thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƯ HÀ NỘI [II]

 

Nguyễn Thu Hồng & Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ (2002)
với lời giới thiệu của Hoàng Ngọc Biên
[nxb Trình Bầy, Tủ sách Nhân & Dân, 2003]

 

 

JEAN TARDIEU

(1903-1995)

 

Đã đăng: [I]

 

THƯ HÀ NỘI [II]

 

 

30 tháng giêng

Đây là một đoạn nhập đề vui: sáng nay tôi có một cuộc chuyện trò về văn chương hoàn toàn thân mật với viên chỉ huy cũ, sắp ra đi, và người mới, vừa từ Pháp đến, tên là Aymé có ông em là Marcle Aymé vừa cho xuất bản ở nhà NRF một cuốn tiểu thuyết có tên là Aller Retour. Ông này đến lãnh đạo Sở Tình Báo tại bộ tham mưu và sẽ là sếp trực tiếp của tôi. Và như thế là ông đã biết tôi hiện là thư ký của bộ tham mưu. Sự tình cờ đã khiến tôi gặp được hạnh phúc nhiều hơn tôi kỳ vọng. Cách đây hai tháng — một tháng sau khi tôi đến đây — khi tôi được gọi lên, tôi tin chắc là tôi sẽ được gửi đến trung tâm huấn luyện học viên-sĩ quan, cách đây 40 cây số, nằm trong một miền đất tuyệt đẹp đầy thung lũng, vùng cao nguyên rộng phía bắc giáp ranh với giải núi Bâ-Vi[18] tuyệt đẹp. Ở đấy tôi sẽ sống một cuộc sống lành mạnh, nhưng rất vất vả, nhát là vào mùa hè: tập luyện, đi bộ 20 cây số ở 32° dưới bóng râm, cộng thêm cái lý thuyết huấn nhục, học thuộc lòng, thi sát hạch, v.v... Nhưng rốt cuộc rồi tôi cũng quen dần với ý nghĩ đó, bởi thế đối với tôi đây thật là một sự bất ngờ gần như khó chịu khi ở hội đồng tái kiểm tra — trong khi ở Pháp tôi đã được “chấm” tại ngũ — người ta nhận ra là tôi không đạt được tỉ lệ kích cỡ qui định mà người ta đặt ra giữa trọng lượng và chiều cao; tôi thiếu mười ki lô, nghĩa là một ki lô cho mỗi mười phân cuối cùng đo từ đầu![19] Tôi phải nói là khi viên tham mưu trưởng còn do dự về số phận của tôi, do bản chất ít hiếu chiến của mình, tôi đã không tìm cách đem cái “tại ngũ” ra để gây ảnh hưởng. Và giờ đây tôi vui mừng được cái tỉ lệ kích cỡ phi lý “trọng lượng-chiếu cao” kia cho tôi được sống lặng lẽ những ngày hạnh phúc trong một ngôi vườn đẹp — tổng hành dinh, chung quanh là những người sếp dễ thương, phần lớn là dân học thức và là những độc giả lớn của báo NRF. Vậy là tôi được chuyển qua loại bổ trợ, rồi, với tư cách một anh lính quèn có được chút ít học vấn, sau đó được bổ vào làm luôn ở bộ TTL,[20] với chức năng thư ký cho bộ tham mưu. Thế nên trong khi chờ bổ nhiệm tôi chỉ sống có mỗi một tháng trong trại quân thuộc địa số 9 và chừng đó đã đủ cho tôi có một cái nhìn về một loại người rất thú vị để tìm hiểu, tôi muốn nói đến những anh lính chuyên nghiệp, mà những bọn lính đánh thuê thời Cổ đại, những đám võ biền thời Phục hưng hay những “binh lính Năm II” có gớm ghiếc, có tuyệt vời thì cũng gớm ghiếc, tuyệt vời như thế mà thôi. Hiện giờ tôi không hề có cảm tưởng đang sống cuộc đời quân ngũ: tôi đến một “văn phòng” từ 8 giờ mười lăm đến 11 giờ mười lăm và tỊ 2 giờ đến 5 giờ mười lăm, và thế là thôi, được miễn mọi thứ tập luyện trừ việc tập sử dụng máy đánh chữ!

Kế đó, hai việc trùng hợp nối tiếp nhau mà đến nay hãy còn làm sáng tỏ chân trời của tôi: người vợ rất trẻ của một viên đại úy rất trẻ xuất thân trường Saint-Cyr của bộ tham mưu quen với... Schimidt, trước là do đã có vài lần gặp ông này tại nhà trường người bạn chung — nhưng đó chỉ là quen gián tiếp — còn trực tiếp hơn nữa, có lẽ tôi phải nói, là qua người bạn gái than thiết của bà, vốn là chị em họ với Albert; và bởi vì bà vốn luôn say mê văn chương, nên qua trung gian của người bạn gái, từ nhiều năm nay bà đã chịu ảnh hưởng của Schmidt, và nắm biết tất cả những gì ông ấy nói hay viết, tất cả những gì ông ấy từng nghe ở Pontigny và ở Paris, và đọc cùng những cuốn sách ông ấy đọc! Cuộc gặp gỡ thứ hai: viên chỉ huy trẻ của tôi là người không thể ngồi yên một giờ đồng hồ mà không nói về văn chương hay triết học, có người em là tác giả đã xuất bản sách ở nhà NRF. Rốt cuộc tôi được nhập bọn với những người quan tâm đến văn học nói chung và nhà NRF nói riêng, hơn hẳn những người chỉ thích văn chương kiểu “tài tử” và tôi không hề chờ đợi được tìm thấy trong giới quân sự. Cái không khí ở đây có thể nhắc tôi nhớ tất cả những gì là nguồn vui và cuộc sống của tôi hơn! Cuối cùng, thưa ông, và đây mới chính là chỗ tôi muốn nói đến nhất, ấy là một lần nữa, với tôi, đây lại là một dịp phải mang sự biết ơn sâu và đầy cảm kích đối với ông trong cái hoàn cảnh xa cách ghê gớm này: thơ tôi được cho đăng vào mùa hè này đã giúp tôi có được một vị trí đặc biệt trong thời gian tôi làm quân dịch ở đây. Sáng nay, khi tôi đến trình diện thiếu tá Aymé, ông ấy liền hỏi tôi có phải là người có thơ đăng trên tạp chí NRF. Bây giờ ông ấy và tôi chúng tôi đã coi nhau gần như họ hàng, và việc lao dịch biến thành một cuộc vui bất ngờ và buồn cười. Liền sau đó, ngay sáng hôm nay, tôi đã nghĩ đến ông, lòng sung sướng, cảm động biết bao giờ đây lại có thêm một lý do nữa — cái lý do này thật quả là rất bất ngờ! — để biết ơn ông về cái tình bạn quá ư tuyệt diệu, vững bền và hiệu nghiệm của ông.

