thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những bài ca hoa hồng của tiếng nói
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
MICHEL BUTOR
(1926~)
 
 
Những bài ca hoa hồng của tiếng nói
 
 
Nhà thơ trữ tình ở Flandres phương bắc:
 
Đây là những khúc kinh cầu mật ngọt
mật là hổ phách của rừng cây
mật là tinh thể của hoa
mật màu vàng óng như phụ nữ
là hương thơm xoa dịu những khốn khổ của ta
hãy cho ta những tia mật
ta sẽ yêu em suốt đời
 
 
Goethe ở Francfort:
 
Thế giới cho tâm hồn ta thấy
sức mạnh sáng tạo của nó
những chữ để lộ sự huyền bí
của Thiên nhiên có phải đã được
vẽ ra bằng bàn tay thần linh
mi hãy đứng lên và tắm mình
giữa những cái ve vuốt của bình minh
 
 
William Blake ở Londres:
 
Trong một ấn quán địa ngục
ta đã học được bằng phương pháp nào
kiến thức được truyền đạt
những con sư tử lửa lên cơn giận
làm kim loại chảy thành sương
và cho chúng những hình dạng sách vở
chúng sắp hàng thành các thư viện
 
 
Tên phù thủy Iaroslav:
 
Phượng hoàng trong vương quốc ta
kết một tổ chim trong đêm đen
và châm lửa đốt và đốt cháy cả chính mình
dòng sông Éden trong vương quốc ta
tắm đẫm viên ngọc nữ hoàng
 
 
Dante ở Florence:
 
Trái tim dát ánh thiên hồng
nở hoa hương toả ngát
tới một mùa xuân mãi mãi sinh sôi
nếu bình minh mi đã gặt hái
bao nhiêu ngọn lửa bấy nhiêu huy hoàng
sẽ chín muồi ở những điểm tận cùng
 
 
Tên Viking lên đường đi Islande:
 
Tuốt dưới sâu con rắn cuộn khúc
cắn đuôi mình quanh thế giới
những người khổng lồ tìm cách leo lên
theo đường cầu vồng đổ xuống thành phế tích
Đại dương phủ tràn Trái đất
Mặt trời không còn sao đổ xuống cơn mưa
 
 
Jean ở Patmos:
 
Mười hai cửa ngỏ thành phố
mỗi cửa làm bằng một hạt trai
lúc nào cửa cũng mở rộng
bởi sẽ không còn đêm tối
trên những quảng trường vàng trong suốt
những bóng ma của đền đài cổ xưa
mỉm cười với những quốc gia sáng chói
đang cho di chuyển kho báu của mình
 
 
Eschyle ở Athènes:
 
Con người là những kẻ đui mù
cho đến ngày ta dạy cho họ
khoa học về sự di chuyển các ngôi sao
chúng ta đặt những cánh bằng vải
lên những chiếc tàu đi thám hiểm
bọn ganh ghét đã xích chân chúng ta
 
 
Hugo ở Guernesey:
 
Mọi thứ tìm mọi thứ không nghỉ không ngừng
bùn dựng đứng lên trời
cây thần linh nóng bỏng và những hang động
đầy ắp những tiếng thở dài mênh mông
 
 
Lão thầy pháp eskimo ở Rasmussen mãi tận phương Bắc:
 
Hỡi con người xa lạ nếu ngươi biết
nỗi lo sợ thỉnh thoảng
chúng ta cảm nhận ngươi sẽ hiểu ra
tại sao chúng ta yêu những yến tiệc
những ca khúc nhạc và múa
 
 
Nhà thơ trữ tình ở Flandres phương bắc đến hát đệm cho lão:
 
Và mật hổ phách của rừng cây
 
 
Trang-Tử trong chốn ở ẩn của mình:
 
Giống thân người nhưng ta không có thân
ngày và lửa đã để lộ ta
ta hoà tan trong bóng đêm
 
 
Goethe đến hát đệm cho ông:
 
Và thế giới bấy giờ cho ta thấy
cuộc đời lúc nhúc những con người
 
 
Firdousi[1] ở Ispahan:
 
