thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôi sao săn mồi [I]
(Diễm Châu dịch)
 

PHẤN-TIÊN BUỔI SÁNG*

 
Ban đầu, ta đã hứa sẽ im lặng;
Nhưng về sau, vào buổi sáng,
Ta đã thấy các ngươi bước ra với những bao tro trước cửa,
Và rải tro như người ta gieo lúa;
Không chịu được nữa, ta đã kêu lên: các ngươi làm gì thế? các ngươi làm gì thế?
Chính vì các ngươi mà ta đã làm tuyết rơi suốt đêm trên thành phố,
Chính vì các ngươi mà ta đã làm trắng từng vật suốt đêm — ôi, nếu
Các ngươi có thể hiểu được làm tuyết rơi thực khó biết bao!
Tối hôm qua, khi các ngươi vừa đi ngủ, ta đã vọt lên không trung.
Bấy giờ ở đó thật âm u và lạnh. Ta đã phải
Bay tới điểm duy nhất nơi
Chân không khiến quay cuồng những mặt trời và dập tắt chúng,
Trong lúc ta hẳn còn phập phồng hồi hộp ở góc này một lúc,
Trước khi trở về, làm tuyết rơi giữa các ngươi,
Từng bông tuyết nhỏ, ta đã canh chừng, cân nhắc, thử thách,
Nhào nặn, làm sáng lên bằng ánh mắt,
Và giờ đây ta rũ xuống vì buồn ngủ và mỏi mệt, và ta lên cơn sốt.
Ta nhìn các ngươi trải bụi của ngọn lửa đã chết
Lên công trình trắng toát của ta, và, mỉm cười, ta loan báo cho các ngươi:
Những trận tuyết lớn hơn nhiều sẽ tới sau ta
Và trời sẽ đổ trên các ngươi tất cả tuyết trắng của thế giới.
Ngay từ bây giờ các ngươi hãy cố mà hiểu định luật này,
Những cơn tuyết khổng lồ dẽ tới sau ta,
Và các ngươi sẽ không có đủ tro,
Và ngay cả trẻ nít cũng sẽ học được cách làm tuyết.
Và màu trắng sẽ lại phủ trùm những mưu toan tồi tệ của các ngươi những mưu toan phủ nhận nó,
Và trái đất sẽ bước vào trong cơn lốc cuốn các vì sao
Như một thiên thể nóng bỏng tuyết.
 
---------------------------------------
* Bài này còn có tên là “Bi ca buổi sáng” trong các bản dịch Pháp, Anh khác. Ở đây, tôi dịch theo bản Pháp văn của Claude Sernet trong “Anthologie de la Poésie roumaine”, Editions du Seuil, 1968. (người dịch)
 
 

CÓ LẼ CẦN *

 
Có lẽ cần sinh ra làm người đã già,
Bắt đầu bằng sự khôn ngoan,
Rồi định đoạt số mệnh mình
Và biết những con đưoơng nào khởi đi từ ngã tư đầu tiên,
Cái thèm muốn bước đi vô trách nhiệm của chúng ta.
 
Sau này có lẽ cần trở nên trẻ hơn, trẻ hơn,
Chín chắn và mãnh liệt, và tiến tới ngưỡng cửa sáng tạo
Vượt qua nó, bước vào cuộc tình như những người niên thiếu,
Trở thành trẻ thơ khi con cái chúng ta sinh ra.
Lúc đó chúng sẽ già hơn cả chúng ta,
Chúng sẽ dạy chúng ta nói, ru chúng ta ngủ,
Và chúng ta sẽ biến đi, mỗi ngày một nhỏ hơn,
Như trái nho, hột đậu, hạt lúa...
 
--------------------------------------------------
* Bài này, tôi cũng đã dịch từ cuốn sách dẫn trên, theo bản Pháp văn của Alain Bosquet. (người dịch)
 
 

NHỮNG MỐI RÀNG BUỘC

 
Mọi sự đều là chính bản thân tôi.
Hãy cho tôi một chiếc lá trông không giống tôi,
Hãy giúp tôi tìm ra một con thú
Không rên rỉ với tiếng nói của tôi.
Bất cứ nơi đâu tôi đặt bước, đất cũng rẽ ra
Và tôi thấy những người chết mang hình ảnh tôi
Ôm hôn và sinh ra những người chết khác.
Tại sao lại có nhiều mối ràng buộc với thế giới đến thế,
Nhiều họ hàng và con cháu phải nhận đến thế
Và tất cả những nét giống nhau như điên khùng này nữa?
Vũ trụ ám ảnh tôi với cả ngàn khuôn mặt của tôi
Và sự bảo vệ duy nhất của tôi là đập mạnh vào chính bản thân tôi.
 
