thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ khẩn cấp [I]
(Diễm Châu dịch)
 

LỄ NGHI

 
Mỗi lần tôi trở lại
Quê tôi
           sau một chuyến đi lâu ngày
Chuyện đầu tiên tôi làm
Là hỏi han về những người đã chết:
Mọi người đều là anh hùng
Chỉ bằng hành động chết
Và những kẻ anh hùng là bậc thày của chúng ta.
 
Và thứ nhì
               là về những kẻ bị thương.
 
Chỉ lúc sau
                khi đã hoàn tất
Cái tang nghi nho nhỏ này
Tôi mới xét tới chuyện sống:
Tôi nhắm mắt lại để nhìn cho rõ hơn
Và cay đắng hát
Một bài hát hồi đầu thế kỷ.
 
 

NHỮNG CÂY XIÊM GAI *

 
Đã nhiều năm trước khi bước qua
Một con đường có những cây xiêm gai đương hoa
Tôi được một người bạn thông thạo cho biết
Rằng em vừa mới lấy chồng.
Tôi đã bảo anh ta rằng thực ra
Tôi chẳng có liên hệ gì tới chuyện đó hết
Tôi chưa bao giờ yêu em
—Điều ấy em biết rõ hơn tôi—
Tuy nhiên mỗi lần hoa xiêm gai nở
—Em tin được chăng—
Tôi vẫn cảm thấy cùng một điều
Như khi bọn chúng nện thẳng vào người tôi
Với cái tin não lòng ấy
Cho biết rằng em đã đi lấy ai kia.
(Canciones rusas, 1967)
--------------------------
* Aromos. (người dịch)
 
 

NHỮNG GIẤC MƠ

 
Tôi mơ một cái bàn và một cái ghế
Tôi mơ: tôi lật nhào trên xe hơi
Tôi mơ: tôi quay một cuốn phim
Tôi mơ một trái bom benzen
Tôi mơ: tôi là một du khách hạng sang
Tôi mơ: tôi bị treo trên một cây chữ thập
Tôi mơ: tôi ăn những con cá hương
Tôi mơ: tôi băng qua một cây cầu
Tôi mơ một bảng hiệu sáng rỡ
 
Tôi mơ một người đàn bà có ria mép
Tôi mơ: tôi bước xuống một cầu thang
Tôi mơ: tôi lên dây một cái máy hát
Tôi mơ: đôi mắt kính tôi bể
Tôi mơ: tôi đóng một cỗ hòm
 
Tôi mơ một hệ thống toàn cầu
Tôi mơ một lưỡi dao cạo
Tôi mơ: tôi vật lộn với một con chó 
Tôi mơ: tôi giết một con rắn
Tôi mơ những con chim non đang bay
Tôi mơ: tôi kéo lê một thây ma
Tôi mơ: người ta lên án tôi bị treo cổ
Tôi mơ cơn hồng thủy vũ trụ
Tôi mơ: tôi là một búi cỏ gai
 
Tôi cũng mơ tóc tôi rụng
 
 

NHỮNG LỜI CẢNH CÁO

 
Cấm cầu kinh, cấm hắt hơi
Cấm nhổ bọt, tán tụng, quỳ gối
Cấm thờ lạy, hò la, khạc nhổ
 
Trong khu vực này cấm ngủ
Cấm truyền nhiễm, cấm nói, cấm tuyệt thông
Cấm hòa âm, đào thoát, chặn bắt
 
Tuyệt đối cấm chạy
 
Cấm hút thuốc và làm tình
 
 

MẤY GIỜ RỒI

 
Khi một người đau nặng
Tỉnh lại trong vài giây
Và hỏi giờ những người thân thuộc
—Đã tụ lại như bởi phép thuật
Quanh giường chết—
Bằng một giọng khiến tóc họ dựng đứng
 
Thời có điều gì đó không phải
Thời có điều gì đó không phải
Thời có điều gì đó không phải.
 
 

LỜI KẺ TRỘM LÀNH *

 
Hãy nhớ đến tôi khi người ở nước người
Hãy đặt tôi làm Chủ tịch Thượng nghị viện
Hãy đặt tôi làm Giám đốc Ngân sách
Hãy đặt tôi làm Chưởng lý nước cộng hòa.
 
