thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đến từ Hoả tinh

 

Thân xác bà được gói gọn trong chiếc xe lăn đặt ở góc phòng. Tóc và mắt bạc màu, người thun cong như con sâu róm. Bà đưa mắt nhìn tôi, mời gọi. Một tay bà giấu dưới tấm mền, tay còn lại để trên mặt bàn gõ nhịp yếu ớt, không đều. Tôi lách người qua những chiếc xe lăn gói gọn thân xác. Họ ngủ hay thức tôi đéo cần biết. Tôi cúi sát hỏi bà cần gì, muốn gì. Hai con ngươi bạc màu loé tia lửa. Những ngón tay trên bàn từ từ xoè ra, mở-dần-tương-lai. Mắt bà và tôi nối liền bởi sợi dây thẳng băng vô hình. Cái chết (có thể) nhìn bằng tia mắt hy vọng? Tôi đưa ngón tay trỏ đặt vào lòng bàn tay bà đang xoè. Bàn tay từ từ chụm lại, khép kín, đóng chặt. Cơn bão đang giãy chết? Tia lửa tắt ngúm. Tay bà siết dần, siết chặt dần. Cơn bão đi vào thủ đô Budapest một ngày tháng mười. Xe tăng made in Liên Xô lăn bánh tiến dần, thẳng sâu vào. Đàn ngựa vằn nổi loạn giữa thủ đô đang bị đốt cháy. Cuộc cách mạng “đạo đức” Hung bùng nổ? Phát Xít - sinh viên - Troskyist - tự do - dân chủ xã hội - tôn giáo... cùng nắm tay, tránh giẫm lên chân nhau. Tượng Stalin bị quật đổ, đôi bốt nằm chỏng gọng. Lòng bàn tay bà đang toả hơi ấm. Những chiếc xe tăng made in Liên Xô chở cơn bão tiến dần, thẳng sâu vào thủ đô Sài Gòn một ngày cuối tháng tư. Cuộc thống nhất đất nước khởi đầu cho cuộc tháo chạy. Nghĩa trang quân đội (sẽ) bị san bằng. Hoảng loạn giải phóng hay tự phát cách mạng thì nơi nào ruột gan người đều bị moi, treo trên báng súng gắn đầu xe tăng. Tang thương nào phải chuyện đùa. Chiến tranh không có chỗ dành cho đức hạnh.

Đoàn xe tăng di chuyển vào thủ đô, đẩy bà và tôi gặp nhau trên cái xứ lai tạp này.

Bao lâu rồi bà mới được sờ nắm lại bàn tay con người? Bao lâu rồi?

Bà mở mắt. Lòng tay bà ướt đẫm.

Tôi bước ra khỏi viện dưỡng lão, leo vội vào xe. Trời đổ cơn mưa. Những hạt mưa đỏ, đều như hạt dưa ngày tết rắc vãi. Màu của son môi, của kinh nguyệt.

Cơn bão rời khỏi thủ đô. Budapest vẫn còn và Sài Gòn đã chết. Một quá khứ bất an và một tương lai bất định.

Tôi ngâm mình vào giấc mơ Mỹ quá lâu?