 

CON MẮT KHÉP

 
Tôi không dám khép đôi mắt lại một lúc
Vì e
Đè bẹp thế giới giữa đôi mi,
Nghe thấy nó rạn vỡ ồn ào
Như một hạt dẻ giữa hai hàm răng.
Tôi còn tránh được giấc ngủ bao lâu nữa?
Tôi còn duy trì được thế giới sống động bao lâu nữa?
Tôi tuyệt vọng nhìn
Và thương xót như một con chó
Cái vũ trụ bất lực
Sẽ biến đi trong con mắt khép lại của tôi.
 
 

ĐIỀU KIỆN

 
Tôi
tựa như
cát trong chiếc đồng hồ cát
chỉ
có thể là
thời gian
khi
rơi.
 
 

SA NGÃ

 
Các nhà tiên tri trong sa mạc đã chết hết
Các thiên thần với đôi cánh rũ
Bị dẫn đi từng hàng
Và tập hợp lại ở những công viên
Chẳng bao lâu nữa họ sẽ bị đưa ra xét xử
Họ sẽ bị chất vấn: cái tội nào
Đã xua đuổi họ ra khỏi thiên đường
Cái lỗi nào? Vi phạm nào? Phản bội nào?
Với tình yêu cuối cùng
Họ sẽ nhìn chúng ta với đôi mắt mịt mù giấc ngủ
Và sẽ không tìm được cái dạn dĩ của tà thần
Để công khai thú nhận lý do khiến các thiên thần sa ngã
Không phải là tội lỗi, không phải là tội lỗi,
Mà là sự mỏi mệt.
 
(Trích Huyền nhiệm thứ ba, 1969)
 
 

CHÚNG TA HÃY ĐỂ CHO NHỮNG LỜI NÓI RƠi XUỐNG

 
Chúng ta hãy để cho những lời nói rơi xuống
Chỉ như những trái cây, chỉ như những chiếc lá,
Chỉ những gì mà cái chết đã chín mùi.
Chúng ta hãy để cho chúng rơi xuống
Gần như hư thối,
Chỉ với thịt bao bọc
Mảnh xương thần.
Lỏng ra, cái lõi cốt trần trụi,
Như mảnh trăng từ những đám mây héo hắt,
Có lẽ sẽ có thể âm thầm rơi xuống đất...
 
 

HỒN

 
Hồn là một cái gì ở bên trong chúng ta
Không thể hiện hữu ở bên ngoài.
Biết bao lần
Tôi đã khám phá ra
Những hồn trơ trọi trên đám cỏ, gần chết...
Tôi cẩn thận đặt các hồn đó vào lòng bàn tay
Nhưng không bao giờ
Kịp thời tìm được ai
Muốn nhận các hồn đó,
Tôi cảm thấy chỗ trũng của lòng bàn tay tôi trơ trụi
Và một làn sương mờ mà lá cây chưa chạm tới, lướt nhẹ
Thật khả nghi qua thân xác tôi.
Phải chăng hồn trú ẩn trong ta
Để tránh Thượng đế?
 
(Trích Năm mươi bài thơ, 1970)
 
 

ANH CÓ NHỚ BÃI BIỂN

 
Anh có nhớ bãi biển
Phủ những mảnh sành bén nhọn
Trên đó
Chúng ta đã không thể bước chân không,
Anh có nhớ cái cung cách
Anh ngắm nhìn biển
Và nói anh đang lắng nghe em?
Anh có nhớ
Những con hải âu rít lên như điên dại
Xoay vòng vòng trong những hồi chuông đổ
Từ những ngôi giáo đường vô hình
Cùng với những đàn cá,
Cái cung cách
Anh bỏ chạy
Hướng về biển
Thét bảo em rằng anh cần
Khoảng cách
Để nhìn em?
Tuyết
Đang tan
Hòa lẫn với chim
Trên nước
Với một nỗi tuyệt vọng gần như vui sướng
Em đã ngắm nhìn
Những dấu chân anh trên biển
Và biển
Khép lại như một vành mi
Trên con mắt nơi em đợi chờ.
 
