thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGƯỜI CHĂN GIỮ ĐÀN THÚ và những bài thơ khác [kỳ 4: "Những bài thơ rời" (tiếp theo và hết)]
(Diễm Châu dịch)
 

NHỮNG BÀI THƠ RỜI

(tiếp theo và hết)
 
*
 
Khi nào cỏ mọc trên nấm mộ tôi,
ước chi đó là dấu hiệu để người ta quên tôi đi hoàn toàn.
Thiên nhiên không bao giờ tưởng nhớ, và bởi thế mà nó đẹp.
Và nếu người ta cảm thấy cái nhu cầu bệnh hoạn cần «giải thích» cỏ xanh trên nấm mộ tôi,
xin hãy nói rằng tôi tiếp tục xanh tươi và tự nhiên.
 
*
 
Nếu con người thật đúng là người
không phải thứ động vật đau yếu, mà là động vật hoàn hảo nhất,
động vật trực tiếp chứ không phải gián tiếp,
thời cách thức nhận ra ý nghĩa nơi mọi vật của con người ấy hẳn phải khác,
khác và đích thực.
Con người ấy hẳn phải có được một cách nhận thức về cái «toàn thể»,
một cách nhận thức, tựa như nhìn thấy và nghe, về cái «toàn bộ» của mọi vật
chứ không phải, như chúng ta vẫn có, một tư tưởng về cái «toàn thể»;
chứ không phải, như chúng ta vẫn có, một ý niệm về cái «toàn bộ» của mọi vật.
Và như thế—có lẽ chúng ta sẽ thấy—có lẽ chúng ta sẽ không có một khái niệm về cái «toàn thể» hay «toàn bộ»,
là vì nhận thức về cái «toàn bộ» hay «toàn thể» không đến từ một toàn bộ hay một toàn thể,
mà từ Thiên nhiên đích thực, có lẽ không ở nơi toàn bộ cũng chẳng ở trong từng phần.
 
*
 
Sự huyền bí độc nhất của Vũ trụ là cái quá chứ không phải cái kém.
Chúng ta nhận thức mọi vật quá đáng—bởi đó mà có sai lầm, nghi hoặc.
Đối với tôi những gì hiện hữu vượt quá những gì tôi tin là hiện hữu.
Thực tại chỉ là có thật chứ không phải được suy tưởng.
 
*
 
Không phải Vũ trụ là một ý nghĩ của tôi.
Chính ý nghĩ của tôi về Vũ trụ mới là một ý nghĩ của tôi.
Không phải màn đêm buông xuống vì đôi mắt tôi,
mà chính ý nghĩ của tôi về đêm tối buông xuống trước mắt tôi.
Ở ngoài chuyện tôi suy tưởng hoặc có những suy tư
đêm buông xuống thật cụ thể
và ánh sao sáng ngời hiện hữu như có sức nặng thật.
 
*
 
Chẳng khác nào ngôn từ thất bại khi muốn diễn tả một tư tưởng nào đó,
tư tưởng cũng thất bại khi muốn diễn tả một thực tại nào đó.
Song, bởi thực tại–suy tưởng không phải là được phát biểu mà là được suy tưởng,
thế nên thực tại phát biểu kia hiện hữu, chứ không phải chuyện nó được suy tưởng.
Cũng như thế, tất cả những gì hiện hữu chỉ là hiện hữu.
Phần còn lại là một thứ hôn mê của chúng ta,
một thứ già cỗi bám theo chúng ta từ khởi đầu căn bệnh.
 
*
 
Tấm gương phản chiếu đúng; nó không lầm lạc vì không suy tưởng.
Suy tưởng thiết yếu là lầm lạc.
Lầm lạc thiết yếu là đui mù và điếc.
 
*
 
Những sự thật này không hoàn hảo vì chúng được phát biểu,
và trước khi được phát biểu, đã được nghĩ suy,
nhưng thật ra có điều chắc chắn là chúng tự phủ nhận chính chúng
bằng phủ định ngược lại này chúng khẳng định một điều gì đó.
Khẳng định duy nhất là hiện hữu.
Và tự tôi, tôi không muốn là gì ngược lại.
 
