thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỰT KÍ PARIS [21-30]
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
 
Chân dung Jim Morrison,
tranh của David Dunne
 
JIM MORRISON
(1943-1971)
 
“Bàn luận về thơ nếu như đã không dễ dàng thì lại càng vất vả hơn khi muốn nói về thơ của Jim Morrison. Hành trình huyền diệu của não óc đã tự giải phóng hay đã bị nô lệ hoá bởi ma men và ma tuý, chữ nghĩa của kẻ hình như đã vỡ mộng ru ta trong cái giá buốt của cõi đời”. (“katseinko”, trên Amazon.fr.)
 
“Jim Morrison và nhóm The Doors là sự hiện diện của thiên thần đen, gã con trai nổi loạn bị những người lớn cho là không lý do. Mặc quần da, hành động khác thường, xúc phạm luân lý và gây tai tiếng. Thơ và ca khúc Morrison thể hiện sự chán nản tuyệt vọng của “nỗi buồn xanh” (the blues): hổn hển, đứt quãng, huyền bí, lịm ngất, ngôn từ của Morrison ngắt nhịp cho cơn giận hờn lớn lao và sự hoang mang khốn khổ của kẻ căm thù những khuôn mẫu...”. (Evelyne Pieiller - Révolution)
 
Năm 1968, Jim Morrison có gởi cho Wallace Fowlie ― tác giả và dịch giả của khoảng ba chục đầu sách, giáo sư giảng dạy văn chương Pháp tại Ðại học Duke (North Carolina) ― một bức thư cám ơn ông ta về bản dịch toàn tập thơ Rimbaud sang tiếng Anh. Trong thư, Jim Morrison viết: “Tôi là ca sĩ nhạc rock, cuốn sách của ông luôn luôn theo tôi trong các chuyến đi xa”. Mười bốn năm sau, khi Wallace Fowlie nghe nhạc của nhóm The Doors, ông đã nhận thấy ảnh hưởng Rimbaud trong ca từ của Morrison.
 
Trong quyển Rimbaud et Jim Morrison - Portrait du poète en rebelle (“Rimbaud và Jim Morrison - Chân dung nhà thơ nổi loạn”) vừa là tiểu sử vừa là tiểu luận, giáo sư Fowlie, qua cách nhìn đặc thù của ông, đã kể lại cuộc đời và phân tích tỉ mỉ tác phẩm của hai nhà thơ trẻ. Ông phát hiện một sự tương đồng “đáng lo ngại” (troublant) giữa hai cuộc đời gần như “song sinh”: lối sống phiêu bạt xa bầy đàn xã hội, và sự khát khao thoát ly khỏi cái tôi của chính mình. Cả hai tuy đã có một sự nghiệp ngắn ngủi nhưng tác phẩm của họ tới nay vẫn có độc giả và thính giả, vẫn còn làm rung động hàng triệu con tim trên thế giới.
 
Jim Morrison viết “Paris Journal” không bao lâu trước khi chàng qua đời vào ngày mồng 3 tháng 7, 1971 tại Paris. “Nhựt kí Paris” là một bài thơ dài gồm cả thảy 30 khổ không đồng đều nhau, từ 2 câu đến 25-26 câu, một pha trộn phức tạp giữa hình ảnh, ẩn dụ, biểu tượng và tu từ.
 
Ðộc giả có thể đọc thêm phần tiểu sử Jim Morrison do nhạc sĩ HN-T biên soạn.
 
__________
 
 
NHỰT KÍ PARIS
 
21
 
Cock-pit
Tôi có thật
     Hãy bấm ảnh tôi
Hắn cũng thật, ảnh chụp xong rồi
Sự thật là cái đã bị chôn vùi
            trong ta
                    tự bấy lâu nay
sinh đẻ tình dục cái chết
chúng ta còn sống khi chúng ta cười
khi chúng ta cảm nhận máu chảy
            tuôn ra ngoài
máu có thật trong màu đỏ của máu
cầu vồng có thật do
            sự vắng bóng của máu
 
