thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỪ ĐIỂN THI X/X LOẠI [chúng sinh] - Vần C (2)
 
 

CỨT

 
Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học soạn thảo đưa ra định nghĩa rất ngắn gọn:
cứt d. (thgt.). Phân của người hoặc động vât.
 
Thế “phân” là gì?
phân d. 1 Chất cặn bã do người hoặc động vật bài tiết ra theo đường ruột, qua hậu môn. 2 Tên gọi chung các chất dùng để bón cây.
Có thế thôi mà inh ỏi.
 
Chưa thỏa mãn với sách báo “lề phải”, blogger The Wall viết lại định nghĩa:
Cứt đơn giản là tổng hợp chất bã của thức ăn được thải ra sau quá trình tiêu hóa của cơ thể sống. Màu sắc, mùi (ta có thể nhìn bằng mắt và khứu giác) và vị của cứt (ta không thể trực tiếp biết được) phụ thuộc vào loại thức ăn được chọn và một phần do bộ phận tiêu hóa của cơ thể sống tạo nên. Chúng ta không thể xác định chính xác hình dạng, chiều dài và kích thước của cứt vì còn phụ thuộc vào kích thước hậu môn của cơ thể sống, chất xơ tạo nên độ dai, và sự khéo léo của chủ thể. Thông thường thì cứt được chia thành 3 loại rõ rệt: rắn, lỏng, mịn mượt.[1]
 
Trong văn học, Nguyễn Huy Thiệp từng chỉ phân chia cứt làm 2 loại: khô và ướt (kịch “Còn mãi một tình yêu”).
 
Cứt còn giúp Thiệp thêm oanh liệt với “Phẩm tiết”, “Trương Chi”, “Chuyện ông Móng”.
 
Nguyễn Huy Thiệp oách vì là người đầu tiên ở Việt Nam “văng cứt vào văn học”, chứ khắp Đông Tây thì “vung cứt” là chuyện bình thường. Không hiểu tại sao mà mọi thứ nhận thức ở Việt Nam đương đại đều đi sau thiên hạ thế nhỉ. Đầu óc, tư tưởng của mọi người phải nói là bí vô cùng, biết bao giờ thông??[2]
 
Từ xưa văn chương Thiền tông của những con người đệ nhất thanh sạch trên thế gian đã có nói đến cứt. Trong tập công án lừng danh Vô môn quan do Vô Môn Huệ Khai (1183–1260) biên soạn đã có đưa vụ cứt này vào như sau: Khi tăng chúng hỏi “Phật là gì?” thì Thiền sư Vân Môn Văn Yển (864–949) lỗi lạc của Thiền tông Trung Hoa đáp: “Que cứt khô!”
 
Đó là cách giải thích của bậc đại đạt đạo về... Phật.
 
Thiền tông Việt Nam ta thì cũng từng chẳng kém cạnh ai về cái khoản... văng cứt.
 
Trong “43 công án của Trần Thái Tông”[3] do Nhất Hạnh dịch từ “Công phu khóa hư cử niêm tụng”, công án thứ 19 đã có nhắc đến:
Cử: Có vị tăng hỏi Lâm Tế: “Thế nào là vô vị chân nhân ?” Lâm Tế nói: “Cọng cứt khô”.[*]
 
Niêm: Bắn chim sẻ thì sợ mất đạn, đập chuột lại sợ dơ gậy.
 
Tụng: Cứt khô: vô vị chân nhân
Gia phong Phật tử nát bao lần
Kìa kìa chú mục mà quan sát:
Lội biển trâu bùn mất dấu chân.
 
Chú thích [*]: Lâm Tế Lục: Triệu Châu một hôm khai thị đại chúng: “Các ngươi biết không, có một bậc vô vị chân nhân trên đống thịt đỏ thường hay ra vào ở cái cửa phía trước mặt các ngươi. Các ngươi có biết người ấy là ai không. Nếu không biết thì hỏi ta”. Có một vị tăng hỏi: “Thế nào là vô vị chân nhân?” Triệu Châu liền đánh một gậy và nói: “Vô vị chân nhân là cái cứt khô gì?” Trong bài “Phổ thuyết sắc thân” ở Khóa hư lục, Trần Thái Tông cũng nhắc đến đề tài “vô vị chân nhân” như sau:
 
“Đã mang lấy thân thể này thì bỏ nó đi thật là một chuyện thiên nan vạn nan. Làm sao để không bị thân thể này ràng buộc? Nếu còn bị ràng buộc thì hãy nghe đây:
Vô vị chân nhân thịt đỏ au
Hồng hồng trắng trắng khéo lừa nhau
Ai hay mây cuốn, trời quang tạnh
Hiện rõ bên trời đỉnh núi cao.”
 
