thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Tay đua" và những bài thơ khác
 

ĐỊNH MỆNH

 
Con gà đông lạnh tôi mua
Đêm qua,
Đã sống lại,
Đẻ một trái trứng lớn nhất trên thế giới,
Và được tặng giải Nobel.
 
Trái trứng phi thường ấy
Được chuyền tay,
Chỉ trong vài tuần đã đi vòng quanh khắp trái đất,
Và quanh mặt trời
Trong 365 ngày.
 
Con gà nhận được không biết bao nhiêu là tiền mặt,
Tính ra thành những thùng thóc
Ăn không xuể
 
Là vì nó được mời đi khắp nơi,
Đọc diễn văn, dành những cuộc phỏng vấn,
Được chụp hình.
 
Rất thường khi các phóng viên nài nỉ
Rằng cả tôi nữa tôi cũng nên ngồi làm kiểu mẫu
Bên cạnh nó.
Và thế là, sau khi đã phục vụ nghệ thuật
Suốt đời tôi,
Đột nhiên tôi đã đạt được danh tiếng
Như một kẻ chăn nuôi gia cầm.
 
 

MỘT MẨU ÁNH SÁNG

 
Một tia sáng trên miền đất của các người..
Và thế là, có tôi đây sinh ra
Để xem các người đã đi tới đâu.
 
Thế nào, mạnh giỏi? Sức lực ra sao?
Còn hạnh phúc, êm đẹp cả đấy chứ?
 
Xin miễn cho tôi những câu trả lời của các người,
Cảm ơn nhiều. Thời giờ, tôi thật quá ít ỏi
Gần như cũng chẳng có để mà đặt câu hỏi nữa.
 
Dầu sao, tôi rất thích ở đây.
Ở đây trời đẹp và ấm áp
Có biết bao là ánh sáng
Khiến cỏ cũng mọc được.
 
Kìa, người thiếu nữ nọ
Đang nhìn tôi với tất cả tâm hồn, và hơn thế nữa...
Đừng, cưng ạ, xin đừng phí thì giờ thương tôi.
 
Không, không quan trọng gì. Thế được rồi, một chén cà-phê đen
Tự chính tay em.
Tôi rất ưa cái cách em pha cà-phê
Thật đắng.
 
 

VÁN CỜ

 
Tôi đi một ngày trắng,
Y đi một ngày đen.
Tôi tiến lên với một giấc mộng,
Y đưa nó tới chiến tranh.
Y tiến công hai buồng phổi tôi,
Tôi nằm ngẫm nghĩ khoảng một năm trong bệnh viện.
Tôi đưa ra một lối đánh phối hợp thật vẻ vang
Và thắng một ngày đen.
Y đi một thảm họa
Và đưa ung thư ra hăm dọa tôi
(Thứ này lúc ấy tiến lên dưới dạng một cây thập tự)
Nhưng tôi đặt một cuốn sách trước mặt y
Y bắt buộc phải lui.
Tôi thắng một vài quân nữa,
Nhưng kìa, nửa đời tôi
Đã mất.
—Nếu ta chiếu mi, mi sẽ không còn lạc quan, y bảo tôi.
—Không sao hết, tôi đùa,
Ta sẽ đưa tình cảm ra chắn.
Đằng sau tôi là vợ tôi, các con tôi,
Mặt trời, mặt trăng và những khán giả khác
Run rẩy cho mỗi bước mà tôi đi.
 
Tôi châm một điếu thuốc
Và tiếp tục ván cờ.
 
 

BỆNH

 
Thưa bác sĩ, tôi cảm thấy có điều gì đó đang chết
Ở đây, ở chung quanh người tôi,
Lục phủ ngũ tạng tôi đều làm tôi đau,
Ban ngày, thời mặt trời làm tôi đau,
Và ban đêm, thời trăng sao.
 
Tôi đau nhói vì đám mây trên trời
Mà tôi chưa từng nhận thấy,
Và sáng sáng tôi thức dậy
Với một cảm giác mùa đông.
 
Tôi đã uống mọi thứ thuốc, nhưng vô ích,
Tôi đã ghét, đã yêu, đã học đọc,
Lại đã đọc một vài cuốn sách,
Đã chuyện trò với người ta, đã suy tư,
Đã làm người tốt, đã đẹp trai.
 
Nhưng tất cả đều vô hiệu, thưa bác sĩ,
Và tôi đã hoài phí biết bao năm.
 
Tôi nghĩ là mình đã mắc phải bệnh chết
Vào ngày
Tôi sinh ra.
 
 

MẮT

 
Đôi mắt tôi mỗi lúc một lớn thêm,
Tựa hai vòng tròn trong nước,
Chúng đã bao trùm toàn thể trán tôi
Và một nửa ngực tôi.
Chẳng bao lâu nữa chúng sẽ lớn
Bằng tôi.
 
Lớn hơn tôi,
Lớn hơn tôi nhiều:
Tôi sẽ chỉ là một chấm đen
Ở giữa chúng.
 
