thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TUYỂN TẬP THƠ [II]
(bản dịch Diễm Châu)
Lời toà soạn:
Ngay sau TUYỂN TẬP THƠ PALESTINE HIỆN ĐẠI, độc giả Tiền Vệ lại được thưởng thức TUYỂN TẬP THƠ của YEHUDA AMICHAI, nhà thơ lẫy lừng trong văn chương Do-thái đương đại, cũng qua bản dịch tuyệt hảo của nhà thơ Diễm Châu.
        Như thế, nhà thơ Việt Nam của chúng ta, với một hồn thơ không biên giới, đã đứng vào giữa hai dân tộc Palestine và Israёl với ước nguyện nối liền nhịp cầu hoà bình bằng thi ca. Việc làm này mang một ý nghĩa vô song, nhất là trong lúc này.
 
 
Đôi lời của người dịch:
YEHUDA AMICHAI (xin đọc là a-mi-khai), sinh tại Würzburg, Đức năm 1924, cùng với gia đình di cư qua Palestine năm 1936, từng tham dự cuộc chiến giành độc lập của Israёl năm 1948 (trong ngành pháo binh, trên sa mạc Neguev) và chiến dịch Sinai năm 1956.
        Xuất hiện đồng thời với Nathan Zach và David Avidan trên tạp chí Likrat (Thơ) ở Giê-ru-sa-lem từ những năm 1950, Amichai là một trong những thi sĩ đã đem lại cho thi ca tiếng Hy-bá nguồn hứng khởi hiện đại. Ông còn là một tiểu thuyết gia, người viết truyện ngắn và tác giả một số kịch bản. Ngoài công việc sáng tác, ông dạy học ở Giê-ru-sa-lem. Năm 1982, Yehuda Amichai được tặng «Giải thưởng Israёl» cho toàn bộ tác phẩm.
        Thơ Amichai có nhiều bài gắn liền với quê hương trần thế. Vũ trụ thơ Amichai làm bằng những lời tiên tri, những hiện thực của Israёl đấu tranh cho một đất hứa và khát vọng hòa bình của một dân tộc mãi mãi còn «du mục», như Caïn. Cả trong những cuộc tình, rất nhiều hình ảnh người đàn bà cũng vẫn là Israёl!
        Thơ Amichai có những nét hài hước – đôi khi đau đớn nhưng không bao giờ châm biếm – của một người đã từng sống trải và cái giọng đắm say của một kẻ đã từng yêu nhiều và yêu tha thiết.
        Tên tuổi Amichai không còn xa lạ với những người Do-thái của các dân tộc, và tôi tự hỏi liệu có cần một Giải thưởng văn chương quốc tế cho Amichai để cái thế giới nhiễu sự này ngừng quay cuồng đôi phút và ngẫm nghĩ tới điều mà Amichai đã viết về một thi sĩ của dân tộc ông:
... từ vết thương nơi ngực ta
Thượng đế dò xét thế giới.
 
(1991)
________________________________
 
Yehuda Amichai (1924-2000)
TUYỂN TẬP THƠ [II]
 

VĨNH BIỆT

 
Vĩnh biệt em, khuôn mặt của em đã là khuôn mặt của kỷ niệm
lang thang và trở lại từ cõi chết và bay đi.
Khuôn mặt của loài thú, khuôn mặt của nước và của khởi hành,
khu rừng của những tiếng thì thào, khuôn mặt của bụng và của trẻ thơ.
 
Chúng ta sẽ không còn những giờ phút của gần gụi
cũng chẳng còn cái quyền nói: bây giờ, bây giờ.
Em đã có cái tên của những cơn gió, em người vợ hôm qua
của mọi hướng và của cảm giác, của mùa thu và của tấm gương.
 
Và mặc dù không hiểu, chúng ta đã cùng hát.
Các thế hệ và bóng tối, khuôn mặt của hỗ tương.
Đã không còn là của tôi khi không còn nhận ra được,
lồng ngực đã khép, những lọn tóc, miệng và đinh ốc.
 