Thiền tông Việt Nam coi Khóa hư lục là “bộ kinh cứu khổ cho đời”. Chữ “khóa” theo Hán tự có nghĩa là bài học dậy về cách thức tu trì đúng chính Pháp. Chữ “hư”, nghĩa là rỗng lặng, tâm luôn luôn thức tỉnh, không chấp vào hình tướng, sự vật một cách giáo điều, cố định. “Khóa” tượng trưng tinh thần hữu vi, minh chính, quả quyết. “Hư”, tượng trưng tinh thần vô vi, lồng trong một ý nghĩa: vạn hữu chuyển biến, khổ, không, vô thường, vô ngã, hiểu được lẽ sinh hóa của vũ trụ vạn hữu, là đi vào cõi Niết bàn, bất sinh bất diệt, là chứng đạo, đạt tới trạng thái chân lý tối cao: Phật Đà. Khóa hư lục là cuốn sách xưa nhất hiện còn giữ được trong kho thư tịch cổ Việt Nam. Khóa hư lục vừa có giá trị triết học, vừa có giá trị văn học, bởi tác giả mượn để biểu đạt tư tưởng, cảm xúc của mình là hình thức văn, luận, thể biền ngẫu (một lối văn rất khó viết, người cầm bút phải có một trình độ học vấn uyên bác mới dám sử dụng) và kệ, thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn... Tất cả đều giầu hình tượng, giầu chất trữ tình.
 
Ở phương Tây thì cứt vãi lung tung trên các văn bản của các đại văn/thi hào như: kịch tác gia Hy Lạp Aristophanes “Cha đẻ của hài kịch” và “Ông hoàng của hài kịch cổ đại” (456 TCN – 386 TCN), thi hào La Mã thời kỳ đầu Công nguyên Decimus Iunius Iuvenalis, tác giả của Thần khúc – “tuyệt tác vĩ đại nhất của tiếng Ý” và là “một trong những đỉnh cao của văn chương nhân loại” – Dante Alighieri (1265–1321), “nhà văn vĩ đại nhất của tiếng Pháp” và “bộ óc vĩ đại nhất của loài người hiện đại” François Rabelais (kh.1494–1553), “Cha đẻ của văn học tiếng Anh” Geoffrey Chaucer (kh.1343–1400)... cho đến bọn như kịch tác gia Đức Georg Büchner (1813–1837), tên “đáng nhẽ 2 lần Nobel” Franz Kafka (1883–1924), thằng “Nobel 1929” Thomas Mann (1875–1955), gã “Nobel 1972” Heinrich Böll (1917–1985), tên “Nobel 1999” Günter Grass (1927~)... đông chưa đếm hết.[4]
 
Kinh thật là có thằng nghệ sỹ người Ý tên Piero Manzoni còn đem cứt mình đóng thành 90 hộp, đặt tên các tác phẩm này là Cứt nghệ sỹ (Merda d'Artista / Artist’s shit), sau bán được khối tiền.[5] Cao nhất có hộp số 18 (124.000 EURO) và 1 hộp bán ở Anh được 80.000 bảng. Mà các viện bảo tàng nổi tiếng thế giới lao vào mua mới hãi. Việc làm của thằng này tất bị bà con mình la ó inh ỏi, không thể tránh khỏi. Nhưng rồi đã có một bác tên là Huê Nguyễn ở tận xứ Kangaroo bình thế này:[6]
Trong Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh có câu: “Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.” – “Chẳng nhơ chẳng sạch” (bất cấu bất tịnh) là tinh thần bất nhị uyên áo của Đông phương. Vậy mà đến thế kỷ 21, nhiều người Việt Nam tự xem mình là hiểu biết nghệ thuật, nhưng vẫn không hiểu nổi Manzoni!!!
 
Về những cục cứt nổi tiếng nhất thế giới thì cứt của Piero Manzoni còn “chưa là cục cứt gì” so với cục cứt của Ngô Vương Phù Sai. Cục cứt này vĩ đại nhất thế giới vì nó được một ông vua khác (Việt Vương Câu Tiễn) liếm. Cục cứt của Ngô Vương còn vĩ đại hơn nữa khi nó là một trong những nguyên nhân để Việt Vương nuôi chí căm thù, sau này tiêu diệt Ngô Vương và đập tan nước Ngô. Có ai ngờ cứt khiến diệt thân mất nước. Còn ai ngờ cứt bỗng nhiên sang (khi “văng” cả vào miệng vua). Còn không thể ngờ nữa khi cả một dân tộc (nước Việt) đã phải nhai một thứ lá cây để cho mồm mình được thối như cứt vì mồm Việt Vương luôn bốc lên cái mùi ấy từ ngày nếm cứt Ngô Vương.
 
