thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ba bài thơ
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
BORIS RYZHY
(1974-2001)
 
 

* * *

                                                       To V.S.
 
Chúng ta sẽ nhất trí như sau: khi tôi chết
bạn sẽ đặt một cây thánh giá lên mộ tôi, và giữa hai ta
với nhau, bạn ơi, chúng ta sẽ biết là mặc dù trông nó
rất giống bao nhiêu cây thánh giá khác trong nghĩa trang,
thật ra nó là một chữ ký: giống như một kẻ mù chữ
để lại một chữ thập lên giấy, vậy nên tôi
muốn để lại một cây thánh giá cho thế gian
 
Tôi mong để lại một cây thánh giá. Tôi thường bất hoà
với ngữ pháp của đời sống này
và khi đọc số phận mình tôi chẳng hiểu
gì cả. Mọi những gì tôi biết và thấy quen
toàn là những cú đấm, loại chỉ làm cho
chữ nghĩa rơi rụng như răng văng khỏi miệng,
bốc mùi máu.
 
 
 

* * *

 
Ta có thể nói gì về đá hoa – ta là kẻ si mê những phế tích:
bụi bặm, không kiểu cách, những bức tranh lạ lùng...
Thật thế, ta sẽ không liệt kê tất cả những từ chỉ tính cách.
Ý nghĩ từng biến thành tượng đá sẽ trở lại thành ý nghĩ.
Bất tử, đầy hăm doạ – nó lang thang tận đâu?
Ở đâu anh chàng hoạ sĩ thê lương nắm bắt nó?
Thế nhưng một ngày nào – cho dù nó là quỉ quái hay là chim –
nó sẽ biến thành một bàn tay, một bầu ngực lạnh.
 
Có lẽ, trong những dòng chữ buồn bã, ấm nóng, bệnh hoạn,
những dòng không ngừng trong trẻo, nhưng hoàn toàn xa lạ.
Đến nỗi, như là bằng đá hoa, cả bạn lẫn ta đều đông cứng,
sau khi đọc, chúng ta bất bình, hồi tưởng, tha thứ.
Đừng rầu rĩ trong bãi tha ma và đừng khóc than, bạn ạ;
hai lần là tự minh định, ba lần là tra tấn.
Ta xin uống mừng cái chết của Deniseva, ta còn nhớ Troy,
Ta còn nhìn thấy một cuộc đời tự huỷ hoại ngay trước mắt ta.
 
 
 

Cinema

 
Tôi chợt nhớ những năm tám mươi
đứng giữa đám đông cạnh rạp chiếu bóng
Bình minh, một lố thanh niên tóc tai bù xù
và tuyết tháng Ba tan sớm.
 
Sắt nấu chảy khắp đất nước
và người ta lên kế hoạch chế xe tăng.
Cuộc sống ghê tởm, nhưng nó cứ lơ lửng êm trôi,
các cô gái vẫn cứ đi khiêu vũ.
 
Quần jeans nhập cảng từ Mỹ
và bán với giá nửa lương tháng
từ những anh chàng nhanh trí đã tìm ra
ngón nghề của mình trên quảng trường.
 
Một cô Đoàn viên Komsomolka xinh đẹp
hơi bèo nhèo, đứng trên ban-công,
cô đã bay suốt đêm như con búp-bê Thumbelina
trong vòng tay một ông dân biểu.
 
Thế nhưng, bộ phim đến hồi vãn
và mọi chuyện khác cũng xong xuôi:
Những đám đông ra về và thằng con trai
người đàn ông lăn trên sàn nhà tiệm cà-phê.
 
 
---------------
“Chúng ta sẽ nhất trí...” dịch từ bản tiếng Anh của nhà thơ Nga Philip Nikolayev trong Twenty-first Century Russian Poetry, In Memoriam: Boris Ryzhy (1974-2001)’. Người chuyển ngữ tiếng Việt bài thơ trên xin được bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà thơ, nhà hoạt động tiếng tăm Philip Nikolayev. “Ta có thể nói gì về đá hoa...” dịch từ bản tiếng Anh của Tom Dolack trong tạp chí Jacket 36 – 2008. “Cinema” dịch từ bản tiếng Anh của Sasha Dugdale trong Modern Poetry in Translation, Serie 3, No. 1 – 2004.
 
Năm 2008, nữ đạo diễn Hà-lan Aliona van der Horst (sinh 1970, Moscow, lớn lên tại Hà Lan, học văn chương Nga tại Đại học Amsterdam và điện ảnh tại Viện Điện ảnh và Truyền hình Hà-lan) thực hiện phim tài liệu Boris Ryzhy, và được trao tặng Giải Silver Wolf Award ở Liên hoan IDFA 2008, Giải phim tài liệu hay nhất tại Liên hoan phim Edinburg 2009, Giải phim dành cho các nhà làm phim báo chí Hà Lan và Special Jury Prize tại Liên hoan FIFA, Montréal.
 
 
 
-------------
Đã đăng:
 
Ánh sáng xanh sẫm trên hành lang bệnh viện, / Trăng sáng bên kia những cửa kính bệnh viện. / Hãy suy nghĩ thật sâu về những sự vật bình thường, / suy nghĩ thật sâu về những chuyện dễ dàng nhất... | Trên quảng trường cũ bé xíu một nhạc sĩ chơi đàn – / mặt chàng xanh xao, chàng mang cà-vạt đen. / Tôi ngồi trên một chiếc ghế dài nghe chàng biểu diễn... | Hãy cho tôi biết ngay sau khi tuyết rơi / Chúng tôi còn sống hay chúng tôi đã bị chôn vùi?... | Chúng ta từng là những đội viên thiếu niên tiền phong cuối cùng, / chúng ta không từng là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản. / Chúng ta lên mười bốn tuổi – / và đã rũ bỏ hết mọi ràng buộc. / Và không trở thành là gì cả: sao trời và bông tuyết... | ... Đàn đi, thằng bé, đàn lên đi thằng oắt con, / hãy đàn cho ta một bài ca của kẻ lang thang, / cho ta, là nhà thơ, kẻ đua đòi, ưa chim chuột, thằng ngu... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Bốn bài thơ  (thơ) 
... Và một tượng người mẫu, là thứ bất tử, trông gớm ghiếc, / nó đang quan sát chúng ta bằng đôi mắt đẹp. / – Nhưng nó biết gì? Nó biết rằng thế giới này là tàn bạo? / Là khủng khiếp? ... | ... Hãy ném thêm một cục nước đá / vào bài thơ lạnh lẽo này. / ... Và những chuyến xe lửa trật đường ray, / ... Và những chuyến bay lên tận các tinh tú / bốc cháy giữa sao trời... | ... Xin mi đừng buồn rầu, đừng sầu não. / Hãy tha thứ cho ta nếu như ta lầm lỗi. / Hãy để cho gương mặt của mi vĩnh viễn / được mùa xuân soi sáng... | ... qua lối mòn của cuộc chia ly bất tận, / qua con đường của nỗi buồn bất tận / về ngôi nhà bạn từng ra đời, nhạt nhòa trong hoàng hôn, / nỗi cô đơn, cơn ngủ mơ, tiếng lá rơi, / trở về như một chiến binh tử trận... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021