thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CHƯA TẬN THẾ [II/III]
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
CHARLES SIMIC
(1938~)
 
Riêng gởi bạn đời Mark Frankland
người đã tặng tôi tập thơ này
làm quà Giáng Sinh năm 2010.
 
“Má tôi là một lọn khói đen tết bím. Bà bồng tôi quấn tã băng qua các thành phố đương bốc cháy” là câu thơ mở đầu cho thi tập Chưa tận thế (The World Doesn't End) của nhà thơ Mĩ gốc Nam Tư (Yougoslavia) Charles Simic.
 
Đề tài chính của thập thơ này dĩ nhiên là chiến tranh và hệ quả tàn khốc của chiến tranh trên nhiều thế hệ, về những mất mát, chết chóc và cuộc sống còn. Người hoá chó, hoá khỉ, hoá cú, hoá chuột. “Đây là những ngày đen tối và tàn ác”.
 
“Một thế kỷ mây đùn”. “Một thế kỷ rơi xuống địa ngục”. Nhưng may thay vẫn chưa tận thế. Các đấng tối cao của lý thuyết này, của học thuyết nọ, chỉ là “một cái đầu bút chì, một đầu bút chì bị gặm nhấm với một cục tẩy mòn ở đằng sau một nét nguệch lớn”.
 
Simic sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, và hình ảnh đời thường dưới ngòi bút ông trở thành siêu thực và ngược lại. Simic là một người “bi quan vui vẻ”, kiểu “há miệng cười để ngăn mình khỏi khóc”. Mỗi bài thơ cũng có thể là những truyện cực ngắn.
 
Dịch theo nguyên tác tiếng Anh, The World Doesn't End: Prose Poems, 74 trang, do nhà xuất bản Harcourt Brace & Company ấn hành năm 1989, đoạt giải Pulitzer năm 1990. Các con số ghi trên mỗi bài thơ không có trong nguyên tác, người dịch đã thêm vào cho dễ phân biệt, dễ nhớ.
 
Nguyễn Đăng Thường
 
______________
 
CHƯA TẬN THẾ
 
Đã đăng: PHẦN I
 
PHẦN II
 
1.
 
Cái đầu con búp-bê bằng sứ cổ xưa cả trăm năm bị sóng biển xô tấp lên bãi biển xám ngắt. Người ta muốn biết về tông tích nó. Người ta muốn bịa ra một câu chuyện, những câu chuyện. Nó bị ngâm trong nước biển quá lâu, mắt và mũi bị xoá, nụ cười phai lạt thêm phai mờ. Với màn đêm đương buông xuống, người ta muốn được thấy chính mình đương bước đi trên bãi biển hoang vắng và cúi xuống nhìn nó.
 
 
2.
 
Trong rừng dấu chấm hỏi, bạn không to hơn một dấu hoa thị. Ôi mùa sương rơi! Một kẻ nào đó thổi lên điệu kèn săn bắn. Từ điển nói bạn là một cái dấu ghi phần thiếu sót; rồi bỗng dưng nó xoay qua một câu chuyện khác và bàn về “chủ nghĩa hoa thị”, nghĩa là có thể liên hệ tới pha lê toả sáng như những chùm sao.
 
Bạn không tin lời nào trong chuyện đó. Dấu hỏi có hình trái tim của ngày lễ tình yêu khắc vào hai bên khiến bạn không thể ngó lên để nhận thấy những sợi thừng.
 
Những dây thừng dính mỡ với những vòng thắt cổ tí hon.
 
 
3.
 
Mọi thứ có thể thấy trước. Mọi thứ đã được thấy trước. Cái gì thuộc về định mệnh thì không thể tránh. Như củ khoai luộc này. Cái nỉa này. Vụn bánh mì đen này. Ý nghĩ này nữa. . . Bà tôi đương quét vỉa hè biết rõ chuyện đó. Bà nói không có thượng đế, chỉ có một con mắt ở chỗ này hay ở chỗ kia có thể nhìn thấy rõ. Láng giềng vì bận xem ti-vi nên không có thì giờ để đốt bà tôi như đốt một mụ phù thuỷ.
 
 
4.
 
