thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
WESTWEGO
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
 
PHILIPPE SOUPAULT
(1897-1990)
 
 
WESTWEGO
 
             tặng M.L.
 
Tất cả thành phố trên thế giới
ốc đảo cho những muộn phiền đang chết đói của chúng ta
dâng nước mát
hoài niệm những kẻ cô đơn những người dị hợm
và bọn định cư
Thành phố của những lục địa
các ngươi là những lá cờ
những ngôi sao đã rơi xuống đất
chẳng rõ cơ duyên
và các cô nhân tình của các nhà thơ đương đại
 
 
Chợ trời Luân Đôn
 
 
Tôi đã thơ thẩn trên phố Luân Đôn một mùa hè
chân bị nóng và tim trong mắt
cạnh những tường đen vách đỏ
bến tàu lớn
nơi có những anh cảnh sát khổng lồ
bị đóng như dấu chấm hỏi
Người ta có thể đùa với mặt trời
như chim đậu
trên tượng đài kỷ niệm
bồ câu đưa thư
bồ câu hàng ngày
 
 
London, Whitechapel
 
 
Tôi đã tới khu phố được gọi là Whitechapel
cuộc hành hương thời thơ ấu
nơi tôi chỉ gặp
những người chưng diện bảnh bao
với mũ cao hình trụ[1]
những cô gái bán que diêm
đội mũ đáy bằng[2]
to tiếng như các mụ đầm chủ nông trại
réo gọi khách hàng
penny  penny  penny
Tôi vào một quán rượu
toa hạng ba
nơi có các ả đang ngồi ghế
Daisy  Mary  Poppy
bên cạnh vài anh bán cá
nhắm một mắt và nhai thuốc
để quên đêm
đêm với bước chân sói[3]
và chân cú
đêm và mùi nước sông và mùi thuỷ triều
đêm xé giấc ngủ
 
 
Bờ sông Tamise/Thames về đêm
 
 
một ngày tái tê
của đồng và của cát
chậm chạp trôi đi giữa những kỷ niệm
những đảo vắng những cơn dông tung mù
cho những con thú giận dữ rống
cúi đầu
như bạn như tôi
vì chúng ta cô đơn trong thành phố
đỏ và đen này
nơi mà mỗi cửa hiệu là một tiệm hàng xén
nơi mà những người tốt đều có mắt xanh[4]
 
 
Bờ sông Tamise/Thames về đêm và cabin điện thoại công cộng
 
 
Trời nóng và hôm nay là chủ nhật
không khí u buồn
con sông khốn khổ
và người ta ở miết trong nhà
Tôi đếm bước gần bờ Tamise
một con thuyền độc nhất trôi lên trời
trời bất động
vì là chủ nhật
và gió chưa lên
đứng ngọ và năm giờ chiều
chẳng còn ai biết đi đâu nữa
một người đàn ông hát mà chẳng rõ lý do
như khi tôi bước
lúc còn trẻ là để vĩnh viễn
tuổi thơ tôi nhốt vào lồng
trong cái bảo tàng viện âm vang
của Madame Tussaud[5]
đó là Nick Carter với cái mũ nồi[6]
trong túi hắn có toàn bộ sưu tầm súng lục
và những chiếc còng láng bóng như tiếng chửi
Gần hắn là Bayard chàng kỵ mã
giống hắn như anh em một nhà
đó là chuyện Kinh Thánh đó là sử ký nước Anh
bên cạnh những tay phạm tội ác đã bị mất tên họ
 
 
Luân Đôn, quán cà phê buổi tối
 
 
Ra khỏi quán tôi đã đi đâu nhỉ
không có tiệm cà phê
không có ánh sáng cho ngôn từ bay lên
không có bàn ghế để tựa người vào
để không thấy gì để chẳng nhìn gì
không có ly
không có khói
chỉ có những vỉa hè dài như năm tháng
nơi có những vết máu buổi chiều nở hoa
tôi đã thấy trong thành phố ấy
biết bao nhiêu là hoa và chim
bởi vì chỉ có một mình tôi với trí nhớ
gần những cánh cổng sắt
che mắt và chắn vườn
                      trên bờ Tamise
                      một buổi sáng tháng hai trời đẹp
                      có ba gã người Anh sơ mi tay ngắn
                      ca hát như điên
 
 
Henri Rousseau [1844-1910], Jardin du Luxembourg (1909)
 
 
Ô tô buýt phòng trà Leicester Square
ta nhận ra chúng mày ngay dù chỉ được thấy chúng mày
trên bưu thiếp
mà chị vú của ta đã nhận được
những chiếc lá vàng
Mary Daisy Poppy
những ánh lửa nhỏ
trong quán bar không có ánh mắt
các cô là bạn gái mà một chàng thi sĩ mười lăm tuổi
đã ngưỡng mộ
khi nghĩ tới Paris
bên ô cửa sổ
một cụm mây bay lướt qua
lúc đứng ngọ
gần mặt trời
Hãy bước để được ngu
hãy chạy để được vui
hãy cười để được khoẻ
 
