thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chín bài thơ
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
DMITRI PRIGOV
(1940-2007)
 
Dmitri Aleksandrovich Prigov là một trong những tên tuổi có ảnh hưởng lớn nhất, nếu không nói là tên tuổi lớn nhất, đối với thế hệ các nhà thơ, các nghệ sĩ tạo hình và nghệ sĩ nói chung của nước Nga hậu xô-viết. Ông được nhìn nhận như là người đại diện chính của trào lưu khái niệm [conceptualisme] ở Nga — không chỉ trong nghệ thuật, mà cả trong thơ ca, và cùng với nhà thơ Lev Rubinstein, là một trong hai người chủ trương trình diễn như một hình thức nghệ thuật, nở rộ trong những năm 60. Ông sinh ngày 5 tháng 11 năm 1940 ở Moscow, đi học, rồi làm nhiều nghề trong suốt hai năm, trước khi vào Khoa Điêu khắc Trường Nghệ thuật Stroganov, là nơi ông từng bị cho nghỉ học một năm vì tội “chủ nghĩa hình thức”. Ông tốt nghiệp năm 1967 và, từ 1966-1974, phụ trách kiến trúc và tượng cho các công viên Thành phố Moscow. Dmitri Prigov làm thơ từ tuổi 16, thế nhưng lịch sử vĩ đại đã biến ông thành vô địch trong số vô số những nhà thơ chỉ có ít bài in (thơ Prigov in trong một cuốn niên giám của nhóm Katalog [1] xuất bản không chính thức năm 1980) trên quê hương mình trước thời đổi mới. Ngược lại, thơ ông phổ biến theo kiểu samidzdat [dưới hình thức thu âm, hoặc bản thảo] và in lan tràn trên các báo nghiên cứu của giới lưu vong Slavic vào nửa sau những năm 70, là thời gian ông dành nhiều thì giờ cho những hoạt động điêu khắc, và sinh hoạt văn nghệ “dưới hầm” với các gương mặt nghệ thuật ngoài luồng ở Moscow như Lev Rubinstein, Francisco Infante... — cũng là thời gian người ta biết đến ông như một thành viên tích cực và là một trong những người sáng lập nhóm “nghệ thuật khái niệm”, cùng với Lev Rubinstein, Vsevolod Nekrassov, và Ilya Kabakov...
 
Năm 1986, thực hiện ý tưởng đưa văn chương đến người đọc bằng hoạt động đường phố, ông phát thơ tận tay những người đi đường, và KGB thừa dịp đã bắt ông vào nhà thương điên để chịu một chế độ điều trị cưỡng bức — nếu không nhờ nhiều nhân vật và nhiều cộng đồng văn nghệ và các nhà thơ phản đối [trong đó có Bella Akhmadulina] rất có thể nhà thơ Prigov đã ra đi... sớm hơn. Sau làn sóng đổi mới, tới 1987 sách ông mới được công khai xuất bản và nghệ thuật của ông cũng được tham gia trong khuôn khổ “Nghệ thuật không chính thức” và “Nghệ thuật hiện đại” ở Moscow. Do những hạn chế nhà nước Liên-xô dành cho ông, mãi đến năm 1988 thế giới mới thật sự được biết đến con người đa năng[2] của ông — kể từ cuộc triển lãm cá nhân ở Phòng tranh Struve’s Gallery, Chicago, kéo theo rất nhiều dịp trưng bày khác ở Nga cũng như ở Mỹ, Anh, Đức, Ý, Thụy-sĩ, Phần-lan, Ba-lan, Thụy-điển, Tây-ban-nha... cùng với nhiều bài viết lý luận và phê bình nghệ thuật đăng trên các báo Novostroika [Kiến trúc mới], Iskusstvo [Nghệ thuật], đặc biệt là trên tạp chí Flash Art nổi tiếng thế giới.
 