 

~~~~~

 

Ngày xửa ngày xưa... tóc Tu Hú còn là những đợt sóng hỗn độn vồ vập. Sóng rút, để lại bãi chiến trường tàn phá do trời đất xoay chiều. Chiến trường có phần đời lắc lẻo phóng mình của Tu Hú, “cựu” quân nhân hiến năm tháng thanh xuân cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Thời mảnh đất ốm nhom, nhỏ thó như vóc người Tu Hú bị chẻ đôi. Sinh mệnh đầu đen nơi đây hoàn toàn phó thác trong tay những tên khát quyền lực nặn bóp từ lịch sử. Tu Hú quậy mình cùng đám lính tráng trên những chiến khu. Giờ đây, đôi khi trong ngày bà lẩm bẩm, giọng mơ hồ, cuộn trong gió thời gian, rằng bà là người ưa đùa nghịch định mệnh. Bọn có cu làm được sao mình không? Ở tuổi 18, Tu Hú gia nhập quân đội vì muốn thoát ly gia đình, đồng thời thoả tính phiêu lưu và hiếu thắng. Nhưng không ngờ nó đẩy Tu Hú đến chỗ phải chứng kiến cảnh người giết người giữa tiếng kêu cứu lẫn tiếng súng, và cả tiếng cười khả ố. Rượu đổ trên bụng Tu Hú, bọn đàn ông vục mặt uống. Rượu đổ dọc sóng lưng Tu Hú, bọn đàn ông le lưỡi liếm. Vũ khí tối hảo của Tu Hú là thân xác. Một lần Tu Hú nói với gã tình nhân trước khi quyết định dứt bỏ vì chịu hết nổi cái tính trăng hoa của hắn: “Giá trị của cái khoan không phải chính nó mà là do cái lỗ. Cái khoan của anh đã đục được bao nhiêu lỗ?” Rồi Tu Hú phì cười vì cái tính hài hước của mình trước mọi tình huống. “Đéo mẹ, đưa ngón tay ngoáy mũi thử xem, ngón tay sướng hay lỗ mũi sướng?”

Tuổi trẻ Tu Hú gắn liền với cuộc chiến, nàng chẳng được nâng như trứng, hứng như hoa, mà phải mạnh mẽ, can trường. Tu Hú (từng) mơ những giấc mơ của kẻ khác. Địch/thù rõ rệt như trắng/đen. Không pha chế, tô vẽ mặt (nạ) người muôn sắc như “cựu” hoạ sĩ Mưa Ngâu. Cũng không thừa đam mê dư liều lĩnh như Vạn Thọ. Ừ, Vạn Thọ, “cựu” gái điếm, rồi tự thăng chức chủ động điếm thời Mỹ đổ quân vào miền Nam. Vạn Thọ, người phụ nữ ưa cạo sạch lông lồn, có mép mu nhỏ nhắn, hột le tròn trĩnh, cửa mình chật hẹp như rãnh mương nhưng có thể chuyên chở tàu bè quốc tế xuôi ngược. Nơi bất chấp tất cả kiểu cọ, kích thước, màu sắc dương vật. Nơi được sử dụng như món hàng lậu. Nơi được khai thác triệt để. Đồng thời nơi trao đổi những món hàng quốc cấm (khác).

 

~~~~~

 

Bao nhiêu nghìn thằng đàn ông đã vác cặc vô ra cái động điếm do một tay Vạn Thọ tạo dựng? Một lần cao hứng bà ví nó hoành tráng chẳng thua ngôi chùa của sư bà Đàm Linh. Những thằng đàn ông từng leo lên bụng Vạn Thọ la hét, cào cấu, chửi rủa cùng lúc phóng đống tinh khí bầy nhầy vào lồn, mồm, đít Vạn Thọ. Fuck xong, chúng thở phào nhẹ nhõm như vừa hất được tảng đá nặng trịch đè trên thân chúng. Rồi chúng biến khỏi cánh cửa động điếm như gián, kiến, bọ chét, không quên để lại những đồng tiền nhàu nát, xoắn góc, rách tươm. Mùi tiền quyền lực, hối lộ, trộm cướp hay lương thiện? Tiền vợ sai đi mua sữa cho con hay đưa cho vợ đi chợ nấu buổi cơm chiều? Vạn Thọ đếch cần biết, chỉ nghĩ thẳng tưng là chơi xong phải trả tiền. Giờ đây, chờ chết trong cái viện dưỡng lão trên xứ sở mùa lạnh dài gấp đôi mùa ấm này, bà hồi tưởng năm tháng thanh xuân chẳng chút hối tiếc. Tiếng chén bát bẩn lua khua trong chậu hay tiếng nước đang sôi réo trên lò. Tiếng xèo xèo khúc cá thu chiên hay mùi rau muống xào tỏi toả lan từ trong bếp. Vạn Thọ vào bếp để ăn chứ chẳng phải nấu ăn. Những lọ sơn móng tay, móng chân, nước hoa, phấn nụ, thỏi son, lược, kẹp, bông tai... nhiều màu, khác kiểu, đủ loại là những thứ Vạn Thọ thân cận, trìu mến. Giờ đây, thỉnh thoảng trong đêm tối, nằm bất động nhắm mắt, những lọ chai thậm chí mùi thơm, màu sắc loáng thoáng hiện về trong trí nhờ chùng nhão. Khi trưa Vạn Thọ nói với con bé Vi thế này: “Thời bà bằng tuổi cháu bà hành nghề điếm, rồi bằng tuổi mẹ cháu bà là chủ động điếm. Cái nghề ăn thịt mình và ăn thịt người khác.” Con bé Vi giương to đôi mắt nhìn Vạn Thọ không nói năng gì, như thể nó cho đấy là quá khứ. Khi Vạn Thọ nói câu ấy thì trời bên ngoài không nắng không mưa, Tu Hú đang ngồi ngủ gục, Mưa Ngâu nghễnh ngãng nghe chữ được chữ mất.

