thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
văn nô thời đảng trị
 
 
Bertolt Brecht (1898-1956)
 
đúng là một bông hoa ngoại cỡ[*]
được cài trên ve áo chế độ
chiếc áo nào rồi cũng phải thay
và bông hoa có ngày phải gỡ
 
ai không biết cái tính nhiễu sự
của những kẻ xảo ngôn nguỵ ngữ
các ngài ơi có thế thôi sao
còn tư cách trong văn chương nữa
 
văn đàn đâu có thiếu chứng cớ
những ong ve giáo điều chống đỡ
vì miếng ăn địa vị cầu danh
tựu trung tất cả vì cái sợ
 
lúc hé nhuỵ hớn ha hớn hở
có biết đâu ruột hoa mục rữa
nếu sáng tạo chỉ để vinh thân
là đã chọn sống đời tủi hổ
 
họ xun xoe đề cao lãnh tụ
cong lưng đánh vẹc ni tượng gỗ
những ai cầm bút có lương tâm
cứ tuỳ tiện tự do than thở
 
đời ngắn ngủi từ khi hoa nở
nếu chưa gỡ thì cũng phải úa
lúc thất sủng ai giữ làm gì
chỉ còn cách thanh minh nguyền rủa
 
có giận thì cũng từ từ chứ
cái đám trẻ chúng cần phải nhớ
những sáng tác ca tụng đảng đoàn
đâu chỉ toàn dối gian trăn trở
 
bài thơ vẫn còn điều chưa tỏ
bất giác thấy cười đùa con chữ
hậu thế ai sẽ nhìn văn nô
như phụ chú trong văn học sử?
 
 
_________________________

[*]Nhặt ý Phạm Thị Hoài tả Bertolt Brecht trong bài “Vẫn còn một lời nói sau” đăng trên talawas.

 
 
 
 
-------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021