thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôi nhà thân yêu xa lạ | Trốn khỏi nhà | Đoạn thơ nhỏ
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
ANNA JANKO
(1957~)
 
Anna Janko, tên thật là Aneta Majer, nhà thơ, nhà phê bình và biên tập văn học, sinh năm 1957 ở Rybnik thuộc vùng thượng thành phố Silésie, Ba-lan. Bà tốt nghiệp ngữ văn và văn chương Ba-lan tại Đại học Gdansk và bắt đầu tham gia hoạt động thơ ca từ năm 1975, từng cho đăng thơ và tiểu luận, phê bình trên nhiều tạp chí văn học ở Warsaw và trong những tập tuyển thơ ở Ba-lan cũng như ở các nước ngoài Ba-lan như Pháp, Đức, Mỹ...
 
Sau tập thơ List do krolika doswiadszalnego (“Thư gửi một con thỏ phòng thí nghiệm”, Gdansk, 1977) được coi là khởi đầu sự nghiệp văn học của bà, và từ đó chính bà được coi là “một Rimbaud nữ”,[1] Anna Janko đã cho ra đời Wykluwa sie staruszka (“Nở ra một bà già bé nhỏ”, Gdansk, 1979), Diabłu świeca (“Một ngọn nến cho quỷ”, Gdansk, 1980), Koronki na rany (“Viền ren cho những vết thương”, Gdansk, 1989), Zabici czasem długo stoją (“Người chết có khi vẫn đứng thẳng”, Wroclaw, 1995), Świetlisty cudzoziemiec (“Kẻ xa lạ sáng chói”, Warsaw, 2000 – được vào chung kết Giải thưởng Nike 2001, Giải Văn học lớn nhất ở Ba-lan), tuyển tập thơ của bà dịch tiếng Đức Du bist Der xuất bản ở Berlin năm 2000 và mới đây là Wiersze z cieniem (“Thơ từ bóng đêm”, 2010). Ngoài cuốn tiểu thuyết Dziewczyna z zapałkami (“Cô gái được tác hôn”, Warsaw, 2007, 2009) với lối viết đầy chất thơ, thường được so sánh với chất thơ trong văn xuôi của nhà thơ nữ Mỹ Sylvia Plath, Janko còn nổi tiếng với vở kịch Rezek Lalek (“Tàn sát những con búp bê”) được hân hạnh công diễn thành công trên Sân khấu Hiện đại ở Szczecin, Wroclaw[2] những năm 1980-1981.
 
Những bài thơ thấm đẫm tình yêu của Anna Janko thường để lại một dấu ấn riêng biệt và một sức tưởng tượng mạnh mẽ: tiếp xúc với thơ ấy không phải chỉ là tiếp xúc với thơ của phái nữ hiểu theo nghĩa thông thường, mà là với giọng thơ của một phụ nữ đầy sự khắc khoải giữa con người với thế giới, với thiên nhiên, với thời gian, với cái Tuyệt đối – và giữa con người với con người. Mỗi chữ mỗi câu thơ bà viết ra có sức nặng, có nhịp điệu của nó, và đối với những người đọc được nguyên bản tiếng Ba-lan thì việc cảm nhận nhạc điệu trong thơ bà hẳn là tất yếu và hiển nhiên hơn (ở nhiều mức độ khác nhau) so với đa số những người ít nhiều bị giới hạn bởi trình độ ngôn ngữ Ba-lan.[3]
 
Ngoài các tạp chí, với tư cách phê bình văn học, Anna Janko còn cộng tác với Đài Phát thanh Ba-lan, là Hội viên Văn Bút và Hội nhà văn Ba-lan SPP – từng là Chủ tịch Hội Nhà văn Ba-lan chi nhánh Wroclow (1993-1996), Phó chủ tịch Hội Nhà văn Ba-lan (2002-2005), rồi Chủ tịch Hội Nhà văn Ba-lan chi nhánh Gdansk (từ 2007).
 
Bà cư ngụ tại Wroclow và thường xuyên tham dự các cuộc hội thảo, diễn thuyết, các hội chợ sách trong và ngoài nước và từng đoạt nhiều giải thưởng văn học, như Giải Hội các Nhà văn Độc lập ở Dresden (1993), Giải Nhà sách Văn học (2007) Giải sách Mùa Xuân (Poznanski, 2007), Giải Văn học Warsaw (2007), Giải Văn học Europy Środkowej Angelus (2008), Giải Văn học Władysław Reymont (2008)...
 