 

ANH KHÔNG BAO GIỜ NHÌN THẤY BƯỚM

 
Anh không bao giờ nhìn thấy
Bướm chúng nhìn nhau ra sao bên trên đầu chúng ta?
Cũng chẳng thấy gió
Ra hiệu cho cỏ khi chúng ta bước qua?
Nếu đột nhiên em quay lại
Những cành cây đứng sững
Và chờ ta rời xa.
Anh không nhận ra là chim chóc lẩn khuất?
Anh không nhận ra là những chiếc lá tắt đi?
Anh không nhận ra những tiếng thì thầm ấy
Lớn dần lên đằng sau chúng ta
Như lớp rêu trên thân cây hướng về mạn bắc?
Và im lặng chờ đợi chúng ta ở khắp nơi...
Tất cả chắc đã phải biết một điều gì đó mà người ta giấu chúng ta.
Có lẽ chúng ta đã bị lên án.
Có lẽ người ta đã treo đầu chúng ta với một giá cao.
Ban đêm các vì sao nhấp nháy hồi hộp
Khi cất lên tiếng khua động của những lá bắp.
 
 

NGÀY TRƯỚC CÂY ĐÃ TỪNG CÓ MẮT

 
Ngày trước cây đã từng có mắt
Tôi xin thề,
Tôi biết chắc
Khi là cây tôi đã thấy
Tôi còn nhớ mình đã ngạc nhiên
Trước những chiếc cánh lạ thường của chim chóc
Khi chúng bay ngang trước mặt,
Nhưng chim chóc có đoán biết được hay không
Những con mắt của tôi,
Tôi không còn biết nữa.
Lúc này tôi hoài công tìm kiếm những con mắt của cây cối.
Có lẽ tôi không thể thấy chúng
Vì tôi không còn là cây,
Hay có lẽ chúng đã chui qua rễ
Xuống lòng đất,
Hay có lẽ
Biết đâu
Chỉ có mình tôi thấy thế.
Và cây cối đã mù ngay từ thủa đầu...
Như thế thì tại sao
Khi tôi tới gần chúng
Tôi lại cảm thấy
Chúng đưa mắt nhìn theo
Thật thân mật,
Tại sao, khi chúng rì rào và nhấp nháy
Với hàng ngàn đôi mi mắt
Tôi lại cảm thấy muốn la lên —
Các ngươi thấy gì thế?...
 
(Trích Tháng Mười, tháng Một, tháng Chạp, 1972)
 
 

THƠ

 
Ai sẽ mơ và mơ gì,
Trong thời gian chồng chất trên ta –
Những đống tuyết nặng nề giấc ngủ
Xuyên qua chúng chuyển động
Những anh hùng mộng du
Với những cử chỉ chậm chạp và dũng cảm?
Đừng la thét
Họ sẽ chết nếu bị đánh thức,
Chỉ cần khóc là đủ
Khi thấy họ –
Những bằng chứng
Quá rụt rè
Của vẫn-chưa-chết.
 
 

QUÊ HƯƠNG

 
Trong anh, em không mong ngóng một ai hết,
Trái đất được đặt trong giấc ngủ
Qua những quỹ đạo xanh,
Và em sẽ lạ xa nếu vượt đường biên
Những lọn tóc mỏi mệt của anh.
Chỉ riêng ngôn ngữ anh
Em biết cách nói trong những giấc mơ
Và biết kể chuyện thần tiên cho mình anh
Thiên đường quá chóng qua của em,
Vị chúa tể quá chóng qua của em.
Bên ngoài trời lạnh
Và sương mù dầy đặc,
Đêm tới gần,
Thời gian chầm chậm rơi,
Nhưng ở trong nhà thật ấm áp và dễ chịu
Khi chúng ta là quê hương của nhau.
 
(Trích Giấc ngủ trong giấc ngủ, 1977)
 
 

CÔ ĐƠN

 
Cô đơn là một thị trấn
Nơi những kẻ khác đã chết,
Cắc đường phố thật sạch,
Các công viên trống rỗng,
Mọi sự đột nhiên được nhìn thấy
Như dãn nở trong sa mạc
Được tiền định rõ ràng.
Cô đơn là một thị trấn
Nơi tuyết sa khủng khiếp
Và không có lấy một bước chân
Phàm tục hóa ánh sáng
Ổn định trong lớp lớp,
Và duy có ngươi, con mắt tỉnh thức
Mở trên những kẻ đang ngủ,
Là trông chừng, hiểu biết, và không bao giờ mỏi mệt
Vì quá nhiều im lặng và trong trắng
Trong đó không một ai phải vật lộn
Và không một ai bị gạt lừa;
Nơi cả đến nước mắt của con thú bị bỏ rơi
Cũng quá trong trẻo
Để có thể làm ta đau.
Trong thung lũng
Giữa khổ đau và cái chết,
Cô đơn là một thị trấn hạnh phúc.
 
