thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hãy trở lại | Một ông già | Hồn những người già | Thành phố | Linh cảm của hiền nhân | Thế là rồi | Vua Démétrios | Đều đều buồn tẻ | Ithaca
Bản dịch Diễm Châu
 
C. P. CAVAFY Ở ALEXANDRIA           
hình vẽ: David Hockney              
 
 

HÃY TRỞ LẠI

 
Hãy năng trở lại và chiếm đoạt ta,
hỡi cảm giác rất dấu yêu, hãy trở lại chiếm đoạt ta —
khi thức dậy trí nhớ của thân xác
và một thèm khát xưa rùng mình trong máu;
khi những vành môi và làn da tưởng nhớ,
và những bàn tay lại ngỡ mình chạm tới...
 
Hãy năng trở lại và chiếm đoạt ta, ban đêm,
vào giờ mà những vành môi và làn da tưởng nhớ...
 
 

MỘT ÔNG GIÀ

 
Một ông già ngồi ở phía sau một quán rượu ồn ào,
nghiêng mình trên bàn;
bầu bạn trước mặt chỉ có một tờ báo.
 
Và trong cảnh suy đồi của tuổi già thảm hại,
ông nghĩ rằng ông đã vui hưởng quá ít những năm tháng
khi ông còn sức lực, sự hoạt bát và vẻ đẹp.
 
Ông biết rằng ông đã già đi nhiều, ông cảm thấy thế, nhìn thấy thế.
Thế tuy nhiên, thanh xuân của ông dường như mới hôm qua.
Khoảng thời gian ấy sao mà quá ngắn ngủi, quá ngắn ngủi.
 
Ông tưởng tới sự Khôn ngoan quả đã lừa gạt ông,
và sao mà ông đã cả tin ở nó — ôi điên rồ —
kẻ láo khoét này lúc nào cũng bảo: «Ngày mai. Mi còn khối thời gian».
 
Ông nhớ tới những nhiệt tình bị kìm hãm; biết bao là niềm vui
ông đã hy sinh. Sự khôn ngoan rồ dại của ông,
bao nhiêu dịp bỏ lỡ đã khiến nó lúc này trở thành lố bịch.
 
... Thế nhưng bởi suy nghĩ và tưởng nhớ quá nhiều,
ông già đâm choáng váng. Ông ngủ gục
trên mặt bàn quán rượu.
 
 

HỒN NHỮNG NGƯỜI GIÀ

 
Trong những tấm thân mòn mỏi già nua
ẩn trú hồn những người già.
Chúng mới buồn làm sao, những hồn khốn khổ, và ngao ngán làm sao
với cảnh đời thảm hại kéo lê.
Cuộc đời ấy chúng mới sợ mất biết bao và yêu mến biết bao,
cùng đường và mâu thuẫn,
chúng ẩn trú — thật bi-hài —
dưới lớp da mòn mỏi già nua.
 
 

THÀNH PHỐ

 
Anh bảo: «Tôi sẽ đi qua một miền đất khác, qua một vùng biển khác.
Thế nào cũng sẽ có một thành phố khác, khá hơn thành phố này;
ở đây mọi toan tính của tôi đều hư ngay từ trước
và trái tim tôi — như một người đã chết — bị vùi sâu.
Cho đến khi nào đầu óc tôi còn phải chịu cảnh suy nhược này?
Đôi mắt tôi xoay về đâu, tôi có nhìn về đâu,
cũng chỉ thấy ở đây những đổ nát tối đen của đời tôi
một cuộc đời tôi đã làm hư hỏng, đã phí phạm trong bao năm trời…»
 
Anh sẽ không tìm ra nơi nào khác, không tìm ra một vùng biển nào khác.
Thành phố sẽ theo anh khắp chốn. Anh sẽ lê bước
trên cùng những đường phố. Và anh sẽ già đi trong cùng những khu phố;
trong cùng những căn nhà này tóc anh sẽ bạc phơ.
Luôn luôn thành phố này sẽ là nơi anh kết thúc. Còn về chốn khác — đừng trông đợi gì hết —
chẳng còn một con đường nào cũng chẳng còn một con tàu nào cho anh.
Cuộc đời anh, khi hủy hoại nó ở đây, ở cái xó hẻo lánh này,
anh đã hủy hoại nó trên toàn trái đất.
 
