thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tưởng tượng đã chết hãy tưởng tượng
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
Hoàng Ngọc Biên giới thiệu:
        Samuel Beckett (1906-1989) là một trong những tác giả độc đáo nhất của thế kỷ 20. Thế giới dưới ngòi bút của ông là vô nghĩa, với những câu chuyện vô nghĩa, tự tạo đến đâu là dần dần tự hủy đến đấy. Nhân vật của ông không tên, hay chỉ có những tên lạ lùng, gần giống nhau. Con người bất lực, cô đơn, bị chôn vùi - con người tro bụi - trong tác phẩm ông không gây ra nơi người đọc sự thương cảm qua đi, mà làm cho nổi rõ cái phi lý, cái không của thế giới này. Năm 1969 ông được trao Giải Nobel Văn Học.
        "Tưởng tượng đã chết hãy tưởng tượng" (1966) là một bài thơ-văn xuôi có tính tượng trưng cao, mặc dù vẫn thường được mô tả như một tiểu thuyết. Trong bài thơ-văn xuôi ấy tất nhiên có hai người, nhưng họ nằm bất động và không nói chuyện qua lại. Cũng có một vài biến cố xảy ra, như những chuyển đổi từ nóng qua lạnh, từ sáng qua tối, từ tĩnh qua động. Thế nhưng biến cố duy nhất có thể được gọi là động tác trong tác phẩm chỉ là ở sự kiện mỗi “phi nhân vật” có mở một bên mắt.[1]
 
Brian H. Finney nhận định:
        "Tưởng tượng đã chết hãy tưởng tượng" khởi sự với mục đích tạo dựng và diễn tả một hình ảnh với sự khách quan của một nhà khoa học hay một nhà toán học. Căn lều mái vòm được nhìn ngắm từ bên trong cũng như từ bên ngoài, nội dung của nó được quan sát kỹ luỡng, chiều kích được đo lường, các biến đổi được dàn dựng tỉ mẩn. Phương pháp khoa học cũng được áp dụng trong việc quan sát hai thân hình: chúng được định nghĩa theo kỷ hà học, được quan sát, được mô tả lại và các thí nghiệm (như cuộc thí nghiệm với tấm gương) đã xảy ra và kết quả được ghi lại.
        Tuy thế, ngay lúc xuất hiện lần đầu tiên của căn lều, bản chất quan sát theo khoa học không ngớt bị khiên cưỡng: "Không ngõ vô, cứ vô": "hãy trở vô, hãy gõ, vách cứng chắc đều khắp"; "nó dẫu đã khác, dưới góc cạnh ấy, tuy cũng vẫn vậy". Khi phương pháp quan sát theo khoa học được nới rộng đến các thân hình, sự khác biệt giữa phương pháp khoa học khách quan và sự chủ quan dần dần biến thành đối tượng nghịch đùa của Beckett — "cái đít của B" chẳng hạn —, hay "cả hai thân hình đều như còn nguyên vẹn và trong trạng thái khá tốt, nếu dựa trên cái phần của mình mẩy được phơi bầy". Khi ánh sáng càng giao động người quan-sát-kiêm-thí-nghiệm càng thay thế quan điểm khách quan bởi quan điểm chủ quan áp đặt cho mọi cảm quan, dù chúng thực sự đã có mặt ngày từ lúc đầu, như đã vạch rõ qua việc sử dụng nghịch lý. Toàn thể cấu trúc của "Tưởng tượng đã chết, hãy tưởng tượng" (như tựa đề cho thấy) được xây dựng quanh bản chất trái nghịch trong sự cố gắng của nhà văn để mô tả [khách quan] thân phận con người, tuy vẫn không muốn ngăn chận ý thức của mình, kể chi ý thức của người đọc, ảnh hưởng đến những quan sát đó. Khi văn bản càng dần dần tiến tới kết luận, phương pháp ngụy-khoa học càng được vất bỏ khi trực diện những phản ứng chủ quan của người quan sát khiếp sợ muốn tự trấn an rằng "ở chỗ khác có chuyện vui ngộ hơn", để rồi trong một nghịch lý cuối cùng, để mặc cho cái quan điểm chủ quan tùy tiện, tự gây cho mình sự tiện nghi tức khắc, bị phủ nhận bởi "Nhưng thôi, cuộc đời đang kết liễu và không, không có chuyện gì nữa tại một nơi nào khác". Nhà văn như kẻ cảm nhận có vẻ kỳ cục khi đối diện nhà văn như kẻ tiếp nhận chân lý, và nếu người thứ nhất ngăn cản mọi hy vọng về sự trình bày khách quan của đời sống, thì người thứ hai lại quyết tâm bảo đảm sự công nhận của người thứ nhất về sự thất bại lớn lao hơn của quan điểm chủ quan của mình.[2]
 