Vậy thời vĩnh biệt, em người không bao giờ chợp mắt.
Tất cả đã có trong những lời chúng ta nói, tất cả đều là cát.
Từ nay em mơ trong những giấc mơ của riêng em:
thế giới và tất cả những gì tựa như thế.
 
Vĩnh biệt, những gói những rương của cái chết.
Sợi chỉ, lông chim, nhà cửa, món tóc tỏ tình.
Bởi những gì sẽ không có, không có một bàn tay nào để viết ra
và những gì đã không thuộc về thân xác sẽ không để lại kỷ niệm.
 
 

NÓI TỚI ĐỔI THAY LÀ NÓI CHUYỆN TÌNH ÁI

 
Thế là đã lâu rồi anh không được tin gì của em
đã lâu rồi anh không nhận được lấy một mẩu giấy nhỏ,
như những tờ cáo tri chính thức của các bộ
đã quên tên anh và cả đến sự hiện hữu của anh.
 
Bộ máy của thế hệ hãy còn vui vẻ
giữa hai chân anh, nhưng đã từ lâu anh không còn cảm thấy
niềm vui của một lá thư trước mắt.
 
Chúng ta đã không ở lại với nhau lâu đủ
để thiên hạ dựng cho chúng ta một đài tưởng niệm những tình nhân.
 
Bây giờ thời gian lại kế tiếp thời gian.
Nỗi buồn thay người của nó, như ta thay áo
và khuôn mặt trang nghiêm của em cắt đời em thành nhiều lát:
trên mỗi lát là một người đàn ông mới.
 
Ngày trước chúng ta đã nói tới đổi thay.
Và nói tới đổi thay là nói chuyện tình ái.
 
 

QUÁ

 
Quá nhiều cây ô-liu trong thung lũng
quá nhiều sỏi đá trên sườn dốc
quá nhiều người chết và không đủ
đất để lấp hết.
Và tôi phải trở lại với những cảnh trí minh họa
trên những tấm giấy bạc
và khuôn mặt của cha tôi trên những đồng tiền.
 
Quá nhiều kỷ niệm và không đủ
trí nhớ. Bạn bè tôi đã quên
những gì mình học biết thời niên thiếu
và ở một nơi bí ẩn
cô bạn trẻ của tôi nằm ngủ
và tôi luôn luôn ở bên ngoài
làm mồi cho những cơn gió đói khát.
Quá nhiều mỏi mệt và không đủ những con mắt
để nuôi dưỡng nó. Quá nhiều đồng hồ
và không đủ thời gian. Quá nhiều tuần lễ
nghiền Thánh kinh. Quá nhiều lối đi và không đủ
những con đường dẫn đưa một người tới mệnh số của mình.
Quá nhiều hy vọng
không chủ nhân.
Quá nhiều kẻ mơ mộng. Không đủ những giấc mơ,
mà bí quyết sẽ đổi thay dòng lịch sử
như những giấc mơ của Pharaon.
 
Cuộc đời tôi khép lại sau lưng tôi. Và tôi ở bên ngoài
như con chó của một ngọn gió đui mù và độc ác
luôn luôn đẩy tới sau lưng tôi.
Tôi đã thuần thục: tôi chỗi dậy và ngồi lại
và tôi chờ dẫn nó đi trên những đường phố của
đời tôi, một cảnh đời có thể là cuộc đời thật của tôi.
 
 

*

 
Sống là xây dựng con tàu đồng thời
với bến cảng. Và tiếp tục kiến tạo bến cảng
sau khi con tàu đã chìm đắm từ lâu.
 
Để kết thúc: tôi chẳng còn nhớ gì
ngoài sương mù. Và liệu kẻ
chẳng bao giờ nhớ gì ngoài sương mù,
có còn nhớ được gì khác chăng?
 