 

~~~~~

 

Tôi đứng ngắm tấm tranh diễn tả một cảnh tình dục dị thường treo trên đầu giường bà Ann Chavez. Thứ bẩy này là sinh nhật thứ 86 của bà. Bà cấm không cho ai đụng vào tấm tranh, huống chi là gỡ nó xuống. Tấm tranh hoạ theo tranh mộc bản của Katsushika Hokusai. [1] Nhìn tôi, bà nói: “Thay vì hai con bạch tuộc một to một nhỏ — con nhỏ hôn môi, con lớn bú âm vật — thì trong tấm tranh của tôi có đến ba con bạch tuộc to lớn, khoẻ mạnh. Cả ba cùng cưỡng bức thiếu nữ bằng ba ngả: mồm, hậu môn, âm vật. Một con trăn dùng thân khổng lồ và dài của nó cột chặt hai tay thiếu nữ. Lông kín thiếu nữ đen, dài, rậm rạp tua tủa. Và, giữa đám lông man dại như rừng hoang ấy, rỏ dòng máu thắm tươi. Mắt thiếu nữ nhắm, đớn đau tận hưởng cơn thống khoái.”

 

~~~~~

 

“Sao anh cứ giấu em đi như giấu rượu lậu vậy?” Lời nói dỗi hờn của bà cách đây đã hơn nửa thế kỷ mà Mưa Ngâu cứ nhớ mãi. Thời gian xoá sạch biết bao thứ trên đời huống chi đấy chỉ là tiểu tiết. “Em thấy em đang cầm dao giết người anh ạ!” Nàng vừa nói vừa vuốt thẳng cái cổ áo cho chàng. Lúc ấy Mưa Ngâu 19, bằng tuổi con bé Vi bây giờ.

Mối tình Mưa Ngâu và ông thày dạy vẽ kéo dài hai năm đại học. Nàng là nữ sinh viên đầu tiên trong lớp dạy vẽ của ông. Ông hơn nàng 15 tuổi, có vợ và 2 con. Vợ ông là em gái của mẹ, người Mưa Ngâu gọi Dì Út. Mưa Ngâu luôn thấy màu đen ngòm của đất đang trườn lấp kín dần mọi cống rãnh trong thành phố. Đớn đau ập đến lúc nàng vừa quên nghĩ đến nó.