*
 
Đứa trẻ nghĩ tới những nàng tiên và tin ở tiên
xử sự như một vị thần đau yếu nhưng như một vị thần.
Bởi mặc dù nó quả quyết là hiện hữu nhựng gì không hiện hữu
nó biết mọi sự hiện hữu, nghĩa là đang có, là thế nào,
nó biết hiện hữu hiện hữu và không cần giải thích,
nó biết không có lý do nào khiến mọi sự không hiện hữu,
nó biết hiện hữu là hiện hữu ở một điểm
có điều nó không biết là tư tưởng chẳng phải bất cứ một điểm nào.
 
*
 
Từ xa xa tôi nhìn thấy một con tàu trôi trên dòng sông...
Con tàu hững hờ xuôi dòng Tage.
Nhưng không phải hững hờ vì nó chẳng quan tâm gì tới tôi
Và nói như thế tôi cũng chẳng hề biểu lộ một nỗi ưu phiền nào.
Mà là hững hờ vì nó chẳng có nghĩa gì
Ngoài sự kiện ra đi con tàu biệt xứ
Xuôi dòng sông không một chiếc khăn tay nào của siêu hình,
Xuôi dòng sông tới mãi hiện thực của biển.
 
*
 
Tôi tin rằng mình gần chết.
Nhưng ý nghĩa của chết không làm tôi xúc động,
Tôi suy ra răằg chết hẳn không có nghĩa.
Những chữ sống và chết là những thứ phân loại như phân loại các giống cây.
Những chiếc lá nào hoặc những bông hoa nào được phân loại?
Cuộc sống nào chứa đựng cuộc sống hoặc cái chết nào chứa đựng cái chết?
Tất cả những chuyện đó chỉ là những từ người ta dùng để định nghĩa.
Và một định nghĩa tốt là: tôi vẫn tiếp tục.
 
*
 
Đêm xuống, hơi nóng dịu bớt đôi chút,
tôi tỉnh táo như chưa từng suy tưởng
và tôi như mọc rễ, liên hệ trực tiếp với trái đất
không phải thứ liên hệ cảm giác thứ yếu nhận thấy lúc đêm xuống.
Ban đêm khi tôi xa rời mọi vật,
và gần gũi các vì sao hoặc những chòm tinh tú ở xa—
tôi lầm lạc: là vì cái ở xa không phải là cái kề cận,
và gần gũi nó chính là lầm lẫn.
 
*
 
Tôi đau yếu. Suy tưởng của tôi bắt đầu lẫn lộn.
Nhưng thân xác tôi, vươn dài tới sự vật, thâm nhập chúng.
Tôi cảm thấy mình là thành phần tất yếu của mọi sự
Và ở nơi tôi bắt đầu thực hiện một công cuộc giải phóng lớn lao,
Một niềm vui trọng thể lớn lao như khi tôi mạnh khỏe.
 
*
 
Khi trời lạnh vào thời lạnh, tôi cảm thấy như trời thật dễ chịu
là vì đối với con người tôi, con người hòa nhịp với sự hiện hữu của mọi vật,
cái tự nhiên là cái dễ chịu chỉ vì nó tự nhiên.
 
Tôi chấp nhận mọi khó khăn của cuộc sống vì chúng là định mệnh,
cũng như tôi chấp nhận cái lạnh quá đáng vào giữa mùa đông—
một cách bình thản, không ta thán, như một người chấp nhận vô điều kiện, chấp nhận một cách đơn thuần
và tìm thấy niềm vui của mình trong sự việc chấp nhận—
trong sự việc khoa học một cách tuyệt vời và khó khăn là chấp nhận cái tự nhiên không thể tránh.
 