 

CHO MẸ TÔI

 
1
Như một cái máy xay gió cũ kỹ
hai tay lúc nào cũng đưa lên để kêu tới trời
và hai tay khác hạ xuống để cắt bánh
 
Đôi mắt thật rõ và phẳng lặng
như một ngày áp Lễ Vượt qua
 
Ban đêm mẹ bày ra tất cả những lá thư
và những bức ảnh chụp kề bên nhau
 
để đo
ngón tay của Thượng đế.
 
2
Tôi muốn bước xuống lòng khe sâu
của những tiếng mẹ tôi rên xiết.
 
Tôi muốn ở lại trong ngọn lửa
sự im lặng của mẹ tôi.
 
Tôi muốn tựa mình
trên thân cây xù xì những khổ đau của mẹ.
 
3
Mẹ tôi đã sinh ra tôi
như Agar sinh ra Ismaёl
dưới một bụi rậm
 
để không nhìn thấy tôi chết trong chiến tranh
dưới một bụi rậm
vào một trong những cuộc chiến.
 
 

NẾU TỪ MỘT CỬA MIỆNG ĐẮNG CAY

 
Nếu từ một cửa miệng đắng cay em nói
những lời êm dịu nhất, thời thế giới
cũng chẳng vì thế mà êm dịu hơn hoặc đắng cay hơn.
 
Sách có viết chúng ta sẽ không còn sợ hãi
lại cũng có viết rằng chúng ta sẽ đổi thay
như những lời nói
qua thời tương lai và quá khứ
qua số nhiều và sang cô quạnh.
 
Và chẳng bao lâu nữa trong những đêm sắp tới
chúng ta sẽ xuất hiện như phường hát dạo
mỗi người chúng ta nơi giấc mơ của người khác
và trong những giấc mơ này nữa sẽ có những kẻ lạ mặt
mà chúng ta đã không cùng biết.
 
 

*

 
Tôi tựa như chiếc lá
biết hạn giới của mình
và không muốn vươn ra ngoài hạn giới đó
không hòa lẫn vào thiên nhiên
không tiêu tan vào thế giới rộng lớn.
 
Bây giờ tôi hết sức bình thản
khiến tôi không thể tưởng tượng được
đã có một ngày mình gào thét, dẫu như một đứa trẻ ốm đau.
 
Và khuôn mặt tôi, những gì còn lại của khuôn mặt đó
sau khi người ta đã đẽo gọt vì tình thương
tựa như một hầm đá
ngày nay bỏ hoang.
 
 

CHA TÔI ĐỨC VUA CỦA TÔI

 
Cha tôi, đức vua của tôi, tình thương và oán thù cho không
đã biến khuôn mặt tôi
thành khuôn mặt của miền đất khô khan này.
Những năm tháng đã biến tôi
thành một người nếm vị đau khổ.
Như một người nếm rượu tôi phân biệt
những im lặng khác nhau,
và tôi biết ai chết và vì sao.
 
Cha tôi, đức vua của tôi, ước chi khuôn mặt tôi
không bị tiếng khóc hay tiếng cười xé nát.
Cha tôi, đức vua của tôi, ước chi tất cả những gì xẩy tới
giữa khát khao và buồn phiền
không làm tôi khổ tâm quá đáng; và ước chi tất cả những gì
tôi làm trái ý tôi
có vẻ như thuận ý tôi. Và ý tôi
tựa những bông hoa.
 
 

NHỮNG NGƯỜI CHẾT CỦA TÔI

 
Những người chết của tôi được chôn trên không
Mẹ tôi để tang và tôi tôi còn sống.
 
Tôi tựa như không gian
gây chiến tranh với thời gian.
 
Ngày trước màu xanh lá cây là màu vui
sau khuôn mặt em bên cửa sổ.
 
Bây giờ chỉ trong mơ
tôi mới thường yêu mãnh liệt đến thế.
 