Không có ngươi niềm vui của hồn ta
cả vũ trụ với ta sẽ chẳng là gì
ngươi làm nở hoa tất cả những sa mạc của ta
bay vút lên khỏi những vì sao
ngươi chiếu sáng hơn cả Mặt trời
ngươi biến thế giới thành cái vuốt ve
 
 
Cervantes ở Salamanque:
 
Những anh què đã để lại đôi nạng
những xác chết đã rời bỏ vải liệm
tất cả đã hồi sinh lành mạnh và tự do
trong thời buổi nhân từ
 
 
Thầy tu ở Kyoto:
 
Sự bất định kỳ dẫn chúng ta
đến chỗ rời bỏ thiên cung
để viếng thăm con người
 
 
William Blake đến hát đệm cho thầy:
 
Trong một ấn quán địa ngục
Chúng tôi sẽ xuất bản những sa sút của mình
 
 
Tiếp theo là tên viking:
 
Những con rắn cắn sau cổ chúng ta
giữa những lời thương tiếc
 
 
Bộ tứ đại bàng:
 
Toàn bộ sức mạnh của những con phượng hoàng
trong vương quốc chữ viết nắn nót
đổ dồn về những hạt trai của thành phố
nở hoa từ mười hai cánh cửa
 
 
Anh nhạc sĩ hát rong kabyle[2]
 
Khi thằng bé bắt đầu đánh
trống ngôi nhà bắt đầu
lắc lư khi nó đánh trống
và rống cổ lên hát
ngôi nhà nhảy vọt trong không trung
 
 
Dante đến hát đệm cho anh:
 
Trong lòng hoa hồng của những tiếng nói
 
 
Người chơi vĩ cầm làng quê ở Bretagne:
 
Mười hai cung[3] cho mười hai tháng
Cung Nhân mã là cung áp chót
phóng mũi tên của mình máu
chảy tuôn như suối còi tù và ngân vang
lửa và sấm sét mưa và gió
không gì không còn gì không chuỗi nào khác
 
 
Bộ tứ thiên thần:
 
Thấu hiểu tinh thể của hoa
mật từ bao thế hệ truyền lại
trong những chốn sâu thẳm con rắn
cuộn khúc giữa nỗi sợ
 
 
Người hành hương trên sông Hằng:
 
Bên cạnh một người đàn bà hát
đỏ đen trắng lan rộng
một người đàn ông cũng là ca sĩ
vừa thưởng thức nàng vừa hát không ngừng
 
 
Tên phù thủy đến hát đệm cho anh:
 
Và kết cho hai người một cái tổ trong đêm
 
 
Tiếp theo là Trang-Tử:
 
Chí đại vô ngoại, chí tiểu vô nội[4]
 
 
Người hành hương lại cất tiếng:
 
Hai thân hình họ bằng vàng trong suốt
 
 
Hugo nhập chung:
 
Cây thần linh chiêm ngưỡng bầu trời
 
 
Bộ tứ bò mộng:
 
Trong mùa xuân mãi mãi sinh sôi
ta đã dạy cho họ khoa học
những quỹ đạo của nhà cửa
thế nên khi thằng bé bắt đầu
đánh trống những ngôi sao
bắt đầu lắc lư
 
 
Melville ở New Bedford:
 
Cho dù màu trắng có biểu trưng
cho một quyền uy độ lượng
và chiếc áo dài của những tình nhân
dù có trắng như len trinh nguyên
hắn vẫn rong ruổi tận sâu thẳm màu trắng
 
 
Hugo đến hát đệm cho ông:
 
Không ngưng không dừng không nghỉ
 
 
Melville lại cất tiếng:
 
Một nguyên tắc tránh khéo đánh vào
tâm hồn bằng một nỗi sợ khiếp đãm
 
 
Mũi tên của những con cá heo:
 
Bằng đường cầu vồng sụp đổ thành phế tích
những người đá băng khổng lồ  trở lại
mang theo tia sáng mật le lói
đốt cháy họ và hôn lên họ
vì lửa giống như phụ nữ
ngươi sẽ hiểu hỡi những khách lạ
là sự bất định kỳ không khiến chúng ta
thiêu rụi những thiên cung
 
 
Người Aztèque ở Sahagun, Mễ-tây-cơ:
 
Cách nay rất lâu những thần linh
tụ họp lại đã hỏi
ai phải là kẻ cai trị loài người?
 
