thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mười một bài thơ
(Diễm Châu dịch)
 
CẢNG BỊ VÙI LẤP
 
Người thi sĩ tới nơi
rồi trở lại ánh sáng với những khúc ca của chàng
và phân tán chúng
 
Từ chất thơ ấy
chỉ còn lại nơi tôi
một chút gần như không gì hết
của niềm bí ẩn không sao tát cạn này.
 
                                         Mariano, 19.6.1916
 
 
VẢI GAI VÀNG SA MẠC
 
Những cánh khói đong đưa
phá tan im lặng của đôi mắt
 
Rụng rơi với gió màu san hô
cơn khát những nụ hôn
 
Tôi tái nhợt trước hừng đông
 
Sự sống truyền vào tôi
trong quanh co nỗi nhớ
 
Giờ đây tôi phản ánh mọi phương của thế giới
đã cùng tôi bầu bạn
và cảm thấy hướng đi
 
Phó mặc cuộc hành trình cho tới ngày nhắm mắt
 
Chúng ta có những chặng ngừng của giấc ngủ
 
Mặt trời lau khô nước mắt
 
Tôi khoác lên người chiếc áo ấm
vải gai vàng
 
Từ mảnh sân thượng hoang tàn này
tôi nghiêng mình trong tay
trời nắng đẹp
 
                                         Cima Quattro, 22.12.1915
 
 
CANH THỨC
 
Trọn một đêm
lao mình tới bên
một người lính bạn
đã bị tàn sát
miệng anh
để lộ hàm răng
hướng tới vành trăng tròn
đôi bàn tay anh
bầm máu
lọt vào
trong im lặng của tôi
tôi đã viết
những lá thư đầy tình ái
 
Chưa bao giờ
tôi tha thiết với cuộc đời
đến thế
 
                                         Cima 4, 23.12.1915
 
 
MẶT TRỜI LẶN
 
Da trời màu hồng đào
gọi dậy những ốc đảo
nơi người du mục tình yêu
 
                                         Versa, 21.5.1916
 
 
CỬA SỔ TRÔNG RA BIỂN
 
Bao lơn gió
để tựa nỗi buồn tôi
chiều nay
 
                                         Versa, 22.5.1916
 
 
TUẦN TRĂNG
 
Bước tới bước tới
tôi đã tìm thấy lại
cái giếng của tình yêu
 
Trong mắt
đêm một ngàn lẻ một
tôi đã ngơi nghỉ
 
Nơi những khu vườn hoang
nàng đã đáp xuống
như cánh bồ câu
 
Trong không khí
ban trưa
ngây ngất
vì nàng tôi đã hái
những trái cam và những bông lài
 
                                         Mariano, 25.6.1916
 
 
LÍNH
 
Các anh em
thuộc trung đoàn nào?
 
Anh em
tiếng run run
trong đêm tối
như một mình lá chét
mới sinh
lời chào
của một trái tim buồn bã
trong bầu khí mỏi mệt
lời khẩn cầu
thầm thì
tiếng kêu cứu
với người hiện diện
trước sự mong manh của mình
 
                                         Mariano, 15.7.1916
 
 
TÔI LÀ MỘT TẠO VẬT
 
Như tảng đá này
của núi thánh Mi-sen
cũng lạnh
cũng cứng
cũng héo khô
cũng chịu lửa
cũng hoàn toàn
vô hồn
là nước mắt tôi
nước mắt không ai thấy
 
Nợ chết
phải trả
bằng sống
 
                                         Valloncello di Cima Quattro, 5.8.1916
 
 
S. MARTINO DEL CARSO
 
Của những ngôi nhà này
bây giờ chỉ còn lại
một vài
mẩu tường
giãi dầu sương gió
 
Của bao kẻ
từng thư từ với tôi
bây giờ không còn được
đến ngần ấy
ngoài các nghĩa trang
 
Nhưng ở trong trái tim
không thiếu một cây thập tự nào
 
Những cây thập tự đứng thẳng
canh gác
điều chi?
 
Họ đã chết
con tim muộn phiền
 
Để đôi khi tôi nhìn về tim tôi
như nhìn về một quê hương
tan nát
 
                                         Valloncello dell’Albero isolato, 27.8.1916
 
 
THƠ
 
Ettore Serra*
thương mến
thơ
là thế giới là nhân loại
chính cuộc đời mình
nở hoa qua lời nói
ấy là sự diệu kỳ trong trẻo
của một chất men cuồng nhiệr.
 
Mỗi khi tôi tìm được
trong niềm im lặng này của tôi
một lời
lời ấy ăn sâu vào đời tôi
như một vực thẳm
 
                                         Locvizza, 2.10.1916
 
-----------------------------------------------------
* Tên người trung úy đã in «Cảng bị vùi lấp», tập thơ đầu tay của Giuseppe Ungaretti.
 
 
BUỔi SÁNG
 
Tôi chói lòa
vô hạn
 
                                         Santa Maria la Longa, 26.1.1917
 
--------------------------
Ghi chú của dịch giả:
GIUSEPPE UNGARETTI (1888-1970) là một nhà thơ Ý, cùng với Montale và Saba, đã chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt quan trọng trên bầu trời thơ của Ý ở thế kỷ XX. Nhà thơ Beat Hoa-kỳ Allen Ginsberg đã viết về ông: Ungaretti, anh là cha tôi và mẹ tôi.../ Ungaretti ở Nữu-ước, ở Luân-đôn, ở Venise, ở Roma... Ungaretti của vũ trụ, / con người rất đại lượng, ông già lúc nào cũng rất trẻ.../ Ungaretti, anh là thi sĩ lớn nhất của Âu châu, tôi biết!
 
Là một thi sĩ Ý, nhưng Ungaretti chỉ nhìn thấy quê hương khi ông đã trưởng thành: ông sinh ở Alexandrie, Ai cập, nơi cha ông làm việc và chết cho kênh đào Suez – lúc ấy Ungaretti mới lên hai. “Sa mạc, những ảo ảnh, cái chết”… nằm trong những kinh nghiệm lớn đầu tiên của ông, rồi tới thực tế chiến tranh... Sau khi trở về Ý, Ungaretti tới Paris năm 1912, kế đó ông kết hôn với một cô gái Pháp. Năm 1937, ông dạy văn chương Ý ở đại học São Paolo. Ông ở lại đây mãi tới 1942 mới trỏ về Ý, cư ngụ tại Roma, làm giáo sư đại học. Thi phẩm của Ungaretti được nhà xuất bản Arnoldo Mondadori in trọn vẹn với tựa đề Vita d’un uomo (Đời một người, 1969). Ungaretti mất tại Milan năm 1970. Ông còn để lại nhiều tùy bút, văn xuôi du ký, và những bản dịch thơ Góngora, Racine, Shakespeare, Blake và Mallarmé.
 
Các bài trên được dịch theo bản Pháp văn của Jean Lescure trong Le Port Enseveli, ấn bản 1916 (in lại với bài tựa mới, đề năm 1967, của tác giả). Riêng bài chót dịch theo Philippe Jaccottet trong Giuseppe Ungaretti, Vie d’un homme (Poésie/ Editions de Minuit-Gallimard, Paris, 1981).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021