thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Nếu không viết, chắc đứt gân máu chết”

 

 

Nguyễn Viện

 

 

Nguyễn Hưng Quốc: Trong văn chương của anh, về phương diện nội dung, có hai yếu tố nổi bật: dục tính và chính trị. Trước hết, xin nói về dục tính. Tại sao anh lại hay đề cập đến dục tính như vậy? Anh tự thấy cách đề cập đến dục tính của anh khác với những người cầm bút khác ở điểm nào?

Nguyễn Viện: Nếu nhìn một cách hời hợt, độc giả có thể cho rằng tôi bị ám ảnh tình dục. Thật ra, như anh đã biết, tôi chưa bao giờ mô tả chi tiết một bộ phận sinh dục nào, nam hay nữ. Tôi chỉ gọi tên nó, như chính nó là thế, theo tất cả các loại tự điển và dân gian thường gọi. Tôi không phân biệt hay tránh né tên một bộ phận cơ thể bất kỳ nào. Tôi cho rằng đó cũng là sự công bằng đối với các bộ phận và chức năng của nó. Tôi cũng tuyệt đối không bao giờ viết khiêu dâm hay gợi dục. Tôi chỉ nói về sự việc, như tình dục là một sinh hoạt bình thường của con người.

Còn tại sao tôi hay nói về tính dục?

Tôi vẫn biết đó là một khu vực cần hạn chế trong nhận thức chung của cộng đồng. Đôi khi, nó là sự cấm kỵ.

Trong bối cảnh của một xã hội toàn trị và đạo đức giả như Việt Nam hiện nay, việc phá vỡ các rào cản là một ý thức về tự do. Chúng ta đều biết, hơn ở đâu hết, chính quyền Việt Nam luôn đề cao cái gọi là truyền thống, hay bản sắc dân tộc. Tôi không phủ nhận việc mỗi dân tộc cần có một bản sắc, nhưng tôi dị ứng với việc dùng bản sắc dân tộc như một chiêu bài để thống trị.

Viết về dục tính, tôi tuyên dương sự tự do của mỗi cá nhân. Tôi cũng coi khả thể của dục tính là một khả thể của sáng tạo.

Tôi không có ý kiến về cách viết của người khác.

Cá nhân tôi phủ nhận việc đề cao tính dục như một kiểu cách tân hay biểu lộ nữ (nam) quyền. Cách tân không nằm ở đề tài.

 

Nguyễn Hưng Quốc: Gắn liền với yếu tố dục tính là ngôn ngữ. Nhiều độc giả, nhất là những người độc giả lớn tuổi, thường than phiền, trong những cuộc nói chuyện riêng, là anh sử dụng, thậm chí, lợi dụng, những từ ngữ liên quan đến các bộ phận sinh dục nam nữ và các hoạt động ân ái. Anh nghĩ sao?

Nguyễn Viện: Lợi dụng? Để làm gì? Chắc chắn, tôi không cần câu khách trong việc sử dụng ngôn từ liên quan đến các bộ phận sinh dục và hoạt động của nó. Đơn giản, tôi chỉ muốn trả lại sự trong sáng cho ngôn ngữ với những ngữ nghĩa chân thực của nó.

Thái độ kỵ húy và tránh né các vấn đề sát sườn của cuộc sống, như cách sử dụng ngôn từ hoa mỹ cho vật và việc như xưa nay chúng ta vẫn hành xử, theo tôi đó là một thái độ phong kiến, đạo đức giả và khước từ đối mặt với thực tế. Nó cũng là một thái độ mặc cảm, nhu nhược.

Tôi tin rằng, nếu anh dùng từ “tàu Trung Quốc” thay vì “tàu lạ”, hay (xin lỗi độc giả) anh nói: “Con c. tao nè” thay vì “dương vật tao nè” hoặc chim, cò ví von nào đó, anh sẽ khác. Anh Nguyễn Hưng Quốc đã từng viết về đề tài này. Tôi nghĩ khi anh sử dụng một từ chính xác, không phải lắt léo, thì đó cũng là cách anh biểu thị vị thế và thái độ của mình.

 

Nguyễn Hưng Quốc: Về chính trị, hình như anh không né tránh bất cứ đề tài cấm kỵ nào, từ việc lên án đảng Cộng sản Việt Nam đến việc chế giễu “ông thánh” Hồ Chí Minh. Anh có nghĩ là anh lên tiếng giùm cho đám đông thầm lặng ở Việt Nam về các vấn đề chính trị ấy?

