. Cái răng nhức đi nhức lại, nhức tới nhức lui, ngày kia nó vỡ ra, phía trong như đựng thứ bột hôi hám quá chừng quá đỗi.

Răng: Nếu chúng tôi ra đi cả, anh nhai bằng gì?
 
Lợi: Đừng ôm rơm nặng bụng, răng giả, răng sứ các loại đầy. Kỹ thuật nha khoa Implant hiện nay tạo ra bộ răng có sức nhai không thua gì thứ răng được gọi tên “răng vĩnh viễn” của các ngươi.
 
Răng: Anh chịu bán mình vậy sao?
 
Lợi: Thôi, không lí sự.

Đời y thích vần “a”, thích chạy xe vespa, thích mát-xa, chơi bi-da, thích uống coca và đặc biệt thích ăn thịt gà. Hễ thèm thịt gà là y bắt vợ mua về ăn ngay. Thiếu răng, ăn thịt gà mới thấy bất hạnh, nhưng y cổ xúy tư tưởng tới đâu hay tới đó vẫn sướng hơn, rồi trệu trạo nuốt đại. Không có cái gọi là “đau nhức kế” để chỉ cho y thấy cái ngưỡng chịu đau, đặng lo xa cho bộ răng một tí. Mới bốn mươi tuổi, y đã tóc bạc răng long. Tóc bạc chẳng ảnh hưởng thằng ta nào, lốm đốm muối tiêu càng đẹp. Răng long kia mới khổ. Mấy cái răng ở hàng “tiền đạo” long dần từng cái sau những lần sưng phù ở lợi.

Cái răng hư đứng thứ tư phía phải hàm trên đó nhởm dần lên, ngoài những ngày nhức, nó ê ẩm quanh năm. Mỗi lần răng cứng nhai trúng răng long, ôi thôi thấy ông bà ông vải. Lâu dần cái răng đong đưa như võng mắc vô hai cây dừa, cứ tưởng nó sắp rụng tới nơi nhưng rờ vô đau buốt. Y đến bịnh xá, cô nha tá đeo găng tay, thò vô miệng y lắc nhẹ một cái, nó rớt ra ngoài. Cô nha tá trẻ trung, mặc quần jean xanh dưới làn áo blouse trắng, mông eo như người mẫu đó chê y nhát gan. Y ngượng chín, muốn chui xuống đất mất. Cái răng hành y mấy năm trời mới chịu ra đi!

 

*

 

Y soi gương đếm còn mười lăm cái răng, mỗi vùng năm ba cái thưa thớt, đen xỉn như cây cọc cắm dưới sông Bạch Đằng. Vùng răng cửa chỉ còn hai cái răng giữa hàm trên, mỗi khi cười trông như răng chú thỏ. Thiếu răng làm y hom hem thấy rõ. Lạng quạng một ngày khách đến nhà tìm vợ y, thưa: “Chào bác, chị đi đâu rồi?” thì chết mất thôi. Y chiêm nghiệm, đúng ra con người không nên sống quá lâu để phải khổ vì răng. Bộ hết chuyện để khổ sao? Nếu tính mỗi cái răng rời khỏi lợi gây nhức bảy lần, y còn phải chịu nhức cả trăm lần nữa. Một con số kinh sợ không thua gì số nợ của Vinashin, không thua gì số người chết ở lễ hội Té nước trên cầu Kim Cương. Và đáng được ghi vô chuyên mục “mỗi người một con số”, trên tờ tuần báo nào đó.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021