Cuối tuần đầu tháng Bảy 2007, Dmitri Prigov được đưa vào một bệnh viện ở Moscow sau khi bị một cơn đau tim làm bất tỉnh trên một nhà ga xe điện hầm ở Moscow, và ông được chẩn đoán bị nhồi máu trầm trọng. Sau mười ngày chữa trị, chịu đến ba lần giải phẫu, ông qua đời ngày 16 tháng Bảy 2007, để lại một sự nghiệp nghệ thuật đa dạng, đồ sộ và rất nhiều tiếc thương và kính trọng của người đời, không những bên trong nước Nga, mà tại nhiều nước trên thế giới: ông mất đi, nhiều nơi, đặc biệt là ở Mỹ, đã tổ chức truy điệu, nhiều cuộc triển lãm, nhiều sân khấu trình diễn và nhiều buổi đọc thơ tưởng niệm...
 
Con người có tham vọng nói bằng mọi thứ ngôn ngữ có thể nói, và phát hiện tất cả những thôi thúc và những mâu thuẫn tiềm ẩn bên trong mỗi thứ ngôn ngữ ấy[3] mặc dù đã qua đời gần bốn năm, vẫn tiếp tục là người nghệ sĩ hậu hiện đại có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong giới trẻ hoạt động nghệ thuật ở Nga cũng như một bộ phận có thể coi là đáng kể trên thế giới.
 
Các giải thưởng: Giải của Viện Nghệ thuật Đức, năm 1994; Giải thưởng Pushkin của Toëpffer Foundation ở Đức và Trung tâm Văn bút Nga; Giải nhất Triển lãm Bienalle der Papierkunst, 1994, Leopold-Heusch-Museum, Düren, Đức, và Giải thưởng Boris Pasternak ở Nga, 2002.
 
Các tác phẩm chính: Nước mắt của linh hồn báo hiệu [“Слезы геральдической души “, nhà xuất bản Московский рабочий, 1990], tiếp theo là các tập Năm mươi giọt máu [“Пятьдесят капелек крови”, Nxb. Текст, 1995], Hiện tượng của bài thơ sau khi chết [“Явление стиха после его смерти”, Текст, 1995] rồi đến các tập văn xuôi Viết thời Xô-viết [“Советские тексты”, 1997], Chỉ Nhật Bản của tôi [“Только моя Япония”, 2001], Sống ở Moscow [“Живите в Москве”, 2009]. Ngoài ra cho đến 2005, theo Prigov, ông đã viết cả thảy 36 ngàn bài thơ và chưa bao giờ có ý định xuất bản. Ngoài rất nhiều những bài viết lý luận của Prigov, và vô số bài viết về ông, trên đài truyền hình Nga và một vài địa chỉ văn hoá khác trên thế giới, người ta còn có dịp biết ông nhiều hơn qua bộ phim Dmitri Prigov: Nhà thơ và Người nổi loạn [1989]. Trong số các tác phẩm của Prigov được xuất bản ở nước ngoài, có thể kể: Les Fauves de la vie [Triptyque, Amga-LRS, Paris 1994], Moscou est ce qu’elle est [Caractères, 2005], Fifty Drops of Blood [Ugly Duckling Presse, 2004], Installationen fur eine Putzfrau und einen Klempner [Inter Art Agentur für Kunst, Berlin, 1991]...
 
 
_________________________

[1]Katalog là một nhóm nhà thơ thành lập ở Moscow vào mùa Xuân năm1980, qui tụ những nhà thơ trong độ tuổi 26-45, ngoài Dmitri Prigov, còn có Mikhail Eisenberg, Sergei Gandlevsky, Timour Kibirov, Viktor Koval, Denis Novikov — một tập họp đầy ấn tượng những nhà thơ tiền vệ trình diễn trong cũng như ngoài nước, trong số có cuộc trình diễn tại ICA [Institute of Contemporary Arts] ở London năm 1988.