 

«LE 'HA DODI»*

 
1
Một thành phố tuổi thơ làm gì?
Nó mọc lên và bay đi
bỏ lại chúng ta
gần như trần truồng, sây sát.
Một nơi chốn làm gì?
Một nơi chốn đổi nơi.
Thời gian làm gì?
Thời gian đổi thời.
 
 
2
Ấy là một cánh cửa không thành lũy
ấy là một thành lũy không cánh cửa.
Ấy là một ký ức không bao giờ còn có thể
mến yêu kỷ niệm
hoặc ôm ghì lấy hoặc thì thầm với nó.
Hoặc nhìn thấy nó.
 
-------------------------------------------------
* Ca khúc thuộc nghi lễ kinh chiều thứ Sáu (Shabat). (người dịch)
 
 
 

LÁ KHÔNG CÂY

 
Lá không cây
phải lang thang đây đó.
Máu không thân xác
sẽ không trở lại thân xác.
Máu khô dọc đường
và mọi lời nói phải biến đi
khỏi cửa miệng
để tìm ra cho nó những lời nói mới.
Và trái đất phải lành bệnh
căn bệnh dòng lịch sử.
Và những tảng đá phải ngủ
và ngay cả tảng đá đen
đã giết chết Goliath cũng sẽ thiếp đi.
 
Nhưng tôi
tựa như một chỗ để xe
được biến thành nhà nguyện,
một lần nữa lại bị bỏ hoang.
 
Nhưng tôi
như một người đi đo đất
cắm những hy vọng mong manh
với những cây cọc trắng và đen
nơi đáy thẳm của một bình nguyên hiu quạnh
mở ra trước mặt.
 
 

BÀI THƠ VỀ THIÊN HẠ

 
Tôi đã gặp những người thời quá khứ của tôi: anh có
những cội rễ khác, một nền giáo dục khác.
Đầu anh thuộc về một chân trời khác. Tay anh
hướng về nơi khác. Anh đã quên
rằng mắt anh không thể có được gì hết,
chỉ có thể nhìn thấy.
 
Thật khác với hòa lẫn
một yếu tố với một yếu tố khác:
khuôn mặt hòa lẫn vào đêm tối và mù sương
lời nói hòa lẫn vào thời gian
và tiêu tan ở đó.
 
Ấy là những người không nơi cư ngụ.
Ngôi nhà của họ đã rời bỏ họ
không phải ngay một lúc, mà mỗi tảng đá vào giờ của nó
mỗi viên ngói, mỗi tấm màn, mỗi một chữ vào giờ của nó.
 
Và hình thức của lãng quên
tựa như của những vành môi khép kín, bập bẹ.
 
 

NHỮNG BÀI THƠ CHO TÔI

 
1
Tâm hồn tôi bị nhiễm độc như hai buồng phổi của người mài kim cương
Những ngày của tôi thật đẹp và khó khăn.
 
Thân xác tôi là một tấm vé không có giá trị.
Nếu người ta đòi tôi vàng, tôi sẽ chết.
 
Đôi tay tôi đã ở vị trí của chúng, và đôi mắt tôi,
và căn nhà của tôi nữa; duy có tôi là không có nơi.
 
Tôi không nơi chốn.
Những ngày của đời tôi thật đẹp và khó khăn.
 
 
2
Thế giới và tôi có cùng một đôi mắt:
Bằng đôi mắt đó tôi nhìn nó và nó nhìn tôi.
 
Nếu tôi khóc
thế giới chẳng quan tâm.
 
Nhưng nếu thế giới khóc trong tôi
tôi tràn ra khỏi giường.
 
 
3
Như một đứa trẻ tự bôi lem bằng thức ăn
tôi muốn bôi lên mình những vấn đề của thế giới.
 
Lên mặt tôi, đôi mày tôi,
chiếc áo sơ-mi, cái quần của tôi, tấm khăn bàn.
Chiếc áo dài của người tôi yêu, mẹ tôi,
những ngọn núi và trời cao, mọi người,
bàn chân của các vị thiên sứ.
 