Và để khỏi cảm thấy mình lẻ loi
Tôi sẽ để bước vô vòng tròn của chúng
Nhiều sự vật:
Mặt trăng, mặt trời, rừng và biển
Cùng với những thức ấy tôi sẽ tiếp tục nhìn ngắm
Thế giới.
 
 

HAI LẦN

 
Tôi thường nhìn mọi sự
Hai lần:
Một lần để vui,
Một lần để buồn.
 
Cây cối mang một tiếng cười ròn rã
Nơi chùm lá,
Và một giọt lệ to
Trong rễ.
Mặt trời còn trẻ
Ở đầu những tia nắng,
Những tia nắng cắm sâu
Vào đêm.
 
Thế giới tụ tập đông đủ
Giữa hai tấm bìa cuốn sách này,
Nơi tôi chồng chất
Tất cả những gì tôi đã yêu
Hai lần.
 
 

LONG TRỌNG

 
Tất cả đám giấy lộn của tôi
Tôi đã mang chúng từng đống
Ra một cánh đồng bao la,
Gieo chúng xuống thật long trọng
Và đào xới chúng thật sâu
Bằng lưỡi cày.
 
Tôi sẽ thấy rõ những gì sẽ mọc lên
Từ tất cả những tư tưởng đặt chung lại với nhau ấy,
Từ sự vui vẻ, nỗi buồn rầu, sự toàn phúc
Vào mùa đông, vào mùa xuân, vào mùa hạ và vào mùa thu.
 
Lúc này, tôi tản bộ
Trên một cánh đồng thật đen tối
Hai tay chắp sau lưng,
Nói cách khác mỗi ngày một thêm lo ngại.
 
Thế tuy nhiên thật là không thể được:
Chẳng lẽ không có lấy một chữ nào tốt hay sao?
 
Nhất định, một ngày kia,
Tất cả cánh đồng nọ sẽ bừng bừng những ngọn lửa
Và tôi, tôi sẽ đi giữa chúng, long trọng,
Đầu tỏa hào quang như Néron.
 
 

ĐÒI HỎI

 
Tôi lấy trái đất và lược qua cái rây của mắt tôi;
Những ngọn núi thoát ra, trọn vẹn,
Những người đàn bà vẫn kiêu hãnh,
Trời vẫn giữ tất cả cái bao la của mình.
 
Không thỏa mãn, tôi chụp bắt nỗi bất hạnh đầu tiên bước qua
Và giảm bớt tất cả một nửa
 
Thấy rõ là tôi làm việc đàng hoàng
Điều đó đã bắt đầu hình thành
Nhưng hãy còn không thiếu gì chuyện thừa thãi
Mặt trời ở trên cao đó
Lúc nào cũng lấp loáng quá nhiều tia sáng
Ngoài biển còn thấy hai con cá bơi lội
Bởi thế, nhờ chiếc vợt bắt cá
Của những ngày xưa đói rách,
Thế là một lần nữa tôi
Lại hớt ngắn được thế giới một nửa
 
Từ chuyện nọ tới chuyện kia
Đòi hỏi của tôi lúc nào cũng gia tăng một cách đáng kể,
Khiến cho lúc này tôi hoàn toàn trần trụi,
Chung quanh chỉ có hư vô
 
Tự bản thân tôi suy xét kỹ mọi sự,
Tôi thấy rõ là mình không quan trọng trọn vẹn,
Còn quá nhiều điều phải liệng đi
Chiến dịch thanh trừng cần tiếp tục
Với lớp cát mà tôi đã lèn đầy
(Tạm thời lúc này tôi đã tẩy trừ được khỏi tôi
Bảy sợi gân, hai giác quan, và vân vân)
 
 

HÀNH NHÂN

 
Trong ký ức, những dòng nước mà tôi mới vượt qua
Đã để lại một ánh ngời loáng bóng dưới làn da,
Tôi không thể chạy lanh lẹn, mau chóng
Trừ phi tôi có những gót chân phủ đầy những vết phỏng
Trừ phi chúng cảm thấy tựa như đầm lầy
Nơi anh chìm xuống mà không nhận thấy.
 
Tôi chỉ có thể thiếp đi khi tôi ngồi chồm hổm
Ở đâu đó trên một chiếc va-li kế bên những cánh cửa
Chật ních của toa tầu,
Chợt tỉnh giấc mỗi lần có một hành khách bước lên
Hoặc bước xuống,
Trong những phút tạm ngừng này tôi mơ những giấc mơ đẹp nhất,
Tất cả, than ôi, đều bị gián đoạn bất ngờ.
 
A, ngủ trên một chiếc giường vừa phải xa lạ
Trong một khách sạn hạng ba!
Ta nằm sóng sượt trên một chiếc phản nhày nhụa, ẩm ướt, hơi xiên,
Trong căn buồng có mùi nhà đá,
Khung cửa sổ bị chận lại
Và mở ra thời thật là ngu ngốc bởi khách xin ăn có thể nhảy vô.
 