______________________
 
 
TƯỞNG TƯỢNG ĐÃ CHẾT HÃY TƯỞNG TƯỢNG
 
 
Không nơi nào có dấu vết của sự sống, anh bảo vậy, ôi, càng hay, tưởng tượng chưa chết, chết rồi à, tốt, tưởng tượng đã chết hãy tưởng tượng. Đảo, nước, trời xanh, cây lá, này nhìn đây, ố ô, cái gì đấy, một thiên thu, thôi im đi. Cho tới lúc trắng xoá trong ánh sáng trắng là một căn lều tròn. Không ngõ vô, cứ vô, cứ đo. Đường kính 80 phân, bằng với khoảng cách từ nền tới đỉnh mái vòm. Hai đường kính thẳng góc AB CD chia cắt nền đất trắng ra làm hai hình bán nguyệt ACB BDA. Trên mặt đất có hai cái thân hình trắng, mỗi cái trong hình bán nguyệt của mình. Cùng một màu trắng là cái mái vòm và cái vòng vách chiều cao 40 phân trên đó cái mái vòm tựa. Hãy bước ra ngoài, một căn lều tròn không có sự trang hoàng, trắng xoá trong ánh sáng trắng, hãy trở vô, hãy gõ, vách cứng chắc đều khắp, tiếng gõ vang như trong tưởng tượng khua tiếng gõ vào một khúc xương. Ánh sáng trắng choá lòa nhưng nguồn đâu chẳng rõ, mọi vật tỏa sáng đồng đều, đất, vách, mái, thân hình, không có bóng dọi. Cái nóng nung người, các mặt phẳng chạm vào thấy nóng, tuy không bỏng, hai cái thân hình đẫm ướt mồ hôi. Hãy bước trở ra, hãy bước giật lùi, căn lều vụt biến, hãy bay lượn, căn lều vụt biến, trắng xoá trong ánh sáng trắng, hãy đáp xuống, hãy trở vô. Trống vắng, yên lặng, cái nóng, ánh sáng trắng, hãy chờ, ánh sáng yếu dần, mọi vật đồng loạt sẫm màu, đất, vách, mái, thân hình, khoảng 20 giây, toàn những sắc xám, ánh sáng phụt tắt, tất cả đã tan biến. Ngay trong lúc ấy nhiệt độ hạ thấp, mức tối thiểu, gần không độ, vào lúc bóng tối hiển hiện, cái này hơi kỳ cục. Hãy chờ, thời gian dài hay ngắn, ánh sáng và cái nóng trở lại, đất, vách, mái và thân hình cùng trắng và ấm lại, khoảng 20 giây, toàn những sắc xám, trở lại mức cũ, ngay chỗ khởi của sự giảm. Thời gian dài hay ngắn, bởi có thể để chen vào, như thử nghiệm cho thấy, giữa lúc cuối của sự giảm và lúc đầu của sự tăng, những thời hạn rất khác biệt, từ một phần giây đến một khoảnh khắc, mà ở các thời khác và chốn khác, có thể là một thiên thu. Cùng chung một nhận xét về sự ngừng lại kia, giữa lúc cuối của sự tăng và lúc đầu của sự giảm. Các thái cực, nếu còn tồn tại, cái tĩnh sẽ tuyệt đối, điều mà cái cây cột nóng có vẻ như là kỳ quặc, những lúc đầu. Đôi khi cũng đã xảy ra chuyện, như thử nghiệm cho thấy, giảm và tăng bỗng dưng tự gián đoạn, và có thể bất cứ ở mức độ nào, để ghi một khoảng nghỉ lâu hay mau, trước khi tiếp tục lại, hay biến đổi thêm, giảm thành tăng, tăng thành giảm, rồi cả hai, hoặc có thể tới đích, hoặc có thể trước lúc ấy, để rồi lại tiếp tục thêm, hay đảo ngược thêm một lần nữa, sau một