Hãy nhớ tới vòng gai
Hãy cho tôi làm Lãnh sự Chi-lê ở Stockholm
Hãy đặt tôi làm Giám đốc Hỏa xa
Hãy đặt tôi làm Tổng tư lệnh Quân đội.
 
Tôi chấp nhận bất kỳ trách vụ nào
Quản trị viên các vùng Lãnh thổ được ủy trị
Tổng Giám đốc các Thư viện
Giám đốc Bưu điện và Bưu chính.
 
Đứng đầu ngành Giao thông
Kiểm sát các Công viên và Quảng trường
Quản đốc hạt Nuble.**
 
Hãy đặt tôi làm Giám đốc Sở thú.
 
Sáng danh Đức chúa Cha
                              Đức chúa Con
                                            Đức chúa Thánh thần
Hãy đặt tôi làm Đại sứ ở bất kỳ đâu
 
Hãy đặt tôi làm Đội trưởng Đội Colo-Colo
Hãy đặt tôi làm nếu người thích
Chủ tịch Cứu hỏa đoàn.
 
Hãy cho tôi làm Hiệu trưởng trường Trung học ở Ancud***
 
Và tệ nhất đi nữa
Hãy đặt tôi làm Tổng thanh tra Mồ mả.
 
------------------------------------------
* một trong hai người bị đóng đinh trên thập giá cùng với Đức Kirixitô...
** nơi sinh của tác giả;
*** thị trấn nhỏ ở sâu dưới phía nam Chi-lê. (người dịch.)
 
 

LẠM PHÁT

 
Bánh mì tăng giá khiến bánh mì lại tăng giá
Tiền nhà tăng
Khiến mọi thứ tiền thuê mướn lại tăng gấp đôi
Tiền may mặc tăng
Khiến tiền may mặc lại tăng.
Không thể nào khác được
Chúng ta xoay tròn trong một vòng lẩn quẩn
Trong lồng thời có cái ăn
Ít thôi, nhưng có.
Ở bên ngoài chỉ có những khoảng tự do bát ngát.
 
 

TÌNH THẾ NGÀY CÀNG KHÓ KHĂN

 
Chỉ cần nhìn mặt trời
qua một tấm kính mù khói
để thấy rằng mọi sự không xuôi:
hay các người chỉ thấy mọi sự êm đẹp?
 
Tôi đề nghị chúng ta quay trở lại
với những xe ngựa kéo
tầu bay chạy bằng hơi
những máy truyền hình đá đẽo.
 
Người xưa nói đúng:
phải trở lại nấu nướng bằng củi.
 
 

CỨU TÔI VỚI

 
Tôi không biết làm sao tôi đã tới đây:
 
Tôi đang chạy thật sung sướng và mãn nguyện
Với chiếc nón trong tay phải
Đuổi theo một con bướm có lân quang
Đã khiến tôi vui như điên dại
 
Thì đột nhiên hứ tôi vấp té
Và không biết khu vườn gặp chuyện gì
Toàn cảnh đã thay đổi
Tôi chảy máu miệng và máu mũi
 
Thật tình tôi không biết chuyện gì xẩy ra
Hãy cứu lấy tôi một lần
Hay cho tôi một phát vào sau gáy
 
 

MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG

 
Bà mẹ của một người đàn ông nọ bị đau nặng
Anh ta đi tìm thày thuốc
Anh ta khóc
Ngoài đường phố anh ta thấy vợ mình đi với một người đàn ông khác
Họ nắm tay nhau
Anh ta theo dõi họ thật sát
Từ cây này tới cây kia
Anh ta khóc
Rồi anh ta gặp một người bạn trai thời trẻ
Đã bao năm trời chúng ta không gặp nhau!
Họ bước vào một quán rượu
Trò chuyện, cười vang
Người đàn ông nọ bước ra vườn đi tiểu
Anh ta thấy một thiếu nữ
Trời tối thui
Cô nàng đang rữa đĩa
Người đàn ông nọ lại gần người thiếu nữ
Anh ta ôm ngang hông cô
Hai người nhảy luân vũ
Cùng nhau bước ra đường
Cười vang
Xẩy tới một tai nạn
Người thiếu nữ bất tỉnh
Người đàn ông nọ đi gọi điện thoại
Anh ta khóc
Anh ta tới trước một ngôi nhà có đèn sáng
Anh ta hỏi điện thoại
Có ai đó nhận ra anh
Hãy ở lại ăn đã bạn
Không
Điện thoại ở đâu
Ăn đi bạn ăn đi đã
Ăn xong rồi hãy đi
Anh ta ngồi xuống ăn
Anh ta uống rượu như người bị lên án
Anh ta cười vang
Người ta khiến anh ta đọc làu làu
Anh ta đọc làu làu
Anh ta thiếp đi dưới một cái bàn giấy.
 