 
22
 
Sự tấn công bất ngờ
Bị đâm & bị cứa nhưng không có
đớn đau chết chóc
 
Vùng im lặng
Thúc đẩy bởi
     sự câm nín dị kì
         và sự ý thức
     rất khó chịu cho não
         dạt dào sức sống, tình yêu và tiếng cười
     và kỉ niệm về những thời kì êm dịu
         hơn
     khi chúng ta chuyện trò và các lời nói
         có vẻ như mơn trớn hơn bên ánh
              lửa
 
 
23
 
Đây là rừng của ta
     một biển dây kẽm.
Đám ảo ảnh đó
     là ánh lửa của ta.
Hàng cây đó là những con người,
     là những kĩ sư.
Và một bộ lạc chủ nông trại
     nghỉ ngơi trong ngày Chủ Nhựt.
 
Các vị thần linh ― các nhà đạo diễn.
     Máy quay phim, Nhân Mã
Hy-lạp trên cây cần trục của máy
     lặng lẽ lướt nhẹ
Khả ái di động
 
Về hướng của ta ―
     một tên hề nhảy vọt tới
Trong con mắt rực rỡ
     của mặt trời.
 
Một mối nguy cơ lớn trên nét cong
     của một chiếc đùi.
Ngón tay phục hận ―
     chúa ơi.
 
 
24
 
Khiêu vũ & hoan lạc
     mùa hè rắn rết
Chúng sẽ có mặt trước lúc
     chúng ta lên đường
Nằm phơi nắng
     nơi cổng vòm cẩm thạch
Lúc chính chúng cũng bị bức xúc
     bởi cái nóng nung người
Của một Thành Phố bị xâm lấn
 
Vương Quốc thuộc về chúng ta.
 
 
25
 
Chuyển dịch cái thánh thiện
sang mọi thứ ngôn ngữ. Nhạc Blues,
Dĩa hát khiến mi bay bổng,
trong quân đội / các đài linh hoạt
Kẻ vừa biết mơ mộng sẽ hát ca
cho trí tuệ với tư duy giải phóng
khỏi móng vuốt của ngôn lời.
Các đài cướp sóng. Las Vegas T.V.
Sô nửa đêm.
 
 
26
 
cơn bão điện
               từ phía trước
độ không trên phong vũ biểu
               cánh rừng
con chó mắt xanh
               ngộp thở trên tuyết
Bão đêm
               chuyến bay qua các sa mạc
đô thị neon, Hoang địa
               túa vọng âm và bị bịt miệng
                      bởi các thiên thần
 
Chuyến bay của Thiên Thần
     về hướng đồn điền thuốc lá
quán ăn bên đường
     ngày mai
 
hãy chuẩn bị chờ Đêm tới
      những tiếng ầm ì khi thức giấc
cảm giác lâng lâng
      về học tập và hồi ức
 
hãy tưởng tượng một thiên đường ở nơi
      trái tim của đêm
          kẻ nào trong chúng ta sẽ không đến?
 
 
27
 
Hình thức là thiên thần của linh hồn
   chuyển thể từ con ngựa sang con người tới
       con trẻ và ngược lại
 
Âm nhạc, tình dục, ý tưởng là những dòng
   chảy của liên lạc
 
tình bạn để liên hệ
 
đưa linh hồn rời xa
   não phì của gian trá
       tới cảnh trí của hoàng hôn
 
Nhiệm vụ hoàn tất
 
Chào mừng du khách của đêm
Chào mừng du khách đến với chiều sâu thăm thẳm
     đen và đẹp của Đêm Hoa Kì
 
một kẻ thư thả để cho bài tiết
     màu hổ phách của mình chết dần dà
 
vết bẩn của chân lợn
 
trong trại tập trung với những thanh củi
                                        đen
các ngôi sao méo mó nắm bắt con số của
                                        định mệnh
 
Xin Thượng Ðế rủ lòng thương
 
 
28
 
Từ bỏ trí năng
trên lộ trình
mi sẽ trở thành đấng Chúa
trong chuyến du lịch được tổ chức
― Tiền bạc thắng linh hồn ―
 
