thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thu ca
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
Nhà thơ Inrasara có nhắc tới bài thơ Chanson d’automne của Paul Verlaine khi anh viết về nhà thơ Trần Wũ Khang. Do vậy tôi thử dịch chơi tác phẩm danh tiếng này cống hiến độc giả. Như quý bạn hẳn đã rõ, thi phẩm đơn sơ nhưng tuyệt vời, đầy nhạc tính này, tự nó đã là một ca khúc trữ tình rồi (và có thể nó đã ảnh hưởng không nhỏ đến thi sĩ Lưu Trọng Lư khi ông viết “Tiếng thu”). Chanson d’automne từng được nhạc sĩ lão làng Phạm Duy phóng tác và phổ nhạc, một thời vang bóng qua giọng hát truyền cảm của nữ danh ca Thái Thanh.
 
NĐT
 
 
(1844-1896)
 
Sinh tại Metz, một thành phố nhỏ nằm trên bờ sông Moselle (Đông Bắc nước Pháp), Paul Verlaine lên Paris năm 1851 tiếp tục việc học và đỗ tú tài năm 1962. Cha ông là một đại uý bộ binh, không tán thành lối sống phóng túng, viết lách và say sưa của đứa con trai ở thủ đô, nên chấm dứt hẳn sự hỗ trợ tài chánh. Để kiếm tiền, trước tiên Verlaine làm việc cho một hãng bảo hiểm rồi Tòa Đô Chính; si tình nàng Mathide Mauté, lập gia đình và sinh được một đứa con trai, một thời gian ngằn đã có một cuộc sống phong lưu khá nề nếp trong gia đình vợ, giao du với các thi sĩ đương thời, nhứt là nhóm “Thi Sơn” (les Parnassiens, gồm có: Leconte de Lisle, 1818-1894; Théodore de Banville, 1823-1891; José-Maria de Heresia, 1842-1905; Sully Prudhomme, 1839-1907).
 
Năm 1871, Verlaine (27 tuổi), không điển trai vì có cái “sọ đầu to và cặp mắt xếch của người Mông Cổ”, gặp Rimbaud (17 tuổi), một học sinh trung học ưu tú nhưng man dại, bướng bỉnh, nổi loạn, có đôi mắt xanh xa vắng và soi mói (“thấu thị”), mang trong huyết quản dòng máu nông dân chịu đựng và kiên trì của mẹ — người một thân một mình nuôi người cha già và lũ con thơ năm đứa đã chết hai — dù thân phụ Rimbaud cũng là một đại uý bộ binh, nhưng vì nhiệm vụ nên thường xa nhà và đã bỏ hẳn gia đình vợ con khoảng năm 1859.
 
Rimbaud yêu thơ Verlaine. Từ tỉnh lẻ Charleville chật hẹp buồn tẻ — Rimbaud đã trốn nhà đi hai lần nhưng bị bắt gởi trả về — cậu biên thư cho nhà thơ đã nổi tiếng ở Paris kèm theo vài bài thơ để xin gặp mặt. Khoảng một tuần sau cậu nhận được các dòng này: “Hãy tới đây, ơi linh hồn lớn, người ta đang gọi, người ta đang chờ”, kèm theo tiền vé xe lửa. Hôm sau Rimbaud tới Paris mang theo bài thơ “Con tàu say”. Tiếp theo là một cuộc “tình trai” (chữ của Xuân Diệu) đam mê, ngắn ngủi, phong ba, giữa hai thiên tài và thiên tai — một “trinh nữ điên” (Verlaine) và một “người chồng địa ngục” (Rimbaud) để rồi phải chấm dứt trong một cơn say sưa và xung đột, bởi một phát súng của Verlaine gây thương tích nhẹ nơi cườm tay Rimbaud. Verlaine lãnh 18 tháng tù, không do phát súng và vết thương, mà vì cái xã hội tư sản đạo đức giả lúc ấy muốn trừng phạt gắt, để làm gương, một cuộc tình cấm kỵ cũng như kẻ đã gây ra tai tiếng. Dẫu sao, trước đó, Rimbaud và Verlaine đã có những ngày vui, đã cùng nhau chu du sang Bỉ và Anh Quốc. Rimbaud có thể đã viết nhiều bài thơ văn xuôi của thi tập Illuminations trong xóm East End bình dân và tạp chủng của Luân Đôn.
 
