thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái chết của cha
 
Ái Vân Quốc dịch, giới thiệu, bình chú.
 
Bản dịch để tặng cha tôi [1]
[Tokyo, 3.2007, avq]
 
 
 
Tanikawa bên xe riêng, trước hiên nhà, 2005.[2]
 
 
Đây là bài thơ được Tanikawa viết trong hoài niệm về cha mình, nhà triết học Tanikawa Tetsuzo, tạ thế năm 1989 ở tuổi gần bách niên (1895-1989). Để cảm nhận được tốt hơn, nhất là về tình cha con của nhà thơ, mời bạn đọc xem tiểu sử của Tanikawa theo giới thiệu của Diễm Châucủa Ái Vân Quốc đã đăng trên Tiền Vệ.
 
 

Cái chết của cha

 
 
Cha tôi qua đời ở tuổi 94 và 4 tháng.
 
Ngày trước hôm đi, ông đã tới hiệu cắt tóc.
 
Nửa đêm hôm đó, ông nôn hết mọi thứ ở trong dạ dày ra.
 
Tảng sáng, khi người giúp việc đến gọi, vào xem thì: cha đã thăng rồi, khuôn mặt hệt như mặt nạ tuồng vai Ông Già bởi mồm đã tháo răng giả đang há hốc. Mặt đã lạnh ngắt, nhưng tay chân vẫn ấm.
 
Từ mũi, từ mồm, từ lỗ đít, không thải ra bất cứ thứ gì, là cơ thể sạch đến độ không cần phải lau gột gì.
 
Việc chết ở tại nhà mình được xem là cái chết có nghi vấn (có thể bị điều tra), nên tôi đã gọi xe cấp cứu. Trên đường chuyển đến bệnh viện cũng như khi đã tới, người ta cho cha thở ô-xi và làm mát-xa tim. Tôi nhờ họ thôi đi cho, khi thấy việc ấy là trò ngớ ngẩn.
 
Tôi đưa xác cha về lại nhà từ bệnh viện.
 
Con trai tôi và con trai của người đàn bà sống cùng tôi kết hợp với nhau dọn giúp buồng. Ba người chuyên khám nghiệm tử thi của bệnh viện đã tới. Giờ tử ghi trong biên bản khám nghiệm muộn hơn vài giờ đồng hồ so với giờ phút cha đi trong thực tế.
 
Mọi người ùa đến.
 
Từng bức từng bức, điện chia buồn đến.
 
Từng lẵng từng lẵng, hoa tang tới.
 
Vợ đang li thân của tôi tới. Tôi và người đàn bà ở cùng cãi nhau trên tầng hai.
 
Dần dần cuống lên, làm thế nào, làm thế nào đây, chẳng còn biết nữa.
 
Đến tối thì có người đàn ông vừa khóc ông ổng như trẻ ranh vừa lao vào từ cửa.
 
Người đàn ông tru lên: “Thầy chết rồi ư, thầy chết thật rồi ư”.
 
Người đàn ông đến từ Suwa[3] ấy nói: “Còn tàu điện nữa không nhỉ. Có lẽ không còn đâu nhỉ. Thôi tôi phải về đây”, rồi vừa khóc vừa ra khỏi cửa.
 
Từ Nhà Vua và Hoàng Hậu, có đồ viếng gọi là Tiền Tế Tư[4] tới. Ở trong bọc, có chữ “tiền: 3 vạn Yên” in bằng dấu cao su.
 
Từ Nhà Vua, có huân chương Thụy Bảo Chương[5] Hạng Nhất tới. Có 3 cái huân chương,[6] còn cái huy hiệu[7] thì từa tựa như lát chanh tròn nhỏ đã khô đét. Cha rất hay xát xát những lát chanh lên cái chân tóp teo.
 
Từ Thủ Tướng, có tước Tòng Tam Vị[8] tới. Đi kèm theo cái tước vị ấy, chẳng có thứ gì nữa, nhưng lại có rất nhiều thư quảng cáo của những hiệu bán khung treo huân chương, chứng nhận huân chương, chứng nhận tước vị.
 
