thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tổ quốc và "Lời nhà thơ"
(Diễm Châu dịch)
 
Hỡi tổ quốc ngươi đã làm ta đau
như một nụ hôn và một thương tích,
và như chúng nỗi đớn đau này
êm dịu và sâu xa
nhức nhối và trìu mến.
 
Cả ta nữa ta cũng làm ngươi đau
nhưng ấy chỉ là một vết chích vô cùng nhỏ nhoi
không quan trọng đủ để làm xoay chiều gió
không mạnh đủ để gọi mưa
ấy là một thứ đau của những khúc dằm nhiễm độc
của kim khâu và kim găm
một điều bực bội quen biết, gần gụi,
mà muối, ti-dơn và một chút rượu
sáp bạc-hà, và rồi một câu nói dối xoa dịu.
 
Hỡi tổ quốc ta đã rịt những vết thương của ngươi
và trong chuyến đi này ta đã đem theo sự trong trắng của ta
ta đã đặt một bài ca về những nỗi buồn của ngươi
ta đã ca những cuộc chiến tranh của ngươi và khóc thương những người thân đã mất
ta đã xiển dương những người anh hùng và gieo vần hàng cây cọ
ta đã miêu tả những cảnh sắc của ngươi với những từ của ta
với tình yêu của ta và những giai điệu của ta
ta nới rộng những dòng sông của ngươi và nâng cao những ngọn núi của ngươi
ta đã mượn ngươi từ những vùng biển khác và muối của chúng.
Ta đã nói tới những thung lũng của ngươi và những vùng sâu rực sáng
con hải ngưu như một vị thần phiền muộn
những lối tắt bí ẩn trên những con đường nhỏ hẹp của ngươi.
 
Ngươi chưa bao giờ là một kẻ lạ mặt xa xôi,
mà là bà mẹ ta lúc nào cũng già hơn
tinh khiết hơn và gần gụi hơn,
là những đứa con gái của ta mà ta đã dạy cho chân ý
và ngôn từ của bài quốc ca
và lá cờ và màu sắc của lá cờ,
là cha ta trong những cuõc chinh chiến khởi đầu của ngươi.
 
Ngươi là tất cả cỏ cây mà ta đã chạm tới
và tất cả miền đất vẫn nhắc nhở ta
rằng trong tăm tối vẫn là ngươi có đó
là vì ngươi là tất cả
và ngươi còn là tất cả khi ta vắng mặt
và khi ta ngủ trong một khách sạn nơi ta rét mướt
và khi trên tấm bản đồ của ngươi bị khuấy động vì sương mù
ta là một đứa trẻ ngâm ngợi những vần thơ
trong lúc chỉ nhìn thấy thế giới từ bên trong các biên giới của ngươi.
 
Hỡi tổ quốc ngươi là một trường hợp phức tạp ở giữa biển
một hòn đảo nhỏ được kiểm kê nhờ khoa chính trị địa lý
và những tập khái luận nơi người ta nói tới các thương nhân
những kẻ đi tìm vàng và khám phá ra các thổ dân
những kẻ đi lượm bạc và tìm thấy những con người.
Hỡi tổ quốc ngươi đã sống trong ta
và ta đã, ta vẫn, ta sẽ là chủ nhân ngôi nhà của ta.
 
Ta đã cư ngụ nơi ngươi
ta vẫn cư ngụ nơi ngươi
ta hiện sống trong ngươi
tổ quốc vẫn còn là đề tài tranh luận
mà bọn phản bội tồi tệ của chúng ta sàm báng
chúng nói từ sau một máy vi-âm hay từ một chiếc ghế xích-đu bằng mây,
từ đỉnh cao một điều ô nhục hay những kế hoạch tàn nhẫn
tử đáy thẳm của vu khống hay sau một bàn giấy
từ đỉnh cao của cái chết hay của độc đoán
trong một vương quốc xa hoa nơi xa hoa là vua.
 
Hỡi người đàn bà tôi không nhìn thấy, tôi không thể chạm tới
em đừng lắng nghe nguyên một tiếng kêu của tổ quốc
mà hãy đem tới cho đời tôi
một trái tim nổi bật như một con ách-cơ
để thắng mọi ván bài tình ái.
 
Cuba ta đã mơ tới ngươi
ta đã muốn sinh ra ở nơi đây
và ta đã muốn tới để có thể
để lại cho ngươi bài ca và sự lãng quên
về những gì chúng ta vẫn từng là
khi ngươi không còn ngủ
yên tịnh và chìm khuất.
 
Ta biết viết tên ngươi
ta đã viết tên ngươi mà không biết rằng ngươi đã là
tất cả thế giới bao la này.
 
Ông ta đã nói với ta điều ấy, ông - người đã tới
từ một đầm nước mặn nơi bầu trời lấp lánh sao.
 