 
Eschyle đến hát đệm cho anh:
 
Bởi lẽ những vị này làm gì cũng đảo ngược
 
 
Người Aztèque lại cất tiếng:
 
Ai phải làm Mặt trời cho họ?
 
 
Firdousi đến hát đệm cho anh:
 
Không có kẻ ấy niềm vui của tâm hồn ta
cả thế giới với chúng ta chẳng còn là gì
 
 
Người Aztèque:
 
Nhưng khi Mặt trời sinh ra
những thần linh cảm thấy mình chết rồi
 
 
Bộ tứ sư tử:
 
Bùn muốn đánh dấu màu trắng
giữa mười hai cung[3] không nhìn thấy
bởi vì dưới vương quyền màu trắng
mắt và tay gây chiến với nhau
 
 
Mũi tên của rắn:
 
Mọi cánh cửa đều mở
mọi con thuyền đều có cánh bay
chữ viết cho chúng ta thấy
những vũ lực của Thiên nhiên
giữa ban ngày chúng ta nằm
bên cạnh một người đàn bà hát
đỏ trắng đen và vàng óng
 
 
Thổ dân ở đảo Vancouver:
 
Biển là một dòng sông mênh mông
chảy tràn về phía tây bắc
 
 
Cervantès đến hát đệm cho anh:
 
Nơi mở ra giữa những chiếc nạng
mà người què đã để xuống
 
 
Thổ dân lại cất tiếng:
 
Lối đi vào thế giới dưới đất
của người chết khi thủy triều xuống
trong hoàng hôn của những con Trăng
lối vào đóng lại khi thủy triều lên
 
Người chơi vĩ cầm làng quê đến hát đệm cho anh:
 
Cung hoàng đạo phóng ra những tên bắn
 
 
Tiếng vọng từ Những vùng Úc Á:[5]
 
Ngươi hãy đứng lên và hãy tắm mình
trong mật thơm xoa dịu những khốn khổ
nếu như khởi đầu ngươi đã gặt hái được
bao nhiêu ngọn lửa bấy nhiêu những đam mê
chúng sẽ chín muồi trên những cây thần linh
trong các hang động đầy những tiếng thở dài
 
 
Mũi tên của kỳ nhông:
 
Xoáy lên cao hơn cả hoa hồng
những vải liệm mà người chết lột bỏ
bao nhiêu cái lộng lẫy ngươi sẽ để chín muồi
nếu thằng bé đánh mạnh tay
khi những ngôi nhà bật dậy
về thời của những thần linh ăn năn
 
 
Mũi tên của rồng:
 
Âm thanh chảy tràn như lửa và máu
dàn hợp xướng sư tử từ trời đổ xuống
khoác lên người những tiếng thở dài trắng
trong hang động các đại dương
ngập tràn thủy triều những ngọn lửa
 
 
Bộ tám cánh bay:
 
Ở ngay giữa vương quốc chúng ta
kim loại chảy thành cơn say
miếu đền cải thành thuyền bè
với những cánh bay trong suốt
lướt nhanh trên những đại dương mật ngọt
để nắm bắt hồn của sấm sét
con trai của Mặt trời của mưa và gió
tất cả hối sinh lành mạnh và tự do
 
 
Bộ tám bàn tay:
 
Nếu ta yêu những yến tiệc và vũ điệu
đang ngự trị vũ trụ này của ta
yến tiệc đàn ông và vũ điệu đàn bà
trong màu trắng tinh của bóng đêm chúng ta
ta hãy nhân lên những lạc thú
trong tiếng đập của giọng nói ta
khi đi ngược trở lại những quãng sông mênh mông
để được sống lại trong cõi thần linh
 
 
Bộ tám mắt:
 
Hãy đem cho ta những tia mật
để thân thể ta được trong suốt
trong bóng đêm của màu trắng
nở ra thành hương hoa
trong hạt ngọc của những đêm không đêm
không ngưng không dừng không nghỉ
yến tiệc tiếng vỗ tiếng hát và điệu múa
tiếng nhà cửa nhảy vọt
 
 
Khúc môtê[6] cho 12 người:
 