 

SĂN

 
Tôi không bao giờ chạy theo các từ,
Tất cả những gì tôi tìm kiếm
Là những chiếc bóng dài
Ánh bạc của chúng,
Bị mặt trời kéo lê trên cỏ
Hay bị mặt trăng kéo lê trên biển;
Tôi không bao giờ đi săn bất cứ thứ gì
Ngoại trừ những chiếc bóng của các từ –
Ấy là một lối săn thiện nghệ
Học được của người xưa
Những người đã biết
Rằng bên trong một từ
Không có điều gì quý báu hơn
Là chiếc bóng của nó
Và những từ đã bán hồn mình,
Không còn lấy một chiếc bóng.
 
 

TÔI THỞ, TÔI THỞ

 
Tôi thở, tôi thở
Khi tôi nằm mắt nhắm,
Cảm thấy những vì sao nhọn sắc qua mi mắt
Ghi những ký hiệu mềm lên võng mạc.
Như những con cá chết trên dòng nước lấp lánh.
Chuyện xẩy ra như trong mơ – Tôi thở, tôi thở,
Vòm thủy tinh dầy sắp vỡ
Khi dòng máu đông lạnh của những vì sao chiều tối
Nuốt trửng lấy nó và chảy tràn ra
Rồi tiếng nghiến rít còn dai dẳng của ánh sáng,
Như sỏi đá dưới mũi cuốc,
Và bước chân người khi rời xa vọng lại
Âm thanh bị bóp nghẹt của những hồi chuông nhịp nhàng qua làn nước
Vẳng tới thật trong trẻo
Gâầ như vô hình – mỗi lúc một gần thêm;
Chuyện xẩy ra như trong mơ – Tôi thở, tôi thở
Bầu pha lê sắp sửa vùi chôn tôi.
 
(Trích Con mắt của dế, 1981)
 
 

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

 
Một màng lưới của những chiếc bóng
Chụp bắt tôi và cầm giữ tôi
Và tôi không sao thoát ra được
Bởi không biết lưỡi dao nào
Có thể cắt đứt nó;
Những chiếc còng tay tôi
Làm bằng sương
Nhưng ai có thể
Bẻ cong được chúng?
 
Đôi mắt tôi bị bịt lại
Bằng một dải nhá nhem
Ửng hồng trên mặt nước,
Chung quanh tôi những vách tường
Trong suốt và mềm mại,
Thân xác sống động hầu như có thể bước qua.
 
Nhưng mọi sự chỉ là tình cờ –
Tôi tự do hay không
Tùy như cách ánh sáng lọt qua những đám mây,
Đẹp hay không
Tùy ở lối
Một cành cây
Thỉnh thoảng đung đưa
Và người ta yêu tôi, theo với
Những cánh hoa.
 
Giữa ánh sáng và bóng tối,
Kẻ bị giam hãm và sự hoàn thành,
Tựa một cánh hải âu
Giữa biển và trời.
Tất cả những gì tủy thuộc tôi
Là vẻ rạng rỡ
Của nụ cười này
Nụ cười chặn họng tôi.
 
 

ĐỢI

 
Mỗi một từ là một cái hũ
Hầu như đầy rượu:
Có người uống rượu ấy;
Có người đem khử trùng các vết thương;
Lại có những người khác lắc mạnh trong ánh sáng và làm mờ đục,
Khiến cặn bã bốc lên;
Có người sắp thành hàng các vò rượu
Theo thứ tự lớn nhỏ,
Chơi trò lính tráng với chúng;
Có người sắp xếp chúng lại
Theo màu sắc, hoặc theo hình thù;
Những người khác khui nút chai
Để cho rượu thoát đi
Hoặc vô cùng ngạc nhiên đem thí nghiệm
Châm lửa đốt.
 
Tôi không làm gì cả.
Tôi ngồi chờ đợi
Để nhắc mình nhớ tới
Cái trái cây
Mà tôi đã dùng cất rượu.
Trái cây ấy ra sao nhỉ?
 
 

KHI TÔI CÒN SỐNG

 
Khi tôi còn sống trong giấc mơ
Tôi đã chết trên trái đất
Và khi tôi hãy còn ở đây
Phải chăng tôi đã chết ở bên trong?
 