 
Bernard Buffet [1928-1999], Hàng cá (1951)
 
 
Ôi chàng lữ khách lạ lùng chàng lữ khách không hành lý
tôi chưa từng rời khỏi Paris
trí nhớ của tôi chưa hề xa tôi một bước
nó lẽo đẽo bên tôi như một con chó nhỏ
tôi đã ngu như đàn cừu
nhấp nhánh trên nền trời lúc nửa đêm
không khí oi ả
rất trang trọng tôi nhủ thầm
khát quá khát quá
tôi chỉ có cái mũ thôi
chìa khoá để trốn chìa khoá để mơ
cha của kỷ niệm
tôi đã từng rời khỏi Paris rồi hay chưa
nhưng đêm nay tôi có mặt trong thành phố đó
sau mỗi gồc cây trên đại lộ
có một kỷ niệm đang chờ
Chính mi đấy Paris cũ xưa
nhưng đêm nay rốt cuộc ta đã đến với mi trong thành phố ấy
các đài kỷ niệm của mi là những cây số ghi sự lả mệt của ta
ta nhận ra những đám mây
vương vấn các ống khói lò sưởi
để chào đón ta hay để tiễn đưa ta
đêm xuống mi toả sáng lân tinh
 
 
Bernard Buffet, Cảnh phố (1956)
 
 
ta yêu thương mi như người ta yêu mến một con voi
các tiếng la của mi thảy là những lời âu yếm
ta như Aladin trong vườn
với cây đèn thần đã đốt
ta không tìm gì cả
ta chỉ ở đây thôi
ta đang ngồi ngoài hiên quán cà phê
và ta cười nhe răng
nghĩ về những chuyến du hành cũ hảo hạng
ta muốn tới New York hay Buenos Aires
muốn biết tuyết Matxcova
đáp tàu biển một buổi chiều tà
đi Madagascar hay Thượng Hải
ngược dòng Mississipi
ta đã tới Barbizon
đọc lại những chuyến viễn du của thuyền trưởng Cook
ngã mình trên bọt nước giãn co
viết những bài thơ bên cạnh một đoá quỳ sylvie
vừa vói ngắt những từ lủng lẳng trên nhánh cành
đường ray nhỏ khiến ta nghĩ tới đường tàu hoả xuyên Canada
và đêm nay ta mỉm cười vì ta đang một mình ở đây
trực diện chiếc cốc run rẩy
nơi mà ta vừa nhìn vũ trụ
vừa mỉm cười
trên đại lộ trên đường phố
bọn du đãng đi qua và hát ca
cây khô đụng trời
miễn sao có mưa
 
 
Bernard Buffet, Nhà thờ Saint-Germain-des-Prés (1989)
 
 
người ta có thể bước mà không nghe mệt mỏi
ra tới đại dương hay một nơi xa hơn
ngoài khơi biển vỗ như tim đập
gần hơn là sự âu yếm hàng ngày
của ánh đèn và tiếng sủa
trời đã phát hiện trái đất
và trái đất màu xanh
miễn là có mưa
và trái đất sẽ được hài lòng
cũng có những phụ nữ cười và nhìn tôi
những phụ nữ mà tôi chưa biết tên
trẻ con la khóc trong chuồng chim vườn Lục Xâm
mặt trời hẳn đã có đổi thay từ sáu tháng nay
có quá nhiều vật đang nhảy múa trước mắt tôi
bạn bè tôi đang ngủ bốn phương trời
ngày mai tôi sẽ gặp chúng lại
André với đôi mắt màu hành tinh
Jacques Louis Théodore
thằng Paul to tướng gốc cây thân yêu của tôi
và Tristan mà tiếng cười là một con công lớn
chúng mày vẫn còn sống
tôi đã quên cử chỉ và giọng nói thực sự của các bạn
nhưng đêm nay tôi chỉ có một mình tôi là Philippe Soupault
tôi đang bước chậm rãi trên đại lộ Saint-Michel
tôi không nghĩ ngợi điều gì cả
tôi đếm các trụ đèn thân quen
khi tới gần bờ sông Seine
                             gần những cây cầu của Paris
 