Những bệnh tật tôi mang trong người và điều ác hại xẩy đến với tôi,
có là gì khác hơn là mùa đông của bản thân tôi và cuộc đời tôi?
Cái mùa đông bất thường mà quy luật điều hòa tôi không được biết tới
nhưng hiện hữu đối với tôi chiếu theo cùng một định mệnh cao cả,
cùng một thứ ngoại tính khách quan không thể tránh sánh với bản thân tôi,
như hơi nóng của trái đất vào lúc mùa hè gay gắt nhất
và cái lạnh của trái đất vào giữa mùa đông.
 
Tôi chấp nhận vì tư cách.
Tôi sinh ra, như mọi người, có thể nhầm lẫn và mắc các khuyết điểm,
nhưng không bao giờ nhầm lẫn vì muốn hiểu quá đáng,
không bao giờ nhầm lẫn vì muốn hiểu chỉ bằng trí tuệ,
không bao giờ mắc phải cái lỗi buộc Thế giới
phải là điều gì khác hơn là Thế giới.
 
*
 
Dẫu sự vật ở trung tâm Thế giới là gì đi nữa,
nó đã cho tôi thế giới bên ngoài như một thí dụ về Thực tại,
và khi tôi nói: «điều ấy có thật», dù là về một tình cảm,
tôi nhìn thấy nó bất chấp bản thân tôi trong một không gian nào đó ở bên ngoài,
tôi nhìn thấy nó với một quang cảnh nào đó ở bên ngoài tôi và xa lạ với tôi.
 
Có thật có nghĩa là không ở trong tôi.
Tôi không hề có một ý niệm nào về thực tại của bản thân thầm kín của tôi.
Tôi biết là thế giới hiện hữu, nhưng tôi không biết là tôi có hiện hữu hay không.
Tôi chắc chắn về sự hiện hữu của ngôi nhà trắng của tôi
hơn là sự hiện hữu bên trong của ông chủ ngôi nhà trắng ấy.
Tôi tin ở xác thân tôi hơn là ở hồn tôi,
là vì xác thân tôi nằm giữa thực tại,
có thể được người khác nhìn thấy
có thể động chạm tới người khác,
có thể ngồi và có thể đứng,
nhưng hồn tôi, phải, hồn tôi chỉ có thể được xác định bằng những từ thuộc ngoại cảnh.
Đối với tôi, hồn tôi hiện hữu—vào những lúc tôi thấy hồn thực sự hiện hữu—
bằng vay mượn ở thực tại bên ngoài của Thế giới.
 
Nếu hồn thật hơn
là thế giới bên ngoài, như anh là triết gia, anh bảo,
thì tại sao tôi lại được cho thấy thế giới bên ngoài như một kiễu mẫu về thực tại?
 
Nếu chuyện cảm thấy đối với tôi
chắc chắn hơn là sự hiện hữu của sự vật tôi cảm thấy—
thì tại sao tôi cảm thấy
và tại sao sự vật ấy lại xuất hiện độc lập đối với tôi
không cần tôi để tồn tại,
và tôi lúc nào cũng dính liền với bản thân tôi, lúc nào cũng riêng tư và không thể truyền đạt?
Tại sao tôi lại xê dịch cùng với những người khác
ở thế giới này, một thế giới mà đối với chúng ta là của cảm nhận và trùng hợp,
nếu như tình cờ thế giới này là sai lầm và nếu như tôi là chắc chắn?
Nếu Thế giới là một sai lầm, thì ấy là một sai lầm chung của mọi người.
Và mỗi người chúng ta là sai lầm của từng người trong chúng ta tách riêng ra.
Tính từ chuyện, Thế giới này vẫn chắc chắn hơn.
 