Hay đó cũng chỉ là một trò chơi
Với hai vầng nhật nguyệt
Chia sẻ tôi thật cuồng bạo
Cùng chung sức thống trị tôi?
 
Khi đêm tối ở đây
Trong giấc ngủ đó là ánh sáng –
Tôi trở lại thật miễn cưỡng
Từ giấc mơ và từ cuộc đời.
 
(Trích Giờ của cát, 1983)
 
 

MỒ HÓNG

 
Anh nghĩ tới gì khi thấy
Một tổng lãnh thiên sứ đen mồ hóng?
Tới sự ô nhiễm của tầng tĩnh khí, cố nhiênn
Rồi gì nữa?
Tới thói quen của các thiên thần
Xen vào khắp mọi nơi
Tới những lò sưởi nước Nga vào mùa xuân
Thường bốc khói và nghẹt tắc?
Rồi gì nữa?
Ồ! Nếu nghĩ tới chuyện đó thật kỹ
Thời tôi tự nhủ một tổng lãnh thiên sứ đen mồ hóng
Rất có thể là một tổng lãnh thiên sứ
Đã bén lửa
Vì quá tin rằng mình không thể cháy...
 
 

TRẮNG

 
Từ trên cao rơi xuống, phủ trùm thế giới
Như một toan tính đã thất bại
Toan tính bắt đầu lại tất cả.
Nhưng đã có bao giờ sự bắt đầu
Lại sạch sẽ đến thế, mọi nẩy mầm bị chận lại, đình hoãn.
 
Từ trên cao rơi xuống, phủ trùm thế giới,
Một sự phát tiết tuyệt vọng
Của cơ thể vũ trụ
Tìm cách quên mình
Tìm cách tự giải thoát
Khỏi chính hình ảnh
Quá khó chịu của mình.
 
 

ĐỊNH NGHĨA

 
Là lá
Và bắt buộc
Phải xử sự
Như mọi chiếc lá
Dẫu rằng mình biết
Dẫu rằng mình có thể
Có khả năng hơn nhiều;
Điều xác tín
Dị thường
Tự đó không nên kết luận
Rằng mình khác những chiếc lá khác
Mà chỉ nên cho rằng những chiếc lá mà ta biết
Thực ra tự chúng khác nhau:
Ấy đó một định nghĩa.
 
 

SINH ĐÔI

 
Sinh đôi trong tử cung của sợ hãi;
Cư ngụ cùng một tế bào,
Đui mù và câm nín
Trong bóng tối vang âm tàn bạo
Chỉ với nhịp đập dưỡng nuôi
Bứt chúng ta ra khỏi loài không xương sống,
Khỏi cá, khỏi chim, khỏi cả dã thú
Để khai sinh chúng ta
Theo hình dạng mình
 
Chúng ta không được quyền kháng cáo
Chúng ta bị lên án phải sinh ra,
Cô đơn và bất lực trước kẻ
Bảo bọc sự sinh trưởng của chúng ta
Ở bên trong thân hình-lồng ấp
Như trong một nấm mồ nơi dậy men cuộc sống tương lai.
Hai chúng ta
Những kẻ sinh đôi trong tử cung của sợ hãi.
 
 

NGƯỜI ĐI QUA

 
Người đi qua trong sương mù
Và tôi, tôi biết người đi qua.
Và chỉ cần những đám mây
Không còn tỏ ra lạnh lùng quá đỗi,
Một cỗ áo quan chưa thỏa
Phình lên để chứa đựng thêm
Toàn nhân loại
Trong bụi nước,
Rồi biến chất trong bầu khí,
Rời rạc và hư hỏng.
Người đi qua trong sương mù:
Cao và trong, người là một luồng hơi
Sẵn sàng sắp đặt lại ý nghĩa,
Bứt ra khỏi sự chết những thế giới
Đang run rẩy ngỡ ngàng
Vì thấy mình được một bàn tay nhẹ nhàng hướng dẫn
Khi người nắm lấy đôi vai chúng
Để rốt cuộc chúng bớt sợ.
Người đi qua trong sương mù
Và con mắt người phóng ra
Những lối đi hợp lý
Trong hỗn mang muôn thủa:
Người đi quan hỡi người tôi yêu mến,
Và tôi, tôi biết người đi qua...
 