 

LINH CẢM CỦA HIỀN NHÂN

 
Bởi thần linh rành rẽ tương lai, con người những gì đang
xảy tới và hiền nhân những gì đang lại gần.
                   PHILOSTRATE. Về Apollonios ở Tyane, VIII, 7.
 
Người thường biết hiện tại.
Tương lai thuộc về thần linh,
những sở hữu chủ duy nhất và toàn vẹn của hết mọi ánh sáng
Về tương lai, các hiền nhân chỉ nhận thấy
những tiền đề. Lỗ tai họ đôi khi,
 
vào những giờ trầm tư mặc tưởng,
bỗng vẩn đục. Tiếng lao xao thầm kín
của những ngày mai đang tiến bước lọt tới.
Và họ kính cẩn lắng nghe. Trong lúc ngoài đường phố,
dân chúng chả thấy gì.
 
 

THẾ LÀ RỒI

 
Bị vò xé vì sợ hãi, bị công hãm bằng hoài nghi
trí óc đớn đau và đôi mắt đầy ghê rợn
chúng ta ra sức tìm xem có thể làm gì
để gạt qua nỗi hiểm nguy
không tránh được, gần kề, khiến chúng ta kinh hoàng.
Thế tuy nhiên, chúng ta lầm, không phải nỗi hiểm nghèo ấy đang tới;
tin tức sai lạc
(hoặc chúng ta đã nghe sai, hoặc chúng ta đã hiểu lầm).
Một thảm họa khác, mà chúng ta chẳng hề nghĩ tới,
đột nhiên bổ xuống chúng ta tựa tia chớp
rồi bất thần – lúc này, không còn kịp nữa – cuốn chúng ta đi.
 
 

VUA DÉMÉTRIOS

 
Để chấm dứt như một kịch sĩ — hơn là như một nhà vua—
ông đã khoác chiếc áo nâu này thế cho tấm áo của thảm kịch, và biến đi không ai thấy.
                                                        PLUTARQUE, Cuộc đời Démétrios
 
Khi người Macédoine đã bỏ rơi ông
để tuyên bố họ ủng hộ Pyrrhus,
vua Démétrios (người chẳng phải là thiếu
tư cách) không xử sự như nhà vua — cứ theo
lời người ta thuật lại. Ông đã bỏ đi
cởi những lớp áo thêu kim tuyến
và liệng đôi hài
đỏ thắm. Lẹ làng ăn vận
quần áo bình thường rồi lẩn trốn.
Hành động hệt như một diễn viên
ngay sau buổi trình diễn
thay đổi y trang và ra đi.
 
------------------
Vua Démétrios: vua xứ Macédoine (336-282 trước Tây lịch), bị «bỏ rơi» vì xa hoa quá độ. (theo chú thích của Dominique Grandmont).
 
 

ĐỀU ĐỀU BUỒN TẺ

 
Một ngày buồn tẻ, tiếp theo là một ngày
buồn tẻ khác, y hệt. Cũng vẫn những sự việc
sẽ diễn ra, và còn diễn ra nữa —
hệt như nhau, những khoảnh khắc tìm tới rồi lìa xa ta.
 
Một tháng trôi đi, lại đem tới một tháng khác.
Những gì sẽ tới thật dễ dàng thấy trước:
ấy những nỗi chán chường hôm qua. Khiến
ngày mai không còn là ngày mai nữa.
 