------------------------------------------------------
*«Những lời cảnh cáo», «Lạm phát», «Tình hình ngày càng khó khăn», «Cứu tôi với», được xếp chung với các bài trong Thơ khản cấp (1972), thực ra đã có trong tập LA CAMISA DE FUERZA từ 1968. (người dịch)
 
 

NHỮNG LÁ THƯ CỦA MỘT NHÀ THƠ NGỦ TRÊN MỘT CHIẾC GHẾ

 

I

Chuyện có sao nói vậy
Hoặc là ta biết trước mọi sự
Hay là ta chẳng bao giờ biết gì.
 
Điều duy nhất mà chúng ta được phép
Là học nói cho đúng.
 

II

Suốt đêm tôi mộng thấy đàn bà
Có những người cười thẳng vào mặt tôi
Những người khác khiến tôi nẩy tưng tưng
Không chịu để tôi yên.
Họ gây chiến với tôi thường trực.
 
Tôi trỗi dậy mặt mày choáng váng.
 
Khiến người ta kết luận rằng tôi điên
Hay ít ra thời cũng sợ muốn chết.
 

III

Thật quá vất vả khi tin tưởng
Ở một vị thần bỏ mặc chúng sinh
Cho số mệnh của họ
Mặc cho những lớp sóng của tuổi tác
Và mọi thứ bệnh tật
Ấy là chưa nói tới cái chết.
 

IV

Tôi là một trong những kẻ chào mừng xe tang.
 

V

Hỡi những người trẻ
Hãy viết những gì các người muốn
Bằng bất cứ kiểu nào các người thích
Đã qua rồi quá nhiều máu dưới cầu
Để tiếp tục tin tưởng-tôi tin tưởng
Rằng ta chỉ có thể theo đuổi một con đường:
Trong thi ca tất cả mọi sự đều được phép.
 

VI

Bệnh tật
            Già yếu
                        và cái Chết
Nhảy múa như những thiếu nữ thơ ngây
Quanh Hồ Thiên nga
Gần như lõa lồ
                      say khướt
Với những vành môi san hô đầy tình dục.
 

VII

Quả đã rõ
Rằng chẳng có ma nào ở trên mặt trăng.
 
Rằng những chiếc ghế là những chiếc bàn
Rằng bươm bướm là những đóa hoa vĩnh viễn chuyển động
Rằng chân lý là một lầm lẫn tập thể
 
Rằng tinh thần chết đi cùng thể xác
 
Quả đã rõ
Rằng những nếp nhăn không phải những vết sẹo.
 

VIII

Mỗi lần vì một lý do nào đó
Phải bước xuống
Từ lầu ván nho nhỏ của tôi
Tôi đã lui về rùng mình vì lạnh
Vì cô đơn
              vì hãi sợ
                          vì đau đớn.
 

IX

Những đường xe điện đã biến mất
Cây cối đã bị hạ
Chân trời đầy những cây thập giá.
 
Marx đã bị chối bỏ bảy lần
Và chúng ta vẫn còn theo đuổi.
 

X

Hãy nuôi ong bằng mật đắng
Truyền tinh trùng vào miệng
Quỳ gối trên vũng máu
Nhảy mũi trong phòng hỏa thiêu
Vắt sữa bò
Và hắt sữa lên đầu nó.
 

XI

Từ những đám mây lớn của bữa điểm tâm
Tới sấm sét của buổi ăn trưa
Và từ đó tới những ánh chớp của bữa tối.
 