 

ẢNH TƯỢNG*

 
Người đàn bà ôm con trong tay
Cả hai đều nghiêm trang và già
Chăm chú nhìn một góc bức tranh:
Người đàn bà được đặt trong một ánh sáng ngây thơ và buồn
Ánh sáng của một thần trí bay lượn bên trên
Và ánh sáng của người con còn bi đát hơn nhiều.
Miễn cưỡng,
Họ được kết hợp bằng động từ SINH HẠ,
Động từ tỏa chiếu một nỗi đớn đau
Chứa đựng nơi những nghĩa ghi trong từ điển,
Họ ở đó ôm nhau, cô độc và không được bảo vệ,
Duy có tình yêu nâng đỡ
Tình yêu, kẻ đã nối kết họ
Không hề hỏi han họ một điều gì,
Và – biết đâu? –
Biết đâu họ hạnh phúc, bởi liên đới
Trong nỗi kinh hoàng ngang nhau
Nỗi kinh hoàng khiến họ nhìn chăm chú
Một trong bốn góc bức tranh.
 
----------------------------------------
* Icône. «Ảnh tượng» Thánh mẫu (hoặc các thánh) thường thấy trong các giáo đường Chính thống giáo. (người dịch)
 
 

BÀI RU

 
Hãy nhắm mắt lại, ngủ đi,
Hãy để đôi mi rơi xuống
Như một lưỡi dao của máy chém
Trên cổ thế giới bên ngoài.
Hãy nhắm mắt lại và nói không
Không có gì để hiểu ở nơi
Lầm lạc đã bắt đầu.
Cao như một tháp canh
Hãy phá cầu và đem lại
Cho lịch sử vũ khí cuối cùng của nó:
Hãy nhắm mắt lại, ngủ đi,
Như toàn dân ta đang ngủ.
 
 

Ở ĐẦU KIA

 
Một toàn bộ dang dở
Hay ấy chỉ là một cảm tưởng?
Chiếc lá ở đây lại chẳng nên
Tiếp tục ở đó cách này hay cách khác?
Còn về hình vẽ trang điểm đôi cánh bướm
Lại chẳng nên kết thúc hay sao?
Và về những đường chỉ trên bàn tay
Phải chăng rõ rệt đây không phải những đường vẽ phác
Của một bức tranh chỉ mới bắt đầu?
Một toàn bộ dang dở
Vẫn đợi chờ, trong xúc động,
Được hội nhập
Vào cái toàn thể không phân biệt được
Của ánh sáng chói lòa
Đang chờ ta ở đầu kia.
 
 

MẶT TRỜI CỦA MẤT NGỦ

 
Mặt trời của mất ngủ,
Kim khí trắng tan thành nước,
Không chịu nổi ở võng mạc,
Nhưng xuyên suốt dưới mi mắt,
Không – mất ngủ chói lòa,
Ánh mắt không hy vọng của bóng tối
Khiến tôi lơ lửng
Bên trên mọi cảm giác
Bên trên bóng tối, dịu êm,
Hỗn tạp của địa ngục,
Trong một ánh sáng thật tàn nhẫn,
Sỗ sàng
Từ đó, tôi không còn ao ước gì hơn
Là sa xuống, phải, sa xuống...
 
 

TRỄ

 
Bây giờ đã quá trễ:
Ngay cả tế bào cũng tưa ra
Tôi không còn nhìn ra điều-ước –
Buổi lặn mặt trời đã ôi
Buổi mặt trời mọc là trá ngụy.
Một ngôi sao săn mồi rình rập
Phút chói lòa cực độ
Trên bầu trời chua như một tiếng than
Làm tiêu tan những lời nguyền rủa;
 
Nhưng tia sáng biến thành bụi
Gió cuốn đi từng cơn,
Những đống mây cát chói
Đùn lên ở mọi góc.
Bây giờ đã quá trễ:
Bình lặng bị cướp đoạt đã tràn lan
Ngay khi mây phơi bày
Tạng phủ trên trời
 
Với sự trâng tráo trù diệt tình ái.
Rửng rưng với chính bản thân, tế bào tưa ra
Ánh sáng tự ý héo khô
Trên vũ trụ hoang vắng,
Khi kêu la cũng tựa như chết,
Im lặng trở thành ô nhục
Và bóng tối có những chiếc rễ mịn
Trong đất mùn của quá trễ.
 