Đôi khi quả thật anh đáp tầu tốc hành!
Trên toa giường nệm. Anh đã quyết định hậu đãi mình.
Ở cửa sổ anh chẳng nhận ra gì hết,
Trang cảnh rất có thể là
Ý-đại-lợi, Thụy-sĩ hay cả đến mặt trăng
Cây cối đổi thay từ giây này tới giây khác,
Như đội vệ binh danh dự
Trong một đám tang vội vã
Hay như những bức điện tín nhận được trong một trận chiến
Nơi kết quả không dứt khoát.
Anh là kẻ chỉ huy, anh tiếp nhận chúng, mở ra,
Và thuộc cấp chăm chú nhìn miệng anh chờ lệnh,
Nhưng các bức điện đều viết bằng mật mã
Và anh đã quên mất số mã của những chiếc lá.
 
Tôi chỉ cảm thấy khỏe khoắn khi
Nửa tỉnh nửa mê, khó ở,
Đứng một chân trên một vết phỏng
Bám vào vòng đai trên chuyến xe, lửng lơ trên một bạo cửa,
Ở trên lối thang riêng của gia nhân,
Phải chạy thật khẩn cấp tới chỗ có Trời biết là đâu,
Mang bốn chiếc va-li lớn đầy những đồ vô dụng,
Và vì chúng, bỏ lại vật duy nhất
Có đôi chút quan trọng: cái ô. (Trời vẫn hay mưa như trút nước khi anh là một kẻ đi xa.)
 
Tôi chỉ cảm thấy khỏe khoắn khi không được dễ chịu,
Bước thấp bước cao,
Mắt thâm quầng,
Bị chính nỗi âu lo của mình tống ra đường...
 
Luôn luôn bị đẩy lên đường như có ai đá đít,
Mắt trố ra, như thể mình đã nhìn thấy một phép mầu.
 
 

ĐỒNG BỘ

 
Hết thảy mọi sự về chúng ta trên màn bạc
Của thế kỷ này
Đều hoàn hảo:
Cả về âm thanh lẫn hình ảnh.
 
Chỉ có điều là nhiều lúc
Với sự xuất hiện theo hiệu lệnh,
Chúng ta bắt đầu hành động và nói điều phải lẽ
Nhưng không nghe gì hết.
Các chữ của anh trên màn ảnh chạy tới
Hay bị chận lại kiểm thuế.
Có những lần khác anh lại thấy mình đang nói
Những dòng chữ của ai đó,
Không hợp với miệng anh,
Những dòng chữ ấy quá to hoặc quá nhỏ.
 
Rồi tệ hơn nhiều
Là khi tiếng nói của anh bắt đầu được nghe thấy
Sau khi anh đã trồi lên
Từ ánh đèn rọi
Của mặt trời.
 
Không sao.
Chỉ có một vài khiếm khuyết nhỏ
Về đồng bộ.
Có lẽ sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ có thể
Nói đúng những gì chúng ta nghĩ,
Và nói
Cả trong lúc sinh tiền.
 
 

CHÚNG TA NÓI VỀ THỜI TIẾT

 
Chúng ta đã kết thúc mọi đề tài trò chuyện
Giờ hãy nói tới thời tiết,
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể nói đôi điều
Về thời tiết.
Để khởi sự, tôi
Xin có ý kiến là trời sẽ mưa,
Là vì tôi nằm mộng thấy một đám mây to
Lượn vòng quanh trán tôi
Lúc nào cũng mưa lên người tôi
Làm ướt sũng cả những ý nghĩ.
Có ai đó
Để nói ngược lại tôi, cứ khăng khăng trời nắng đẹp.
Là vì trong ba thế kỷ kế tiếp,
Trời sẽ sáng rỡ
Khiến chúng ta hết thảy sẽ gặp nhau,
Không cần đến pháo bông
Để làm chuyện đó.
Có ai đó lại nói với chúng tôi về một chiếc lá vàng rơi,
Chiếc lá bay bay trước hàng cây trơ trụi
Và không một ai trong chúng ta có thể kìm giữ lại được –
Ngày mai nó sẽ bay qua đường phố chúng ta
Ta hãy leo lên bao-lơn
Mà coi nó nữa.
Và như thế chúng ta có thể có một cuộc chuyện trò,
Chúng ta sẽ nói ngược nhau và nói rất to,
Khiến những con dế ở bên trong chúng ta vội vã bỏ chạy.
Điều chính yếu là im lặng không bao giờ được xẩy tới giữa chúng ta,
Điểm chính yếu là sống hạnh phúc.
 
 

CUỘC TRANH TÀI

 
Một, hai, ba ...
Cuộc tranh tài ngủ suốt mùa đông đã khởi sự.
Hết mọi người hãy khóa kín mình trong hang ổ
Và ta hãy coi ai có thể ngủ giấc đông miên lâu nhất.
 
Các người biết thể lệ cuộc tranh tài:
Không được nhúc nhích,
Không được mơ mộng,
Không được suy nghĩ.
Bất kỳ ai bị bắt gặp đang suy nghĩ
Đều bị loại ra khỏi cuộc chơi và không còn liên hệ gì tới chúng tôi nữa.
 