Nhưng tại sao tôi lại đi tự hỏi, nếu không phải là vì tôi đau yếu?
Vào những ngày chính xác, những ngày ở bên ngoài của đời tôi,
những ngày mà tôi có sự sáng suốt tự nhiên thật hoàn hảo,
tôi cảm thấy mà không cảm thấy là mình cảm thấy,
tôi nhìn thấy mà không biết là mình nhìn thấy,
và không bao giờ Vũ trụ lại thật hơn lúc đó,
không bao giờ Vũ trụ (chẳng gần cũng chẳng xa tôi
nhưng) ở ngoài tôi tuyệt vời đến thế.
Khi tôi bảo: «chuyện hiển nhiên», thì phải chăng tình cờ tôi muốn nói: «chỉ có mình tôi nhìn thấy nó»?
Khi tôi bảo: «thực vậy», thì phải chăng tình cờ tôi muốn nói: «ấy chỉ là ý kiến của riêng tôi»?
Khi tôi bảo: «vật nọ vật kia có đó», thì phải chăng tình cờ tôi muốn nói: «một vật như thế như thế không có đó»?
Và nếu chuyện diễn ra như vậy trong đời sống, thì tại sao nó lại khác trong triết lý?
Chúng ta sống trước khi luận bàn triết lý, chúng ta hiện hữu trước khi biết là mình hiện hữu,
và sự kiện đầu tiên trong những sự kiện trên ít ra cũng đáng với thứ bậc và sự sùng kính.
Phải, trước khi ở bên trong chúng ta đã ở bên ngoài.
Và bởi thế, chúng ta ở bên ngoài là chính yếu.
 
Anh, triết gia bệnh hoạn, nói gọn là triết gia, anh bảo ấy là duy vật chủ nghĩa.
Nhưng làm thế nào điều đó lại có thể là duy vật chủ nghĩa, nếu duy vật chủ nghĩa là một triết lý,
nếu đó là một triết lý đúng đắn, ít ra là của tôi, một triết lý của tôi,
trong lúc chính điều đó lại không thuộc về tôi, và chính tôi, tôi cũng không phải là tôi?
 
*
 
Đối với tôi không quan trọng mấy.
Cái gì đối với tôi không quan trọng mấy? Tôi không biết: đối với tôi không quan trọng mấy.
 
*
 
Chiến tranh với những binh đoàn của nó tàn phá Thế giới
là kiểu mẫu hoàn hảo về những tập tục tệ hại của triết lý.
 
Chiến tranh, như tất cả mọi sự thuộc con người, tìm cách sửa đổi.
Nhưng chiến tranh, hơn hết thảy, tìm cách sửa đổi, sửa đổi thật mạnh mẽ
và sửa đổi mau chóng.
 
Nhưng chiến tranh gây ra chết chóc
và cái chết là sự khinh bỉ mà Vũ trụ biểu lộ với chúng ta.
Với hậu quả là cái chết, chiêế tranh chứng tỏ mình sai lầm.
Là sai lầm, nó chứng tỏ sự sai lầm của tất cả những gì tìm cách sửa đổi.
 
Ta hãy để vũ trụ bên ngoài và những người khác ở yên nơi Thiên nhiên đặt để.
 
Tất cả là kiêu căng và vô ý thức.
Tất cả là thèm muốn khuấy động, làm nên chuyện, để lại dấu tích.
Giữa lòng những đoàn binh và ở bộ chỉ huy của chúng
vũ trụ bên ngoài lại trở lại dần dần.
Sự biến đổi trực tiếp của Thiên nhiên
không để lại một khoảng trống nào cho suy tưởng.
 
Nhân loại là một cuộc nổi loạn của những kẻ nô lệ.
Nhân loại là một chính quyền do quần chúng tiếm đoạt.
Nó hiện hữu bởi đã tiếm đoạt, nhưng nó lầm đường bởi tiếm đoạt là làm điều quấy.
 
Hãy để cho thế giới bên ngoài và nhân loại tự nhiên tồn tại!
Bình yên cho mọi sự có trước con người, nếu không phải là nơi con người,
bình yên cho yếu tính hoàn toàn ở bên ngoài của Vũ trụ!
 