XII

Tôi không phải người dễ buồn
Thành thực mà nói
Cả đến sọ người cũng làm tôi cười.
Nhà thơ ngủ trên thập giá
Chào các người với những giọt lệ bằng máu.
 

XIII

Bổn phận của nhà thơ
Gồm bằng cải biến trang giấy trống
Tôi hoài nghi chuyện ấy có thể được.
 

XIV

Tôi chỉ hợp với cái đẹp
Cái xấu làm tôi đau.
 

XV

Tôi lặp lại lần chót
Giòi bọ là thần linh
Bướm là những đóa hoa vĩnh viễn chuyển động
Răng hư
            răng dễ gãy
Tôi thuộc về thời đại phim câm.
 
Làm tình là một hành động văn nghệ.
 

XVI

Ngạn ngữ Chi-lê:
Tất cả những người tóc đỏ đều có tàn nhang
Máy điện thoại biết những gì nó nói
Con rùa không bao giờ mất nhiều ngày giờ
Hơn là khi học hỏi con ó.
Chiếc xe hơi là một cái ghế có bánh xe.
 
Và kẻ lữ hành nhìn lại phía sau
Gặp nguy cơ nghiêm trọng
Là bóng mình không chịu bước theo.
 

XVII

Phân tách là tự khước từ bản thân
Chỉ có thể lý sự trong một vòng tròn
Chỉ có thể thấy điều mình muốn thấy
Sinh ra chẳng giải quyết được gì
Tôi nhìn nhận mình sa nước mắt.
 
Sinh ra chẳng giải quyết được gì
Chỉ có cái chết nói sự thật
Cả đến thơ cũng không thuyết phục.
 
Người ta dạy chúng ta rằng không có không gian
Người ta dạy chúng ta rằng không có thời gian
Nhưng dầu sao đi nữa
Tuổi già là một chuyện đã rồi.
 
Hãy để khoa học định đoạt.
Tôi buồn ngủ khi đọc thơ tôi
Dẫu rằng thơ ấy đã được viết bằng máu.
 
 

ĐÂY HẲN LÀ MỘT NGHĨA ĐịA

 
chứ không thời chẳng có cách nào giải thích
những ngôi nhà không cửa ra vào cũng chẳng có cửa sổ
những hàng dài xe hơi bất tận kia
 
và cứ xét theo những chiếc bóng phát lân quang đó
thời có lẽ chúng ta đang ở địa ngục
 
bên dưới cây thập tự kia
chắc phải có một ngôi nhà thờ
 
 

NHỮNG MỆNH ĐỀ

 
Chúng ta đừng tự làm mờ mắt
Chiếc xe hơi là một cái ghế có bánh xe
Con sư tử làm bằng những con chiên
Các nhà thơ không có tiểu sử
Cái chết là một thói quen tập thể
Con trẻ sinh ra để được hạnh phúc
Thực tế có khuynh hướng mờ dần
Làm tình là một hành động xấu xa
Chúa là bạn tốt của dân nghèo
 
 

SARANGUACO *

 
Đêm, chẳng ra đêm,
Ngày, chẳng ra ngày.
 
Sao lại là đêm nếu đã là ngày
Sao lại là ngày nếu đã là đêm
Bộ mấy người tưởng đang nói với người điên chắc?
 
Trời hỡi ước chi thực là ngày.
 
Trời lạnh nhưng tôi nóng
Trời nóng nhưng tôi lạnh muốn chết.
 
Tôi nói trời lạnh nhưng tôi nói láo
Thực ra trời nóng đến đá tảng cũng chảy tan
Chính mắt tôi thấy rõ điều ấy:
Bậy! Tôi chẳng thấy gì hết!
Mắt tôi khép kín bưng!
 
Chuyện xẩy ra là tôi cảm thấy đau
Cái đau gặm mãi trong bao tử
Cái cảm giác choáng váng không thôi.
 
Sao lại đau: tôi cảm thấy mình thật hoàn hảo
Trong đời tôi chưa từng thấy khá hơn!
Trời ước chi tôi cảm thấy mình khốn khổ!
 