 

ITHACA

 
Khi mi giong buồm về Ithaca [1]
hãy ước mong đường sẽ dài lâu,
đầy những cuộc phiêu lưu, đầy những lời giáo huấn
Còn những bọn Lestrigons, Cyclops,[2]
mi đừng sợ, cũng đừng sợ cơn thịnh nộ của Poséidon[3],
chả bao giờ mi sẽ gặp gì hết như vậy trên đường,
nếu tư tưởng của mi vẫn thanh cao và một xúc cảm tinh khiết
phấn khích tinh thần và thể xác mi.
Bọn Lestrigons và bọn Cyclops,
mi sẽ không gặp chúng cũng chẳng gặp Poseidon dễ nóng giận,
nếu mi không mang chúng trong hồn mi,
nếu hồn mi không khiến chúng trỗi dậy trước mặt.
 
Hãy ước mong đường sẽ dài lâu.
Những buổi sáng mùa hè hãy thật nhiều
khi — với biết bao khoan khoái và biết bao vui thú
mi sẽ khám phá những hải cảng mà mi chưa từng thấy;
hãy dừng lại nơi những thương cục ở Phénicie
để mua sắm những món hàng quý báu,
hổ phách, san hô, gỗ mun, xa cừ
và những mùi hương thơm nồng mọi loại,
càng nhiều những mùi hương thơm nồng càng tốt;
cũng hãy tới thăm nhiều thành phố Ai-cập
và không ngừng học hỏi với những người hiểu biết.
 
Hãy luôn luôn giữ lấy hình ảnh Ithaca trong đầu óc.
Đạt tới đấy là cùng đích của mi.
Nhưng đặc biệt đừng hối hả trong cuộc viễn hành.
Tốt hơn cả là kéo dài ra qua nhiều năm tháng;
và chỉ ghé về đảo của mi khi mi đã già,
đầy ắp những gì mi đã kiếm được trên đường,
mà không chờ đợi ở Ithaca một ân huệ nào khác.
 
Ithaca đã hiến mi cuộc viễn hành tốt đẹp này.
Không có nó, có lẽ mi đã chẳng lên đường.
Ithaca không còn gì hơn nữa để đem lại cho mi.
 
Và dẫu như nó bần hàn, Ithaca đã chẳng hề lừa gạt mi.
Khôn ngoan như mi lúc này, với một kinh nghiệm như thế,
mi chắc chắn đã hiểu những Ithaca có nghĩa là gì.
 
---------------------
[1] Ithaca: một trong những đảo chính của Hy-lạp, vương quốc mà Odysseus (Ulysses) đã phài lìa xa trong hai mươi năm, để lại một đứa con sơ sinh là Telemachus và bà hoàng Penelope, trong truyện Odyssey của Homer.
[2] Lestrigons: một giống rợ khổng lồ ở Sicily. Khi Ulysses phái hai người tới xin đổ bộ, một trong hai đã bị «vua» của giống rợ này xơi tái. Ulysses tháo chạy, bị bọn rợ này lăn đá xuống, giết hại nhiều.
Cyclops: giống quái độc nhỡn trong thần thoại Hy-lạp. Trong truyện của Homer, ấy là một giống người man dã, vô luật pháp,.. mà Ulysses đã phải đối phó trong những cuộc phiêu lưu của ông.
[3] Poséidon: Chúa Biển. Trong thần thoại Hy-lạp, thường làm rung chuyển trái đất và biển cả khi giận dữ... (ND.)
 
 
---------------------------
CONSTANTIN P. CAVAFY (1863-1933) sinh ngày 29 tháng Tư tại Alexandrie và mất tại đây cùng ngày. Vẫn được thế giới coi như nhà thơ lớn nhất của Hy-lạp ở thế kỷ XX. Một thi sĩ-sử gia. Ông tự nhận mình là «một thi sĩ của các thế hệ tương lai..., trong một thế giới sẽ suy nghĩ nhiều hơn hôm nay». Bản dịch dựa theo các bản Pháp văn của Dominique Grandmont; Marguerite Yourcenar và Constantin Dimaras; Socrate C. Zervos và Patrice Portier; Ange S. Vlachos; Gilles Ortlieb và Pierre Leyris; và các bản dịch khác trích từ cuốn Constantin Cavafy của Georges Cattaui (Nxb. Seghers, Paris, 1964).
 
 
----------
Đã đăng:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021