Hắn gọi một con chó của hắn là Rimbaud và con chó kia là Holderlin. Cả hai là chó lùn lai giống. “Cuộc đời chưa được khám nghiệm không đáng sống,” là một câu nói hắn tâm đắc. Vợ hắn trông hệt như tượng Thần Tự Do bán khoả thân của Delacroix. Nàng mang ủng cao-bồi, hái những chiếc nấm có vẻ là nấm độc trong rừng. Tối nay họ sẽ đốt những cây đèn sáp cao và uống rượu chát. Sau đó, họ sẽ mở cửa cho lũ chó chạy vô nhà ăn những mảnh vụn dưới gầm bàn. “Vào nhà đi, các con!” hắn gập mình cúi khom người gọi to vào bóng đêm.
 
 
5.
 
Một con chó có linh hồn, bạn hiểu chớ? Lũ khỉ đầu Socrates chúng mày, đám lễ sinh của mấy tên thầy tu giả, giáo sư dạy cái ác đã nghỉ hưu. Tôi hình dung những thành phố ở đó tôi có thể lẩn khuất. Tôi sẽ được gặp những con chó có linh hồn khác và nếu tôi không bận đốt pháo trong những cái đầu sắp rơi vào giấc ngủ.
 
Máu-và-ruột của pháo. Ðể ngó thấy trong chỗ tối, ôi lũ gãi đít chúng mày! Ðể ngó thấy trong chỗ tối.
 
 
6.
 
Thời gian―con thằn lằn trong ánh nắng. Nó không xê dịch, nhưng mở to mắt. Chúng thích nhìn mặt và nghe lén chúng ta.
 
Do bởi tiền thân của những người đàn ông đầu tiên là những con thằn lằn. Nếu không tin lời tôi thì bạn hãy thử nắm đuôi một con thằn lằn và sẽ thấy cái đuôi đó nằm trong bàn tay bạn.
 
 
7.
 
Margaret chép lại một bài dạy nấu “thánh nướng với củ hành” trong một cuốn sách dạy nấu ăn cũ. Mười ngàn thanh âm của thế giới im bặt để chúng ta có thể nghe tiếng rít của ngòi bút nàng. Vị thánh đương ngủ trong phòng ngủ với một tấm vải ướt đắp ngang mắt. Ngoài cửa sổ, tác giả của cuốn sách ngồi dưới một gốc táo trổ hoa lấy móng tay giết những con chí.
 
 
8.
 
Một bài thơ về một đêm thu lạnh ngồi uống rượu vang trên mái nhà phẳng ở Nữu Ước, giữa những tầng nhà cao, trẻ con chạy lăng xăng nguy hiểm gần mép mái, cô gái đẹp mọi người thầm yêu ngồi mơ mộng một mình. Nàng sẽ yểu mệnh nhưng chúng ta chưa được biết chuyện đó. Chiếc vớ đen dài của nàng có một lỗ thủng, ngón chân cái ló ra ngoài, móng chân sơn đỏ . . . Và các tầng nhà chọc trời . . . trong ánh sáng mơ hồ . . . ôi những nàng Chaldean, Cassandra, cô đồng cô cốt Hy-lạp của thời hiện đại . . . do bởi những khung cửa sổ mù.
 
 
9.
 
Friedrich thân mến ơi, thế giới vẫn giả trá, bạo tàn và tuyệt đẹp. . . .
 
Tối nay vào lúc còn sớm tôi ngắm nghía anh thợ Tàu trong tiệm giặt ủi, không biết đọc không biết viết, lật qua lật lại các trang của một cuốn sách một khách hàng vội vã đã bỏ quên. Điều này khiến tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi muốn nó là một cuốn sách để mơ mộng, hay một cuốn thơ diễm tình uỷ mị hết cỡ, nhưng tôi không xích tới gần để nhìn.
 
Giờ thì đã gần nửa đêm rồi mà đèn thì vẫn sáng. Hắn có một đứa con gái xách cơm tối đến cho hắn, con bé này mặc váy ngắn và bước những bước dài. Ðêm nay nó tới trễ, rất trễ, và hắn ngưng ủi đồ đứng ngó ra đường.
 