 

2 tháng hai, 10 giờ, tối

Vẫn cùng bối cảnh như trên. Mùa đông vẫn dai dẳng. Tôi chợt nhớ: cái lần mùa hè năm ấy, ở Bellême,[21] khi ông tiếu lâm đề nghị viết một cuốn tiểu thuyết trong đó thứ tự các mùa sẽ đảo lộn hết. Một câu tỉ như “Một mùa đông nóng như thiêu tiếp nối một mùa thu đầy chồi nụ” đã làm tôi rũ ra cười như điên; ở đây tôi nhận thấy điều đó lại rất nghiêm chỉnh, nhất là khi nói đến cây cỏ, sức mạnh gần như bản năng, giống như trong một thành phố có những người không cùng tôn giáo sống chung với nhau, ở đây, giữa các loại cây cỏ, có loại chọn sống theo kiểu châu Âu, có loại theo kiểu nhiệt đới v.v... Buổi sáng khi đến bộ tham mưu tôi đi ngang qua một con đường hai bên có trồng cây thật đẹp, những thứ cây chọn cho rụng lá vào mùa đông: nhìn những cành cây trụi lá đan chằng chịt trên nền trời trắng của một buổi sáng mai lạnh, cứ đứng trên con đường ấy là tôi có thể tưởng là mình đang đi loanh quanh gần vườn Luxembourg; nhưng cảnh trí thay đổi ngay ở khúc quanh: trên một mảnh đất chia ra từng lô đang chờ người hỏi mua, người ta trồng một vườn chuối. Những tàu lá chuối to màu sáng đong đưa dưới gió trông như những đợt sóng, những cây cao nhất trĩu xuống dưới sức nặng của một quày chuối màu xanh cây phơn phớt lam trời, mượt như nhung, và cả cái màu xanh cây trong suốt đó, ngay vào một ngày có mây, vẫn như rực ánh mặt trời và tạo ra chung quanh nó một bầu không khí nhiệt đới. Tuy nhiên, cái ánh sáng thật sự của nước An-nam, cái ánh sáng tạo ra cho nó một bộ mặt đặc biệt, một vẻ đẹp sâu đậm và tinh tế hơn cả, không phải là ánh sáng chói truyền thuyết của cái mà người ta gọi là phương Đông, mà thật ra, nói cho đúng là để chỉ miền “cận” hơn là viễn Đông; ngay như nếu mùa hè, mà đến nay tôi chưa được biết, dù có cho phép tôi cải chính, tôi cũng vẫn sẽ giữ ý kiến rằng cái thần của phong cảnh Bắc Kỳ được biểu lộ và tóm lược bằng một ngày bão tố và mù sương, khi mặt trời, khi tất cả những luồng sáng toả trong khí quyển bị che mất hết phân nửa dưới một lớp bẩn quặng đục và xám; toàn bộ vùng ánh sáng bị che khuất ấy, bị giảm xuống, vừa chói loà mà cũng vừa dịu dàng gợi trong tâm hồn ta những âm vang sâu thẳm như âm nhạc; chính trên cái vùng châu thổ mênh mông này, trên những đồng bằng vô tận đầy đầm lầy và ruộng nương này hoặc chung quanh những cây cối khổng lồ tạo ra giữa trời và đất một đường lưu thông hơi nước phi thường, mọi vật đều thấm đẫm hơi ẩm, những vùng biên chìm ngập, bầu trời nặng trĩu những đám sương mù mà mặt trời không ngớt hít vào. Người ta nghĩ đến lối giải thích thế giới của Socrate trong Phédon: phía trên chúng ta, rất cao, cao hơn bầu khí quyển, có một giống người miền cực lạc đang sống trên mặt những dòng nước địa ngục; và chúng ta thì đang lê lết trong những chỗ trũng của những vùng biển thiên đường. Đúng là như vậy: ở đây người ta tưởng mình đang bước đi: thật ra người ta đang bơi. Người ta đang ở dưới đáy nước. Thế nhưng ở quá gần nước Trung Hoa rộng lớn, cái người ta hiểu trước nhất chính là những mối quan tâm của các hoạ sĩ già người Trung Hoa của các thời đại lớn. Cái nghệ thuật nhận chìm những hình ảnh gợi lại của mình trong một vùng mù sương nơi ý niệm về tỉ lệ lạc mất hướng, nơi những ngọn núi kinh hoàng bị mây bao phủ mọc sừng sững từ một cái vịnh sâu mà người ta không biết chính xác biển bắt đầu từ đâu và mưa cùng với sương mù chấm dứt ở đâu; cái nghệ thuật đưa lên một bức tranh nhỏ cái ấn tượng xa cách và mênh mông, mà nghe nói những ông “Léonard” người Trung Hoa[22] đã biến thành một khoa học chính xác; và sự vắng bóng của những màu rực rỡ — tất cả cái đó, người ta hiểu không phải chỉ là những lối thể hiện mà là những phong cảnh có thật được quan sát một cách trung thực rồi được đem diễn dịch bằng ngôn ngữ quỷ quyệt của sự tưởng tượng vốn dĩ tóm bắt được cả thiên nhiên tươi rói vào trong một cái lưới những ảo ảnh đánh lừa. Buổi chiều, trước khi mặt trời lặn một lúc, tôi thường đi dạo bên bờ sông Hồng, trên con đê cao bằng đất mà một cách kiên nhẫn, từng giỏ từng giỏ, những người dân Bắc Kỳ mỗi năm đắp cao lên để bảo vệ thành phố chống lại những trận lụt khủng khiếp của mùa xuân. Bên trong con đê này, dưới đáy sông bấy giờ đã khô, đã có sẵn một bãi đất cao, gần như một ngọn đồi nhỏ, chắc hẳn là một con đê cũ, dưới chân bãi đất ấy cuối cùng người ta nhìn thấy sông; sông xoay hướng ở đây và làm thành một cái vịnh rộng, ngay cả vào giờ nước rút, trông giống như một eo biển. Từ mũi đất nhỏ nhô ra biển chỗ tôi đứng, tôi nhìn thấy dưới chân mình những chiếc ghe đánh cá, xa hơn nữa, những chiếc thuyền chèo lướt qua hay những thuyền buồm trở về bến. Phía bên kia, con sông dâng lên, dâng lên, có vẻ như cao hơn cả chân trời. Cuối cùng, một đường vạch mỏng xám nhạt ở xa cho ta thấy mơ hồ một bờ sông. Trong cả khoảng không gian đó, không có một màu chói, không có một màu đỏ thực sự, không một màu xanh cây hay màu vàng dữ dội như người ta có thể thấy ở Ấn-độ. Chỉ có một màu đơn tuyệt đẹp: xám-nâu. Tất cả những gam xám và hạt dẻ, ở đó những màu sắc trộn lẫn vào nhau một cách kín đáo chỉ để bắt chỗ đất bùn này cất lên một khúc hát đơn điệu buồn man mác, vô cùng uyển chuyển và sâu lắng. Con sông màu nâu pha sắc tím óng ánh những tia bạc ngả vàng; những chuyển biến không tả được khiến mọi vật biến đổi qua cả ngàn sắc thá khác nhau của xám-beige, xám xanh, đen-nâu, nâu đỏ nhạt, xanh lá-nâu. Dân chúng, do một thứ trực giác đầy trìu mến dành cho phong cảnh của mình, mặc áo quần màu hoà hợp với bối cảnh chung quanh: chỉ có những chiếc áo dài vải thô nâu, những quần áo rách đỏ gạch đã bạc màu. Dưới chân tôi, những khối nâu ấy cử động trên những chiếc ghe làm bằng một loại gỗ đẹp màu đen hay màu gụ; một chiếc cầu tre nhỏ oằn xuống dưới sức nặng của một người phụ nữ đang đi qua. Dáng người đàn bà nổi rõ hơn trên những ánh phản chiếu màu vàng đục của nước: chiếc quần rộng, cái áo dài tà phất phơ của bà đều màu đất, một chiếc khăn trùm đen gấp thành nếp quanh má. Đầu đội một cái giỏ đáy bằng đựng đầy đất hay than bùn, bà đi qua với dáng điệu của người trong tranh Gauguin.[23] Phía trên người phụ nữ tôi thấy những cánh buồm của thuyền đánh cá lướt qua. Những cánh buồm màu vàng rơm hay vàng gạch, hay vàng-xanh, hay xám. Gió thổi, nước vỗ vào mạn một chiếc thuyền đang neo. Một chiếc ghe bé tí tẹo, chất đầy người, lướt mau từ xa; trong màn đêm vừa xuống tôi trông thấy những người chèo thuyền, đứng trước mũi và đàng tay lái, cúi rạp người đổ hết sức nặng của mình lên cái mái chèo dài trông như mái chèo của những người chèo thuyền gondola; thỉnh thoảng họ cất tiếng hò một câu nghe chua và buồn rất thanh, cả câu hò là những tiếng ngân chuyển không sao theo kịp. Nếu có một trận mưa bụi chích vào ta bằng cả ngàn mũi kim vô hình, những người trên sông nước ấy phủ lên mình một chiếc áo tơi chằm bằng lá khô, màu rơm, khiến họ trông giống như những con chim bộ lông tung rối trước gió. Cao hơn, xa hơn, trời và nước, không nhốt lại tầm nhìn, chập vào nhau; hình như những con người bé tí ti kia vừa bị mất hút vì khoảng không gian mênh mông vừa được bảo bọc vì co cụm lại thành một, trí óc không bị lạc mất, mà mở rộng và lẫn vào khí quyển; trong lòng mình, người ta không còn biết chỗ nào chấm dứt những phản ánh và những rối ren của thế gian — còn bên ngoài, người ta không biết lan tới tận đâu những suy nghĩ thầm kín nhất. Vậy thì nếu ta nghĩ đến những hoạ sĩ nước Trung Hoa, đến những ác quỷ huyền bí của đất nước này, đến đạo Lão, đến đạo Phật — đến nguyên cả cái tư tưởng không ngớt làm dao động cả thế giới bên bờ vô thức, thì ta cảm thấy là ta có thể hiểu được tư tưởng này: những màu xám, không khí đẫm nước, một lúc nào đó thôi, đã tạo cho ta một tâm hồn mới.