Hãy quan sát kỹ rồi các người sẽ thấy
Rằng tôi đang cười vang.**
 
---------------------------------------------
* Món thịt hầm hổ-lốn (đồ tạp-nham), chữ của thổ dân Araucania.
** Que estoy riéndome a carcajadas. Bản dịch tiếng Anh của Miller Williams: Tôi đang cười ra máu và nước mắt. (người dịch)
 
 

QUY TẮC TAM SUẤT

 
Không kể
Hai mươi triệu người mất tích
Các người cho rằng tốn mất bao nhiêu
Chiến dịch thần thánh hóa Stalin?
Tính thành tiền mặt xủng xoảng:
 
Bởi lẽ đền đài lăng tẩm thật tốn kém.
 
Các người cho rằng tốn mất bao nhiêu
Để triệt hạ những khối bê-tông tổ bố ấy?
 
Nguyên một việc dời cái xác ướp
Ra khỏi lăng tới cái hố chung
Hẳn cũng tốn cả một sản nghiệp lớn.
 
Và các người cho rằng ta sẽ tốn bao nhiêu
Để đặt lại những pho tượng thánh ấy?
 
 

CHI-LÊ

 
Thật là buồn cười khi thấy các nông dân Santiago ở Chi-lê
mặt mày nhăn nhó
đi đi lại lại trên những con đường ở trung tâm thành phố
hay những con đường ở vùng lân cận
lo âu—tái mét—sợ muốn chết
vì cái trật tự chính trị
vì cái trật tự tính dục
vì cái trật tự tôn giáo
coi chuyện thành phố và cư dân hiện hữu
như là chuyện đã đươc chấp nhận:
mặc dù người ta đã minh chứng rằng thị dân chưa sinh ra
và cũng sẽ chẳng sinh ra trước khi mất
và Santiago ở Chi-lê chỉ là một hoang địa.
 
Chúng ta tin rằng chúng ta là một xứ
sự thật chúng ta chỉ là một phong cảnh.
 
 

NHỮNG ĐỀ NGHỊ

 
Tôi buồn vì chẳng có cái gì ăn
thế giới này chả thèm nghĩ đến tôi
chẳng nên có ăn mày
như tôi vẫn thường nói thế
hết năm này qua năm khác
 
Tôi đề nghị rằng thay vì bướm
ta bỏ cua trong vườn
—chắc là sẽ khá hơn—
các người có thể tưởng tượng được một thế giới thiếu ăn mày chăng?
 
Tôi đề nghị hết thảy chúng ta đều trở thành người theo đạo Chúa
hay cộng sản hay bất cứ thứ gì tùy các người
đây là vấn đề thay thế một từ này bằng một từ khác
tôi đề nghị chúng ta tẩy rửa nước
 
do uy quyền mà hành khất đoàn trao phó cho tôi
tôi đề nghị đức giáo chủ để râu mép
 
tôi bị tiêu tan vì đói khát
tôi đề nghị ai đó cho tôi một khúc bánh mì kẹp
và để chấm dứt cái cảnh đều đều buồn tẻ
tôi đề nghị mặt trời mọc ở phương tây.
 
 

NẾU ĐỨC GIÁO CHỦ KHÔNG ĐOẠN TUYỆT VỚI HOA-KỲ

 
nếu điện Cẩm-linh không đoạn tuyệt với Hoa-kỳ
nếu nước Lục-xâm-bảo không đoạn tuyệt với Hoa-kỳ
tội quái gì tôi lại làm thế?
 
có ai đó có thể vui lòng cho tôi hay
các người trông đợi cái quái gì ở tôôôi. . .!
 
 

VẬY THỜI

 
đừng bối rối
nếu các người thấy ta cùng một lúc
ở hai thành phố khác biệt
 
đang dự lễ mi-sa trong một ngôi nhà nguyện ở điện Cẩm-linh
hay đang ăn một miếng hot-dog
trong một phi cảng ở Nữu-ước
 
ở cả hai nơi ta vẫn là một
mặc dù có vẻ như phi lý là ta vẫn là một.
 
