thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
16 tháng Chín, 1961, Thơ | Quá giang xe | Thơ
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JACK KEROUAC
(1922-1969)
 
Jack Kerouac là một gương mặt, là hình ảnh hàng đầu của Thế hệ Beat Mỹ. Ông sinh ngày 12 tháng Ba năm 1922 ở Lowell, Massachusetts, là con thứ ba trong một gia đình lao động di dân từ Canada. Thân phụ ông có một nhà in nhỏ, mất sớm vì bệnh ung thư bao tử, do đó cái học thời nhỏ của ông khá “lung tung”: ông từng học thứ thổ ngữ Pháp thuộc một vùng ớ Canada mà người ta gọi là joual, từng viết bằng tiếng Canuck,[1] từng học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, trước khi vào trường của giáo xứ thuộc dòng Jesuits, và trở thành một ngôi sao vận động ở trường trung học. Năm 17 tuổi ông vào Columbia University với một học bổng [football kiểu Mỹ], nhưng không lâu đã bỏ học, rồi vào hải quân một thời gian trước khi được trả về vì lý do “loạn tâm thần”. Sau đó ông vào ngành hàng hải, rong chơi hải hồ các vùng khác nhau ở Hoa-kỳ và Mễ-tây-cơ, bước khởi đầu cuộc sống phiêu bạt sau này sẽ làm chất liệu cho nhiều tác phẩm văn xuôi và tiểu thuyết nổi tiếng, phần lớn là tự thuật, hay bán tự thuật. Từ 1944, ở Columbia, ông bắt đầu giao du với một nhóm nhà văn nhà thơ trong đó có William Burroughs, Allen Ginsberg, tiếp sau đó là Gary Snyder, Gregory Corso, rồi Peter Orlovsky... và chịu ảnh hưởng lối sống giang hồ và mang khát vọng tìm kiếm một triết thuyết mới cho cuộc đời. Đầu những năm 50, ông làm ở trạm phòng cháy rừng ở Tiểu bang Washington, sống trong một căn nhà một phòng. Không biết có phải chính nơi ở tù túng này đã gợi ý cho ông viết On the Road sau đó? Chỉ biết là ông ít khi có tiền, sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi với Edie Parker, ông bắt đầu lui tới hẹn hò với Joyce Johnson [đầu năm 1957] là người sau đó từng viết “một tách cà phê ông cũng không mua nổi”[2] cho cô. Trong tác phẩm đầu tiên xuất bản năm 1950 của ông, The Town and the City, ông rõ ràng đã không tuân thủ và đã có ý đấu tranh đi ngược lại những tiêu chuẩn tiểu thuyết thời bấy giờ. Cuốn On the Road được viết trong vòng không đến ba tuần lễ, thể hiện một phong cách tươi mới, viết từ 1951, nhưng gặp khó khăn trong việc tìm một nhà xuất bản, ra đời năm 1957 gần như “không biên tập”,[3] với lối viết tự phát đầy sinh lực, kể chuyện một người đàn ông [Sal Paradise - nhân vật chính] cùng với bạn tên là Dean Moriaty [mượn hình ảnh từ một người bạn Beat có thật của Kerouac là Neal Cassady 1926-1968] quá giang xe xuyên nước Mỹ và hưởng cái thú lang bạt được kết bạn mới, những cuộc tình mới, những bữa nhậu bất kể giờ giấc, những kinh nghiệm sống phi-vật chất và bất cần đời... đã gây “sốc” nơi một số nhà văn có chỗ đứng “chững chạc” ở Mỹ.[4] Cuộc tìm kiếm giải phóng tâm linh trong On the Road – trải qua đủ những giây phút sảng khoái, tuyệt vọng, trống rỗng và bi đát, nỗi buồn mênh mông đặc thù của khoảng không trên đất Mỹ mênh mông – không những đưa ông lên hàng những người viết được nhìn nhận xứng đáng và trở thành người cầm cờ tiên phong cho phong trào này, mà còn biến Beat thành một “huyền thoại” hấp dẫn nhiều người đọc của những năm 50. The Dharma Bums, xuất bản năm 1958, mở ra Phật giáo Thiền như một triết lý của những nghệ sĩ sỊng cộng đồng lang thang ở Bờ biển Bắc San Francisco, Tây Venice thuộc Nam California và Greenwich Village, New York, khước từ những nhu cầu vật chất, khước từ xã hội tiêu thụ và hướng tới một thứ “tự do vĩnh cửu”. Sau 1958 ông trở về sống với mẹ ở Lowell, thường xuyên lui tới những quán rượu, thỉnh thoảng lại lên đường rong ruổi với bạn bè, cưới vợ một lần nữa, và trong nhiều năm đã viết một số tiểu thuyết tự truyện mà ông coi là một thứ “trò đời” nhưng với cú pháp “phân hủy” mà các nhà phê bình văn học thời ấy không thích thú lắm.
 