Tôi nghĩ thầm: cha ngon giai/trai nên rất hợp với huân chương.
 
Người của công ty đám tang nói: trong tất cả các hình thức tống táng, thì thực táng[9] là tuyệt nhất.
 
Tôi nghĩ: cha gày nhẳng, nên chỉ có thể làm món súp được thôi.
 
 
***
 
 
chết khi đang ngủ là
bằng bàn tay nhẹ nhàng và nhanh chóng của nó
phẩy gạt đi mọi nhỏ nhặt của sự sống, nhưng
không gieo một mầm chuyện khôi hài nào
vào chúng tôi để chúng tôi có thể kể liên hồi
tiêu hết khoảng thời gian chẳng đáng là bao cho tới lúc những hoa được dâng trên bàn thờ rũ héo
 
 
chết là cái chưa biết trước
cái chưa biết trước thì không có những nhỏ nhặt
nói vậy thì có lẽ giống với thơ
người ta thường quen tóm tắt/giản lược cả cái chết, cả thơ, cả sự sống, nhưng
những kẻ sót lại đang sống tiếp như bọn ta đây thì, so với việc tóm tắt
thường lại mừng vui hơn gấp nhiều với những nhỏ nhặt chứa đầy mê lú 
 
 
-----------------------
Bình chú của avq:
 
Cấu trúc bài thơ dễ làm ta liên tưởng đến cấu trúc của thể loại văn bia, nhất là bia mộ tưởng niệm người quá cố, thường là người có tước vị/công lao hay có sự nghiệp trước tác, ở các nước trong khối văn hóa chữ Hán. Đó là cấu trúc: mở đầu bằng phần kể/thuật chuyện, và kết thúc bằng một bài minh. Các bài minh thường ngắn, và ở dạng thơ, với nội dung: tóm lược phần kể chuyện ở trên và cộng thêm những suy luận. Có khi, cùng một tấm bia nhưng có 2 tác giả, một người phụ trách phần kể/thuật, và một người phụ trách phần minh.
 
Cấu trúc bài thơ của Tanikawa cũng gồm 2 phần, phần tự sự mang tính hiện thực cá nhân khách quan, và, phần suy luận mở rộng về sự sống cũng như cái chết trong cõi người. Trong cái khuôn/cái form nhác giống với văn bia như vậy, phong cách Tanikawa ở cả 2 phần đều đem đến cho bạn đọc độc vị riêng của ông không lẫn với ai. Đặc biệt là ở phần tự sự, phong cách Tanakawa bộc lộ rất rõ.
 
Về mặt ngôn từ, từ cảm thức trong nguyên văn tiếng Nhật, xin lưu ý một điểm nhỏ sau. Sử dụng kính ngữ/tôn kính ngữ trong văn viết mang tính công khai ở cấp độ tôn kính cao nhất dành cho hoàng gia là phong tục chung, ngầm trở thành một thứ luật không phát ngôn, của xã hội Nhật Bản nói chung. Nhưng ở đây, Tanikawa tựa như khước từ thứ luật ấy, mà chỉ sử dụng từ thực sự thông thường. Chẳng hạn, có thể nói “ban tới” hay “ban cho”, khi đề cập đến việc cha mình được nhà vua truy tặng huân chương, nhưng không, ông chỉ dùng một chữ “tới”, không dùng ngay cả chữ “cho” hay yếu tố ngữ pháp làm ta có thể liên tưởng đến chữ “cho”. Chỉ độc một từ “tới” hết sức khách quan, và như ngầm nói rằng, việc ấy nó đến như nó sẽ đến/sẽ tới, hay, nó đến là nó tự đến mà bọn tôi đâu có mong chờ gì.
 
Với riêng bạn đọc Việt Nam, có lẽ sẽ có thêm sự thú vị trong sự đối sánh để thấy những nét khác nhau trong tang lễ, và phong tục liên quan đến tang lễ, giữa Nhật Bản và Việt Nam.
 