 

VIVA STALIN

 
bọn điếm thúi ấy
chẳng để ta kịp mặc cái áo khoác
không hề báo trước
chúng nắm lấy ta xô đẩy
một đứa cho ta một báng súng vào ngực
một tên chó đẻ khác nhổ bọt vào ta
nhưng ta vẫn kiên trì
 
rồi chúng đưa ta tới một con đường hoang vắng
gần trạm xe lửa
trên một xe bít bùng của cảnh sát
và bảo ta giờ thì chú mày có thể thoát thân
 
ta biết rõ những gì chúng muốn nói
 
đồ sát nhân!
                  lẽ ra ta đã phải thét lên như thế
nhưng ta đã chết trong lúc thét lên Viva Stalin.*
 
------------------------
* Hoan hô Stalin. (người dịch)
 
 

TÔI KHÔNG TIN Ở ĐƯỜNG LỐI ÔN HÒA

 
tôi không tin ở đường lối bạo động
tôi muốn tin
ở một điều gì đó—nhưng tôi không tin
tin là tin ở Chúa
điều duy nhất tôi làm được
là nhún vai
hãy tha thứ cho tôi ăn nói sỗ sàng
tôi cũng chẳng tin ở Đường sông Ngân.
 
 

RUỒI TRÊN ĐỐNG PHÂN

 
Với ông đây—với người du khách—với nhà cách mạng
tôi chỉ muốn đặt một câu hỏi:
các vị đã từng thấy cả một đoàn ruồi
lượn vòng quanh một đống phân,
hạ cánh và thi công trên đống phân?
các vị có đôi khi thấy ruồi trên đống phân?
 
là vì tôi sinh ra và lớn lên cùng với ruồi
trong một căn nhà bao quanh bằng phân.
 
 

TÔI THỨC DẬY LÚC RẠNG ĐÔNG

 
bị tuyệt thông vì hôi thối
và nhìn qua cái tháp xép chột mắt:
một vành trăng cùi hủi
đang nhỏ giọt máu me
trên khu vườn ngập tuyết
 
chợt nghe tiếng ông cai:
cục c. dậy đi
lúc này phải điểm tâm xong rồi chứ!
 
 

TÔI LÀM TRÒN NGHĩA VỤ YÊU NƯỚC

 
khi nhìn những gì tôi khạc ra
họa may tôi khạc ra một con nòng nọc
có một lần tôi đã khạc ra cả một đại giáo đường gô-tích
hai chiếc hàng không mẫu hạm bắc Mỹ
ba chiếc xe buýt ráp tại Chi-lê
bốn đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước
năm trái khí cầu
sáu cỗ áo quan cùng với sáu cái thây riêng
bảy con rồng phun lửa
tám hay chín cái xe tang
và vô khối cà tô-mát thối.
 
 

NHỮNG BỨC ĐIỆN TÍN

 

I

Quá đủ rồi những chuyện ngây ngô khờ khạo
Ở đây dưới tấm thảm chả có gì được quét đi hết *
 
Chúa tạo ra thế giới trong một tuần
Nhưng tôi hủy hoại nó trong một lúc.
 

II

Quá đủ rồi những phụ nữ trần truồng
Quá đủ rồi bọn tư tế Ai-cập
Khạc nhổ cùng khắp
Tôi quỳ xuống và hôn đất
Đồng thời xơi một miếng thịt nướng.
 
Tôi không thuộc cánh tả cũng chẳng thuộc cánh hữu
Tôi chỉ đập vỡ những cái khuôn.
 

III

Tôi viết lách để làm quái gì nhỉ?
Tôi viết để các người kính trọng tôi và thương mến tôi
Để làm hài lòng quỷ, thần
Để ghi lại mọi sự.
 
Để khóc và cười cùng một lúc
Thực thế thực thế
Tôi không biết tôi viết làm quái quỷ gì:
Cứ cho là tôi viết vì ganh tị đi.
 

IV

Như một du khách tôi hoàn toàn thất bại
Chỉ nghĩ tới Khải hoàn môn
Đã khiến tôi nổi da gà.
 
Tôi tới từ những Kim tự tháp Ai-cập
 
Thực thế thực thế
Các đại giáo đường làm tôi nhăn nhó.
 

V

Có trời biết ai tạo ra các vì tinh tú
Có lẽ mặt trời là một con ruồi
Có lẽ thời gian đứng sững
và trái đất không quay.
 
Trong lúc thật quá rõ
Tôi sẽ không chết một cái chết tự nhiên
Có lẽ ruồi là các thiên sứ
Có lẽ máu mũi
Dùng để đánh giầy.
 