khoảng thời gian dài hay ngắn, và cứ thế mà diễn biến, trước lên tới ngọn kia hay tụt xuống tới đáy nọ. Đỉnh và vực, lại trồi lên và lại sụt xuống, theo nhau trong những tiết nhịp vô tận, sự chuyển đổi thường là từ sáng qua tối và từ nóng sang lạnh hay ngược lại. Chỉ các thái cực là còn vững, như được chứng minh bởi cái nhịp đập xuất hiện vào những lúc dừng lại ở các bậc xen kẽ, bất kể thời hạn và độ cao. Lúc ấy khẽ rung nhẹ đất, vách, mái, thân hình, trắng xám hay khói hoặc ở giữa hai màu này tùy lúc. Dù gì thì chẳng mấy khi, như thử nghiệm cho thấy, sự chuyển đổi đã xảy ra y như vậy. Mà thường thường, khi ánh sáng bắt đầu mờ, và cái nóng giảm bớt theo, sự chuyển thái tiến hành không bị trục trặc qua bóng tối khép kín và xuống tới gần không độ, cả hai đều tới đích sau khoảng 20 giây. Cùng chung một hiện tượng là sự chuyển đổi ngược lại, sang nóng và qua sáng. Chóng hay chầy lần lượt đổi thay theo trật tự là sự giảm hay sự tăng với khoảng nghỉ lâu hay mau trong các màu xám sốt cảm ấy, mà chẳng thấy có lần nào bước tiến của chúng bị xáo trộn. Mặc dù vậy, nếu sự quân bình bị mất đi, ở bậc trên cũng như ở nấc dưới, sự chuyển tiếp qua giai đoạn kế có thể biến dạng liên miên. Thế nhưng bất kể những cái bất ngờ, sớm hay muộn sự trở lui về yên tĩnh nhất thời dường như đã được bảo đảm, trong lúc này, trong bóng tối hay ngoài ánh sáng trắng bao la, với nhiệt độ tương xứng, một thế giới còn trong thử thách của sự co giật không ngừng. May thay được gặp lại sau một lần khuất bóng nào trong các sa mạc tuyệt tác, nó tuy dẫu đã khác, dưới góc cạnh ấy, mà cũng vẫn vậy. Bề ngoài thảy đều không hề đổi thay, và cái kiến trúc bé lùn đó luôn luôn khó nhận diện được, màu trắng của nó chìm vào bối cảnh. Nhưng cứ bước vô, đây yên tĩnh ngắn lẹ hơn, và không bao giờ có chung một sự hỗn độn ở hai lúc khác biệt. Ánh sáng và cái nóng liền nhau như được phân phát bởi một nguồn lực chung chưa truy lùng ra. Vẫn nằm dưới đất, thân mình gập làm ba, đầu đụng vách ở B, đít đụng vách ở A, hai đầu gối đụng vách giữa B và C, hai chân đụng vách giữa C và A, nghĩa là nằm thu gọn trong hình bán nguyệt ACB, lẫn lộn với nền đất nếu không có suối tóc một màu trắng khó tả, là cái thân hình trắng rốt cuộc cũng nhận ra được là của một phụ nữ. Cũng nằm y hệt trong cái hình bán nguyệt kia, đụng vách đầu ở A, đít ở B, hai đầu gối ở giữa A và D, hai chân ở giữa D và B, trắng cùng màu với đất, là người đàn ông. Cả hai đều nằm nghiêng bên mé phải của thân hình mình như vậy đầu ngược đầu lưng tựa lưng. Đặt một chiếc gương soi trước cặp môi họ, mặt gương sẽ đục mờ vì hơi thở. Với bàn tay trái mỗi người nắm lấy ống chân trái của mình ở chỗ dưới