 

2 tháng 3

Tôi đọc lại những trang trước. Chúng làm tôi thấy tràn ngập tiếc và buồn: cái mùa đông tuyệt diệu ấy đã qua, tôi tin vậy. Nó đã bay mất hút vừa đúng hai ngày rồi. Tại sao tôi không tiếp tục viết lá thư của tôi trong suốt thời gian ấy? Có một cách giải thích có thể chấp nhận được: tôi không đọc cũng không viết, tôi chỉ có thể sống thế thôi, chỉ thưởng thức cuộc sống, bồi bổ sức khoẻ, dự trữ sức chịu đựng cho những ngày khắc nghiệt sắp tới. Cái lạnh kia, nó thật là tuyệt diệu. Bởi vì trời đã lạnh, thật sự lạnh, và người ta trùm lên mình nhiều áo len đan, áo khoác và, ngay cả khi ních một đống áo như vậy người ta vẫn có thể đi bộ hàng giờ không thấy mệt! Vì thế tôi đã không tước đi của mình cái môn thể thao đó. Chẳng những tôi cố gắng đi bộ ít nhất hai lần một ngày trên quãng đường — độ ba cây số — từ chỗ ở của tôi đến bộ tham mưu, mà, liền sau khi ra khỏi văn phòng, lúc 5 giờ mười lăm tôi đi khắp thành phố, khắp các bến sông hoặc những vùng lân cận sát thành phố, đi không ngừng, đi thật nhanh, cho đến lối 8 giờ. Ngày chủ nhật cũng vậy, tôi cũng đi dạo; có một hôm chủ nhật tôi đi bộ suốt cả ngày, chỉ có dừng lại để ăn. Và bây giờ tôi tự khen mình là đã hoạt động nhiều như vậy; điều này nay tôi không còn làm được nữa, ít ra là không còn c ó thể đi mà không thấy mệt. Hôm qua sau một ngày rất nóng — nhưng vẫn còn nóng một cách dễ chịu — khí mát của buổi tối êm dịu đến nỗi tôi ngỡ là tôi có thể dễ dàng, giống như tuần vừa qua, đi bộ thật lâu từ 5 giờ mười lăm đến 8 giờ. Mặc một bộ áo quần bằng dạ theo đúng qui định — chỉ khoảng một tháng nữa thì mới có thể mặc được vải thường! — tôi ra đi dọc theo các bến sông, hay đúng hơn là trên các bến sông, nơi đi dạo ưa chuộng nhất của tôi; một ngọn gió mát thổi qua, nhất là dễ cảm thấy trên con đê cao này, cái núi đất nện, mà những đội quân phụ nữ đã đắp cao lên từng giỏ từng giỏ. Cứ thế tôi đến tận “cầu Doumer”, cái cầu duy nhất nối liền Hà Nội với bờ sông bên kia. Phải nói rằng cái cầu này là một trong những công trình lớn nhất mà các kỹ sư của chúng ta đã hoàn thành ở đây: đó là một cái cầu bằng sắt, có những vòm chống đồ sộ và dài hơn một cây số rưỡi; giữa mặt cầu có một đường sắt và mỗi bên có một đường cho xe hơi và những bờ lề cho người đi bộ. Từ rất xa phía trên cánh đồng bằng phẳng người ta trông thấy những vòng lượn của con rắn khổng lồ kia lướt đi, nhẹ nhàng, duyên dáng và mạnh; qua những xà ngang cao nó để lộ một chân trời giống như chân trời trên biển, tuy trông như một công trình xây dựng mong manh nhưng lại đã cầm cự được trước những trận bão và những trận lụt khủng khiếp nhất. Xét như một công trình xây dựng bằng sắt thì nó đúng là công trình quan trọng nhất tôi được thấy sau tháp Eiffel. Thế nhưng một trong những vẻ đẹp của nó, và không phải là cái ít nhất, là ở chỗ, treo lơ lửng ở một độ tương đối rất cao, nền cầu giống như một phên mắt cáo bị xuyên thủng bởi đủ các luồng hơi và các ngọn gió mà khi đổ về đây những đợt sóng cuồn cuộn của sông Hồng đã mang theo. Vào mùa hè, hình như đây là nơi duy nhất của thành phố mà người ta có ảo tưởng là mát mẻ — và lúc đó, trong khoảng thời gian tương đối hãy còn mát mà người ta gọi là “mùa xuân”, trên cầu này người ta thở một thứ không khí thoáng đạt, trong sạch, vạm vỡ, giống như không khí ngoài biển khơi. Thế nhưng nhất là cảnh tượng này! Hôm qua, tôi đã dừng lại rất lâu ở giữa cầu, sau khi mặt trời lặn, khi một thứ ánh sáng yếu ớt và mượt mà còn lẫn vào bóng đêm đang lan dần, để ngắm những khoảng không kỳ diệu ấy, lòng sông, cánh đồng vô tận. Không, cho đến bây giờ, chưa có một cái gì, ngay cả chân trời trên biển, chưa có một cái gì từng cho tôi tới mức ấy cái ấn tượng về không gian, cái không gian ở trạng thái thuần túy, gần như chính là “ý niệm” về không gian: nếu một hoạ sĩ muốn đứng ngay chỗ tôi đã đứng hôm qua để vẽ, tay chống vào lan can bằng sắt, thì trên một khung vải chiều cao mười lần lớn hơn chiều ngang, anh ta sẽ phải vạch ngay tận dưới “trang vẽ” của mình, gần như trong khung, một dải mỏng, thật mỏng, tượng trưng cho mặt đất, cánh đồng, một đường thẳng không định được màu sắc, mờ hơi nước, vừa nhạt vừa đậm. Trọn phần còn lại của khung vài sẽ dành cho bầu trời và những đám mây cao ngất. Tôi nhìn về phía tây và phía bắc và cùng lúc ấy tôi phát hiện ra châu Á là gì: tôi nghĩ đến những con sông của nó có thể chứa được cả mười hay hai mươi con sông Danube lớn nhất của chúng ta, đến những cái cây cao hơn cả những cây tuyết tùng cao nhất của chúng ta. Cuối cùng, với một cảm giác khiếp sợ thầm kín, tôi nghĩ là ở đàng ấy, phía sau cái chân trời ấy, có tới 400 triệu con người đang nổi dậy, tôi nhìn thấy cả một biển tóc mượt dầu, nhô lên và chìm xuống và va chạm nhau, vô trật tự, trong một sự bất hoà khủng khiếp, như những ngọn sóng vào một ngày dông bão, và đường chân trời có vẻ như đang nhô lên và chìm xuống cách nhau tới cả ngàn mét theo mỗi cử động của con tàu.