Khoảng gần cuối đời, Kerouac có một cuộc sống khá liều lĩnh, thường xuyên dùng Benzedrine [nhất là khi viết] và thường xuyên ra vào bệnh viện. Tiểu sử của ông có lẽ từ ngày ông qua đời, 21 tháng 10 năm 1969 [do bị xuất huyết đường ruột, ở St. Petersburg, Florida] cho đến nay người ta cũng chưa viết hết, bởi vì những ngày cuối của ông là những chuỗi ngày liên miên vui chơi nhưng cũng liên miên tuyệt vọng: cho đến chết, Kerouac có lẽ vẫn chưa quên sự bất đồng nơi chính những người bạn thân thiết nhất về bút pháp lan man của mình, nhưng cũng cho đến chết Kerouac vẫn không từ bỏ kiểu cấu trúc chính nhờ rời rạc mà có được phẩm chất ứng biến của nhạc jazz.
 
Thơ Kerouac không nhiều, nhưng đã đóng góp cho phong trào San Francisco Renaissance[5] một tiếng nói rất đáng kể, với lối viết tâm linh hồn nhiên, trải trên trang giấy “y nguyên tất cả những gì đến trong đầu”, bởi ông cho rằng nên đưa thơ “trở về cội nguồn của nó”, với anh nhà thơ rong – thơ đọc thành tiếng, chứ không phải “những lối tranh cãi nhạt nhẽo của kinh viện” [Kerouac: The Origins of Joy in Poetry].
 
Tác phẩm chính: The Town and the City (1950), On the Road (1957), The Dharma Bums (1958), The Subterraneans (1958), The Floating World (1959), Mexico City Blues (1959), Doctor Sax (1959), Lonesome Traveller (1960), Tristessa (1960), Book of Dreams (1961), Big Sur (1962), Desolation Angels (1965), Satori in Paris (1966), Scattered Poems (1971), Visions of Cody (1972)...
 
 
 

