thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bệnh tưởng mình hoá sói
(Diễm Châu dịch)
 
Chuyện không còn đáng phải bỏ trốn,
tôi đã kiên nhẫn gặm con tim của các người, đã chờ đợi sự truyền nhiễm mơ ước,
nhưng thật đã vô ích, các người e sợ chính thần tính của các người
và từ con tim của các người đã bỏ trốn con người mà một ngày nọ các người đã muốn trở thành.
Chúng ta hết thảy đều đã muốn trở thành con người đó, đưa chúng ta đến cõi tuyệt phúc, trao mình vào chính đôi tay chúng ta ;
nhưng lần này chúng ta đã hoảng sợ,
nhưng lần này chúng ta đã có những cử chỉ không xoa dịu hừng đông,
chúng ta đã thiếu sự điên dại cần thiết, sự điên cuồng của chúng ta không thuộc loại thần thánh,
cũng chẳng hơn gì tình yêu và nỗi oán thù của chúng ta.
 
Bị tàn hại vì một cuộc chiến và một thứ quyền bính xa lạ với chúng ta,
trống rỗng tới độ không tiêu hóa được của trống rỗng,
ngồi vào một chiếc bàn lấn qua cuộc đời của chúng ta, ngồi vào một văn hóa lấn qua cuộc tình của chúng ta,
trật tự đến hỗn độn, khôn ngoan tới mất cả phê phán, tươi cười tới mức nụ cười che mờ đôi mắt chúng ta,
chúng ta đã lý sự về tất cả những điều ấy, chúng ta đã biến thành Khoa học tất cả những điều ấy, thành Nghệ thuật tất cả những điều ấy,
và trong miệng chúng ta một triều đại côn trùng đã xây dựng một vương quốc những câu cú
cầu kỳ và dịu ngọt, thông minh và mau lẹ,
và trong các hành lang của thứ ngôn ngữ này
người ta nghe những bước chân của các thần linh đã chết.
 
Chết về tay ai? Vì thứ bệnh đáng hổ nhục nào hay vì sự già cỗi toàn thắng nào?
A, tôi đã sa vào cạm bẫy, tôi đã nghe dò la cái lưỡi của tôi
và này đây tôi đang tha về cái diễn từ đã nghiền tán, sự nát óc
cái đớn đau gây nên vì một nét vĩnh cửu mà giỏi lắm chúng ta cũng đã chỉ đánh hơi thấy.
 
Ai biết được sự đơn giản cổ xưa của những vũ điệu con người?
Ai biết được những y trang lộng lẫy trong đó con người, trang bị bằng sự im lặng của thần linh,
hướng về thế giới trong lúc họ khao khát chính bản thân?
Vẻ duyên dáng của những vành môi, những mái tóc nghiêng nghiêng như nét tinh tế của một ánh sáng đang suy tàn,
cuộc săn bắn lúc hừng đông, dưới tiếng tù-và, của những thèm muốn tăm tiếng nhất của chúng ta,
những điều ấy giờ đây ai còn có thể lặp lại?
 
Một khẩu phần luật pháp, một phong cảnh nơi đêm tối là một tập tục tuyệt hảo,
một sự thăng bằng, một bộ súc-sắc, sự va chạm của cái hũ bằng da trên mặt bàn,
những toa thuốc cũ kỹ, những mộ địa thật sinh động của một Lý trí bất ngờ
và đầy oặp máu.
 
Không, không còn cần tới những chiếc răng nanh này, những hồi đoạn biến chuyển này của cuộc săn bắn trong bài thơ,
những ám chỉ bóng bẩy trang sức bằng những chùm lông ái tình và đoạn tình, mỏi mệt và nhờm tởm này,
những dòng nước này nơi lời nói tràn lan theo nhịp riêng của nó
và từ đó chụp lấy bài thơ
như một người đàn bà đáng thèm muốn đã cự tuyệt với giấc mơ của chúng ta.
 
Các người hiểu tôi hay không là tùy các người,
tôi đã chán ngấy chuyện các người tìm hiểu tôi,
tôi đã chán ngấy chuyện các người nghĩ rằng mọi sự đều có thể giải thích,
cái vô lối huênh hoang nơi các phòng thí nghiệm của các người khiến tôi phát khùng;
tôi tôi không hề tìm cách hiểu các người, tôi không muốn được là như các người vì các người làm tôi sợ,
là vì tôi đã cho rằng các người có lý, tôi đã đặt lẽ phải vào tay các người
như thể nó là của các người và tôi tôi phải ăn mày ăn xin nó.
 
Thế nên, như các người sẽ hiểu, như các người chắc đã hiểu,
những chiếc răng nanh của tôi không còn dùng làm gì nữa hết, chúng đã lỗi thời,
tôi là kẻ đào huyệt cho chính những lời của tôi, kẻ tô điểm cho sự ghê tởm và sự ngạo mạn của các người
bằng một sự ghê tởm và ngạo mạn còn lớn hơn nữa, sự ghê tởm và ngạo mạn của tôi.
Và những chiếc răng nanh của tôi – khả năng cười ra tiếng của tòi –,
những chiếc răng nanh của tôi – cái cách tôi nức nở, cái cách tôi khiển trách –
đã nằm trong các người, đã cắn xé lẫn nhau như chúng đã cắn xé các người,
nhưng một cuộc dứt bỏ của thế giới, mà những người đào huyệt cho điều thánh thiêng hành sử
đã giật đứt những chiếc răng nanh ấy cho các người cũng như cho tôi, khiến chúng ta trở thành những kẻ ăn rau cỏ trong một thứ nhà thổ tồi tệ nhất.
 
Giờ đây các người hãy nhìn tôi mỉm cười với cửa miệng không còn răng,
với hàng lợi máu me và dịu mềm, mà tôi không còn tìm cách che đậy.
 
Thế nhưng các người chớ quên điều này: những chiếc răng nanh khác sẽ tới,
và cái Siêu hình của những thứ hàm dưới này, cái thuốc phiện của thứ Lý trí này, sự minh mẫn của vết cắn này,
các người sẽ không thoát khỏi.
 
Nhưng giờ đây, đối với các người cũng như đối với tôi sự nguy hiểm đã đi qua;
sự nguy hiểm ấy, sự nguy hiểm đã đánh thức các người giữa đêm tối, sự nguy hiểm đã chờ đợi các người giữa cuộc tình,
sự nguy hiểm đã khiến các người run rẩy và mỉm cười, nói nho nhỏ
và đưa ra những lời cáo lỗi với một sự nhã nhặn thật tế nhị và tàn úa.
 
------------------------------------------------
José Carlos Becerra, nhà thơ Mễ-tây-cơ, sinh tại Villahermosa ngày 21.5.1936, học kiến trúc tại thành phố Mexico, và mất vì tai nạn trên đường gần Brindisi, ở đông nam nước Ý, ngày 27.5.1970. Tác phẩm toàn tập của ông, do Gabriel Zaid và José Emilio Pacheco thâu thập, Octavio Paz đề tựa, được «tái bản đều đặn» ở Mễ-tây-cơ. Bài "Kẻ đào tẩu" dịch theo bản Pháp văn của Bruno Grégoire và Jean-François Hatchondo trong Récits des événements (Relación de los hechos), nxb. Belin, 2002. (DC.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021