*
 
Tất cả những ý kiến về thiên nhiên được người ta nhìn nhận
chưa bao giờ làm mọc lên một lá cỏ hoặc nảy sinh một đóa hoa.
Toàn bộ những hiểu biết liên quan tới mọi vật
chưa bao giờ là điều tôi có thể tán đồng cho bằng chính những sự vật.
Nếu khoa học có nghĩa là xác thực,
có khoa học nào xác thực hơn khoa học của những sự vật lạ xa với khoa học?
Tôi nhắm mắt lại và trái đất tôi nằm bên trên
có một thực tại thật đến nỗi sống lưng tôi cũng cảm thấy.
Tôi cần gì phải lý sự nếu tôi có đôi vai?
 
*
 
Hỡi con tàu đi những miền đất xa,
tại sao, trái với những người khác,
khi mi ra đi, ta chẳng hề tiếc thương?
Ấy là vì, ngay từ phút ta không còn thấy mi, mi đã thôi hiện hữu.
Và, nếu như có những kẻ tiếc thương những gì không hiện hữu,
thì trên đời không có lấy một vật gì ta cảm thấy tiếc thương như vậy:
chúng ta tiếc thương là tiếc thương chính chúng ta, chứ không phải con tàu.
 
*
 
Đồng quê lớn dần lên và nhuộm vàng.
Buổi sáng đi lạc ở những thế đất lồi lõm vùng bình nguyên.
Tôi xa lạ với cảnh tượng mà tôi thấy: tôi thấy nó,
cảnh tượng ấy ở ngoài tôi. Không một tình cảm nào nối kết tôi lại với nó—
và chính tình cảm ấy nối kết tôi với buổi sáng đang hiện ra.
 
*
 
Hỡi vì sao biến đi cuối cùng trước khi trời sáng,
ta nhìn tia nhấp nháy xanh-trắng của mi bằng cái nhìn bình thản của ta,
và ta thấy mi biệt lập với ta;
vui vì cái cảm giác mà ta có là có thể quan sát mi
ngoài mọi thứ «tâm trạng», ta mơ ta thấy mi.
Vẻ đẹp của mi trước mắt ta nằm trong việc mi hiện hữu,
và sự lớn lao của mi trong việc mi hiện hữu hoàn toàn ở ngoài ta.
 
*
 
Nước róc rách trong cái bình thoát hơi mà tôi đưa lên môi.
«Tiếng nước thật tươi mát», kẻ không uống nước nói với tôi.
Tôi mỉm cười. Âm thanh ấy chỉ là một tiếng róc rách.
Tôi uống nước mà không nghe gì hết bằng cổ họng.
 
*
 
Người đã nghe đọc thơ tôi nói với tôi: «Thơ anh đó có gì là mới lạ?»
Mọi người đều biết một bông hoa là một bông hoa và một cái cây là một cái cây.
Nhưng tôi, tôi đáp: «Mọi người ư? thật thế không?...»
Bởi vì mọi người yêu hoa là vì chúng đẹp, còn tôi thì khác.
Và mọi người yêu cây là vì chúng xanh tươi và cho bóng mát, nhưng tôi thì không.
Tôi yêu hoa vì chúng là hoa, trực tiếp.
Tôi yêu cây vì chúng là cây, không cần tới ý nghĩ của tôi.
 
*
 
A, các người muốn một ánh sáng hoàn hảo hơn
ánh sáng Mặt trời!
Các người muốn những đồng cỏ xanh hơn những đồng cỏ này!
Các người muốn những bông hoa đẹp hơn
những bông hoa mà tôi thấy!
Tôi, Mặt trời này, những đồng cỏ này, những bông hoa này
đã làm tôi hài lòng.
 
Nhưng nếu tình cờ chúng không làm tôi thỏa mãn,
thì điều tôi ao ước, ấy là một mặt trời mặt trời hơn
Mặt trời,
điều tôi ao ước, ấy là những đồng cỏ đồng cỏ hơn
những đồng cỏ đây,
điều tôi ao ước, ấy là những bông hoa bông hoa này hơn
cả những bông hoa này—
hoàn toàn lý tưởng hơn những gì cùng một kiểu thức như nhau!
 