Nếu không có hai chúng tôi thì chỉ có những con nhện giăng lưới giữa những cột đèn và những hàng cây đen.
 
 
10.
 
“Sự xum xuê của miền nhiệt đới quanh ý tưởng về linh hồn,” Nietzsche viết . . . Mình vẫn nghĩ thế, Friedrich ạ! Rừng già Nam Mỹ với những cánh chim sặc sỡ kêu quác quác, quác quác, nhưng sâu thẳm, đen ngòm, và im lặng. Con bé đi lạc trong rừng vạch vú cho khỉ bú. Lũ rắn mối bao quanh mặc đồ giáo sĩ và nói tiếng tây với con bé: “La reine des reines,”(*) chúng ngâm nga. Chót nhưng không chét là cái duyên dáng của bức tranh này có thể dễ dàng bị phủ nhận vì lố bịch.
 
-----------------
(*) “Nữ Hoàng của những Nữ Hoàng”
 
 
11.
 
Mây cho hắn biết tên của chúng trong buổi trưa hè êm ả. Thế nhưng khi hắn hỏi mây chiều, “Chúng mày có thấy Mary và Priscilla ở đâu không?,” thì không có trả lời. Những cụm mây lạnh và câm. Chúng quay lưng xám về phía hắn rồi bay về hướng Sturgis, nơi một nông dân vừa hạ sát một con ngựa bịnh.
 
 
12.
 
Bọn Nga ăn thịt người có tệ hơn bọn Anh không nhỉ? Tất nhiên. Bọn Anh chỉ xơi chưn, bọn Nga đớp linh hồn. “Linh hồn là ảo tưởng,” tôi bảo Anna Alexandrovna, nhưng nàng cứ nhai nuốt linh hồn tôi. “Ngon như vịt quay ngâm mỡ, hay con ngao cổ thon sáng ngời còn nằm trong nước mặn?” tôi hỏi. Nhưng nàng chỉ xoa bụng mỉm cười ngó tôi từ bên kia bàn.
 
 
13.
 
Một anh viễn viên giả đò ăn trên sân khấu trong rạp hát vắng. Người đàn bà từ bên hông sân khấu chạy ra đã quên lời thoại. Ôi cung điện tắm trong ánh trăng! Người đàn bà tóc rối há mồm; chàng Hoàng Tử giả vói tay lấy cây súng giả.
 
 
14.
 
Người đàn ông bị xử chém bước xuống từ đoạn đầu đài. Hắn kẹp cái thủ cấp còn chảy máu dưới cánh tay.
 
Những cây táo đương đơm bông. Hắn tìm đường tới quán trọ của làng dưới ánh mắt của mọi người. Tới nơi, hắn ngồi trên một chiếc ghế của một trong những chiếc bàn và gọi hai cốc bia, một cho hắn, một cho cái đầu của hắn. Mẹ tôi chùi tay vào tạp-dề rồi mang bia ra cho hắn.
 
Thế giới khi đó yên tĩnh quá. Người ta có thể nghe tiếng con sông già, đôi khi trong trạng thái lẫn lộn đã quên lãng và chảy ngược chiều.
 
 
15.
 
Thần hộ mạng của tôi sợ bóng tối. Hắn giả bộ tuyên bố hắn đéo sợ, xua tôi đi trước, nói sẽ theo sau trong giây lát. Phút chốc tôi chẳng trông thấy gì cả. “Ðây có thể là cái góc tối nhứt của thiên đường,”ai đó thì thầm sau lưng tôi. Té ra thần hộ mạng của cô ta cũng vắng mặt. “Nhục quá,” tôi bảo cô. “Mấy cái thằng nhóc bẩn thỉu đó đã bỏ rơi chúng ta rồi,” cô thì thào. Và tất nhiên, điều mà chúng tôi được biết, là tôi có thể đã trăm tuổi đời mà cô thì chỉ là một con bé đeo mắt kiếng đương buồn ngủ.
 
 
16.
 