Nguyên tác của bản dịch là bài 「父の死」 [dịch sát nghĩa nhất sẽ là: “Cái chết của cha tôi”] trong tập thơ 『世間知ラズ』 [Không thạo về việc đời] ấn hành năm 1993 [TANIKAWA Shuntaro 1993], sau được đưa vào tuyển tập 『谷川俊太郎詩選集 03』 năm 2005 [TANIKAWA Shuntaro 2005]. Xin lưu ý: tuyển tập năm 2005 này do Điền Nguyên 田原/Tian Yuan, một nhà thơ Trung Quốc hiện sống và làm việc tại Nhật Bản, tuyển chọn.[9] Bản chúng tôi sử dụng là trong tuyển tập năm 2005 này [TANIKAWA Shuntaro 2005: 74-77].
 
 
----------------------------------
Tài liệu tham khảo/trích dẫn:
 
TANIKAWA Shuntaro 谷川俊太郎 1993 『世間知ラズ』思想社
 
TANIKAWA Shuntaro 谷川俊太郎 2005 『谷川俊太郎詩選集 03』田原編・集英社
 
 
 
Có lẽ là cái Thụy Bảo Chương này ? (ảnh lấy từ web của Phủ Nội Các Nhật Bản, lời avq)
 
 
 
_________________________
Chú thích của người dịch:
(nguyên tác bài thơ bằng tiếng Nhật không có chú thích)
 

[1]Bản dịch và giới thiệu này nằm trong khuôn khổ chùm thơ (sáng tác và dịch thuật) đang được thực hiện dần dần mang tựa đề “Đoạn Trường Vô Thanh: Đứt ruột không tiếng”, để tưởng niệm cha tôi.

[2]Ảnh mượn tạm từ website và blog của các fan thơ Tanikawa, lời chú thích của avq. Xin chú ý một điểm nhỏ: biển số xe của Tanikawa đã được fan của mình khéo léo xóa đi trước khi đưa lên mạng, làm như vậy để giữ bí mật cá nhân nhà thơ.

[3]Nguyên văn là 諏訪. Suwa là một địa danh.

[4]Nguyên văn là Saisiryo 祭粢料. Âm Hán Việt là Tế Tư Liệu. Đây là tiền phúng điếu của hoàng gia cho người quá cố (thường là những người có danh vọng trong xã hội hay có quan hệ đặc biệt với hoàng gia).

[5]Nguyên văn là Zuihoshyo 瑞宝章. Âm Hán Việt là Thụy Bảo Chương. Là một loại huân chương của hoàng gia ban tặng cho người có công lao.

[6]Nguyên văn là Kunshyo 勲章. Âm Hán Việt là Huân chương.

[7]Nguyên văn là Ryakushyo 略章. Âm Hán Việt là Lược chương. Tức cái huy hiệu nhỏ đi kèm với huân chương, có thể đeo cái này thay cho cái huân chương.

[8]Nguyên văn là Jusani 従三位. Âm Hán Việt là Tòng Tam vị.

[9]Tức là Táng ăn. Nguyên văn là Shokuso 食葬. Âm Hán Việt là Thực táng. Táng người đã mất bằng cách ăn/cho ăn thịt người ấy. Trên thế giới, có những loại táng như: địa táng, hỏa táng, phong táng, thủy táng,…

[10]Điền Nguyên (Tian Yuan) hiện là giảng viên tại Đại học Đông Bắc, Nhật Bản, là chuyên gia nghiên cứu về Tanikawa (đã nhận học vị Tiến sĩ từ luận văn nghiên cứu về thơ Tanikawa). Anh sinh năm 1965, ở tỉnh Hồ Bắc, là người cùng thế hệ của các nhà thơ Trần Đông Đông/Chen Dongdong, Diệp Huy/Ye Hui. Điền Nguyên đã ra một số tập thơ bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Anh, và nhận nhiều giải thưởng về thơ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021