Như một cái ống vố, các người chỉ được sử dụng
Cẳng tay cẳng chân để mút của mình
Để tự khích lệ nhằm hiểu biết sâu xa
Sự cố này.
 
Tôi thật may mắn được ở gần một con gấu,
Là vì khi nào tôi chán ngấy cẳng tay cẳng chân tôi,
Tôi sẽ đưa cho nó,
Và sử dụng chân cẳng của nó,
Điều này tình cờ lại nằm trong quy tắc được chấp nhận
Về chân cẳng.
Và mặc dù vua Ai cập Cheops
Được lợi điểm một vài thiên niên kỷ,
Tôi vẫn hy vọng vượt xa ông
Bằng một nước rút kiệt xuất,
Nước rút thời danh của chúng ta
Trong lãnh vực ngủ vùi.
 
 

SỰ THẬT RA ÁNH SÁNG

 
Sự thật ra ánh sáng
Cực kỳ chậm rãi.
Theo kỹ thuật vận chuyển của tan rã và mục nát
Dầu phụt lên mặt biển
Nhưng chỉ sau khi đã chìm đắm.
 
 

LỜI KHIẾU NẠI

 
Bẩm Ngài,
chúng đã sát hại thời gian của tôi.
 
Khi tôi tự ý
trở lại từ chiến tranh
tôi nhận ra
rằng thời gian của tôi,
con tim, miệng và trán
đều đã bị cắt cụt.
 
Nhưng chúng vẫn không chịu để nó được yên,
nó đã phải trải những ngày khổ não,
những ngày nước mắt, những ngày máy móc, những ngày trâu bò
và nhiều điều khác
nó chẳng hề quan tâm.
 
Sau đó chúng bắt đầu
sử dụng nó để thử nghiệm
một số những chất độc,
những phiền muộn và chăm sóc –
chúng gọi những thức ấy như thế đó.
 
Chúng đã kết liễu tôi
với một đòn chí tử
nhắm kỹ.
 
Tôi xin mạn phép thưa,
đó không phải là sống.
Trong khi ấy, để
cất lên lời khiếu nại,
tôi đã phí nửa cái chết
đứng sắp hàng nối đuôi
ở đây,
ở cuộc Phán xét cuối cùng này.
 
 

CÁC DIỄN VIÊN

 
Các diễn viên này mới mềm dẻo lạ lùng làm sao!
Họ mới tài khéo làm sao
Khi, xăn tay áo lên, sống thay cho chúng ta!
 
Chưa bao giờ tôi từng thấy một nụ hôn hoàn hảo hơn
Là nụ hôn của họ ở hồi ba,
Khi cảm xúc của họ
Đã bắt đầu sáng tỏ.
 
Lấm lem, nhày nhụa dầu mỡ
Với những chiếc nón kết hệt như ở ngoài đời,
Hoàn thành mọi thứ nhiệm vụ,
Họ tới rồi đi như được nhắc nhở
Bằng những từ lăn ra như những tấm thảm đỏ.
 
Cái chết của họ trên sàn gỗ thật hết sức tự nhiên
Khiến cho những kẻ chết thật, những
Kẻ vĩnh viễn mang dấu vết hóa trang của bi kịch
Dường như còn nhúc nhích
So với sự hoàn hảo đến thế.
 
Và chúng ta còn cứng nhắc vụng về hơn nhiều
Trong chỉ một cuộc đời thôi!
Và cũng không đủ sở năng để sống cả đến cuộc đời ấy.
Chúng ta những kẻ nói điều vô nghĩa hoặc im lặng hằng thế kỷ,
Lúng túng và thô lậu,
Không biết làm gì ráo trọi với đôi tay.
 
 

TAY ĐUA

 
Một cánh đồng hoang vắng,
Bị dẫm đạp lên như một con đường,
Và đây đó
Một cuốn sách,
 
Ở những khoảng cách xa xăm,
Một cuốn sách căn bản,
Rắn chắc như đá tảng.
 
Một người tới, hổn hển với cơ bắp,
Tráng kiện như một vị thần mới,
Và khạc nhổ lên đó,
Lên từng cuốn một trong một hàng dài,
Đạp lên chúng một cách thật thần thánh.
 
Hắn mỏi mệt, hắn đã chán ngấy,
Cánh đồng vươn dài trước mặt, hoang vắng,
Bị dẫm đạp lên như một con đường.
Kẻ chạy đua sụp xuống, chết,
Trở thành một cuốn sách căn bản, lời trối trăng,
Một tấm bảng trên đó người ta không thể bước qua nữa!
 
Lại nghe tiếng hổn hển
Từ xa xa một bóng người xuất hiện,
Một tay đua dừng lại, nhổ lên tấm bảng
Và khuất dạng phía chân trời.
 