 

14 tháng ba

Lại một sự gián đoạn mới! Có lẽ câu viết cuối cùng ở trên, bởi cái tính hơi hoang tưởng của nó, cho thấy trước bệnh cúm nhẹ đã bắt đầu bám theo tôi. Ít ra là tôi muốn tự thuyết phục mình rằng chỉ là cái bệnh cúm ấy — chứ không phải là nhiệt độ — đã đem lại cho tôi, ít lâu sau, mấy ngày khó chịu đến thế. Có một sự trùng hợp — mà tôi không muốn đào sâu! — giữa sự khó ở này với cái nhiệt độ, trong ba ngày, tăng lên với một tốc độ khủng khiếp, và đã đến một cao điểm tột cùng hình như có thể so với nhiệt độ mùa hè — cũng là sự trùng hợp, giữa cái cao điểm tột cùng ấy của khí nóng và của bệnh cúm của tôi! Nhưng may thay mùa hè chưa phải đã khai trương, đó chỉ là một cơn dông, ít lâu sau, đã chấm dứt nhanh cũng như khi nó đột phát. Hiện giờ thì trời lạnh trở lại, “mưa phùn”, cơn mưa nhỏ mát và kéo dài, trời đầy mây và xám: người ta cảm thấy sống trở lại! Tôi như vừa ra khỏi một cơn ác mộng vì tôi đang đau cả tinh thần lẫn cơ thể — về cơ thể thì đây là một tình trạng mỏi mệt kinh khủng, và là một cơn đau co quắp sau ót, đau ghê gớm, giống như tôi bị nghiến chặt trong hàm Cọp. Về tinh thần, thì đây là một thứ trống vắng khủng khiếp y như tâm hồn đã bị mất đi, không phải hoạt động của lý trí, mà là những điểm mốc của nó, sự thăng bằng của nó, trọng tâm của nó. Tôi chỉ còn có thể tự hỏi: “Ta đang ở đâu đây? Chắc chắn là ở khắp nơi, ngoại trừ trong một cơ thể đang sung sướng được sống.” Đi kèm theo đó là những hình ảnh cuống cuồng, kỳ cục, gớm ghiếc chạy tán loạn, một cơn nửa nửa tỉnh cứ quấy nhiễu và rối rắm bám theo cái suy nghĩ hãy còn rất ý thức và biết phải trái của tôi. Và từ chiều tối, lúc 8 giờ, trong phòng ngủ của tôi, nghĩa là phòng cao khoảng sáu hay bảy mét, tất cá các cửa sổ đều mở, tôi như ngây dại, xa vắng, đưa mũi trước chiếc quạt máy khổng lồ quay vù vù với tốc độ của một cái chong chóng máy bay. Thế mà người ta khẳng định với tôi rằng “cái này còn chẳng là gì so với mùa hè”!! Nghĩa là, hôm nay trời lạnh, tôi vui vẻ và trong người cảm thấy rất vững vàng: thì hãy cứ coi như cái ngày trứ danh đó, tôi bị cúm, vả lại thật sự là như thế, chỉ là cúm thôi... nhưng tôi không làm sao khỏi tin chắc rằng sáu tháng nóng sắp tới đây đối với tôi sẽ là sáu tháng cực hình thực sự. Thôi ta cũng đừng nói tới chuyện này nữa.