Có lẽ thịt da mục nát.
 

VI

Khi mùa xuân tới
Tôi đã chẳng còn là người ngoài đường phố
Và biến thành một thứ máy phóng
Bắn đờm rãi máu me
Đi bốn phương.
 
Chỉ có mình trăng biết tôi là ai.
 

VII

Đã qua rồi thế kỷ XIX
Tôi nổi da gà
Tôi mong ước mình có đủ sáng suốt
Để chạy lên những bờ biển dốc
Và qua đêm dưới chân một con bò.
Hãy nhìn những con muỗi tuyệt vời ấy
Những kiệt tác phẩm khôn dò ấy
Trôi nổi trên không
Như thể là những trái bong bóng màu.
Chúng lại chẳng khiến anh thèm muốn
Cầm lấy một cây cọ
Và sơn lên tất cả một màu trắng?
 

VIII

Lại nói về súng
Xin nhắc anh rằng linh hồn thời bất tử
Tinh thần chết đi
                         thân xác thời không.
 
Theo quan điểm của lỗ tai
Ánh sáng và vật chất là cùng một thứ
Cả hai ngồi cùng giường
Cả hai nằm cùng một bàn y hệt.
 
Nói nhỏ giữa anh và tôi:
Tinh thần ngấp ngoái cùng với cái chết.
 
----------------------------------------------------
* Nguyên tác: «Aquí no piensa haber gato encerrado». Bài này có một vài dòng dựa theo bản dịch Anh văn của Miller Williams. (người dịch)
 
(còn một kỳ)
 
Ghi chú của người dịch:
NICANOR PARRA là một trong những nhà thơ danh tiếng của châu Mỹ la-tinh. Ông sinh năm 1914 tại Chi-lê, đoạt Giải Văn chương Toàn quốc (Premio Nacional de Literatura) năm 1969, giành được sự tán thưởng của nhiều nhà thơ trẻ ở trong nước cũng như ở hai vùng châu Mỹ, và thiện cảm của nhiều người khác trên thế giới. Ông cũng là một giáo sư đại học về Toán và trong đời, đã có khá nhiều “kẻ ái mộ”...
 
Theo Saul Yurkevich, nhà thơ và cũng là nhà phê bình văn chương (người Á-căn-đình/Argentina), «Các nhà thơ của những năm sáu mươi đã tựa vào Nicanor Parra để thách thức sự sùng bái từ chương và những thứ hòa điệu tối thượng, để tước bỏ tính cách thánh thiêng của cái thần bí, làm xẹp lại cái thần thoại, nghi ngờ cái bùa phép. Với Parra, họ đã có thể nhận chìm những thứ đặc quyền mà lời thơ bãi bỏ, đem lời nhại lại đặt đối nghịch với lời sấm truyền, cái đúc sẵn hay làm-sẵn đối lại sự độc đáo, thơ hài hước đối lại thơ vũ trụ; họ đã có thể đùa giỡn, làm thất vọng sự mơ màng đào thoát bằng lời bỡn cợt, thay thế phép xức dầu thánh theo nghi thức bằng cái trào lộng. Nhờ sự bước xuống và tự lột bỏ, không kiểu cách, Parra tạo ra một thứ tâm luyện thanh tẩy. Ông giáng một đòn lớn để đặt lại thi ca trên đất liền vững chắc.» (Trích «Khai từ» trong tuyển tập các nhà thơ Mỹ-Tây ban nha 1960-1995; L'épreuve des mots, nhà xuất bản Stock, Paris, 1996).
 
Tuyển tập Thơ khẩn cấp này tập trung vào các bài trong Poemas de emergencia (1972) của Nicanor Parra nhưng cũng bao gồm một số bài khác trong các thi phẩm của ông trước và sau đó. Bản dịch dựa theo nguyên tác và các bản dịch Anh, Pháp của Edith Grossman, W.S. Merwin, David Unger, Miller Williams, Damian Yurkievich, Henry Deluy... (1998)
 
------------------
Lời toà soạn:
Mời độc giả xem thêm bài viết của Hoàng Ngọc-Tuấn, Nicanor Parra: phản thơ để cứu thơ.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021