 
Bernard Buffet, Le Pont-Neuf et le Vert-Galant (1988)
 
 
và tôi la
phố xá là phụ lưu
khi ta yêu con sông này nơi mà tất cả
máu của Paris đang tuôn chảy
và nó bẩn thỉu như một con điếm dơ dáy
nhưng nó cũng là dòng Seine thế thôi
ta có thể chuyện trò với nó như với mẹ
tôi đứng cạnh nàng
và nàng trôi xuôi không tiếng động không tiếc nuối
kỷ niệm đã phai tàn của nàng là một căn bệnh
tôi tựa người trên thành cầu
như người ta quỳ xuống để đọc kinh
chữ rơi như lệ
ngọt ngào như kẹo
Chào Rimbaud cậu mạnh giỏi đấy chứ
Chào Lautréamont sức khoẻ anh ra sao
tôi hai mươi tuổi và chẳng có thêm đồng xu nào
cha tôi chào đời ở Saint-Malo
và mẹ tôi thấy ánh sáng ở Normandie
còn tôi thì được rửa tội ở Canada
Chào mày
 
 
Bernard Buffet, Tháp Eiffel (1988)
 
 
Những người bán thảm hoa và những cô gái xinh đẹp
còn la cà trong đêm
những kẻ còn giữ trong mắt sự dịu dàng của các ngọn đèn
những kẻ mà khói ống píp và cốc rượu nho
dẫu sao cũng đã có vị nhạt
đã quen mặt tôi dù không biết tên
và họ cất tiếng Chào bác khi gặp nhau
và tuy thế trong ngực tôi
vẫn có những mặt trời nhỏ đang quay với âm thanh của chì
gã khổng lồ của đại lộ
kẻ dịu hiền nơi toà án
sấm sét có đẹp hơn không trong mùa xuân
Mắt hắn là sấm chớp tôi là cây kéo
các bác tài ơi tôi còn mười viên đạn
nhưng không có viên nào dành cho các bác
các bác xấu xí như những cuộc thẩm vấn
và tôi đọc trên các tấm vách
thảm thảm thảm và thảm
những đoàn xe hộ tống dài của những cuộc trải nghiệm
gần với chúng ta gần với chính tôi
những que diêm thụy điển
 
 
Bernard Buffet, Le Garage du Moulin (1953)
 
 
Đêm Paris có những mùi nồng
của tiếc nuối và nhức đầu để lại
và tôi biết rằng trời đã khuya
và đêm Paris
sẽ chấm dứt
như những ngày lễ
thảy đã được dọn dẹp
không ai thốt một lời
tôi chờ nghe nện ba tiếng
mặt trời mọc như một đoá hoa
mà người ta gọi là hoa bồ công anh
loài thảo mộc cơ khí lớn
đang chờ đợi sự khuyến khích
để leo và đi
rất trung thành
người ta không biết có nên so sánh
chúng với loại cây leo bám tường
hay với loài cào cào
sự mệt mỏi đã bỏ đi rồi hả
tôi thấy những người lái tàu nhỏ bước ra
lau chùi than
các anh thợ máy tàu kéo
vấn điếu thuốc lá đầu tiên
trước khi đốt nồi hơi
ở bến tàu xa đằng kia
một thuyền trưởng rút khăn tay
chặm trán
theo thói quen
và tôi là kẻ đầu tiên trong buổi sớm mai
tôi cũng cất tiếng
Chào cậu
Philippe Soupault
 
                             1917-1922
 
_________________________
Ghi chú của người dịch:

[1]haut de forme

[2]canotier

[3]à pas de loup: bước rón rén

[4]xin chư vị đừng sử dụng "chính trị đứng đắn" để diễn dịch và quy tội kỳ thị cho tác giả nhé

[5]bảo tàng viện danh tiếng của Luân Đôn trưng bày những hình nộm các nhân vật lịch sử thế giới và các danh nhân đương đại bằng sáp

[6]boiler hat

 
 
-------------------
Nguồn: Philippe Soupault, Poèmes et Poèsies, (Paris: Bernard Grasset, 1993.)
 
Mời độc giả xem trọn vẹn ấn bản đầu tiên của thi phẩm WESTWEGO (Paris: Éditions de la Librairie Six, 1922), do Thư Viện của viện Đại Học Iowa chụp lại và lưu trữ.
 
 
Đã đăng:
 
Một tuyển tập gồm 20 bài thơ của Philippe Soupault (1897-1990) — thi sĩ, tiểu thuyết gia và phê bình gia, một trong những khuôn mặt nổi tiếng của văn chương nước Pháp thế kỷ 20. Tuyển tập này do nhà thơ Diễm Châu chọn và dịch từ một số thi phẩm của Soupault.
 
Đêm nay Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm / đêm đen đêm sát nhân và hờn căm / bóng tối phồng to từ nỗi âu lo sắp tới... [Bản dịch Diễm Châu]
 
Tôi đến từ một lục địa nơi máu trút như mưa / nơi đất phồng lên dưới ánh mặt trời... | Tội nghiệp Guillaume bạn tôi / người ta phủ lên anh vinh quang hoa lá và tro... [Bản dịch Diễm Châu]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021