Nhưng thử thách này có thể trấn an tôi ở một điểm: từ nay mẹ tôi và tôi, chúng tôi sẽ không còn hối hận nữa, khi năm tới đây chúng tôi lại lên đường trở về, và để cha tôi ở lại một mình. Có một điều thật kỳ lạ, là trong cùng một tình huống, những con người khác nhau có những cách phản ứng khác nhau: mỗi người phản ứng theo thể tạng yếu đuối của riêng mình hơn là theo những mặt mạnh của mình: vừa xuất hiện cái nóng ngột ngạt rít rắm, ẩm ướt, giống như khi ta tắm hơi, thì cha tôi, sức khoẻ vốn vẫn còn bị lung lay suốt mùa đông, bỗng nhiên như trẻ ra hai mươi tuổi. Ông bắt đầu làm việc hăng hái, ăn ngon ngủ yên trở lại, ông hát suốt ngày, và chưa bao giờ trí óc ông sáng suốt hơn, mau mắn hơn, chính xác hơn, chưa bao giờ ý chí ông nhanh nhẹn hơn: ấy là do chứng bệnh đặc biệt của ông, cái khuyết điểm của thể tạng ông nó nằm trong mấy cuống phổi; cũng như những người có cơ quan hô hấp mong manh, ông cần sống trong một bầu không khí thường xuyên thật nóng. Điều này cắt nghĩa được vì sao ông thật sự yêu mến đất nước này, có một sự hoà hợp giữa hai bên. Và tôi nghĩ đến những xứ ở vùng nhiệt đới, như châu Phi, Congo lúc nào cũng lôi cuốn Gide. Tôi có nhầm hay không, hay chẳng lẽ Gide đã không giữ lại từ thời niên thiếu của mình một thiên hướng nào đó về bệnh lao phổi? Và sáng nay tôi đọc lại bài viết tuyệt hay Baudelaire dành nói về Delacroix nhân ngày nhà danh hoạ qua đời. Delacroix, vốn có bệnh cuống phổi, suốt đời sống ủ trong những áo choàng, khăn quất kín mũi, và Baudelaire nói về “cái xưởng vẽ được che giữ cẩn thận, trong ấy, mặc dù khí hậu của chúng ta là khí hậu ác nghiệt, nhiệt độ lúc nào cũng là nhiệt độ của vùng nhiệt đới”! Ở đây tôi thấy dường như còn có nhiều những gì khác hơn chứ không phải chỉ là những sự trùng hợp, và tôi tin là các vị thầy thuốc sẽ cho tôi có lý: trái ngược với cái họ hàng của những khí chất mà tôi có thể gọi là bị “bệnh phổi”, thì có những người, trong số đó có tôi, mà tôi có thể gộp chung lại thành một nhóm dưới tên gọi là bị “bệnh gan”. Những người ấy có buồng phổi rất tốt, nhưng ngược lại họ luôn luôn bị cản trở bởi một cơ quan tiêu thực lười biếng, chế ra nhiều độc tố, và bởi cùng con kên kên đã từng hành hạ Prométhée, bám kịch liệt cùng cái vùng ấy trong cơ thể; những người này sợ mặt trời và khí nóng hơn cả sợ chết, họ khiếp đảm trước một bầu trời chói sáng và xanh, suốt mùa hè, họ tìm chỗ trốn dưới hầm và hét lên cùng với Mallarmé “Tôi bị ma ám, trời xanh, trời xanh, trời xanh, trời xanh!” Phải chăng Voltaire, người bị chứng “đau mật” khủng khiếp, dường như đã cảm thấy đời tuyệt đẹp khi ông làm việc trên những vùng cao nguyên trong lành ở Ferney, dưới mắt mình có cảnh tượng mát mẻ, chan hoà, thơm ngát của vùng núi Alpes? Và Baudelaire, người chỉ có thể ăn được các thứ bột khuấy dễ tiêu, dù có nhớ tiếc một miền Đông hoang tưởng nào đó, chẳng phải là đã chọn đúng chỗ của mình trên những đường phố màu xám của Paris tháng mười một, trong bầu không khí những tranh khắc của Meryon[24] hay những tranh phong cảnh thành thị của Bonington?[25] Thưa ông, tôi hi vọng không một phút nào ông nghĩ rằng tôi có ý định ngạo mạn đem so sánh, về đầu óc và tài năng, cha tôi với Delacroix, cũng như so sánh tôi với Baudelaire và với Mallarmé! Có điều là, để tạo cho mình một thứ y học sơ đẳng, những kẻ dốt nát như tôi chỉ có thể khen ngợi những nhà viết tiểu sử, cho dù những vị này rất thường là những người bỉ ổi, đã đi sâu xoi mói vào đời tư — tôi gần như có thể nói: về sinh lý — của các vĩ nhân: những “con người tiêu biểu” ấy, những khí chất được đánh dấu và được xếp loại đặc thù mạnh mẽ ấy, vốn đã biết tự mỗi người tạo cho mình một vũ trụ được sắp xếp rất hợp lý, rất chặt chẽ theo bản chất thầm kín của họ, giúp chúng ta có những điểm mốc để hiểu biết được con người thông thường trên đời, và có những con người có thể gọi là đứng đầu những ngành khác nhau trong một kiểu phân loại theo “bản chất”, “tính cách” hay “tính khí”. Như vậy, tự xếp mình vào với những người “yếu gan”, tôi hiểu rõ tôi hơn và đồng thời tôi tự giải thích cho mình, do đâu một bữa ăn thịnh soạn dưới mắt tôi lúc nào cũng là một tai hoạ còn tệ hơn cả một trần cuồng phong hay một núi lửa phun trào, và do đâu những ước mơ du lịch của tôi luôn hướng, không phải về phương Đông, mà là về những ngọn núi phủ tuyết của phương Tây hoặc những đám sương mù của phương Bắc: Thụy Điển, Tô Cách Lan, Nga! Vậy thì tôi đến những miền đất mà tự bản chất tôi đã có “ác cảm” này làm gì? Tôi thường lo âu tự đặt câu hỏi này — phi lý biết bao, bởi vì tôi đã muốn đến đây! Và đây còn là một nét của cái bản chất nực cười của tôi, là muốn rồi lại không còn muốn nữa và lúc nào cũng tiếc rẻ về những sai lầm của mình sau khi gọi chúng đến trong một cơn bốc đồng đột ngột và không cưỡng lại được; vậy là tôi phải đành chịu đựng một cực hình mà tôi đã tự đặt ra cho tôi — nhưng nếu tôi không chết vì bệnh dịch tả trong khi bệnh dịch lan tràn mùa hè hàng năm, nếu một năm nữa tôi bình an khoẻ mạnh trở về Pháp — hơn một năm! — tôi thề là sẽ ở lại Paris được chừng nào hay chừng ấy, sẽ tận hưởng ở đấy những đêm đông dài lạnh cóng, những ngày âm u và ngắn — hoặc là, nếu như tôi đi du lịch, tôi sẽ tìm cách viếng thăm Copenhague và những vịnh nhỏ, hoặc những cái “truông Ossian” hoặc những thảo nguyên nước Nga!!! Đây chỉ là một ước mong, không là gì khác.