 

BẠN

 
Chúng ta hãy tự tử, tôi nói với các bạn tôi,
Hôm nay chúng ta đã thực sự hiểu nhau,
Chúng ta thật nản chí,
Không bao giờ chúng ta sẽ lại tới được
Một đỉnh cao hoàn hảo đến thế
Và thật là đáng tiếc nếu chúng ta bỏ phí cơ hội.
 
Tôi nghĩ phòng tắm là nơi bi thảm nhất,
Chúng ta hãy làm điều ấy như những người La-mã sáng suốt
Họ mở mạch máu
Trong khi thảo luận về bản chất của tình yêu.
Coi kìa, tôi đã hâm nước nóng,
Các bạn thân mến ôi, chúng ta hãy khởi sự, tôi sẽ đếm đến ba.
 
Ở địa ngục tôi có hơi ngạc nhiên khi chỉ thấy một mình tôi.
Có lẽ một số người không thể chết thật dễ dàng đến như vậy
Tôi tự nhủ, hay họ có những ràng buộc.
Tôi không thể nào nhầm lẫn được: kết minh với nhau thời phải có nghĩa gì chứ.
Nhưng thời gian vẫn tiếp tục qua...
 
Tôi có thể đảm bảo với các bạn là ở địa ngục tôi khá vất vả,
Nhất là vào lúc đầu, khi tôi còn tự lập.
Tôi không thể chuyện trò với một ai ở đó.
Nhưng dần dà tôi được chấp nhận, quen biết bạn bè.
 
Là một nhóm liên kết với nhau rất chặt chẽ,
Chúng tôi bàn thảo đủ mọi thứ vấn đề thuyết lý,
Chúng tôi cảm thấy mình thật lớn lao,
Chúng tôi cũng đi tới chuyện tự tử nữa.
 
Thế là thêm một lần tôi lại thấy mình trơ trọi, trong luyện ngục
Tìm kiếm một vài hồn ma đồng điệu,
Mặc dù những kẻ ở luyện ngục khá đa nghi –
Với tình cảnh mập mờ của họ
Ở giữa hai thế giới –
Một cô gái yêu tôi, nàng rất đẹp.
Chúng tôi chia sẻ những khoảnh khắc cực kỳ hoan lạc – không sao tin được, thật huyền hoặc!
Và tôi cảm thấy gần như muốn nói với nàng...
Nhưng bởi đã từng thấy mọi sự xưa kia, tôi để nàng làm chuyện đó trước,
Tôi chờ và sẽ tự tử sau,
Thế nhưng cô gái bằng cách nào đó đã sống lại được –
Và rồi tôi lại tự mình lo liệu lấy mình ở thiên đường –
Chưa một ai từng đạt tới xa như thế,
Tôi là kẻ đầu tiên, thế giới chỉ hiện hữu như một dự án,
Một cái gì rất, rất mơ hồ
Trong đầu óc Thượng đế,
Tôi rất thân với Ngài lúc sau này.
 
Nỗi buồn ở cấp nào cũng có,
Ngay cả Thượng đế cũng tuyệt vọng,
Tôi nhìn vào đôi mắt trống rỗng của Thượng đế và mất hút ở đó.
Ngài ầm ầm trườn xuống vực thẳm những cái chết của tôi,
Chúng tôi hoàn toàn hiểu nhau,
Thượng đế ôi, tôi nghĩ là chúng ta đã đạt tới chỗ toàn hảo,
Mời Ngài trước,
Bỏ lại tất cả trong bóng tối, nha?
 
 

ĐỐI XỨNG

 
Tôi đang bước
Bỗng dưng hai con đường mở ra
Trước mặt tôi:
Một con đường ở bên phải
Và một con đường ở bên trái,
Theo đúng mọi quy luật của đối xứng.
 
Tôi dừng chân,
Nheo đôi mắt,
Mím đôi môi,
Ho,
Bước qua con đường bên tay phải
(Đúng con đường lẽ ra tôi chẳng nên đi
Như sau này đã rõ.)
 
Tôi tiếp tục tiến bước một cách tốt đẹp nhất,
Không cần phải kể ra các chi tiết.
Thế rồi trước mặt tôi mở ra hai
Vực thẳm:
Một vực ở bên phải,
Một vực ở bên trái.
Tôi lao mình vào vực bên trái,
Không buồn chợp mắt hoặc nhảy tới,
Hệt như một khối lớn rơi vào vực bên trái,
Vực này, thực không may, lại không lót bằng lông êm ái!
Bò lê, tôi lại khởi sự.
Tôi bò được ít lâu,
Và đột nhiên trước mặt
Hai con đường rộng rãi mở ra.
«Ta sẽ cho mi hay!» – tôi tự nhủ,
Và với một quyết tâm,
Tôi lại khởi sự con đường bên trái.
Lầm, lầm to, con đường ở bên phải
Mới là con đường thích hợp, con đường thật, con đường lớn.
Và tới ngã tư đầu tiên
Tôi lại hoàn toàn miệt mài
Theo con đường bên phải. Rồi lại gặp một chuyện cũ,
Con đường bên kia mới là con đường, con đường bên kia ...
Lúc này lương thực đã hầu cạn,
Cây gậy chống của tôi đã già nua,
Những mầm đọt của nó không còn xuất hiện nữa,
Để tôi có thể nghỉ ngơi trong bóng râm của chúng.
Khi tôi trở thành tuyệt vọng.
Những tảng đá làm mỏi mòn xương tôi,
Chúng cọt kẹt và lầm bầm với tôi
Vì hết lỗi lầm này tới lỗi lầm khác...
 