 

Ở GIỮA THẾ KỶ NÀY

 
Ở giữa thế kỷ này chúng ta quay lại nhau
với nửa khuôn mặt và bốn con mắt đầy đủ
như một hình vẽ cổ của Ai-cập
và trong một khoảng thời gian ngắn.
 
Tôi vuốt ve tóc em ngược chiều với hành trình của em,
chúng ta gọi tên nhau
như người ta gọi tên những thành phố mà mình không dừng lại
dọc đường.
 
Xinh đẹp là thế giới thức dậy sớm trước điều tà vạy,
xinh đẹp là thế giới thiếp đi với tội lỗi và sót thương,
trong cảnh ở cùng nhau, em và tôi, thật phàm tục.
Xinh đẹp là thế giới.
 
Trái đất uống những người và những cuộc tình của họ
như rượu, để quên. Nhông không sao quên được.
Và như những đường viền của đồi núi xứ Giu-đê-a,
chúng ta cũng sẽ chẳng tìm ra được một nơi ngơi nghỉ.
 
Ở giữa thế kỷ này chúng ta quay lại nhau.
Tôi đã thấy thân xác em, đang rủ bóng, chờ đợi tôi.
Những sợi giây da của một hành trình dài dặc
đã từ lâu siết lại chằng chịt trên ngực tôi.
Tôi đã ngợi khen đôi hông em đôi hông sẽ tàn tạ,
em đã ngợi khen khuôn mặt tôi khuôn mặt phù du,
tôi đã vuốt ve tóc em thuận chiều với hành trình của em,
tôi đã chạm tới những ngọn triều của em ngày cuối,
tôi đã chạm tới bàn tay em không bao giờ ngủ,
tôi đã chạm tới đôi môi em lúc này, có lẽ, vẫn còn hát.
 
Bụi sa mạc đã phủ kín mặt bàn
nơi chúng ta chẳng bao giờ ăn.
Nhưng với ngón tay tôi đã viết lên đó
mấy chữ của tên em. 
 
 

*

 
Tối nay, tôi lại nghĩ
Tới vô số những ngày đã hy sinh
Chỉ vì một đêm tình ái.
Tới sự hoang phí và kết quả của sự hoang phí,
Tới sự sung túc và tới lửa.
Và làm sao, không hề đau khổ, thời gian.
 
Tôi đã thấy những con đường
Đưa từ một người đàn ông khác tới một người đàn bà khác.
Tôi đã thấy một cuộc đời bị xóa nhòa
Như một lá thư dưới cơn mưa.
Tôi đã thấy một cái bàn chưa thu dọn
Và rượu nho trên có đề mấy chữ «Anh em»
Và làm sao, không hề đau khổ, thời gian.
 
 

KHÔNG AI

 
Không ai đặt hy vọng ở nơi tôi.
Tôi bị cấm cửa trước những giấc mơ của người khác:
tôi không có ở trong đó.
 
Ngay cả âm thanh của những lời nói trong căn buồng
cũng là dấu hiệu bỏ phế tựa như cái mạng nhện.
 
Nỗi quạnh hiu của thân xác
nỗi quạnh hiu có thừa chỗ cho nhiều thân xác.
 
Người ta lấy đi dần từng cuộc tình
cho tới khi hàng kệ trống trơn,
và ngoại không gian khởi sự.
 
 

THƯỢNG ĐẾ THƯƠNG CON TRẺ Ở VƯỜN

 
Thượng đế thương con trẻ ở vườn
Người ít thương những đứa trẻ ở trường học
và Người không còn thương người lớn.
Người để họ một mình
và đôi khi họ phải bò
trên cát bỏng
để tới trạm cấp cứu
mình đầy máu me.
 
Có lẽ những kẻ thương yêu thật
Người thương họ và che chở họ
như cây kia che cho người nằm ngủ
trên ghế dài công cộng.
 