_________________________

[1]Theo nhận định của nhà văn và là nhà phê bình uy tín người Ba Lan Artur Sandauer (1913-1989).

[2]Teatr Współczesny (Contemporary Theatre) ở Szczecin là một nhà hát thành lập năm 1976 ở Ba Lan, qua nhiều đời quản lý khác nhau, và suốt mấy thập kỷ, từng đưa lên sân khấu nhiều vở kịch hiện đại hoặc cổ điển dựng theo phong cách hiện đại danh tiếng như Macbett (Eugene Ionesco, 1976), Summer and Smoke (Tennessee Williams, 1976), từ Wyzwolenie (“Giải phóng”, một vở kịch nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi của Stanislaw Wyspianski), hay The Tempest (Shakespeare, 1977), từ kịch của Maxim Gorky (1977), Stanislaw Ignacy Witkacy (1978), Jaroslav Hasek (1980), Bertold Brecht (1981) đến Jean Genet (1982), Witold Gombrowicz (1987), Slawomir Mrozek (1978), Samuel Beckett (1983), Edward Stachura (1983), Wislawa Szymborska...

[3]Do đó cần phải nói những bản dịch “đề nghị” ở đây chỉ có thể coi là xuất phát từ một sự cảm thông may mắn dựa trên một nỗ lực tìm tòi chưa thể gọi là rất thấu đáo, kèm theo một cái duyên chắc hẳn phải là rất tình cờ, qua mấy bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp...

 
 

Ngôi nhà thân yêu xa lạ

 
Khi nào địa chỉ của ta
và dấu nhận dạng của ta
với ta trở thành xa lạ
ta bỏ đi
 
sau đó, ta trở về không chút hối tiếc
 
cái nhìn của ta điểm đó đây hơi ấm ngày cũ
– như thế đã đủ cho ngọn lửa gia đình –
ta đặt lên răng những nụ cười xa xưa
và kể cho mình nghe câu chuyện viễn du
đến những cảnh trí không có thật
không chữ thập ở những ngã tư
Dưới chân ta – con chó yêu ta
và con mèo lạnh nhạt
không đánh nhau nữa
ta tản bộ loanh quanh chính mình
và trong ta từ từ nở ra một bà già bé nhỏ
 
 
 

Trốn khỏi nhà

 
Tôi không còn ở đây nữa
ngôi nhà này – chỉ thêm một vỏ sò
 
Tôi đã để lại sau mình những chuyến về hốt hoảng
– mệt đứt hơi trong đôi ủng trắng lấp lánh
áp vào vành tai ấm của ngôi nhà –
nhân danh cha và con
tôi đã phạm...
 
Giờ đây mẹ tôi trở thành quá nhỏ
và lớp da ngoài của tôi lại canh chừng tôi quá cỡ
 
Cô đơn mình tôi
cái đầu chìm nghỉm
tôi cất giọng sôi bụng bảo rằng không sao
tôi có thể tự rứt mình
khỏi đáy sâu của mình
 
 
 

Đoạn thơ nhỏ

 
Em muốn là người tình cảm nhưng em chỉ tình cảm
trong những giấc mơ của mình
Em mơ thấy những viên cảnh sát tốt bụng chỉ
đường về nhà
Và tất nhiên em mơ về tuổi thơ của mình, tất nhiên, về ngày anh trở về
 
Buổi sáng ngày xuất hiện rất thấp
ngày như một nơi trú ẩn
và em bò về phía đứa bé
chỉ một khoảnh khắc an toàn ngắn ngủi
một người lớn có nghĩa là người biết bò
                                          là người bất định
                                          là người không thuộc về ai
 
 
---------------
“Ngôi nhà thân yêu xa lạ“ [trích tập Nở ra một bà già bé nhỏ], “Trốn khỏi nhà” [trích Thư gửi một con thỏ phòng thí nghiệm] và “Đoạn thơ nhỏ” [trích tập Viền ren cho những vết thương] dịch từ bản tiếng Pháp “Ma chère maison étrangère”, “Fuite de ma maison” và “Fragment” của Lucienne Rey và Gérard Gaillaguet trong Témoins – Quarante-quatre poètes polonais contemporains 1975-1990 (Saint Jean Du Bruel: Les Ateliers du Tayrac, 1997).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021