Vậy thì tại sao cái thời tiết tuyệt diệu này của mùa đông đất Bắc Kỳ — như thời tiết hôm nay chẳng hạn — không thể kéo dài suốt cả năm? Được thế thì người ta sẽ sung sướng biết bao trong cái thành phố nhỏ này! Nhất là ở đây người ta có thể làm việc, có thể suy nghĩ, tập trung tốt như thế nào! Yên tĩnh làm sao! Im lặng làm sao! Và đời sống xã hội và giao tế ở đây thu gọn lại dưới hình thức đơn giản nhất của nó. Ở đây người ta sống giống y như giai cấp tư sản hiền lành xưa từng sống ở Lyon vào thế kỷ XVI, ở Rouen, hay ở Dijon vào thế kỷ XVII, hoặc nữa, trước thời đế quốc Phổ, kiểu một trong các vương quốc nhỏ nước Đức như vương quốc mà Gobineau mô tả trong Les Pléiades. Nếu như ở đây có được một đời sống tinh thần tuyệt đối là đang thiếu, nếu như người ta quên rằng “chúng ta không phải đang ở nhà mình”, và nếu một cuộc khởi nghĩa được lèo lái tốt có thể đuổi chúng ta đi trong vòng hai ngày, sau cùng là nếu như không có cái mùa hè khắc nghiệt này, người ta sẽ rất dễ tưởng tượng là một ông Kant có thể sống ở đây một cuộc sống y như ở Königsberg: đi dạo hàng ngày vào cùng một giờ, những giờ như nhau dành cho công việc hoặc nói chuyện để giải lao, với “Ngài Công sứ-đốc lý” hay “Ông Tổng thanh tra Công chánh” mà những chức tước hô ầm lên một cách oai vệ trên môi những người thuộc địa cũng như những chức tước “uỷ viên toà án tối cao” hay “thư ký riêng” hô ầm lên dưới chùm râu mép của những người cùng thời với Jean-Paul. Điều này còn là một điểm có thể lôi cuốn một con người ít nhẹ dạ như cha tôi: người đã biết mau chóng chọn, trong cái đám tầm thường những người công chức ấy, vài ngoại lệ, vài người bạn trung thành; hay đúng hơn, sự chọn lựa không khó: người chỉ cần tìm trong nhóm nhỏ rất giới hạn, rất khép kín, rất ganh tỵ với sự liêm khiết của mình, những “người đứng đầu trong thành phố”. Tôi nói ra điều này, dĩ nhiên, không có một chút gì tự kiêu vặt! Rất hiển nhiên là trong một xã hội mà trình độ thường là thấp hơn nhiều so với trình độ bên chính quốc, thì để tìm ra con người tương đương với những người mà ở Pháp người ta sẽ gọi là những “người có học vấn” hay những “nhà mến mộ am tường nghệ thuật và trí thức”, cần phải tìm tới cái chỗ cao nhất trong nấc thang thuộc địa, những người cầm đầu từ cấp rất cao: các tổng đốc, các quan chức hành chánh chính yếu, các người đứng đầu những cơ quan lớn, nghĩa là các “bộ trưởng”. Những người này họp thành một nhóm nhỏ, với con số rất ít, nhiều nhất là khoảng hai chục người — và những người “hạng nhì” thì chỉ bắt đầu từ cả một vực thẳm cách biệt dưới họ. Chính trong cái xã hội nhỏ được tuyển chọn, và tôi phải nói là rất dễ chịu này, chúng tôi đang sống. A, tất nhiên họ không làm tôi quên được những thầy và bạn của tôi ở Paris! Nỗi nhớ của tôi đối với ông, thưa ông, nỗi nhớ đối với những mảnh không khí nơi ông mà tôi có thể chạm nhẹ tới và hít vào, đối với cái hành tinh nhỏ mà tôi đã chịu ảnh hưởng dưới dấu hiệu Pontigny, nỗi nhớ này mỗi ngày một sâu đậm và đau đớn hơn. Nhưng tôi muốn nói là ở đây vào những giờ buồn chán, tôi có thể tìm ra dăm ba người để nói về những điều tôi thích, sau giờ “văn phòng” tôi có thể đến uống trà tại nhà một “Bà Tư pháp” này hay một “Bà Nghị viên” nọ, trong phòng khách các bà lúc nào tôi cũng chắc chắn tìm thấy bừa bãi trên mặt bàn một đĩa hát “hợp xướng da đen” mới nhất và thú vị nhất. Chẳng hạn người bạn thân nhất của cha tôi, ở đây giữ một chức vụ gì như là bộ trưởng bộ Công chánh, là một người có học vấn, khôn khéo, thanh nhã, nói chuyện với ông lúc nào cũng bổ ích, và mới đây tôi đã rất vui được nghe ông ấy nói với tôi về Gide và Mallarmé hay hơn nhiều so với một người mến mộ đơn thuần. Hơn thế nữa, ở đây tôi có thể tìm thấy những con người không bị nhiễm đầu óc thuộc địa và trước mặt họ tôi có thể tha hồ cho tuôn ra những nghi ngờ của tôi, những phê phán của tôi, những bất bình của tôi, ngay cả khi nói tới giá trị của ý niệm khai thác thuộc địa: chẳng hạn, trong số họ có một phụ nữ trẻ là “đồ đệ” không trực tiếp của Schmidt, hoặc hay hơn thế nữa là một thiếu nữ sau khi đậu bằng P.C.M.[26] và bằng cử nhân khoa học ở Pháp đã miễn cưỡng đến đây nhận một việc làm bên cạnh cha cô là một y sĩ. Đấy là một người thật sự khổ sở vì thiếu môi trường trí thức, vì sự tầm thường của những nơi giao du lui tới, vì sự câm lặng của những người “bị thực dân hoá”, vì sự khắc nghiệt của mùa hè; với cô ấy tôi có thể nói về xứ Na-uy tôi chưa được biết đến và vẫn ước mơ, về Jouvet, về rạp chiếu bóng Les Ursulines,[27] về ông, về Claudel, về Gide, về những người trong nhóm siêu thực, về nỗi nhớ tiếc của chúng tôi đối với khu vườn Luxembourg và phố Soufflot; và chúng tôi cứ cùng nói lui nói tới rằng một cái gác xép trên núi Sainte-Geneviève cũng vẫn còn hơn cái xa hoa sang trọng mong manh và đầy đe doạ mà chúng tôi đang hưởng ở đây, và chúng tôi trù tính những khả năng làm một chuyến trở về bằng xe lửa xuyên Sibérie, và tôi còn nhớ nỗi vui mừng của tôi — và cả nỗi vui khi hơi bị chạm tự ái một chút — khi cô thiếu nữ rất “giỏi về khoa học” ấy chứng tỏ cho tôi biết là cô hầu như theo dõi sát tình hình văn học hiện đại hơn cả tôi. Rốt cuộc ông thấ đó, tôi không phải là người đáng thương, nhìn toàn bộ, thì cũng không phải chỉ là vấn đề quân dịch nữa... ấy thế mà tôi chỉ nghĩ đến chuyện trở về!