Có lẽ cả chúng ta nữa cũng nên bố thí cho họ
những đồng tiền thương cảm họa hiếm cuối cùng
mà Mẹ đã truyền lại cho chúng ta
để hạnh phúc của họ trông chừng cho chúng ta
bây giờ và mãi mãi.
 
 

*

 
Không có gì phải giận dữ, phải hãi sợ:
em ngồi trong công viên ở một ụ bắn cũ
nơi từ đó một kẻ thù của đã lâu nhìn thấy em
trong ánh sáng dịu êm cuối cùng của một ngày có gió khamsin*
 
Tiếng sột soạt của gió trong cây lại tìm thấy
Sự im lặng của em. Trái tim đôi khi đáp lại
Từ xa xa, như bầy chó
Của những khu làng rải rác trên núi cao.
 
Anh đã trở thành một người chăn chiên
Người chăn chiên và đàn chiên trong cùng một thân xác duy nhất.
Anh mỏi mệt như lũ trẻ sau cuộc đi dạo,
Và anh khám phá ra rằng sự cách biệt
Giữa một cái giếng do con người đào
Và một mùa xuân đột ngột tới
Không có gì là lớn lao.
Tất cả liên hệ với nhau trong thời gian của nước.
 
--------------------------------------------------
* hay hamsin: gió của miền sa mạc phía nam. (người dịch)
 
 

ĐỐI VỚI THẾ GIỚI

 
Đối với thế giới,
tôi luôn luôn tựa như một môn đệ của Socrate:
tôi bước đi bên cạnh Người,
lắng nghe các mùa và những câu chuyện của Người,
và chỉ có thể nói:
phải, đúng như vậy đó.
Người lại nói đúng,
thật đúng như lời Người đã nói.
 
Đối với đời tôi,
tôi luôn luôn tựa như thành Venise:
Tất cả những gì là đường xá ở nơi người khác
Ở nơi tôi là dòng sông đen ái tình.
 
Đối với tiếng kêu, đối với im lặng,
Tôi luôn luôn là một cây kèn
suốt năm chờ thổi vang lên
những ngày khủng khiếp.
 
Đối với các hành động của tôi,
Tôi luôn luôn là Caïn:
Dân du mục
Trước những hành động mà tôi sẽ không có
Hay sau những hành động
không còn hàn gắn được.
 
Đối với lòng bàn tay em
Đối với những tiếng đập của tim tôi
Và những dự định của xác thịt tôi,
Đối với dòng chữ viết trên tường
Tôi vẫn luôn luôn ngu dốt,
Không biết đọc cũng chẳng biết viết
Và đầu tôi như thể
đầu lũ cỏ dại
Chỉ biết tới
cái rùng mình của gió,
Khi định mệnh lướt qua trên tôi
Để đáp xuống một nơi khác.
 
 

IBN GABIROL *

 
Đôi khi là mủ,
đôi khi là thơ—
 
Luôn luôn có điều gì đó tháo ra,
luôn luôn đau đớn.
 
Cha ta là một cái cây trong khu rừng tổ phụ,
bao bọc chất hỏa tiêu xanh.
 
Ôi các góa phụ của xác thịt, trẻ mồ côi của máu huyết,
ta phải ra đi.
 
Những con mắt sắc như những lưỡi dao mở hộp
đã mở những niềm bí ẩn nặng nề.
 
Nhưng từ vết thương nơi ngực ta
Thượng đế dò xét thế giới.
 
Ta là cánh cửa
nơi nhà Người
 
-------------------------------
* Thi sĩ tiếng Hy-bá của «Hoàng kim thời đại» Tây-ban-nha. (người dịch).
 
 

MƯA TRÊN BÃI CHIẾN TRƯỜNG

 
Trời mưa trên khuôn mặt các bạn đồng hành của tôi;
Trên khuôn mặt các bạn đồng hành còn sống những người
Trùm lên đầu mình một tấm chăn –
Và trên khuôn mặt các bạn đồng hành đã chết những người
Không còn trùm gì nữa hết.
 