Con chó tới lớp dạy khiêu vũ. Chủ nó thì hít các lọ đựng không khí của thành phố Vienna. Một hôm cả hai nghe tiếng chân nặng trĩu của Chúa Tể của Vũ Trụ bước qua ngưỡng cửa. Sau đó, người đàn ông đổi áo quần của mình với chó. Ðó là một con chó có hai chưn, mặc áo lễ dạ hội, mà họ kéo lôi tới bên mép mồ chôn tập thể. Còn người đàn ông thì trong hoàn cảnh mù và điếc, vẫn vẫy vẫy cái đuôi khi có kẻ lạ mặt tới gần.
 
 
17.
 
Mọi chuyện không quá đen tối như ai đó đã mô tả. Có một đứa bé xinh đẹp mặc đồ đen đương nghịch đùa với hai trái táo đen. Có thể là một bé gái mặc đồ con trai, hay một bé trai bận đồ con gái. Dẫu sao thì nó cũng có những chiếc răng trắng nhỏ. Cảnh trí bên ngoài đã được quét một lớp sơn đen bằng những nhát cọ dày. Thảy đều rất thích hợp với thuyết cứu cánh, trừ khi đứa bé le cái lưỡi đỏ lòm của nó ra.
 
 
18.
 
Một con gà mái to hơn cái nông trại mổ những con gà khác như thể chúng là những hột bắp trắng. Theo truyền thuyết thì đó là bà cố nội tôi. Chúng tôi bỏ của chạy lấy người, ông cố nội tôi dẫn đường. “Chúng ta nên mang theo bộ ly, Cornelia ạ,” ông cố tôi réo gọi qua bờ vai!
 
Bà cố tôi tóm lấy chúng tôi. Hệt như Jonah chui vào bụng cá, ngoại trừ cô dâu trẻ trong làng mà chúng tôi gặp lại nơi đó. Nàng bí hiểm mỉm cười chào đón chúng tôi và chỉ chỗ ngủ cho chúng trong suốt cuộc giam cầm.
 
“Cô nên ngừng ngay cái trò nhảm nhí đó đi, cô ơi,” chúng tôi nghe ông cố nội của chúng tôi thì thào trước khi chúng tôi thiếp ngủ.
 
 
19.
 
Lão chủ trại mặc quần yếm lủng lẳng dưới một cái xà nhà của nông trại. Ðàn bò quay nhìn ra chỗ khác. Bà lão mặc chiếc áo dài đen dành cho ngày chủ nhựt quỳ mọp trán chạm đất như một người Mohammedan, dưới cặp giò đu đưa của ông lão. Bên ngoài trời đầy mây bọt phía trên một cánh đồng bất tận đã cày xong không thấy có mốc cắm nào trong tầm mắt.
 
 
20.
 
Con chuột nuôi những con chim tình yêu.(*) Cửa sổ mở. Lũ chim khoả thân. Chúng run rẩy trong ánh nắng chói chang rơi vào lồng.
 
“Bản tính của giống chim này là vậy,” chuột nói, “chỉ thích yêu và được yêu!”
 
Chúa Jesus bị đóng đinh cũng đồng tình. Trông Chúa vẫn có hồn bất chấp con mắt lé và cái ria tướng cướp Mễ-tây-cơ mà kẻ nào đó đã vẽ thêm vào.
 
--------------
(*) lovebirds: một loài vẹt xanh ở châu Phi, thường sống thành từng cặp khắng khít bên nhau.
 
 
21.
 
Ôi phù thuỷ, Ôi đói nghèo! Hai ả với cái liếc xéo đương đo độ mỏng của cổ tôi xuyên qua các chấn song của lồng chim tôi mang trên vai . . .
 
Họ quá trẻ và quá sang để có thể là phù thuỷ trong truyện trẻ con. Họ mặc áo dài dạ hội hở ngực, đường chỉ khâu trên đôi vớ dài, môi thoa lớp son đỏ dày.
 
Hàng cây tình cảm dâng những chùm lá xào xạc trên lối đi lộng gió nơi mà cả hai đã khuất dạng.
 
Tôi bị bỏ rơi lại một mình với chiếc lồng trĩu nặng, cái dĩa nhỏ ngu đần đựng thức ăn cho chim, và phi lý hơn nữa là cái gương soi phù phiếm, và cái chuông bạc phát ra một âm thanh yếu ớt.
 
 
22.
 