Có một cục cứt trí tuệ ngút trời, vì nó được dùng để ví với toàn bộ giới trí thức “tinh hoa”. Đó là cục cứt của Mao Chủ tịch (tức Lông Trùm Chiếu) văng ra: “Trí thức là cục phân”.
 
Ở Việt Nam, trước Thiệp, còn có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nổi tiếng nhờ cứt trong thơ Bút Tre:
Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh,
Anh về phân bắc phân xanh theo về.
 
Hiện nay còn có Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã vào “ca dao mới”:
Hoan hô anh Nguyễn Sinh Hùng
Nghỉ hưu sẵn có một thùng vàng mươi.
 
Về “cứt” trong văn chương thì đã có nhiều người xông vào nghiên cứu, môn này gọi là scatology. Nhà phân tâm học khét tiếng người Pháp Dominique-Gilbert Laporte (1949–1984) còn viết một cuốn sách nghiên cứu lịch sử của cứt – Histoire de la merde – được xuất bản tại Paris năm 1978. Histoire de la merde đã được dịch ra tiếng Anh là History of shit và được nhà xuất bản của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) lừng danh ấn hành năm 2000.
 
Kinh khủng cụ nhất là hiện nay ở phương Tây có trào lưu ăn chơi thác loạn với cứt đái “tươi”, chắc là khoái cảm tột độ, Hầu tước Sade có khi phải gọi bằng cụ. Ai tò mò thì hãy gõ mấy chữ “scat piss” hay “scat world” vào google sẽ rõ.
 
Chơi cứt cũng đã đến Việt Nam rồi đó. Đây là tin trên báo:[7]
"Bán cho cục cứt" đã trở thành câu nói quen thuộc của đám trẻ đi chợ Trung Thu. Với nhiều hình dáng và màu sắc cực kỳ phong phú, và đặc biệt là vô cùng sống động, chân thật, không ít người đã "giật bắn người" khi nhìn thấy, nhất là bỗng nhiên thấy nó xuất hiện trên sàn nhà, góc tủ hay gầm ghế nhà mình. Chỉ với 8.000 đồng, bất kỳ ai cũng nhanh chóng sở hữu một "cục". Màu vàng, màu xanh..., trẻ con, người lớn..., táo bón, phân nát tất cả luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của những "thượng đế" khó tính.
 
Đi dọc phố Hàng Mã, Hàng Cân, Lương Văn Can những ngày này, người xem không thể không dừng lại trước những món đồ kỳ dị nhưng không kém phần bắt mắt. Bằng chất liệu xốp dính, các nhà sản xuất đã tạo ra vô vàn các hình thù lạ lẫm, mà mới nghe qua cứ tưởng chuyện đùa. Làm theo hình các con thú giờ đã trở thành chuyện xưa. Đừng ngạc nhiên khi thấy trẻ con bây giờ chơi với đờm dãi, phân người, thậm chí là cả bộ phận sinh dục. Lạ, rẻ, vui... Có lẽ chính vì lẽ đó mà cái dịch vụ bán "cứt" bỗng trở nên đắt hàng đến thế trong những ngày Tết Trung Thu?
 
Hỡi nghệ sỹ! “Hãy văng cứt nữa vào nhưng phải là những cục cứt đầy bản sắc văn hóa đông tây kim cổ.”[8]
 
09/09/09
 
 
_________________________

[1]Nguồn: http://blog.360.yahoo.com/blog-L0PwN...iQ-?cq=1&p=172

[2]Xem Nguyễn Hưng Quốc, "Phân trong văn Nguyễn Huy Thiệp", trên VOA blog.

[3]http://www.thuvienhoasen.org/bonmuoibacongancuatranthaitong.htm

[4]Xem Nguyễn Tôn Hiệt, "Cứt trong nghệ thuật", trên Tiền Vệ.

[5]Xem Nguyễn Hưng Quốc, "Phân quý hơn vàng", trên Tiền Vệ.

[6]Như trên.

[7]Nguồn: http://diemtin.com/Buon-chuyen_10/Ban-cut_10_43524/

[8]Xem Đặng Thân, "Nổi đình đám vì chim? Khét tiếng nhờ cứt?", trên Tiền Vệ.

 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021