Và kìa, trước mặt tôi, lại mở ra
Hai vùng trời:
Một về bên phải,
Một về bên trái.
 
 

ĐỀ PHÒNG

 
Tôi đã khoác lên người một bộ áo giáp
Làm bằng những viên sỏi
Mà nước đã mài nhẵn.
 
Tôi đã giữ cân bằng một cặp kính
Trên gáy
Để coi chừng
Bất cứ thứ gì
Tiến lại sau tôi.
 
Tôi đã đeo găng đã cạp giáp
Vào tay, vào chân và suy tưởng,
Không để một chỗ nào trên người tôi
Phơi bày trước sờ mó
Hoặc những thứ chất độc khác.
 
Rồi tôi thực hiện một tấm giáp che ngực
Bằng mu
Một con rùa
Đã thọ tám trăm tuổi.
 
Và khi mọi sự đã được như thế rồi
Tôi âu yếm đáp lại:
– Tôi tôi cũng yêu em nữa.
 
 

THUỐC CHỮA

 
Khi người ta khám phá ra thuốc chữa một căn bệnh
Những kẻ nào đã chết vì chứng bệnh ấy
Có nghĩa vụ phải chỗi dậy
Và tiếp tục sống
Hết những ngày còn lại
Cho đến khi nào mắc phải một chứng bệnh khác
Chưa tìm ra thuốc chữa.
 
 

KHÔNG BIỂN

 
Rõ rệt, mỗi ngày
Y co lại. Vấn đề của y
Là cáo biệt với những lý do lễ độ
Lui lại để nhẩy không ngừng
Vào một cách thế khác.
 
Và cả biển nữa
Biển mà kẻ kỳ cục đáng thương nọ đang câu
Biển cũng rút ra.
Ôi một con nước ròng như thế!
Một hôm y bị mắc cạn trên những cát là cát.
 
Biển đã đi rồi với những đợt sóng và cá
Ai biết được là về đâu và lúc này chuyển động
Tới lui, tới lui
Dưới một con thuyền nào đó trẻ trung hơn.
 
 

AĐAM

 
Mặc dù ở Thiên đường,
Ađam bước trên những lối mòn lo nghĩ và buồn bã,
Không biết mình thiếu gì.
 
Thế nên Thượng đế đã tạo ra Evà
Từ một trong những chiếc xương sườn của Ađam.
Và con người đầu tiên khoái phép mầu này quá đỗi
Khiến ngay lập tức
Ông đã chạm tới chiếc xương sườn kế bên,
Cảm thấy trên mấy đầu ngón tay sự rạo rực lý thú
Từ lồng ngực rắn chắc và đôi mông êm dịu
Như những đường cong của nhạc.
Một Evà mới đã chỗi dậy trước mắt ông.
Nàng đã lấy chiếc gương soi nho nhỏ ra
Và tô môi.
«Đời là thế!» Ađam thở dài,
Và tạo thêm một người nữa.
 
Và như thế, hễ khi nào bà Evà chính thức
Quay lưng đi,
Hoặc ra chợ kiếm vàng và nhũ hương và mộc dược,
Ađam lại khiến phát sinh thêm một nàng hầu nữa
Từ hậu cung giữa cạnh sườn của mình.
 
Thượng đế đã dò xét
Trò sáng tạo lộn xộn này của Ađam
Ngài triệu ông tới, tố cáo ông một càch thật lành thánh,
Và trục xuất ông ra khỏi Thiên đường
Vì chủ nghĩa siêu thực.
 
 

ĐỊA BÀN

 
Biển là một địa bàn khổng lồ
Với đàn cá nóng nảy
Lúc nào cũng chỉ đúng hướng bắc.
 
Mỗi con cá dĩ nhiên là nắm chặt
Lấy hướng bắc riêng của mình
Và ra sức đặt đè lên
Những hướng bắc thấp kém hơn,
Nuốt chửng lấy chúng khi Thủy thần không nhìn tới.
 
Đồn rằng rồi ra sẽ có
Một hướng bắc duy nhất, được tính toán thật khoa học,
Lúc ấy hết thảy loài cá
Sẽ bơi cùng với thủy triều
Mũi kề đuôi.
Cùng bơi theo đội ngũ về hướng bắc trên bụng,
Rồi xuôi theo hướng nam trên sống lưng.
 
Tầu bè sẽ không còn lạc mất
Ngoài biển
Hay bị những ổ nước xoáy hút vô,
Và với một thứ địa bàn cao-kỹ như thế
Thế giới, nói chung, sẽ có một ý niệm rõ rệt hơn
Về chỗ nó đứng từ ngày này qua ngày khác.
 