Ta biết ngươi, hỡi tổ quốc
ta biết ngươi
và ta bất cần
những cái tên xuẩn ngốc mà người ta có thể gán cho ngươi.
 
Ta biết ngươi,
ta lớn tiếng xác nhận điều ấy
và chính là trong mức độ mãnh liệt của cuộc phiêu lưu này
mà ta có thể thực sự biết ngươi.
Miền đất mà ta đang chịu đựng
mà chúng ta đang chịu đựng
và chúng ta sẽ còn chịu đựng.
Đêm tối là của chúng ta
là vì chúng ta đã xuất hiện từ đêm tối
và chúng ta đã bước về ánh sáng của ngươi
sự rạng ngời của đất
làn sáng ngươi tỏa ra
trên hết thảy các con cái ngươi
để ít ra hết thảy chúng ta đều có
cùng một ánh sáng
vào lúc sống và chết.
 
Chúng ta là những đứa con chính thức của ngươi
những kẻ không còn có thể chịu được bóng tối.
 
Hỡi tổ quốc, tình yêu là tất cả như thế đó
và ngươi đã làm ta đau.
 
(trích Ký tại La Habana)*
------------------------------------------
* Ký tại La Habana của RAÚL RIVERO, nhà thơ kiêm nhà báo Cuba hiện đại hiện sống ở Cuba – trong nhà tù của Fidel Castro, gồm 25 bài thơ, lời tựa của tác giả (do Fanchita và François Maspéro dịch sang Pháp văn) và một bài phỏng vấn ông của ký giả Christine Ockrent. Sách do La Découverte / Reporters sans frontières in tại Paris, 1998.
 
Sau đây là:
 
«LỜI NHÀ THƠ»
«Tôi chắc chắn rằng thơ, khi đóng vai trò vẫn đóng trong mọi hoàn cảnh của đời tôi, đã là kẻ đầu tiên đồng lõa với tôi trong toan tính phức tạp và hơi có tính cách tự sát là tìm kiếm sự thật ở nước Cuba đang bừng cháy và bị đe dọa vào cuối thế kỷ của chúng ta này.
«Trong những bài thơ mà tôi xuất bản hôm nay, sự thật này cuối cùng đã lọt ra ánh sáng, nó bắt đầu sống và cụ thể hóa như một người vượt thoát khỏi những bóng tối nơi chế ngự những vùng nặng nề ngột ngạt và những miền thơ ngây vô tội đòi hỏi.
«Những văn bản này, tôi đã viết khi bước ra khỏi một sự sụp đổ và, do sự kiện ấy, người ta có thể nghe đây đó tiếng dội của thảm họa và cái ám hiệu sâu kín của thủy tinh vỡ và của ái tình cũng là một lời đáp trả cơn biến động.
«Tôi tin rằng, mỗi lần các nhà văn Cuba, những kẻ đã, như tôi, trải qua cuộc thử thách này đối diện với một trang giấy trắng và đứng trước khả năng có một người đọc, họ đều cảm thấy cái cám dỗ lao mình vào chuyện phủ nhận và tự lạc mất trong những khúc sông quanh co của những lời giải thích, để thăm dò khảo sát tỉ mỉ cái đam mê hay trò lường gạt mà họ đã là nạn nhân. Về phần tôi, tôi đôi khi cầm mình lại được.
«Cuốn sách này, trên lộ trình người sáng tạo của tôi, khai mào một mức độ tự do chưa từng thấy, không phải ở bình diện ngôn từ, hãy còn nối kết với những hình thức trò chuyện tâm tình mà tôi vẫn sử dụng, mà là ở bình diện chọn lựa, tìm kiếm và triển khai những đề tài bị một thứ luật lệ bất thành văn cấm đoán, thứ luật lệ ấy tuy nhiên đã bị đình chỉ, cả về hình thức lẫn nội dung, trong toàn bầu khí của nước Cộng hòa chúng tôi. Nó không phải là một sản phẩm hoàn toàn tự do ; nó là kết quả những ghi chú của tôi về cuộc hành trình tiến tới tự do, bởi thế người ta sẽ đọc thấy ở đấy những cơn nẩy bật, những ánh chớp của sợ hãi, công việc thật dữ dội của những điều ngăn cản tôi và - lẽ cố nhiên ! - cả những lúc thăng trầm trong tay nghề của tôi.
«Nhưng sau cùng nó đã có đó, nhờ sự hào hiệp của đông đảo bạn bè, và nó lưu hành trong vùng lãnh thổ rõ rệt này của Cuba mà tất cả những người yêu mến xứ chúng tôi mang trong họ, dẫu là họ sống ở đâu và chết ở đâu.»
Raúl RIVERO,
La Habana, tháng Hai 1996.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021