Những chữ cuối cùng, những chữ cuối cùng
đã xong
 
 
29
 
& cái run lạnh của cơn gió chướng
& bàn tay của đứa bé in lên
   khung cửa kính bao la
& khẩu súng đã nạp đạn
   trên vai.
& lửa trong đêm
   đang chờ, trong căn nhà tối om
   loài ác độc và cuồng điên
   từ thành phố kéo tới
   & trong khói lan
   & nhiên liệu & tro tàn đang lục tìm sữa
   & cái nhìn bất lương trên bản mặt chúng nó
      sủa rân trong chiến thắng
Ai có thể cản ngăn chúng?
Thân cây rỗng, nơi
   cả ba đứa chúng ta đã ngủ và đã mơ
   trong sự chuyển động
   của bóng tối quay cuồng & của cỏ
Tiếng lá xạc xào mệt lả
Một ông già khuấy động các vũ công
   với một vũ khúc cũ xưa
tối sầm
những bóng tối vội vàng nghiêng ngả
   trên thịt của rừng
   cho dễ thở
 
 
30
 
Một cái tỉnh giấc
Hãy giũ tóc em để xua đuổi những giấc mộng
               Em xinh, em hiền
Hãy chọn ngày, & hãy chọn dấu hiệu
               cho cái ngày của em,
               Vật thứ nhứt em ngó thấy.
 
Một thân cây cháy thành than, tựa một con chim
               khổng lồ thời tiền sử, một chiếc lá
khô & đắng, những câu chuyện giòn tan
               trong những sóng lá ấm áp.
Các vị thần linh của vỉa hè sẽ thích hợp cho em.
               Khu rừng lân cận,
Viện bảo tàng hoang vắng, &
Đồi cao, & Tượng Ðài mang thai của
Ngọn Núi nhìn xuống kiốt báo
               chỗ núp của bọn nhóc
                    Lúc tan học
 
 
(hết)
 
-------------
Dịch đối chiếu theo nguyên tác tiếng Anh “Paris Journal” vả bản dịch tiếng Pháp “Journal de Paris” của Patricia Devaux, trong Jim Morrison, La nuit américaine, Patricia Devaux chuyển ngữ (Paris: Christian Bourgois Éditeur [Collection 10/18], 1992).
 
 
-------------
Đã đăng:
Jim Morrison viết “NHỰT KÍ PARIS” (Paris Journal) không bao lâu trước khi chàng qua đời vào ngày mồng 3 tháng 7, 1971 tại Paris. “NHỰT KÍ PARIS” là một bài thơ dài gồm cả thảy 30 khổ không đồng đều nhau, từ 2 câu đến 25-26 câu, một pha trộn phức tạp giữa hình ảnh, ẩn dụ, biểu tượng và tu từ... {Tiền Vệ sẽ đăng thành 3 kỳ. Kỳ thứ nhì gồm 10 khổ thơ, từ 11 đến 20} [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Jim Morrison viết “NHỰT KÍ PARIS” (Paris Journal) không bao lâu trước khi chàng qua đời vào ngày mồng 3 tháng 7, 1971 tại Paris. “NHỰT KÍ PARIS” là một bài thơ dài gồm cả thảy 30 khổ không đồng đều nhau, từ 2 câu đến 25-26 câu, một pha trộn phức tạp giữa hình ảnh, ẩn dụ, biểu tượng và tu từ... {Tiền Vệ sẽ đăng thành 3 kỳ. Kỳ đầu tiên gồm 10 khổ thơ.} [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Khoảnh khắc Tự do / khi người tù / nhấp nháy mắt dưới nắng / như một con chuột chũi / trong hang bò ra... | Bạn làm gì ở đây thế? / Bạn muốn gì? / Có phải là âm nhạc?... | Một người đàn ông cào lá khô / chất đống trong sân nhà, nguyên một đống, / & tựa người vào cái cào & / đốt hết chỗ lá khô... | ... Cái chết cải trang thật tuyệt vời / giữa giờ khuya khoắt // Gói mọi trò chơi trong khu vườn yên tĩnh của nó... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
BỐN BÀI THƠ  (thơ) 
... Khoảnh khắc tự do bên trong / khi đầu óc mở rộng & vũ trụ / vô tận được phát hiện / & tâm hồn tha hồ thơ thẩn / say sưa & bối rối đi tìm... | Cứu! Cứu! Cứu chúng tôi! / Xin cứu chúng tôi! / Chúng tôi đang chết đây, anh bạn, hãy làm một cái gì... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021