 

NHỮNG BỂ NƯỚC Ở BIỂN

 
Nước: dẫu bao nhiêu, cũng vẫn không đủ.
Cuộc đời ranh mãnh cứ đòi thêm rồi thêm một giọt nữa.
Mắt cá chân ta chĩu nặng những chì, chúng ta đào bới dưới lớp sóng.
Chúng ta cong mình với những chiếc mai, chúng ta sống còn sau sức mạnh của mạch nước vọt lên.
 
Thân xác chúng ta trào những mồ hôi dưới biển sâu,
Trán chúng ta nhức nhối và tiếp tục như một mũi tầu chìm xuống.
Chúng ta muốn đứt hơi khi đoán ra lòng suối phun,
Những chòm sao chìm nổi tựa những chiếc phao câu trên mặt sóng nhấp nhô.
 
Trái đất là một guồng xe nước, những chiếc thùng lên lên xuống xuống,
Nhưng để giữ vững toàn bộ kiến trúc của nước
Chúng ta phải tạo một vòng tròn bằng thân xác chúng ta và nhảy múa hết một vòng
Trên con mắt được mơ tưởng của nước, con mắt được mơ tưởng của nước, con mắt được mơ tưởng của nước.
 
Nước: dẫu bao nhiêu, cũng vẫn không đủ.
Dầu mưa, dầu sấm sét, dầu những đập nước tràn ngập bị cuốn đi,
Cơn khát của chúng ta vẫn không thể dập tắt. Một đám mây trong nước là một ngư nữ.
Chúng ta trở thành hai chiếc bóng, tan rữa, chìm trong tiếng hát.
 
Hỡi người tôi yêu, dưới bầu trời cao của hy vọng
Cuộc tình của chúng ta, và duy cuộc tình của chúng ta
Vẫn dò tìm nước.
Nhận chìm giếng nước của nhau, cùng đào xới.
Mỗi người là một cánh tay ma của người kia ở biển.
 
 
---------------------
Ghi chú về tác giả:
MARIN SORESCU (1936-1996) là một nhà thơ, kịch tác gia, người viết bút ký và nhà phê bình văn nghệ kiệt xuất của Ru-ma-ni hiện đại. Ông sinh ngày 19 tháng Hai 1936 tại Bulzésti (Dolj), một làng nhỏ thuộc tỉnh Olténie, ở về phía tây-nam Ru-ma-ni. Cha mẹ là nông dân. Ông đã trải qua những xáo trộn khủng khiếp của các làng thôn Ru-ma-ni vào thời Stalin, khi các nông dân Ru-ma-ni bị tước đoạt đất, và các truyền thống tinh thần của họ bị hủy hoại.
 
Có thể nói các tác phẩm của ông đã khởi đi từ những kinh nghiệm ấy, từ «tất cả những gì đã có thể diễn ra sau đó, – những kẻ bị người ta đánh đập chỉ vì có chút đất, những tiểu nông còn chần chừ và bị người ta đánh đập để hết còn muốn chần chừ, Trời hỡi Trời!, – những kẻ mà người ta đã bắt đi trong đêm tối trên chiếc xe đen, tất cả những điều tôi đã sống trải khi bước ra khỏi tuổi thơ và còn gắn liền trong đầu óc tôi với cây dùi-cui, cây chày vồ của Goadjé»...
 
Marin Sorescu khởi sự viết từ những năm ông còn học trung học. và đã đoạt giải thưởng thi ca đầu tiên vào năm 1950. Ông theo học văn chương ở Phân khoa Ngữ ngôn học và Lịch sử ở Jassy, tốt nghiệp vào năm 1960 và bắt đầu đăng bài trên nhiều tạp chí văn nghệ khác nhau. Ông trở thành người biên tập cho tờ Viata Studenteasca (Đời sống sinh viên) ở Bucuresti. Năm 1963, ông chuyển qua tạp chí Luceafarul. Và đến năm 1964, tác phẩm đầu tay của ông ra đời với tựa đề: Một mình giữa các nhà thơ. [Đây là thời Stalin (1879-1953) đã mất. Ở cộng hòa nhân dân Ru-ma-ni (vào cuối đời Gheorghiu-Dej và trước thời cộng hòa xã nghĩa của những Chiva Stoica và Ceausescu...), người ta thả hằng ngàn tù chính trị; những người như Barbu, Blaga và Voiculescu được 'phục hồi' (sau khi chết); kiểm duyệt được nới ra đôi chút và một thế hệ nhà thơ trẻ xuất hiện, trong đó có những người như Ion Alexandru, Ana Blandiana, Constanta Buzea, Nichita Stănescu (1933-1983) và Marin Sorescu...]
 