Nhưng, để trở lại chuyện xã hội Hà Nội, thì xã hội này ngoài ra còn cho tôi cơ hội có thể nghiên cứu dễ dàng những guồng máy nhỏ và lớn của đời sống. Thật thế, tất cả những gì vẫn còn bị giấu kín và bí ẩn dưới mắt một người dân Paris không phải là dân “cai trị” mà là dân “bị trị”, giờ đây người ta có thể thấy phơi bày như được trải ra trên bàn mổ. Vài ngàn người Pháp đang cai trị đất nước này cùng với những thuộc hạ bản xứ của mình tạo thành một cơ cấu đầy đủ, một nước Pháp thu nhỏ trong đó mỗi bộ phần đều có đại diện được thu nhỏ: có một chính phủ với một người đứng đầu, các bộ trưởng, các “ban bộ”, Tư pháp, Giáo dục, Cảnh sát, Quốc phòng, Nội vụ, Ngoại giao, v.v., những đảng phái, một tờ báo của chính quyền, một tờ đối lập, và trong số những người An-nam, vài tờ báo cách mạng, rồi đến đội ngũ kỷ luật một phép của những công chức và những đại diện đủ loại. Cuối cùng là kỹ nghệ và thương mại. Và không có gì vui mắt hơn là nhìn thấy cái Nhà Nước biếm hoạ này đóng trò: người ta sẽ tưởng như đang “sống” trong tiểu thuyết La Chartreuse de Parme hay Les Pléiades. Khổ thay, để có thể thấy thích thú mà không hề mang ẩn ý khi chiêm ngưỡng cái bộ máy lộng kính kia, ta phải có khả năng quên là cái trò chơi ấy hoạt động nhờ vào cả một dân tộc đông đảo đang “chịu đựng” nó mà không chấp nhận nó với sự hồ hởi và dường như dưới kiểu hạ cố buồn phiền ấy, đang ngấm ngầm nuôi cái hi vọng bền bĩ, kiên nhẫn, gần như bí ẩn, một ngày nào đó sẽ được nhìn thấy cái đồ chơi ngộ nghĩnh kia nổ tung ra trên không! Đôi khi tôi làm được như thế sau nhiều cố gắng, vả lại, muốn thưởng thức một cách thoải mái cùng lúc cái quang cảnh xã hội châu Âu một mặt, và mặt khác là quang cảnh xã hội châu Á, một nhà quan sát vô tư phải cố gắng phân biệt rõ rệt trong đầu óc mình hai thế giới ấy: trộn lộn hai thứ không đem gì lại cho sự suy nghĩ khác hơn là cái khập khiễng, cái bấp bênh, cái chối tai; nếu ở đây không có gì làm ngoài chuyện đi dạo, tốt hơn ta nên đi từ xã hội này qua xã hội kia. Thế là suốt cả một ngày tôi chỉ quan hệ với những người Pháp. Tôi có thể đánh máy những báo cáo cho vị chỉ huy trưởng X, rồi nghiên cứu triết Hy-lạp, rồi dịch một ít tiếng Đức, tiếp đó tôi đi mua sắm trong “các cửa hàng lớn” rồi tôi có thể đến ăn tối hoặc khiêu vũ ở nhà bà này nọ. Một ngày theo kiểu châu Âu. Ngày hôm sau, nếu là chủ nhật, tôi sẽ đi dạo một mình ở đồng quê, cùng với anh bạn thân trẻ tuổi hoạ sĩ Lê Phổ; chúng tôi sẽ cùng tìm những vẻ đẹp của đồng quê, không khí yên tĩnh hẻo lánh của một sân chùa cổ, tôi có thể thảo luận về những giá trị của bức tranh bạn tôi vừa mới vẽ, hãy còn hơi quá chịu ảnh hưởng Gauguin. Rồi chúng tôi sẽ để dành nhiều thời gian dài chuyện trò, ngồi trước một tách trà nhỏ xíu, trong căn phòng yên tĩnh nơi ngày xưa giữa những bình cổ Trung Hoa, cha ông của bạn tôi, những vị quan đại thần và cũng là “mạnh thường quân”, từng tiếp các hoạ sĩ và các nhà thơ; ngày xuống dần, mịn màng và ngả màu tro giữa cây cối mọc thấp trong mảnh sân nhỏ yên tĩnh giống như sân một tu viện ở Florence — im lặng, tĩnh tâm — gió trong đám lá — một chị người làm quét sân. Một ngày theo kiểu An-nam. Nhưng hãy hết sức cố gắng không trộn lẫn hai thế giới rất khác nhau ấy: điều này sẽ làm buồn lòng ta, như tất cả những sản phẩm lai tạp và không cân đối.

Đấy, thưa ông, đó là cuộc sống của tôi và chương trình của tôi. Ngoài ra, tôi hiện đang đọc nhiều và tôi cho rằng ở đây tôi đã học được những gì tôi không hề biết hồi ở Paris giữa bao nhiêu cám dỗ hào nhoáng, bao nhiêu những phung phí và những thú xao lãng. Tôi đã học được cách không làm mất thì giờ và sống một cuộc sống điều hoà. Ở đây tôi đang đọc tất cả những thứ tôi đã từng khất lại để đọc sau, ngày này qua ngày khác, từ nhiều năm nay: triết học, tiểu thuyết, các nhà thơ, và tôi học tiếng Đức và tôi sắp học tiếng Anh và tôi đã viết cho một người bạn nhờ gửi cho tôi chương trình cuộc thi tuyển thu nhỏ của bộ Ngoại giao, mà tôi muốn chuẩn bị ở đây. Nhưng tôi không viết được gì cả, tôi đang mắc chứng bị khô cằn. Tình trạng này sẽ kéo dài cho tới khi nào đây!

Kết luận của lá thư này, kết luận duy nhất, thưa ông, ấy là tôi nhận ra ông đang ở xa khủng khiếp trong thời gian và không gian trong khi hình ảnh ông thì lại càng lúc càng gần tôi hơn bên ngoài thời gian và không gian, và tôi sẽ sẵn sàng cho thiên hạ tất cả để có thể đọc được một chút chữ do ông viết ra, ngoài cái thiệp cuối cùng của ông đề ngày tháng ở Lyon — mà tôi hiện đang có kia, trong hộc bàn tôi, và tôi đã thuộc lòng tất cả những nét viết, những cái chấm và những cái phẩy! Ông sẽ rộng lòng một lần nữa, có phải thế chăng, và ông sẽ cho tôi biết là “La Consultation”, “La Sorella”, “La Mort du Père” và “L’Appareillage” sắp được xuất bản, có nghĩa là vũ trụ Bellême vẫn sống mãi trong cái ánh sáng thần diệu của trí tuệ và của buổi ban ngày mà tôi đã từng vui sướng được bao bọc — khi nào: cách đây hai ngày, cách đây mười năm? Tôi không còn biết nữa! “Có phải chăng là đã xa hơn Ấn-độ hay Trung Hoa”... Trung Hoa, gần như là tôi đang viết thư cho ông từ nơi này! Thật là một chuyện không thể nào hiểu được, thật là phi lý!

Tôi có thể nào nhờ ông chuyển đến bà Martin du Gard lòng kính mến và biết ơn của tôi về sự tiếp đón mà kỷ niệm hãy còn rạng rỡ trong trí tôi như một thứ ánh sáng ngọt ngào. Còn phần ông, thưa ông, tôi xin gửi đến ông tất cả những ý nghĩ lúc nào cũng đầy xúc cảm và quyến luyến một cách sâu đậm và bền bĩ.

Jean Tardieu

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[18]Bâ-Vi: núi Ba Vì.

[19]Mười phân cuối cùng đo từ đầu: chỗ này tác giả có chú thích: “Thiếu phần óc, có lẽ!”

[20]Bộ TTL: Bộ Tổng tư lệnh.

[21]Bellême: Quận lỵ thuộc tỉnh Orne (vùng Normandie), nhiều rừng cây và đền đài xưa.

[22]Nhưng ông “Léonard” người Trung Hoa: tức “những ông Leonardo da Vinci” (danh hoạ người Ý) của Trung Hoa.