---------------------------------------
* Bài này thoạt đầu có tựa: “Ngôi sao săn mồi”. (người dịch)
 
 

LẠM PHÁT CHIM

 
Cái tổ nơi chim chóc, thường là
Xa lạ, đẻ trứng,
Có quyền tối đa là
Lựa chọn chim
Chứ không phải định mệnh của tổ.
Đã có bao giờ người ta ghi chép
Trong niên sử
Kể từ ngày tạo lập thế giới
Môt cuộc nổi dậy
Chống lại lề luật của vũ trụ này
Vũ trụ luôn luôn chỉ rõ thêm
Sự phá sản
Lạm phát chim.
 
 

BÊN TRONG

 
Một cuộc bỏ trốn quá hiếm khi gián đoạn
Giữa hai lần kỷ niệm ngày sinh,
Thời gian lấy lại sức
Để có thể chạy tiếp,
Một cuộc bỏ trốn vào bên trong giấc ngủ hoặc im lặng,
Bên trong sách vở, rượu,
Nơi đâu? Không quan trọng.
Bên trong oán thù, tình ái,
Điều duy nhất đáng kể, ấy là
Cuộc bỏ trốn phải thật triệt để;
Một cuộc bỏ trốn vào chính bản thân ta, hết sức sâu thẳm
Để thoát khỏi cái bên ngoài, thoát khỏi tờ lịch
Khiến ta chỉ còn thấy
Một tấm lưng phủ đầy rêu*
Hoặc thêm nữa, khi gió thổi,
Hai lòng bàn tay, đang lay động,
Vỗ vào nhau không hề tin tưởng;
Một cuộc bỏ trốn không mục tiêu cùng đích
Luôn luôn vào bên trong thêm mãi
Luôn luôn vào sâu hơn, vào nơi sâu thẳm tanh tưởi nhất
Như ta vẫn làm từ bao ngàn năm nay
Mấy ngàn năm tươi đẹp của xa xưa
Khi người Ru-ma-ni bỏ trốn vào sâu trong rừng thẳm...
Lúc này, chỉ còn chính gan ruột của chúng ta thôi.
 
--------------------------------------------------
* “đầy cơ bắp”, theo bản Pháp văn của Hélène Lenz. (người dịch)
 
 

CAN ĐẢM

 
Tôi nhìn hai bàn tay tôi:
Những cành cây
Trên đó
Những mi mắt lá
Không bao giờ có thể chớp;
Những mẩu cánh nơi
Những chiếc lông chim không bao giờ
Dám mọc;
Và ngay cả những chiếc móng của chúng
Không bao giờ mang, ở đầu mút,
Những sừng chồi mong manh của dã thú.
Tôi nhìn hai bàn tay tôi
Tương tự như những chữ
Không có can đảm
Tự hợp thành
Một từ.
 
 

TUYỆT ĐỘ*

 
Người ta đã truyền cho ta tìm kiếm mi
Và khát vọng duy nhất của ta là lao mình vào cuộc tìm kiếm đó.
Ta cũng chẳng hề nghĩ tới
Sẽ dùng mi để làm gì
Nêế như ta tìm thấy mi.
Ta sẽ vùi mi xuống đất như một hạt mầm chăng?
Ta sẽ cho mi ăn như cho ăn một con thú nuôi trong nhà
Mà người ta đã dự liệu sử dụng lông da, thịt,
Len và sữa?
Hay trái lại ta sẽ để cho mình bị cắn xé
Như bị một loài dã thú cắn xé?
Hay ta sẽ lạc mất trong mi
Run sợ như trong một khu rừng?
Hay như ở đáy một vực thẳm
Ta sẽ buông mình trong mi mà không đo lường chiều sâu?
Hay như ở đáy một vùng biển
Ta sẽ để cho loài cá vùi chôn mình?
Người ta đã truyền cho ta tìm kiếm mi
Chứ không phải là tìm thấy mi.
 
-------------------------------------------------------
* “Nec plus ultra”, theo bản Pháp văn của Hélène Lenz. (người dịch)
 
 

LẠP PHÁCH*

 
Bao ánh sáng trên không
Bao mật ngọt trên trời
Khiến bầu khí tương tự
Như một khối lạp phách
Nơi
Các vị thần hóa thạch
Các dự án thiên sứ
Gặp gỡ nhau
Thật chính xác
Tới độ trở thành hiện hữu thật...
 
----------------------------------------
* “Ambre jaune”, theo bản Pháp văn của Hélène Lenz. (người dịch)
 
 

SỨC NẶNG CỦA TUYẾT

 
Cây cối gẫy gục dưới sức nặng của những đám mây.
Ai đã từng tưởng tượng được chuyện đó?
Chúng có vẻ hạnh phúc
Khi khoác những đám mây như áo quần may theo kích thước,
Những đám mây thật thanh nhã
Khiêế không ai nghĩ tới
Chuyện phát minh
Một bàn cân để cân những gì những đám mây ấy
Chứa đựng.
 