Năm 1966, Marin Sorescu trở thành tổng biên tập ở viện phim ảnh «Animafilm». Ông từ bỏ chức vụ này vào năm 1970 để du học một năm ở Tây Bá-linh. Đây là giai đoạn sự nghiệp kịch tác gia của ông nổi bật. Nhưng từ năm 1980, các kịch bản của Marin Sorescu bị cấm mặc dù các thi phẩm của ông vẫn còn được in «trong sự lãnh đạm hoàn toàn của báo chí theo lệnh...» Ấy chính là thời Marin Sorescu sử dụng đường nét và sắc màu để diễn tả: hai cuộc triển lãm tranh của ông vào các năm 1989 và 1990 ở Viện bảo tàng Nghệ thuật thành phố Brasov và Viện bảo tàng các Sưu tập Nghệ thuật ở Cluj đã xác nhận tài năng của ông như một họa sĩ.
 
Các thi phẩm và kịch bản của Marin Sorescu đã khiến ông mau chóng được biết tới ở trong nước, và danh tiếng của ông đã vang dội ra các nước Đông Âu, Tây Âu, Nga, Mỹ, và Mỹ la-tinh... Ông được mời tham dự các cuộc hội thảo, các lễ hội (về thơ và kịch) ở khắp các lục địa, thuyết trình tại các đại học lừng danh và đọc thơ của mình trên khắp các luồng sóng của thế giới... Thơ và kịch của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, như Pháp, Hung, Đức, Serbe, Ý, Slovac, Ba-lan, Anh-Mỹ, Thụy-điển, Nga, Hy-lạp, Bun-ga-ri, Hòa-lan, Tây-ban-nha...
 
Trong số các dịch giả của ông, người ta nhận thấy khá nhiều tên tuổi lừng lẫy trong thế giới Anh ngữ, kể cả một Nobel Văn chương (1995). Một trong những bài thơ dịch của ông, bài "Shakespeare", đã được lựa in ở Pháp trong tuyển tập Một trăm bài thơ hay nhất thế giới. Bài này cũng đã được giới thiệu với bạn đọc Tiền Vệ.
 
Marin Sorescu đã nhận được khá nhiều vinh dự cả ở trong nước lẫn ngoài nước, như «Giải thưởng của Hội nhà văn Ru-ma-ni» về thơ và kế đó «Giải thưởng của Hàn lâm viện Ru-ma-ni» về kịch (1968), «Huy chương Vàng về thơ Ospiti Napoli» của thành phố Naples, Ý (1970), «Giải thưởng quốc tế của Académia delle Muze ở Florence», Ý (1978), «Giải thưởng của Hội nhà văn Ru-ma-ni» về kịch (1978), «Giải thưởng Thế giới về Thi ca Fernando Riello, ở Madrid», Tây-ban-nha (1983), «Giải thưởng Georges Calinescu» về phê bình văn nghệ (1987), và «Giải thưởng của Hàn lâm viện Ru-ma-ni» cũng về phê bình văn nghệ (1988)... Bốn tập La Lilieci của Marin Sorescu, gồm những mảnh đoạn văn xuôi (rất thơ) đặc biệt dành cho thế giới nông thôn Ru-ma-ni, được tuyển dịch sang Pháp văn, với tựa đề Nông dân dòng Danube (bản dịch Jean-Louis Courriol, Éditions Jacqueline Chambon, 1989) cũng được nhắc nhở khá nhiều trong giới thông thạo văn chương Ru-ma-ni.
 
Marin Sorescu còn viết chuyện trẻ em và là một nhà phiên dịch lớn. Sau cuôc lật đổ chế độ độc tài của Ceausescu, Marin Sorescu trở thành bộ trưởng bộ Văn hóa Ru-ma-ni. Khi đồng ý nhận lãnh chức vụ này ông có tham vọng đặt một nền tảng vững chắc về pháp lý cho một nền văn hóa tự do. Công việc mưu toan còn dang dờ thì Marin Sorescu ngã bệnh, được đưa vào bệnh viện Cochin ở Pháp rồi chuyển về Bucuresti, nơi ông mất ngày 8.12.1996. Theo giới thông thạo, nếu ông không mất quá sớm, thì Ru-ma-ni hẳn đã có một Nobel Văn chương. Tạp chí Le Bulletin de Lettre Internationale số 9, mùa Thu 1997, đã đăng những bài thơ cuối cùng hết sức cảm động của Marin Sorescu, khởi sự tại bệnh viện Cochin, Paris ngày 10.10.1996 và kết thúc tại thủ đô Bucuresti ngày 7.12.1996, tức là chỉ một ngày hay một vài giờ trước khi ông vĩnh biệt mọi người và thơ.
 
Các tác phẩm thơ, kịch và tiểu thuyết của Marin Sorescu đã được dịch qua Anh và Pháp văn rất nhiều. Các bài dịch ở đây trích từ một tập thơ Marin Sorescu với tựa đề Tay đua và những bài thơ khác (chưa xuất bản) dịch theo các bản Anh, Pháp nói trên và đã được trình cho tác giả nhân dịp ông ghé thăm Lộ-trấn (Strasbourg), Pháp. Và ông đã ưng thuận.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021