 

CÁI CHẾT CỦA CELAN

 
Tôi được tin ở Luân-đôn, người ta cho tôi hay, anh đã tự sát:
Cũng một sợi giây ấy đã siết nhè nhẹ
Trên cổ họng tôi.
Không phải một sợi giây: anh đã
Chết dưới nước.
Cũng một làn nước, nước, nước.
 
Hình ảnh cuối cùng:
Sự sống như chết
(Cũng một làn nước, nước, nước.)
 
 

MI TỪ CON NGƯỜI MÀ RA VÀ MI SẼ TRỞ LẠI VỚI CON NGƯỜI

 
Chết vì chiến tranh khởi sự
Khi bước xuống những bậc thang
Của một người khác,
Còn trẻ.
 
Chết vì chiến tranh khởi sự
Khi khép một cánh cửa ra vào trong lặng lẽ,
Chết vì chiến tranh khởi sự
Khi mở cánh cửa sổ để nhìn thấy.
 
Thế nên, đừng khóc người ra đi,
Hãy khóc cho người bước xuống thang ở nhà mình,
Hãy khóc cho người bỏ chìa khóa
Vào cái túi sau cùng của y.
Hãy khóc cho tấm hình nhớ thay cho chúng ta,
Hãy khóc cho mảnh giấy vẫn nhớ,
Hãy khóc cho những giọt nước mắt không nhớ.
 
Và mùa xuân này
Ai sẽ đứng lên nói với bụi:
Mi từ con người mà ra và mi sẽ trở lại với con người.
 
 

QUÊN AI

 
Quên ai cũng tựa như
quên tắt ngọn đèn ở sân sau
bởi thế đèn vẫn sáng suốt ngày kế đó.
 
Nhưng rồi chính ánh sáng
lại khiến ta nhớ.
 
 

CÀ PHÊ DANTE Ở NỮU-ƯỚC - 1

 
Bốn cô hầu bàn (một trong mấy cô là một con phụng hoàng tuyệt đẹp)
Làm việc ở đây dưới sự che chở của những tên côn đồ lực lưỡng,
Các cô là linh hồn, bọn chúng là thân xác.
 
Và một trong mấy cô là một con phụng hoàng tuyệt đẹp. Một cái thắt lưng lớn có khóa
Bằng bạc thắt lại tấm lưng thon.
Cái khóa là giải pháp.
Không, cái khóa là niềm bí ẩn,
Và, cái thắt lưng, giải pháp.
 
Xa đây, trong một thung lũng khép kín,
Ngọn gió chiều thổi
Từ một nơi này qua nơi khác.
 
 

BÀI THƠ CỦA THỜI TÔI

 
Chữ Hy-bá và chữ Ả-rập đi từ Đông sang Tây,
Chữ La-tinh từ Tây sang Đông,
các ngôn ngữ cũng tựa như những con mèo:
không nên vuốt ngược lông chúng.
Mây từ biển tới, gió hamsin từ sa mạc,
cây cối uốn cong mình trước gió,
và đá bay từ gió khắp bốn phương
và khốn thay, thiên hạ ném đá,
ném đất, vào nhau,
nhưng đất bao giờ cũng vẫn rơi trở lại đất.
Họ ném đất quê hương, muốn loại bỏ hết,
đất, đá, nhưng không thể loại bỏ được.
 