Chuyển đổi những sa sút
Đảo ngược những vương quyền
vương quốc của lòng độ lượng
mênh mông trong cái nhỏ nhất
chen lấn trong chỗ trống vắng không cùng
và trống vắng ngay giữa chốn dày đặc nhất
ta cho chúng hình dạng sách vở
và ngay lúc câu nói ra đời
sao trên trời đổ xuống thành phế tích
trên dòng sông Eden nơi tắm mình
viên hồng ngọc nữ hoàng của những người chết
những quốc gia run sợ khi nghe giọng bà cất lên
những lời rên rỉ giải thoát
 
 
Bài madrigan[7] cho 20 người:
 
Anh sẽ yêu em suốt đời
hỡi nữ chúa của muôn đoá hồng
của lửa của sấm sét và của gió
em nhảy qua đêm đen
đâm vào bóng tối đỏ tía của chúng ta
trong chuỗi thở dài của chúng ta
trong khiếp sợ đời sống chúng ta
nơi sao trời khóc cho những vòng quay của mình
cánh hồng sau cùng của tiếng nói chúng ta
nếu chúng ta muốn mọi người xa lạ
dân khắp mọi miền
nhỏ cho hoa từng giọt im lặng
những lời thương tiếc của bầu trời trên ta
sự biến mất những thần linh quanh ta
cây của dòng họ chúng ta
quyết định của những bóng ma chúng ta
trong ánh sáng những tiếng vọng
trong một tiếng thở dài trong suốt
chúng ta sẽ nói với nhau lời từ biệt
bằng câu nói tình yêu
 
 
------------------
“Những bài ca hoa hồng của tiếng nói“ dịch từ nguyên tác “Chansons de la rose des voix” trong Michel Butor, Anthologie nomade (Paris: Poésie/Gallimard, Éditions Gallimard, 2004). “Chansons de la rose des voix” [được coi là một phát triển trên bản tổng phổ “Madrigal de la Rose des Voix” (1984) của nhà soạn nhạc Henri Pousseur] là bản văn có lẽ chứa đựng những trích đoạn, nổi bật phong cách và nội dung chủ đề của từng tác giả, do phần lớn có thể nhận ra được, và cũng do những giới hạn của một bản chuyển ngữ, đã không được giới thiệu tường tận hơn — trừ một câu của Trang Tử trong Nam Hoa Chân Kinh, nhờ sự ân cần của Tiền Vệ [tienve.org].
 
_________________________
Chú thích của người dịch:

[1]Firdousi: bút danh của Abu Ol-qasem Mansur, nhà thơ Ba tư, tác giả Shah-nameh [Sách của các Vua] là sử thi cải biên nổi tiếng của dân tộc Ba tư. Firdousi ra đời trong một ngôi làng ở ngoại ô thành phố cổ Tus, Iran — tên tuổi và sự nghiệp được biết qua nhiều truyền thuyết hơn là những sự kiện có thật. Mất năm 1020, ở Tus.

[2]thuộc Kabylie, một vùng núi non phía tây Algérie, dân sống tập trung trong những làng mạc.

[3]Cung hoàng đạo [Zodiaque] trong tử vi phương tây — như “con giáp” trong tử vi của ta.

[4]Nguyên tác tiếng Pháp của Michel Butor: Plus petit et plus grand que tout [Nhỏ hơn và lớn hơn (so với) mọi thứ]. Người dịch xin trân trọng cám ơn anh Hoàng Ngọc-Tuấn trong Ban biên tập Tiền Vệ [tienve.org] đã giúp tìm ra câu gốc của Trang Tử, trong Nam Hoa Chân Kinh: “Chí đại vô ngoại, vị chi đại nhất; chí tiểu vô nội, vị chi tiểu nhất” và đề nghị dùng ngắn gọn: “Chí đại vô ngoại, chí tiểu vô nội” để sát với câu tiếng Pháp.