[23]Gauguin: Paul Gauguin, danh hoạ Pháp (Paris 1848 - Atuona, đảo Marquises 1903), được nhìn nhận đã gây nhiều ảnh hưởng trong hội hoạ hiện đại (Matisse, phái dã thú, phái biểu hiện...) sau thời gian ở đảo Tahiti đã vẽ nhiều chân dung phụ nữ bản xứ, trong đó có tranh vẽ phụ nữ đội “thúng”, giống như hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đi trên chiếc cầu tre.

[24]Tranh khắc của Maryon: Charles Meryon, hoạ sĩ tranh khắc người Pháp (Paris 1821 - Charenton 1868), thời trẻ không thành công, lâm cảnh nghèo túng, nhưng về sau nổi tiếng với những tranh khắc Paris (1850-1854) với nét khắc tài tình và tỉ mỉ chính xác, ngả theo khuynh hướng huyền ảo.

[25]Phong cảnh thành thị của Bonington: Richard Parkes Bonington (1802-1828) là hoạ sĩ người Anh, học Trường Mỹ thuật và sống cùng gia đình ở Pháp, đi nhiều, và chuyên vẽ phong cảnh tranh màu nước và litho.

[26]P.C.M.: Chứng chỉ Toán Lý Hoá — năm đầu trường Đại học khoa học thời bấy giờ.

[27]Rạp chiếu bóng Ursulines: ở Quartier Latin, nơi thường chiếu những phim xưa, sinh viên thường lui tới vì gần, và giá vé... thấp.

 

 

Đã đăng:

THƯ HÀ NỘI [I] (truyện / tuỳ bút)
... Sau ba tháng sống ở đây, tôi tuyệt đối chưa biết gì về người xứ Bắc Kỳ, về cách họ phản ứng, điều họ nghĩ, những phong tục của họ... Và tôi đang sợ năm tới đây phải trở về mà sẽ chẳng biết gì hơn: tất cả những nỗ lực tôi đem ra thử nhằm làm cho mình nhã nhặn, nhân từ, tươi cười và nhằm gây tin cậy nơi những người An-nam tôi nói chuyện, đều sẽ không thể làm cho họ quên được tôi là kẻ tiếm quyền, là tên chinh phục, nhất là, than ôi, tôi đang mặc quân phục của tên lính đánh thuê thô bạo châu Âu!... [Nguyễn Thu Hồng & Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ] (...)

 

Các tác phẩm khác của Jean Tardieu đã xuất hiện trên Tiền Vệ:

THƯ HÀ NỘI [I] (truyện / tuỳ bút)
... Sau ba tháng sống ở đây, tôi tuyệt đối chưa biết gì về người xứ Bắc Kỳ, về cách họ phản ứng, điều họ nghĩ, những phong tục của họ... Và tôi đang sợ năm tới đây phải trở về mà sẽ chẳng biết gì hơn: tất cả những nỗ lực tôi đem ra thử nhằm làm cho mình nhã nhặn, nhân từ, tươi cười và nhằm gây tin cậy nơi những người An-nam tôi nói chuyện, đều sẽ không thể làm cho họ quên được tôi là kẻ tiếm quyền, là tên chinh phục, nhất là, than ôi, tôi đang mặc quân phục của tên lính đánh thuê thô bạo châu Âu!... [Nguyễn Thu Hồng & Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ] (...)
 
Trò chuyện (thơ)
Trái đất dạo này ra sao? / - Tốt, tốt thôi, tốt cả thôi. // Lũ chó con cũng khá chứ? / - Lạy Chúa, dạ, cảm ơn, cũng khá. // Còn những đám mây? / - Thì cũng bồng bềnh... [Bản dịch của Lê Liễu Chi]
 
Bạn hãy nín cười / trong buổi sáng sớm! // Nói gì, nghĩ gì? Ngày thì / do cứ nài nỉ để được xuất hiện, / ta hãy thú nhận đi, ta hãy thú nhận đi, / nó quấy rầy bạn thân thiết nhất của mình... | Trong cái đêm đen / mà Lịch sử tạo cho ta / tôi mò mẫm bước tới / lúc nào cũng kinh ngạc / lúc nào cũng sững sờ... | Nếu tôi biết viết tôi sẽ vẽ / Nếu tôi có một ly nước tôi sẽ làm nó đông lại và tôi sẽ cất giữ dưới kính / Nếu người ta cho tôi một thỏi bơ tôi sẽ đổ khuôn thành đồng... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Trên mặt đất mọi sự tốt đẹp chứ? / — Tốt đẹp tốt đẹp, tốt đẹp lắm. // Mấy con chó nhỏ phây phây chứ? / — Trời ơi vâng cám ơn lắm... | Từ sáng sớm tôi đã nhìn / tôi đã nhìn qua cửa sổ: / tôi thấy những đứa trẻ đi qua. // Một giờ sau, lại là những người lớn... | Bạn có hay tin chưa? / — Quả là chưa! / — Hình như là... / (nhưng bạn hãy can đảm, hãy chờ đợi cái xấu nhất!)... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Vở kịch này bắt đầu như một câu chuyện bình thường trong một siêu thị, và kết thúc một cách bi đát. Cô thiếu nữ rụt rè là nhân vật duy nhất trên sân khấu. Hỏi chuyện cô là một cái loa phóng thanh, chỉ là một tiếng nói không nhân dạng. Giọng hỏi [đàn ông] dần dần biến đổi và sau cùng trở thành giọng một người đàn bà thông báo cho cô thiếu nữ biết – bằng một bài thơ viết dưới dạng lãng mạn – là người ta sẽ dẫn cô ra sông để nhận chìm cô... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Họ thường tụ họp nhau, để chiến đấu / chống lại những kỷ niệm rất dai dẳng. / Mỗi người ngự trong một chiếc ghế bành / và ai nấy bắt đầu kể chuyện... | Những tiếng kêu răng rắc của bàn tủ không thể / đủ làm ông bận tâm suốt thời gian / (bởi lẽ từ lâu ông vẫn chờ đợi / cái không bao giờ có thể xuất hiện)... | Và trong lúc ấy mặt trời làm gì? / – Nó tiêu hết những của cải ta đã đem cho nó... | Con chim to tướng bay trên cánh đồng / giữ cùng nhịp với thung lũng và núi đồi, / chúng ta nhìn thấy chim bay rất lâu / trên bầu trời vô tận... | Những con người bị giấc mộng mình săn đuổi, / giữa giấc ngủ giữa lo sợ cùng tụ lại / trên một khoảng đất trống mở ra làn nước / cống, đen hơn cả đêm đen... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Socrate là bất tử: / thiên hạ vẫn còn nói về ông. / Mà Socrate là một người, / mà thiên hạ vẫn còn nói về người, / vậy thì, người là bất tử... | Tên này có một mình. / Hắn bước đi như một thằng điên / hắn nói với đá lát đường / cười với cửa sổ... | Cái gì đã bắt đầu / cái ấy tất phải kết thúc... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Kịch bản L'épouvantail – Monologue de plein air của Jean Tardieu (1903-1995) — nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia và là một trong những người viết về nghệ thuật độc đáo nhất của nước Pháp — do nhà văn Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021