Họ ném những tảng đá, ném những tảng đá vào tôi
năm 1936, 1938, 1948, 1988,
Người Do thái ném người Do thái và người bài-Do thái ném người bài-Do thái,
kẻ xấu ném và người ngay ném,
kẻ tội lỗi ném và quỷ ma ném,
các nhà địa chất học ném và các nhà thần học ném,
các nhà khảo cổ ném và các tổ sư du đãng ném,
những trái thận ném sạn đá và túi mật ném,
những tảng đá đầu và đá trán và trái tim đá,
những tảng đá hình thù như cửa miệng la thét
và những tảng đá nằm gọn trên mắt ta
như cặp kính,
dĩ vãng ném đá vào tương lai,
và hết thảy rơi xuống hiện tại.
Những đá tảng khóc và những đá sỏi cười,
ngay cả Thượng đế trong Thánh kinh cũng từng ném đá,
ngay cả người Urim và người Turim cũng đã bị ném đá
và kẹt cứng trong tấm khiên của công lý
và Herod cũng đã ném đá và kết quả là một ngôi Đền.
 
Ôi! bài thơ của nỗi buồn đá
Ôi! bài thơ ném vào đá
Ôi! bài thơ của đá ném.
Có chăng ở miền đất này một tảng đá chưa từng bị ném,
chưa từng được xây cất và chưa từng bị lật lại
chưa từng bị phơi ra và chưa từng được phát hiện
chưa từng la thét từ một bức tường và chưa từng bị những người xây cất loại bỏ
chưa từng chồng trên một nấm mộ và chưa từng nằm dưới những người tình
chưa từng được biến thành hòn đá tảng?
 
Xin đừng ném thêm đá nữa,
các người đang xê dịch quê hương xứ sở,
toàn thể xứ sở thánh thiêng, khai mở,
các người đang xê dịch nó ra biển
và biển không muốn thế
biển nói, đừng ném vào ta.
Xin hãy ném những viên đá nho nhỏ,
ném những ốc sên hóa thạch, ném đá sỏi,
ném công bằng hoặc bất công từ những hầm đá của Migdal Tsedek,
ném những đá mềm, ném những nắm đất ngọt,
ném đá vôi, ném đất sét,
ném cát ở bờ biển,
ném bụi ở sa mạc, ném rỉ sét,
ném đất, ném gió,
ném khí, ném hư không
cho đến khi đôi bàn tay các người mỏi mệt
và chiến tranh mỏi mệt
và cả đến hòa bình cũng mỏi mệt và sẽ tới.
 
 
Đã đăng:
 
-------------------------
Ghi chú về bản dịch:
Bản dịch này gồm những bài đã in trong Tủ sách thơ Trình bầy (Yehuda Amichai, Thơ, Trình bầy, 1991) và một số bài dịch sau đó, được xếp vào phần cuối, sau bài «Ibn Gabirol».
 
Trong bản dịch lần đầu, tôi đã dựa vào các bản Pháp văn của Michel Eckhard (Yehuda Amichai, Poèmes, Actes Sud, 1985). Dịch giả M. Eckhard (sau này còn xuất hiện với tên Michel Eckhard-Elial và có lẽ với tên Emmanuel Moses nữa?) có lối dịch thật tài hoa, nhưng ông sắp các bài dịch theo những chủ đề mình lựa hơn là theo thứ tự niên biểu. Tôi biết được điều sau này là nhờ một bản dịch khác, bằng Anh văn, của Chana Bloch và Stephen Mitchell. Bản dịch Anh văn này cũng như tập Anthologie personnelle của Yehuda Amichai (bản dịch Emmanuel Moses, Actes Sud, 1992) đã khiến tôi nẩy ra ý định làm một tuyển tập khác, đầy đủ hơn và sắp xếp các bài theo năm tháng... Tiếc thay, thời gian chưa cho phép!
 
Tiện đây, tôi xin được ghi lời cảm ơn nhà thơ Claude Vancour (hay Giáo sư Vladimir Claude Fišera) đã gửi cho bản Anh văn mà tôi dùng để dịch bài thơ chót trong tập này. Bản Anh văn đó là của Benjamin và Barbara Harshav, đã đăng trên The New York Times, 9-X-1990. (Một bản Pháp văn của Gs. Vladimir Claude Fišera cũng đã được đăng trên Lettre Internationale, số 27, mùa Đông 90-91.)
Diễm Châu (XII-1999)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021