[2]Là thành viên của Câu lạc bộ Nghệ thuật Tiền vệ Moscow (CLAVA) từ năm 1989, ông không ngừng thể nghiệm & tham gia diễn xuất trong nhiều phim, cũng như các dự án âm nhạc, và thường xuyên có mặt trong một ban nhạc rock sử dụng thơ ông. Ngoài ra cũng trong khuôn khổ những hình thức biểu diễn “nghệ thuật hoạt động” của ông, ông còn có hai diễn viên chính là hai vợ chồng con trai ông là Andrei Prigov và họa sĩ Natalia Mali.[4]

[3]Tại Liên hoan Pushkin-Goethe 1999, Prigov từng chuyển câu đầu tiên trong tác phẩm tiểu thuyết cổ điển viết bằng thơ Eugene Onegin của Alexander Pushkin thành những khúc lễ nhạc đạo Phật giáo, đạo Muslim, Chính thống Nga, và nhạc lễ thời Giáo hoàng Gregory Đệ Nhất...

[4]Natalia Mali sinh năm 1971 ở Makhachkala, Dagtestan, là một nghệ sĩ thị giác nổi tiếng. Cô tốt nghiệp Lịch sử Mỹ thuật ở Moscow, Nga, điện ảnh và nhiếp ảnh ở Yale, Hoa kỳ, và cùng với những hoạt động nghệ thuật trình diễn, sân khấu thể nghiệm, sản xuất và đạo diễn ở Nga, Hoa Kỳ và Anh, hiện theo học tại Goldsmiths College, Đại học London. Từ giữa những năm 90 cho đến nay, cô thường trình diễn solo những tác phẩm do cô sáng tác, hoặc diễn chung nhóm, và từ 2001, trở thành một thành viên trong Nhóm Gia đình Prigov. Những tác phẩm của cô hiện được lưu giữ ở các bảo tàng Moscow State Tretyakov Gallery, National Centre for Contemporary Art, Moscow, Russia, Centre for Contemporary Art «Spazio Umano» (Italy, Milan), Museo Laboratorio Arte Contemporanea, MLAC (Italy, Rome), Live Art Development Agency (London, UK), The LUX (London, UK)... Cô là vợ của Andrey Prigov, con trai Dmitri Prigov, hiện sống và làm việc tại London và Moscow.

 
 
 
Trái: Triển lãm nghệ thuật Natalia Mali ở Berlin. Phải: Natalia Mali – Dmitri Prigov – Andrei Prigov
trong nhóm trình diễn PMP (có thể lấy tên ba chữ cái Prigov-Mali-Prigov?)
 
 
 

* * *

 
Tôi mệt mỏi ngay dòng thơ đầu
Của khổ thơ bốn dòng đầu tiên
Tôi đang thao tác đến dòng thứ ba đây
Và rốt cuộc là đến tận dòng cuối
 
Tôi đang viết tới dòng đầu tiên đây
nhưng là ở khổ thơ bốn dòng thứ hai
Và tôi viết tới dòng thứ ba
Thế rồi, nhờ trời, tôi cũng đi đến tận cùng!
 
 
 

* * *

 
Tôi để ý thấy những người đi xe điện hầm đều ngủ say
Họ ngủ một cách đặc biệt trì độn và hoàn toàn vô nghĩa mặc dù có những người có vẻ còn trẻ
Có lẽ cuộc đời nó thế, hoặc cũng có lẽ chiều sâu cao hơn sức lực của con người
Bởi lẽ chúng ta ai nấy đều nằm ngang tầm những ngôi mộ
 
Và thậm chí còn sâu hơn thế nữa — ngang tầm thế giới bên kia, tuy nhiên con người vẫn sống ở đấy, ở đấy vẫn có ánh sáng
Trừ mỗi một việc là chúng ta ngủ như chết, cho dù thoạt nhìn chúng ta có vẻ như vẫn sống
 
 
 

* * *

 
Khi một gã Hi-lạp ngẩng đầu lên thí dụ thế
Gã nhìn thấy gì bên trên đầu mình?
Gã thấy Thượng đế trần truồng trụi lủi
Bởi lẽ đất nước gã trời nóng bức
 