Verlaine được bầu làm “Ông Hoàng Thơ Ca” năm 1894, sau cái chết của Leconte de Lisle. Ông qua đời tại Paris năm 1896 — năm năm sau cái chết bi thảm của Rimbaud (1891) ở bệnh viện Marseilles sau cuộc hồi hương từ châu Phi. Rimbaud, nhà thơ “thần đồng”, qua đời năm 37 tuổi, nhưng đã vĩnh biệt thơ ca từ năm 20 tuổi để vĩnh viễn trở thành cái nguồn luôn luôn xanh mát của thơ ca hiện đại và hậu hiện đại.
 
Như Baudelaire, Verlaine thường thể hiện tình cảm bằng biểu tượng nên được xếp chung với các nhà thơ “Tượng Trưng” (les Symbolistes). Tác phẩm chính: Poème saturniens (1866), Fêtes galantes (1869), La bonne chanson (1870), Romances sans paroles (1874), Sagesse (1881, viết trong tù), Jadis et naguère (1884), Les poètes maudits (1884), Parallèlement (1889).
 
 

Thu ca

 
Tiếng khóc than
Của vĩ cầm
Trong mùa thu
Xoáy tim ta
Nỗi chán chường
Tuy tẻ nhạt
 
Nhưng ngột ngạt
Và tái tê
Lúc giờ gõ
Ta hồi nhớ
Những ngày xưa
Và nhỏ lệ
 
Rồi ta bước
Theo gió chướng
Cuốn ta trôi
Trên phố phường
Như lá vàng
Bay lang thang
 
 
Nguyên tác:
Chanson d’automne
 
Les sanglots longs
Des violons
De l’automne
Blessent mon coeur
D’une langueur
Monotone.
 
Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l’heure
Je me souviens
Des jours anciens
Et je pleure
 
Et je m’en vais
Au vent mauvais
Qui m’emporte
Deçi, delà
Pareil à
La feuille morte.
 
 
-----------------
Phần phụ hoạ:
Để phụ hoạ với nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, tôi xin gửi đến độc giả hai đoạn băng thu âm mà tôi sưu tầm được cách đây đã nhiều năm.
 
1. Bài thơ Chanson d’automne của Paul Verlaine qua tiếng hát của ca/nhạc sĩ Charles Trenet. Charles Trenet (1913-2001) đã phổ nhạc và trình diễn bài này tại Paris năm 1940. Một số ca từ của Charles Trenet đã được dịch ra tiếng Việt và đăng trên Tiền Vệ.
 
2. Bài thơ Chanson d'automne của Paul Verlaine qua giọng đọc của Jean-Claude Pascal, thu âm trong một chương trình đọc thơ trên đài Radio France sau Thế Chiến II. Jean-Claude Pascal (1927-1992) là kháng chiến quân chống Nazi, là minh tinh điện ảnh, nhạc sĩ, và danh ca đoạt giải “Concours Eurovision de la Chanson” năm 1961 (với ca khúc “Nous les amoureux”, nhạc và lời của Jacques Datin và Maurice Vidalin).
 
Có hai điểm khác nhau thú vị giữa hai cái “versions” của Charles Trenet và Jean-Claude Pascal: 1/ ở đầu bài thơ, Jean-Claude Pascal đọc là “... Blessent mon coeur...”, nhưng Charles Trenet lại hát là “... Bercent mon coeur...”; 2/ ở cuối bài thơ, Charles Trenet hát là “Deçi, delà / Pareil à / La feuille morte”, nhưng Jean-Claude Pascal đọc là “Deçà, delà / Pareil à / La feuille morte”.
 
[Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021