16 tháng Chín, 1961, Thơ

 
Ta buồn khủng khiếp khi nghĩ đến mẹ ta nằm ngủ trên giường
nghĩ rằng một ngày kia mẹ sẽ chết
cho dù chính mẹ vẫn bảo “cái chết chẳng có gì phải lo lắng,
từ cuộc sống này ta bắt đầu đến một cuộc sống khác”
Ấy thế nhưng ta vẫn cứ buồn khủng khiếp –
Không có rượu vang để giúp ta quên đi mấy cái răng sâu của mình
      thế cũng đủ buồn rồi
nhưng nguyên thân thể ta thối rữa và thân thể mẹ ta thối rữa
đến chết, thế thì buồn điên lên được.
Ta bước ra đường trong buổi rạng đông tinh khôi: nhưng sao ta phải vui về một buổi rạng đông
mở ra giữa xôn xao tin chiến tranh,
và sao ta phải buồn: phải chăng ít ra không khí trong lành và tươi mát?
Ta nhìn hoa trên bụi cây: một cánh hoa đã rụng:
một cánh khác đã nở ra : chẳng cánh hoa nào buồn hay vui.
Ta đột nhiên nhận ra mọi sự vật chỉ là đến rồi đi
  kể cả bất cứ cảm xúc buồn nào: chính nó rồi cũng đi:
    buồn hôm nay vui ngày mai: u sầu hôm nay say xỉn ngày mai:
      tại sao băn khoăn
        nhiều đến thế?
      Ai nấy trên thế gian đều có chỗ yếu như ta.
        Sao ta lại phải tự coi thường? Vốn chỉ là một thứ cảm nghĩ
          đến để rồi đi.
          Mọi thứ đều đến rồi đi. Thế thì tốt quá!
            Những cuộc chiến tranh xấu xa sẽ không kéo dài mãi!
              Những cái thích thú cũng đi.
                Bởi lẽ mọi thứ đều đến rồi đi Ôi thế thì sao lại phải
                  buồn? hay vui?
                  Bệnh hôm nay khỏe ngày mai. Nhưng Ôi tôi buồn
                    quá cũng thế thôi!
                      Cứ đến rồi cứ đi khắp cả chốn này.
                        ngay nơi chốn cũng đến rồi đi.
                          Chúng ta ai nấy dù sao cũng kết thúc ở thiên đường,
                            bên nhau trong hạnh phúc vĩnh cửu vàng son ta nhìn thấy.
                            Ôi buồn khốn kiếp là ta không thể viết về nó
                             tử tế.
                              Đây là ta chỉ thử viết theo lối nhẹ dễ dàng
                               kiểu thơ Ciardi.
                                 Thật tình ta nên sử dụng cách của chính mình.
                                  Nhưng cả cái lối lo âu về bút pháp đó rồi cũng
                                    sẽ đi. Cả lo âu về chuyện buồn.
                                      Con mèo nhỏ hạnh phúc rên gầm gừ của ta ghét
                                       những cánh cửa!
                                          Và đôi khi nó buồn và im lặng,
                                             mũi nóng, thở dài,
                                             và cất một tiếng meo xé ruột.
                                                 Những con chim đi mất, có lúc bay về
                                                    phía tây.
                                                    Rồi ai là người sẽ biết rõ được
                                                           thế gian này trước khi nó đi mất?
 
 
 

Quá giang xe

 
“Ta tìm cách đến California nắng ấm” –
     Boum. Chính thị cái áo mưa ghê rợn làm ta
trông giống một tên cướp tưởng tượng tự đánh
bại mình tự sát hại mình, một thằng ngốc trong
chiếc áo choàng vỡ mộng, làm sao họ hiểu được
mớ hành lý bèo nhèo của ta – mớ hành lý bùn nhầy –
             “Ê nhìn kìa Joh, một tên quá giang xe”
             “Hắn trông như là có một cây súng giấu
dưới cái áo mưa I.R.A”[6]
      “Ê nhìn kìa Fred, thằng cha đứng bên đường”
      “Một tên dâm đãng người ta đưa lên báo
Sex Magazine năm 1938” – –
      “Người ta thấy cái xác xanh lè của hắn trong một
ấn bản màu xanh lá, mình đầy những vết búa”
 
                                                      1967
 
 
 

Thơ

 
Tôi đòi hỏi loài người phải
ngưng nhân giống của mình
      và phải chào từ biệt
      tôi có lời khuyên đấy
 
Và để trừng phạt & tưởng thưởng
lời kêu gọi tôi đưa ra tôi biết
      tôi sẽ được sinh ra lần nữa
      là người cuối cùng
Tất cả những người khác chết hết và tôi là
một mụ già đi rong trên trái đất
      rên rỉ trong các hang động
      ngủ trên những chiếc chiếu
 