[5]Antipodes: có nghĩa là những điểm đối chân trên trái đất [như Pháp và New Zealand chẳng hạn]. Antipodes cũng là tên gọi nhóm các đảo phía Đông Nam và thuộc New Zealand, trong những tác phẩm của Michel Butor thường chỉ các vùng lân cận Úc-đại-lợi, là nơi tác giả viếng thăm nhiều lần [lần sau cùng là nhà văn giảng dạy tại Đại học Queensland], là chỗ đất ông có những tình cảm rất dặc biệt, và đã thể nghiệm một phong cách viết độc đáo, đặc biệt trong Courrier des Antipodes và trong toàn bộ tác phẩm Boomerang.

[6]motet: bài ca nhiều giọng, nhiều bè — đặc biệt ở các thời Trung Cổ và Phục Hưng.

[7]madrigal: tên đặt cho loại thanh nhạc của Ý các thế kỷ 14 và 16. Phong cách madrigal cũng được sử dụng ở Anh cuối những năm 1500 và đầu những năm 1600.

 
Những tác phẩm khác của Micel Butor qua bản dịch Hoàng Ngọc Biên:
 
Những dòng suối sẽ chảy dưới tuyết / các cánh cửa tầng hầm ở đây sẽ mở ra // Dưới những ngón tay của gió lan toả / hương thơm của những miền đất xa // Những tia nắng thanh xuân / sẽ long lanh trên những tảng băng ngũ sắc... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Istanbul  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi thức dậy trên chiếc xe lửa bấy giờ vẫn đang chạy. Tôi vén màn để nhìn ra ngoài. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một cảnh tượng sầu hoang đến như thế. Mưa rơi trên cao nguyên Thrace không một bóng cây, vùng đất phủ đầy những bụi gai và lan nhật quang, chen giữa sỏi đá... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Thay vì vàng ta sẽ đem lại cho em / những quả chanh và hoa mimosa / mật ngọt từ núi rừng phía Bắc / những bông lúa những chùm nho / nấm củ nấm tổ ong và nấm xép... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Những cánh đồng củ cải đường trải đến tận rào kẽm gai, bọc quanh là những lối mòn có những người đạp xe đuổi nhau; những bụi rậm đáng ngại, với những cụm lông bứt ra từ ngực những cánh bay nạn nhân của mấy con mèo đói... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Sơn ca  (thơ) 
... Lịch sử xưa lắm rồi / và chính vì thế mà / ta phải lắng nghe nó / trước khi nó đi vào quên lãng... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
... Xám như tiếng lách tách trong tro than trong khi sương mù mở rộng đôi cánh chim mòng biển của mình giữa những mặt tiền trên bến cảng hoàng hôn. / Đỏ như than hồng sau mặt mica của lò sưởi hay miếng sắt nung người thợ rèn nện búa lên trong hang mình để bảo vệ cho những cánh cửa sổ của chúng ta... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Cái cày xoay hướng cuối cánh đồng / để gãi vào da của Trái đất / ngày xưa cày được kéo bởi ngựa hoặc bò / ngày nay bởi động cơ điezen... | Khi những đảo và lục địa / đã được để khô ít nhiều / và những màu của cá / đã đẫm màu cầu vồng... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Hai bài thơ "À la croisée des temps 1977-1987" và "Jour de cafard" của Michel Butor (1926~) — nhà văn trong nhóm Tiểu thuyết mới, và một trong những cây bút nổi tiếng nhất của thế hệ ông — đến với bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên.
 
Hai bài thơ "Zoo" và "Entre-temps" của Michel Butor (1926~) — nhà văn trong nhóm Tiểu thuyết mới, và một trong những cây bút nổi tiếng nhất của thế hệ ông — đến với bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên.
 
Hai bài thơ văn xuôi của Michel Butor (1926~) — nhà văn trong nhóm Tiểu thuyết mới, và một trong những cây bút nổi tiếng nhất của thế hệ ông — qua bản dịch của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên.
 
Một bài thơ văn xuôi hết sức thú vị của Michel Butor (1926~) — nhà văn trong nhóm Tiểu thuyết mới, và một trong những cây bút nổi tiếng nhất của thế hệ ông — qua bản dịch của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên.
 
Tiền Vệ trân trọng gửi đến độc giả một chùm thơ từ thi tập Zone franche của Michel Butor (1926~) — nhà văn trong nhóm Tiểu thuyết mới, và một trong những cây bút nổi tiếng nhất của thế hệ ông — qua bản dịch của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021