đầu gối một tí, với bàn tay phải nắm cánh tay trái ở chỗ trên cùi chỏ một tí. Trong cái ánh sáng giao động ấy, vào lúc sự tĩnh mịch trắng mênh mông đã ngắn và hiếm, sự kiểm soát quả thật là quá vất vả. Mặc dù có cái gương soi họ vẫn có thể bị ngộ nhận là bất động, nếu không có hai con mắt bên trái, trong những khoảng cách không thể đếm được, bất chợt mở to và dang rộng ngoài sức lực của một con người. Xanh lợt và sắc bén tác dụng của chúng thật là ghê rợn, những lúc đầu. Chẳng bao giờ có được cả hai cái nhìn ngoại trừ một bận cỡ mười hai giây, lúc khởi của của cái nhìn này vướng lúc cuối của cái nhìn nọ. Không béo không gầy, không to không nhỏ, cả hai thân hình đều như còn nguyên vẹn và trong trạng thái khá tốt, nếu dựa trên cái phần của mình mẩy được phơi bầy. Khuôn mặt họ cũng vậy, nếu cả hai phía được đều đặn, thì chẳng thấy có mất mát một cái gì chính yếu. Giữa sự hoàn toàn bất động của họ và cái ánh sán cuồng loạn đó, sự tương phản rất bắt mắt, những lúc đầu, ít nhất là với kẻ còn nhớ rằng mình đã từng mẫn cảm các điều trái ngược. Tuy nhiên rất rõ ràng, do muôn ngàn dấu hiệu quá bé nhỏ và đòi hỏi quá nhiều thì giờ để mường tượng, rõ ràng là họ không đang trong giấc ngủ. Anh chỉ cần thốt một tiếng a thật nhẽ, trong sự tĩnh lặng ấy, và tức khắc con mắt rình mồi sẽ bắt bí ngay cái cựa cậy nhẹ lập tức bị đè. Cứ để mặc họ ở nơi đó, nhễ nhại và giá buốt, ở chỗ khác có chuyện vui ngộ hơn. Nhưng thôi, cuộc đời đang kết liễu và không, không có chuyện gì nữa tại một nơi nào khác, mà cũng chẳng còn chuyện tìm lại điểm trắng đã thất lạc trong màu trắng ấy, hãy cố nhìn xem họ có còn nằm im giữa cơn bão tố đang thịnh nộ đó, hay giữa một cơn bãp táp nào nguy ngập hơn, hay là trong bóng tối đã khép kín vĩnh viễn, hay là ngoài ánh sáng vẫn trắng xoá bao la bất biến, bằng không, thì coi họ đang làm gì.
 
(1965)
 
---------------------
Nguyễn Đăng Thường dịch từ nguyên tác "imagination morte imaginez" trong tuyển tập của Samuel Beckett, Têtes-Mortes (Paris: Les Éditions de Minuit, 1967). Bản dịch này lấy lại và bổ sung bản dịch của nhà Trình bầy năm 1996.
 
 
_________________________
Chú thích của người dịch:

[1]Hoàng Ngọc Biên, Lời đề tựa cho tập Samuel Beckett, tưởng tượng đã chết hãy tưởng tượng, bản Việt ngữ của Nguyễn Đăng Thường, Nhà xuất bản Trình bầy, 1996; "tưởng tượng đã chết hãy tưởng tượng" đăng lần đầu tiên dưới dạng phác thảo trên tạp chí Thế Giới Mới (1990), với minh họa của Kim Lan.

[2]Bian H. Finney, 'since how it is', A study of Samuel Beckett's later fiction, Edited by Ronald Hayman (London: Covent Garden Press Ltd, 1972).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021