Nguyễn Viện: Chính trị với tôi mới thật sự là một nguồn cảm hứng thôi thúc nhất. Tình dục chỉ là một khía cạnh trong thái độ chính trị của tôi. Tôi không lên tiếng giùm cho ai. Tôi chỉ nói tiếng nói của lương tâm mình. Có thể có nhiều người đồng cảm với những gì tôi viết, cũng như có những người căm thù tôi. Nhưng tôi tin chắc một điều, tôi và những người viết “ngoài luồng” khác, nếu không viết, chắc đứt gân máu chết. Bởi nỗi “bức xúc chính trị” là một trạng thái tinh thần dễ bùng nổ nhất. Viết, để thấy mình còn thở được.

 

Nguyễn Hưng Quốc: Cho đến nay, anh có phải trả giá cho việc lên tiếng một cách thẳng thắn như vậy hay không?

Nguyễn Viện: Tôi đã từng bị Công an mời làm việc nhiều lần. Thậm chí buộc không được cộng tác với BBC, cũng như áp lực với một số tờ báo buộc tôi nghỉ việc. Có những vụ khủng bố bằng email, hay điện thoại réo hằng đêm vào lúc 2 giờ sáng, mà tôi không thể xác nhận chủ thể. Tuy nhiên, cũng phải công bằng mà nói, khi Công an làm việc với tôi, dù ở Sở Công an hay trong các quán cà phê, họ có một thái độ lịch sự vừa đủ.

Tôi biết có nhiều người thắc mắc, tại sao đến giờ này Công an vẫn chưa bắt tôi?

Tôi là một nhà văn, và tôi viết như một nhà văn có tinh thần trách nhiệm. Tôi không tham gia bất cứ một tổ chức chính trị nào. Có lẽ đó là điều họ không có lý do để bắt tôi.

Thú thật, tôi cũng thường xuyên cảm thấy căng thẳng. Như có một cái thòng lọng treo lơ lửng trên đầu mình.

 

Nguyễn Hưng Quốc: Anh muốn người đọc ghi nhận và ghi nhớ anh như một người trí thức phản kháng hay như một nhà văn có nhiều ý hướng cách tân?

Nguyễn Viện: Với tôi, cả hai con người trên chỉ là một. Cách tân là yếu tính của sự phản kháng.

 

Nguyễn Hưng Quốc: Anh có thể tóm tắt những nỗ lực cách tân về nghệ thuật của anh?

Nguyễn Viện:Tôi quan tâm nhất về vấn đề cấu trúc. Và cần phải phá vỡ nó để thoát khỏi mọi ràng buộc. Tôi cũng muốn phá bỏ mọi ước lệ, mở rộng tối đa các biên độ về ngữ nghĩa, biểu tượng cũng như thể loại. Tôi luôn tin rằng một nội dung cần phải có một hình thức thích hợp. Và tôi muốn có một cái tên khác cho sự trình bày của mình.

Anh thấy điều ấy bắt nguồn từ một tâm thức chính trị, hay đơn thuần chỉ là ý chí sáng tạo nghệ thuật?

 

Nguyễn Hưng Quốc: Có thể nói đến sự hiện hữu của một dòng văn học phản kháng ở Việt Nam hiện nay? Nếu có, dòng văn học ấy có những đặc điểm và những thành tựu gì đáng kể?

Nguyễn Viện: Tôi xác tín về một dòng văn học phản kháng đang có mặt ở Việt Nam. Điều quan trọng nhất mà dòng văn học ấy mang lại chính là việc nó xác lập khuôn mặt văn học Việt Nam đương đại. Không dừng lại ở một thái độ chính trị, mà nó đang là dòng văn học chủ lưu với tất cả mọi nỗ lực làm mới văn chương Việt bằng một ý thức mạnh mẽ của tự do sáng tạo, thoát khỏi các kiểu “cách tân” tủn mủn như “phu chữ” của thế hệ trước, hoặc ầu ơ ví dầu truyền thống.

Nhìn chung, nó đang làm cho nền văn học Việt khác đi với cách sử dụng ngôn ngữ cũng như bôi xóa các đường biên về thể loại. Phóng khoáng hơn. Giàu có hơn. Cũng nhiều ưu tư hơn. Đặc biệt, nó mang lại niềm hưng phấn và thôi thúc cho sự sáng tạo đích thực.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021