 

ĐẠI PHONG CẦM ĐÁ BĂNG

 
Ta nghe rõ một tiếng động
Phải không nào?
Ấy đó nhạc
Của đại phong cầm đá băng
Đã đưa tôi ra bao lơn.
Tôi không sao phân biệt nổi
Một âm thanh
Nhưng tôi biết
Tôi tin chắc
Rằng có thứ gì đó
Vẫn đang chơi.
Khí cụ ấy thật hoàn hảo
Nhạc của nó thật chóng qua
Khiến thấy rõ là nó đã được sáng chế
Chỉ riêng cho một người
Sử dụng
Một người nào đó vô hình hay ở rất xa
Một thính giả
Rửng rưng.
 
 

LẨY HẠT

 
Tất cả đều nhỏ lại
Tất cả đều trá ngụy:
Những giây phút lồng vào nhau
Như những con búp-bê,
Mỗi con khoác thân xác của con kế tiếp
Và trần trụi ở bên trong
Để lại có thể chứa đựng
Một con khác.*
Một sự lảy hạt ngày càng mau,
Các thứ vỏ ném đi vội vã
Mình tráu của một thứ hạt vô nghĩa...
 
------------------------------------------------
* Có lẽ ở đây tác giả đã nghĩ tới một thứ “búp-bê” Nga bằng gỗ: mở con lớn ra, ta thấy một con nhỏ, mở con nhỏ, lại thấy một con nhỏ hơn nữa... (người dịch)
 
 

THẬT DỄ CHO CHÚNG TA

 
Nếu quả thần thánh là cỏ cây,
Như chính Platon thiên về ý nghĩ ấy
Thời thật dễ cho chúng ta
Săn sóc họ
Thỏa mãn các nhu cầu của họ
(Một chút nước, một chút phân)
Để đổi lại, yêu cầu họ cung cấp,
Ngoài hoa lá, rễ cây và trái,
Cái bí quyết, của thực vật,
Bí quyết tái sinh...
 
(còn một kỳ)
 
---------------------------
Ghi chú của người dịch:
ANA BLANDIANA là bút hiệu của bà Otilia Valeria Coman Rusan. Là con của một thày cả Chính thống giáo, bà sinh ngày 25. 3. 1942 tại Timisoara, vùng Transylvania, Ru-ma-ni, nơi khởi động cuộc nổi dậy đưa tới sự sụp đổ của chế độ Ceausescu. Khởi sự đăng thơ trên tạp chí Tribuna ở Cluj năm 17 tuổi, bà đã cho xuất bản thi phẩm đầu tay Ngôi thứ nhất, số nhiều, viết năm 22 tuổi. Từ ấy đến nay, bà đã có hơn hai mươi tác phẩm được xuất bàn, gồm thơ, truyện, tùy bút và du ký. Những bài báo hằng tuần của bà trên tờ Contemporanul rồi România Literară đã làm say mê nhiều thế hệ người đọc. Thường được coi như một nhà thơ “tân-lãng mạn”, bà cho thấy trong thơ ảnh hưởng của những nhà thơ lớn nhất của Ru-ma-ni. Bà lập gia đình với ông Romulus Rusan, một nhà văn kiêm kịch tác gia, nhưng vẫn viết văn thơ với bút hiệu Ana Blandiana. Cuộc đời văn nghệ của bà đầy “sóng gió” thời đại.
 
Tuyển tập thơ Ana Blandiana mà bạn đọc trên đây chủ yếu tập trung vào tác phẩm Ngôi sao săn mồi của bà, nhưng cũng bao gồm khá nhiều bài trích từ các thi phẩm từ hồi đầu đến khoảng 1990... Để thực hiện tuyển tập thơ này, tôi đã sử dụng nhiều bản Pháp, Anh của Claude Sernet, Alain Bosquet, Aurel George Boesteanu, Hélène Lenz (trong Ana Blandiana, Etoile de proie, Ateliers du Tayrac, 1991), Alain Paruit, Andrea Deletant và Brenda Walker, Peter Jay và Anca Cristofovici,... Xin mời bạn đọc xem thêm bài “Ana Blandiana, thơ dưới sự đàn áp ở Ru-ma-ni”, đăng song song trên Tiền Vệ.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021