thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trên một điệu ru | Chim hót | Chỉ có thế | Hồi hương
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
MIECZYSŁAW JASTRUN
(1903-1983)
 
Mieczysław Jastrun sinh ngày 29.10.1903 trên đất trước đây là Austria-Hungary, nay thuộc Ukraina, và mất ngày 22.2.1983 ở Warsaw, Ba Lan. Ông có bằng tiến sĩ văn chương Ba Lan tại Đại học Jagiellonian ở Kraków, và là một trong những nhà văn lớn của Ba Lan thời hậu chiến, với một sự nghiệp đồ sộ để lại cho hậu thế gồm những tác phẩm thơ [người ta có thể đếm trên dưới 12 tập thơ ông cho xuất bản giữa hai cuộc Thế chiến], tiểu luận, tiểu sử, tiểu thuyết, những công trình biên tập và dịch thuật từ tiếng Nga, Đức, Pháp và nhiều ngôn ngữ khác, đặc biệt là thơ Rilke, Holderlin và các nhà thơ tượng trưng Pháp. Ông sống sót ở Warsaw sau nhiều năm thành phố bị Đức quốc xã chiếm đóng, từng giờ từng phút phải đương đầu với hiểm nguy vì gốc Do thái của mình. Ông bắt đầu viết năm 1929 và cho in thơ trên các tạp chí kháng chiến, nhưng lên đến đỉnh cao của sự nghiệp vào những năm tiếp theo hiện tượng “tuyết tan” năm 1956, khi thơ và những tác phẩm dịch của ông, đặc biệt là những tiểu luận viết về di sản vùng Địa trung hải của văn hóa châu Âu gây tác động lớn trong văn học Ba Lan. Những bài thơ trữ tình mang nội dung triết lý của ông chảy theo một dòng chảy cổ điển nhưng đồng thời bàng bạc một không khí tượng trưng, toát ra những suy nghĩ bi quan về tính bất an thất thường của lịch sử và những giới hạn của thân phận con người. Ông không ngưng tìm kiếm những hình thức biểu hiện thơ ca mới, và những năm cuối đời đã đánh dấu một sự quan tâm sâu sắc của ông đối với những chủ đề siêu hình và tôn giáo.
 
Những tác phẩm chính của Mieczysław Jastrun: Goracy popiol (Tro ấm, 1956), Intonacje (Âm điệu, 1962), Punkty swiecace (Điểm sáng, 1980), Fuga temporum (1986); tiểu sử Mickiewicz (1949); Miedzy slowem i milczeniem (Giữa chữ và sự im lặng, 1960), Mit srodziemnomorski (Những Huyền thoại Địa trung hải, 1962); tiểu thuyết Piekna choroba (Nỗi đau đẹp đẽ, 1961)...
 
 
 

Trên một điệu ru

 
Thằng bé con tôi ngủ
Nó chưa biết là đàng sau nó
Trút xuống tiếng ầm vang của vực thẳm
Những ngày xưa và những ngày sắp đến.
 
Nó hãy còn như một vỏ sò
Nằm sâu dưới đáy biển,
Còn đỏ hồng và cong
Với đôi tai trong suốt.
 
Nó hãy còn sống im lặng
Bằng sữa và bằng buổi bình minh
Như người này người nọ nó lắng nghe
Tiếng bước chân, âm thanh lời nói.
 
Thế rồi một ngày nọ, nó lên đường,
Mà tôi không sao theo được:
 
Sao? Mọi thứ đều là chia ly
Và mọi thứ ta đều tìm thấy lại.
Mọi thứ.
Mọi thứ, ấy là thời sinh nở
Và thời bay về phía ánh sáng;
Và như thế chuyến đưa thư của gió
Đem đến phấn hoa của cây phỉ.
 
Thằng bé con tôi ngủ
Cùng ngủ là thành phố Varsovie rộng lớn,
Thế nhưng bước chân đi vẫn tiếp diễn
Những ngày đã qua và những giờ sắp đến.
 
 
 

Chim hót

 
Chim hót buổi bình minh,
Để lộ một nguồn suối trên trời,
Chim hót buổi bình minh,
Tôi uống cạn suối nguồn-ánh sáng.
Chim hót buổi bình minh,
Tôi nghe cuộc đời mình vang dội,
Chim hót buổi bình minh,
Réo gọi sự ngọt dịu yêu đương.
Chim hót buổi bình minh,
Những hi vọng và những luyến tiếc,
Chim hót buổi bình minh,
Tôi lắng nghe, tôi và không-tôi.
Chim hót buổi bình minh,
Tôi nghe suối nguồn-ánh sáng.
Chim hót buổi bình minh,
Cuộc sống, hi vọng, niềm vui.
 
 
 

Chỉ có thế

 
Ta đã viết một bức thư – và ta đã xé thư
Không ai đem bàn những nỗi lo lớn trong một bức thư
Ta đã viết một bài thơ – và ta đã xé thơ
Sau ta sẽ có những người nói hay hơn
 
Không hiểu được ta sẽ ra đi.
 
 
 

Hồi hương

 
Sau mười hai năm hắn trở lại
bộ điệu còm cõi vụng về
cực kỳ lễ độ
Những gì hắn thì thầm kể lại
là ánh sáng và bóng tối
điều bây giờ chúng ta đã biết
qua sách vở – thế nhưng hôm qua?
Ngồi vào bàn hắn vẫn còn một kiểu nhìn thẳng mặt
không phải là kiểu nhìn riêng bám bắt hắn
ở mỗi chữ nói ra trong hàng mi hoen đỏ
ở đó ẩn giấu
những năm tháng phi nhân
Một kẻ hồi hương từ Vorkuta
tôi vẫn nhìn thấy hắn
Không sinh khí đôi mắt hắn hướng về nơi
tự do ánh sáng không trở lại
Anh dù có nói gì về hắn
đôi môi hé mở hắn vẫn không nói một lời
Tay hắn lên tiếng giữa chiếc bàn cạnh cây sồi
dù những lời hắn nói định rõ một hình dáng
không có chỗ cho người ngoài cuộc
vẫn là một lưới chắn nhà tù
dù hắn có trở về
Tựa như hắn chờ đợi bước vào những đám mây cuốn lốc
thật ra bây giờ không còn nữa.
 
 
-------------------
“Trên một điệu ru”, “Chim hót” và “Chỉ có thế” dịch từ bản tiếng Pháp “Sur un air de berceuse”, “L’oiseau chante” và “C’est tout” của Lucienne Rey và Gérard Gaillaguet trong tập Témoins – Quarante-quatre poètes Polonais contemporains 1975-1990, Nxb. Les Ateliers du Tayrac, 1997. “Hồi hương” từng xuất hiện trong Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021