Mưa Ngâu (từng) là thiếu nữ thông minh, bản lĩnh, và quyến rũ. Vóc dáng không cao, hơi đẫy đà nhưng nhờ đôi mắt sáng và miệng cười tươi bù lại. Màu da mật nướng luôn tháp tùng niềm say mê từng tảng màu nàng hào phóng ném lên khung bố che phủ bốn bức tường phòng trọ. Mưa Ngâu đã tự cho quyền nàng sống hết mình trong thế giới của riêng nàng.

Thế nhưng, Mưa Ngâu luôn phập phồng trước những khoảng trống không hiểu được. Không thể hiểu được lại là hấp lực lôi cuốn nàng mãnh liệt, như tại sao lá rau má không to bằng lá sen? Tại sao mùi vị nước miếng, giọng nói, cùng ngón tay ông lại mở dần ra được da thịt nàng trong từng hơi thở mạnh, dồn dập, đứt quãng giữa trưa hè nắng nóng kinh người?

Vợ ông, em của mẹ, dì Út đã tắt thở khi đứa con thứ ba vừa lọt lòng, cùng lúc ông đang nhấp nhô trên bụng Mưa Ngâu trong căn phòng nồng mùi thông khô của thằng bạn cho mượn một tuần trên Đà Lạt. “Mày sẽ không có con ở kiếp này!” Lời nguyền rủa năm xưa của mẹ chỉ đúng một nửa. Mưa Ngâu không có con và không có chồng, dù đã nhiều năm ăn ở với vài ba người đàn ông, nhưng vì những lý do, chính đáng có, kỳ quặc có, bà chưa hề bận áo cô dâu, ký tên vào giấy giá thú.

Giờ thì Mưa Ngâu nằm đây, khôi phục trí nhớ suy tàn như toàn bộ lỗ chân lông trên hai mu bàn tay đã bị xoá trắng. Thấp thoáng âm dạng của ai vừa trút hơi thở cuối trước cây thánh giá đồng đen đang khẽ lay động theo tiếng accordion.

 

~~~~~

 

Tôi đứng nhìn họ như dàn nhạc với nhiều nhạc cụ khác biệt. Trước mắt họ là cái bàn gỗ chứa nhiều thứ linh tinh cần thiết. Tất cả đều được giữ sạch sẽ, xếp gọn gàng: computer, điện thoại, stapler, bút, giấy, folders... Tất nhiên có cả hai chậu cẩm chướng ny lông đỏ lừ lừ.

Y tá, thư ký, social workers, bác sĩ, nhân viên, tình nguyện viên... di chuyển tới lui, qua lại trước mặt họ và tôi.

Họ ngồi trong những cái ghế lăn khác màu, kiểu, kích thước, thời gian. Mỗi người sở hữu một cái. Có người mở mắt và có người nhắm mắt. Có người gục đầu và có người hả mồm. Tất cả đều yên lặng. Tôi cũng yên lặng. Bây giờ là 9:47 sáng, còn hơn hai tiếng nữa mới đến giờ ăn trưa. Họ đang ngồi đợi giờ ăn trưa?

Và tất cả cùng quay về một hướng. Hướng có quá khứ, không có tương lai. Hướng có bàn gỗ đựng những thứ linh tinh cần thiết. Tất cả đều được xếp đặt đúng vị trí, gọn như nắp quan tài đậy lại, vừa khít.

Họ đang ngồi trong những cái xe lăn made in USA. Tất cả đều yên lặng. Không ai chờ đợi ai. Không ai mong ngóng điều gì. Thời gian cứ trôi và trôi. Trước mặt họ là hai chậu cẩm chướng ny lông đỏ lừ lừ.

Tôi đang chờ đợi tiếng động phá vỡ sự yên lặng? Hay vật gì đó đặt xuống không đúng vị trí trên mặt bàn?

 

(Những trích đoạn rời rạc ở chương ba của cuốn tiểu thuyết đang viết.)

_________________________

[1]Bức tranh mộc bản Giấc mộng của vợ người đánh cá của Katsushika Hokusai (1760-1849), nhà danh hoạ Nhật Bản:

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021