thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Điêu khắc và thơ và những bàn tay và mùa thu...

 

Khi xem những tác phẩm hội hoạ và điêu khắc của Lê Thành Nhơn về hình tượng người đàn bà, ngoài những chi tiết chính của sự diễn tả, như khuôn mặt, đôi mắt, dáng người, mà bao giờ anh cũng sáng tạo một cách tuyệt hảo, bạn bè chúng tôi thường lưu ý và yêu thích những bàn tay. Tôi đặc biệt ngưỡng mộ những đôi bàn tay khảy đàn tỳ bà, đàn nguyệt trong mấy bức tranh do Lê Thành Nhơn vẽ trong năm 1986 (hay 1987).

Có lần tôi hỏi Lê Thành Nhơn: “Có phải anh rất thích ngắm những bàn tay?” Anh đáp: “Đúng vậy, vì đôi bàn tay có khi diễn tả nội tâm của một con người còn nhiều hơn cả nét mặt hay lời nói...” Tôi hỏi: “Anh yêu thích những bàn tay trong tác phẩm của ai nhất?” Anh đáp: “Những bàn tay trong điêu khắc của Rodin...”

Năm 1987, trong một lần tôi xuống Melbourne thăm anh, chúng tôi đi uống cà-phê, và tôi nói với anh rằng nhà thơ Rainer Maria Rilke rất thân thiết với Rodin và cũng rất thích những bức điêu khắc “bàn tay” của Rodin. Rilke đã nhận xét là “Trong những tác phẩm điêu khắc của Rodin, những bàn tay đơn độc, nhỏ nhắn, không gắn với cơ thể, thì tràn trề sức sống.”

Lê Thành Nhơn tỏ vẻ thú vị với nhận xét này của Rilke, rồi anh nói anh thích nhất bức “Bàn tay của Thượng Đế” mà Rodin đã tạc từ một khối cẩm thạch trắng vào năm 1898.

 

 

Khi trở về Sydney, tôi tìm hiểu thêm thì mới biết rằng, từ năm 1902 đến 1906, Rilke có viết một tập thơ nhan đề là Das Buch der Bilder [Sách về ảnh tượng] riêng cho Rodin, theo lời yêu cầu của Clara Westhoff (một môn đệ của Rodin).

Trong tập thơ đó, tôi tìm thấy một bài thơ về những bàn tay. Bài thơ có nhan đề là “Herbst” [“Mùa thu”], được viết với giọng thơ du dương và trữ tình hơn là giọng thơ của Rilke sau này trong các thi tập kiệt xuất như Duineser Elegien (1922) và Sonette an Orpheus (1922).

Tôi đã phóng dịch bài thơ “Herbst” thành thơ tiếng Việt và đăng trên tạp chí Tập Họp số 3, đầu năm 1988. Nay tôi đăng lại bản dịch này lên Tiền Vệ như một hồi tưởng về Lê Thành Nhơn, nhân dịp giỗ 10 năm của anh.

 

Mùa thu

 

Lá rụng, lá rơi tự trời cao trút xuống,

chừng như những vườn cây chết rụi giữa thương khung,

mỗi cánh lá rơi như thể đứt lìa buông.

 

Và trái đất nặng nề đêm nay đang rơi rụng

lìa xa mọi tình cầu nhấp nháy giữa cô không.

 

Chúng ta đang rơi. Bàn tay này đang rụng.

Và hãy nhìn bàn tay kia: hoà một nhịp rơi chung.

 

Nhưng kìa có bóng ai, vẫn tịch nhiên bất động

đôi bàn tay ôm trọn nỗi thu không.

 

 

Nguyên tác bài thơ “Herbst” (“Mùa thu”)

qua thủ bút của Rilke

 

 

-------------

Đã đăng:

[Giỗ 10 năm Lê Thành Nhơn (2002-2012)] Lê Thành Nhơn mất ngày 4 tháng 11 năm 2002; đến nay, tròn 10 năm. Ngoảnh lại, tôi vừa thấy thật nhanh, lại vừa có cảm giác như Nhơn chưa hề mất. Mà quả thật, Lê Thành Nhơn vẫn còn. Còn trong lòng bạn bè của anh. Và còn trong các tác phẩm tuyệt vời mà anh để lại... (...)

 

 

-------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021