Thế còn phần ta khi chúng ta ngẩng đầu lên
Thì chúng ta thấy gì?
Chúng ta thấy Thượng đế trụi lủi trần truồng
Nhưng mà là giữa mùa đông
Cái khác nhau chính ở chỗ đó
 
 
 

* * *

 
Sống trong đất nước mình tôi thấy tôi chịu không nổi
Mà đất nước tôi quả thật không phải là nơi dễ dàng
Khí hậu ở đây chẳng hạn làm hỏng phế quản của ta
Đất nước tôi quả là độc hại cho trái tim tôi
Nhưng tôi cũng thế thôi, tiện thể xin nói ra,
Chắc hẳn tôi cũng làm hỏng một cái gì đó của đất nước
Nhưng nó là cái gì? Không rõ ràng lắm
 
 
 

* * *

 
Ở quầy Hội quán Nhà văn
Một tên Công an đang uống bia
Kiểu cách bình thường của hắn
Chẳng buồn chú ý đến các nhà văn
 
Về phần các nhà văn thì ai nấy nhìn hắn
Chung quanh hắn mọi thứ đều trống và sáng rõ
Và nghệ thuật muôn màu muôn vẻ của họ
Không còn có nghĩa gì trước sự hiện diện của tên Công an
 
Bởi hắn đại diện cho Cuộc sống
Là cái hiện diện dưới hình thức Nghĩa vụ
Cuộc sống ngắn ngủi, nghệ thuật thì lâu dài
Và cuộc sống lại là kẻ chiến thắng
 
 
 

* * *

 
Không, thế gian này không quá khốn khổ
Hãy nhìn qua khe hở nhỏ nhất
Hãy thám hiểm tận cái xó xỉnh nhỏ nhất
Và bạn sẽ bắt gặp Thượng đế đậu lưng chừng
Như một con chim nhỏ đang u sầu
Và nhìn bạn với cái nhìn trìu mến mà tinh nghịch
Hay đột nhiên nhảy phóc tới, lao đi
Và ở đấy chẳng còn ai nữa
 
 
 

* * *

 
Ổng đi theo tôi từng bước
Tôi vừa leo lên giường đi ngủ
Ổng đã gọi tôi từ trên cao
— Dmitri Alexandrovitch! Anh mạnh giỏi?
 
— Mạnh, tôi giận dữ trả lời ổng
— Anh có biết ta là ai? Có biết ta muốn gì không?
— Tôi chẳng muốn biết chuyện này làm gì!
Ngươi hãy cứ ở trên trời
Và cứ làm chuyện gì thấy cần làm
Nhưng hãy im lặng mà làm
 
 
 

Suy nghĩ tầm thường về tự do

 
Tôi vừa rửa bát đĩa xong
Nó lại chất thành đống nữa
Nói về tự do thì có ích gì
Tôi sẽ không chết yểu
Tất nhiên tôi sẽ vẫn có thể tránh
Chuyện rửa bát đĩa, nhưng người ta bảo tôi:
Bát đĩa là đồ dơ: vậy thì làm sao
Có thể nói về tự do trong những điều kiện như vậy
 
 
 

Cuộc trò chuyện thứ 25 với Thượng đế

 
Thượng đế sẽ lên án tôi một chút
Rồi Ngài sẽ tha thứ tôi một chút
Và từ Moscou bằng đường trực tiếp
Ngài sẽ mời tôi đến nhà chơi trên trời
 
Râu cằm chững chạc râu mép đàng hoàng
Ngài sẽ nghiêm khắc nhìn tôi
Đôi chân mày nhíu lại
— Tất cả những cái đó con tự tay viết một mình?
— Thưa Ngài không, không phải thế đâu, ấy là nhờ có Ngài giúp sức!
— A tốt ta thích như vậy hơn
 
 
-------------
Dịch từ bản tiếng Pháp của Christine Zeytounian-Belous trong Poètes russes d’aujourd’hui — anthologie bilingue, 320 trang (Paris: Édition La Différence, 2005).
 
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021