Biết được một lần, rồi thì tôi quên luôn. Tỉ như là tôi đã thiếp ngủ trên một cánh đồng nhưng khi tỉnh dậy chỉ thấy một vườn cây đã mọc lên xung quanh tôi.
 
“Ðừng nghi ngờ gì cả, hãy tin tưởng ở mọi thứ,” là ý nghĩ của thằng bạn tôi về siêu hình học, mặc dù vợ nỏ đã bỏ nhà theo anh hay em trai nó. Nó vẫn mua cho vợ một bông hồng mỗi ngày, ngồi một mình trong căn nhà trống vắng suốt hai mươi năm sau chuyện vãn với nàng về thời tiết.
 
Tôi đã thiếp ngủ trong bóng râm, chiêm bao những thân cây xào xạc là những cái tôi khác của tôi đang đồng thanh tự biện minh khiến tôi không nghe được một tiếng nào cả. Ðời tôi là một niềm bí ẩn tuyệt vời ven bờ của hiểu biết, luôn luôn ven bờ! Chớ quên nghĩ ngợi về chuyện đó nhé!
 
Căn nhà trống vắng của thằng bạn tôi với mọi khung cửa sổ sáng ánh đèn. Các thân cây đen nhân lên xung quanh căn nhà.
 
 
23.
 
Chàng khán giả lý tưởng chỉ sống vì nghệ thuật, hai tay chắp sau đít. Một tấm bố trắng mang tên “Trắng” rất thích hợp kê trước mặt anh ta. Ðúng lúc 11 giờ sáng trong viện bảo tàng của tỉnh lẻ. Người ta có thể nghe tiếng sôi bụng của người gác dan mặc đồng phục có nét mặt của kẻ chết chìm trong ánh trăng.
 
 
24.
 
Hàng ngàn ông lão quần tuột xệ nằm ngủ trong những phòng nghỉ công cộng. Bạn phóng đại! Bạn hoan hỉ! Hàng ngàn nàng Maria Magdalena ôm chân họ mà khóc.
 
 
25.
 
Ngón cái của tôi đương bước lên tàu để làm một cuộc phiêu lưu mạo hiểm lớn. “Ðừng đi, chớ đi,” các ngón kia réo gọi.
 
Chúng ráng lôi kéo ngón cái xuống. Một chiếc xế đen sang trọng vừa chạy tới với một bà che mặt ngồi trên băng sau, nhưng không có ai cầm tay lái. Khi xe ngừng lại, bà ấy lấy trong bóp ra một cây kéo bằng vàng và cắt lìa ngón cái.
 
Chúng tôi lên đường tới Chicago với bà ấy và bà ấy dùng vết cắt rỉ máu nơi ngón cái để thoa môi.
 
 
26.
 
THÁNH CA
 
Nửa đường để chẳng tới đâu―
Chuông nhà thờ đổ
Người đàn ông mù nơi góc phố
Cứ réo gọi mãi tên tôi.
 
[còn tiếp 1 phần]
 
 
-------------
Đã đăng:
 
Bà bồng tôi quấn tã băng qua các thành phố đang bốc cháy. Bầu trời là một nơi quá bao la và lộng gió để cho một đứa bé có thể nghịch đùa. / Chúng tôi đã gặp nhiều người như chúng tôi. Họ ráng xỏ tay vào áo khoác với tay áo bằng khói. / Các vòm trời cao tít đầy những vành tai điếc đã teo lại thay cho các vì sao... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
... Người đàn ông bị xử chém đó bước xuống từ đoạn đầu đài. Y nâng cái đầu đẫm máu của mình trên tay. // Những cây táo đang trổ hoa. Y tìm đường đến quán rượu của làng, nơi mọi người đang nhìn cảnh tượng này. Đến đó, y ngồi xuống bên một cái bàn và gọi hai vại bia, một cho y và một cho cái đầu của y. Mẹ tôi chùi tay vào tạp dề và phục vụ... [Bản dịch của Hải Ngọc]
 
Bảy bài thơ  (thơ) 
Bảy bài thơ của Charles Simic (1938~) — nhà thơ gốc Yugoslavia, được xem là một trong những khuôn mặt quan trọng của thi ca đương đại Hoa Kỳ — lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021