thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đoá hồng vàng

 

1.

Gã mơ thấy đoá hồng vàng vào đêm cuối cùng của mùa thu.

 

2.

Giá rét ùa về trên các nẻo đường chiều hôm qua, và mặt trời đã biến mất. Từ căn phòng ẩm thấp dưới tầng hầm, qua ô cửa sổ ngang tầm với mặt đất, gã bắt gặp một đoá hồng vàng lộng lẫy vừa chớm nở. Với tất cả sự ngạc nhiên, gã rướn mình, dụi mắt, chúi mặt vào ô cửa hẹp, cố thưởng thức cho thật trọn vẹn vẻ đẹp đó, trong lòng trào lên sự thèm muốn tận hưởng và ngợi ca xúc cảm của mình trước đặc ân do tạo hoá ban tặng. Viết là cách duy nhất để thoả mãn nỗi khát khao này. Nhưng phải viết thế nào bây giờ? Cảm xúc – thật, và cũ. Con người phản ứng không khác nhau là bao khi đối diện cái đẹp. Gã biết, trước gã có nhiều kẻ khác đã xưng tụng những bài thơ huyền diệu về những đoá hồng vàng, nếu có viết, gã cũng chẳng làm được điều gì mới mẻ. Sự bất lực, lạnh toát như tờ giấy trắng nằm im lìm trên bàn, dập tắt cơn phấn khích dữ dội chỉ vừa bộc phát vài giây trước. Một chữ viết ra là một chữ đã từng tồn tại đâu đó. Những vọng âm quay múa trong đầu là của gã, nhưng khi hạ bút xuống, chúng bất ngờ trở nên phản trắc, sự có mặt của chúng, đối với gã, thừa thãi, nhàn nhạt và vô hồn. Gã từng viết và xé, rất nhiều lần, những cảm xúc xuất hiện rồi cũng phôi phai và bị lãng quên, đôi khi khiến gã đau đớn như đánh mất những bảo vật vô giá.

 

3.

Bởi kinh sợ những điều cũ kỹ, như khu nhà trọ này, mốc meo và rách nát, đã từ lâu gã không viết nữa, nhưng sáng nay, đoá hồng muộn màng khơi dậy trong gã một cơn thèm khát tối hậu. Sẽ không một ai biết về đoá hồng vàng nở lặng lẽ trong buổi sáng đầu thu, và cuộc tạo tác huyền hoặc của nó đối với tâm hồn gã, nếu như, bởi nỗi mệt mỏi tái diễn trước những ý tưởng bao giờ cũng hữu hạn, gã lại một lần nữa từ bỏ giấc mơ đi vào thế giới uyên nguyên của cảm xúc. Gã muốn đi vào thế giới đó, ngụp lặn trong những mê lộ của trí tưởng tượng, lộn ngược, xoay vòng trong trạng thái không trọng lực, để những cơn say nhấc gã bay bổng lên khỏi mặt đất buồn bã. Những đoá hồng vàng đến mùa lại nở, năm này qua năm khác vào cùng một thời điểm, giống hệt nhau về sắc thái và hình dáng, nhưng không lần nào chúng không ban tặng cho gã một sự xúc động mạnh mẽ. Mùi hương rất dịu, sắc vàng tươi và sự mềm mại của những cánh hoa – gã từng chối từ chúng bằng cách phủ nhận sự tồn tại của mình, mà thực ra, mục đích cuối cùng là khẳng định nó, một cách quyết liệt và dữ dội hơn nhiều. Đó là Descartes, hay bất kì ai cũng thế. Làm sao gã có thể tin được, rằng đoá hồng vàng chỉ là một giấc mơ, một mảng trí nhớ vụn vặt nào đó rơi rớt trở lại trong tâm trí gã, ngẫu nhiên và vô thức?

 

4.

Descartes đã thiên vị, một cách hệ thống, khi nghĩ về đoá hồng vàng. Những đoá hoa không phụ thuộc vào thời gian, vì chúng là khởi nguồn đầu tiên của một chân trời khác. Do đó, chúng không đơn thuần tồn tại theo cách mà ông nghĩ. Quá chú mục vào trách nhiệm tìm kiếm Sự Thật và tính hợp nhất của các khoa học (hài hước thay, do những giấc mơ đem lại), và có lẽ, quá kiêu ngạo là một cái Tôi biết suy nghĩ, Descartes đã rời bỏ những dự tưởng thi vị khi bước đến quyết định đưa cái Tôi tự tách rời trở về thế giới vật thể hữu hình, chấp nhận khái niệm thời gian tuyến tính một cách vội vã, để rồi dùng nó khẳng định niềm tin tưởng tuyệt đối vào lý trí và Thượng Đế. Ông đã nghi ngờ tất cả những khách thể, nhưng chưa bao giờ ông nghi ngờ sự hiện hữu của thời gian, thứ quyền năng vĩ đại bậc nhất. Hơn ai hết, Descartes hiểu rõ điều này, và ông đã khéo léo dùng chính nó để bào chữa cho sự tồn tại của một điều đồ sộ hơn thế nữa, một điều-hoàn-hảo-tuyệt-đối. Ông có thể phủ nhận không nghi ngại sự hiện hữu của một đoá hồng vàng, nếu cần, vì nó chẳng qua là một trong vô số những điều mà giác quan, thứ ông coi thường, truyền đạt. Ông dễ dàng lơ đi các nhận thức thuộc về cảm giác, và cả khả năng tưởng tượng, điều mà bản thân ông phân biệt rạch ròi với lý trí, nhưng bằng cách nào ông có thể chối từ chính cảm xúc của mình? Descartes, con người duy lý, luôn luôn suy tư với một chuẩn mực rõ ràng và logic, hầu như quên bẵng phần cảm xúc khi ông nói về sự cấu thành cái Tôi, điều này làm quá trình tư duy của ông giản đơn đi rất nhiều; nhờ vậy ông nhanh chóng quay lưng với những nghi ngờ táo bạo ban đầu, và không mấy khó khăn, tái tạo trật tự thế giới.

 

5.

Gã gấp quyển Meditations lại và trả nó về giá sách. Những quyển sách dày bụi tháng năm không được đụng tới. Thời gian phủ bụi lên vạn vật, nhưng nó không hiện hữu nơi mỗi cảm xúc là một cảm xúc mới. Bầu trời tháng mười xám xịt và ảm đạm, như thể tuyết sẽ rơi vào bất kì lúc nào. Gã khẽ đọc một câu thơ, của ai đó vào thế kỷ 16, trước khi Descartes bắt đầu xây dựng một hệ thống Platonic cho những hình thể toán học.

Porpora de' giardin, pompa de' prato,

Gemma di primavera, occhio d'aprile...

 

6.

Gã vẫn nằm nguyên trên giường cả buổi sáng hôm ấy, như thường lệ, nhưng không còn suy tưởng nữa.

 

Waterloo, 7/10/2004

 

___________________

Ghi chú của Tiền Vệ:

P.K. viết truyện "Đoá hồng vàng" trên đây, lấy cảm hứng từ truyện "Đoá hồng vàng" của Borges. Hai câu thơ tiếng Ý trên đây được trích lại từ truyện của Borges, và đó là hai câu do Borges từ bài "L'adone" của Giambattista Marino (1569-1625).

Sắc tía của thảo viên, vẻ tráng lệ của đồng cỏ,
Viên ngọc của mùa xuân, con mắt của tháng tư...
                                    (Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021