Và đôi khi tôi sẽ ba hoa khoác lác, đôi khi
cầu nguyện, đôi khi khóc, ăn uống & làm bếp
      trên cái lò con
      ở góc phòng
“Ôi xưa nay vẫn biết thế mà,”
      tôi sẽ nói
Và một sáng sẽ không thức dậy từ chiếc chiếu kia nữa
 
                                                             1962
 
 
Beat Poets - ảnh Hoàng Ngọc Biên chụp ở phòng ngủ/
xưởng vẽ của mình tại Dalat năm 1958, được bày tại
Phòng sinh hoạt Văn hóa Viện Đại học Dalat nhân Triển
lãm Những nhà văn trong Nhóm Tiểu thuyết mới ở Pháp –
Ba nhà văn thế hệ tìm thấy lại –Truman Capote, Carson
Mc Cullers & William Goyen ở Mỹ & Những thi sĩ Beat
Generation, năm 1959.
 
 
----------------
“16 tháng Chín, 1961, Thơ” dịch từ nguyên tác “Sept. 16, 1961, Poem” trong Visions of America by the Poets of Our Time, David Khordian biên tập, (Macmillan Publishing Co., 1973) [rút từ Scattered Poems ©1971 by The Estate of Jack Kerouac.]. “Quá giang xe” và “Thơ” dịch từ nguyên tác “Hitch Hiker” và “Poem” trong The Portable Kerouac, do Ann Charters biên tập (The Viking Portable Library, Penguin Books, 1995).
 
_________________________

[1]Trong tiếng Anh/Mỹ hay tiếng Anh/Canada, "Canuck" là từ lóng để chỉ cái gì thuộc về Canada. Đôi khi từ này cũng dùng chỉ thứ tiếng Pháp/Canada, đặc biệt ở các vùng Tây Bắc Hoa Kỳ và Canada. Bài thơ “On Walking From a Dream of Robert Fournier” trong tập thơ Pomes All Sizes của Jack Kerouac [The Pocket Poets Series, City Lights, 1992] là một thí dụ.

[2]Joyce Johnson (Glassman), Door Wide Open: A Beat Love Affair in Letters, 1957-1958 – xb. năm 2000.

[3]Tuy nhiên, Nhà Viking Press mới đây cho biết năm 2007 sẽ cho in toàn văn On the Road, có nghĩa ấn bản mới sẽ bao gồm tất cả những phần Kerouac thực tế đã không xóa mất. Theo người dịch, ấn bản mới có thể sẽ có cả những đoạn “chỉnh trang” Kerouac đã mềm lòng viết sau đó, với ít nhiều nỗ lực làm cho mạch câu và đoạn bớt “rời rạc”, trước những bất đồng than phiền về tính cách phân hủy của bút pháp ông. Những ông già trên thế giới một thời từng vác On the Road hải hồ khắp bốn phương vì cứ tưởng mình đang là Sal Paradise hay Dean Moriaty nay mai sẽ được thưởng thức trọn bữa tiệc, và những người trẻ từng muốn vượt qua thế hệ Beat hẳn là đang nóng lòng chờ đợi...

[4]Truman Capote từng phát biểu: “Đấy không phải là viết, mà là đánh máy chữ” [That’s not writing, that’s typewriting.]

[5]Trong bài “The Origins of Joy in Poetry”, khi nhắc đến Phục hưng San Francisco / San Francisco Renaissance [trích dẫn trong Jack Kerouac Poèmes [Seghers, Poésie d’abord, Paris, 2002], có chỗ lạ là Jack Kerouac chỉ nhắc đến (nguyên văn) “Ginsberg, tôi (J. Kerouac), Rexroth, Ferlinghetti, McClure, Corso, Gary Snyder, Philip Lamantia, Philip Whalen, tôi nghĩ thế”.

[6]I.R.A.: chữ viết tắt “individual retirement account”, một thứ kế hoạch [plan] để dành tiết kiệm thông dụng cho những người hưu trí ở Mỹ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021