*
 
Tôi thích thú những cánh đồng mà không quan sát chúng.
Anh hỏi tôi tại sao tôi thích thú.
Là vì tôi thích thú, ấy là lời tôi đáp.
Thích thú một bông hoa là thấy mình ở bên hoa thật vô thức
và có một khái niệm về mùi hương của hoa trong những ý nghĩ mơ hồ nhất của chúng ta.
Khi tôi quan sát, tôi không thích thú: tôi thấy.
Tôi nhắm mắt lại, và thân tôi, nằm trong cỏ,
hoàn toàn thuộc về cái bên ngoài của kẻ nhắm mắt—
thuộc về cái tươi mát cứng cỏi của đất thơm và không đều đặn;
và một cái gì đó trong những tiếng động không phân biệt được của những vật đang sống,
và duy một chút bóng mờ đỏ thắm của ánh sáng ấn nhẹ trên hốc mắt tôi,
và duy một chút sống còn lại nghe thấy.
 
*
 
Anh nói hãy sống trong hiện tại;
hãy chỉ sống trong hiện tại.
 
Nhưng tôi, tôi không muốn hiện tại, tôi muốn thực tại;
tôi muốn những sự vật hiện hữu, chứ không phải thời gian đo đếm chúng.
 
Hiện tại là gì?
Ấy là một điều hiện hữu tủy theo sự hiện hữu của những điều khác.
Tôi, tôi chỉ muốn mình thực tại, những sự vật không hiện tại.
 
Tôi không muốn bao gồm thời gian trong sơ đồ của tôi.
Tôi không muốn quan niệm sự vật kể như hiện tại: tôi muốn quan niệm chúng như sự vật.
Tôi không muốn tách biệt chúng ra khỏi chính chúng, bằng cách xử sự với chúng như những sự vật hiện tại.
Có lẽ tôi cũng chẳng nên xử sự với chúng ngay như là có thật.
Có lẽ tôi cũng chẳng nên xử sự với chúng kể như là gì hết.
Có lẽ tôi chỉ nên nhìn chúng , chỉ nhìn chúng mà thôi;
nhìn chúng tới tới mức độ không thể nghĩ tới chúng,
nhìn chúng ngoài thời gian, ngoài không gian,
nhìn chúng với cái khả năng từ bỏ hết, ngoại trừ những gì nhìn thấy được.
Đấy là khoa học nhìn ngắm—thứ khoa học không phải là một khoa học.
 
*
 
Sáng nay tôi ra khỏi nhà rất sớm
là vì tôi thức dậy còn sớm hơn
và chẳng có gì muốn làm hết...
 
Tôi không biết phải đi hướng nào,
nhưng gió thổi mạnh, gió thổi từ một phía,
và tôi theo con đường gió thổi tới từ sau lưng.
 
Cuộc đời tôi vẫn hoài như thế, và
tôi ao ước nó mãi là như thế—
tôi đi tới nơi mà gió cuốn và tôi
không cảm thấy mình suy nghĩ.
 
*
 
Dấu hiệu đầu tiên báo trước cơn giông ngày mốt.
Những đám mây trắng đầu tiên lượn thấp dưới bầu trời tẻ nhạt,
của cơn giông ngày mốt?
Tôi chắc chắn thế, nhưng sự chắc chắn là dối trá.
Có sự chắc chắn, chính là không nhìn.
Không có ngày mốt.
Những gì hiện có là như sau:
một bầu trời màu thiên thanh, hơi tẻ nhạt, vài đám mây trắng ở chân trời,
với đôi nét sửa sang vết nhơ ở dưới, như thể trời đã đen lại lúc sau.
Ấy là cảnh trí hôm nay,
và tất cả là như hôm nay cho tới khi có quyết định mới, có thế thôi.
Biết đâu tôi sẽ chết vào ngày mốt?
Nếu tôi chết vào ngày mốt, thì cơn giông ngày mốt
sẽ là một cơn giông khác với cơn giông sẽ có đó nếu như tôi không chết.
Tôi biết rõ rằng cơn giông không bắt nguồn từ mắt tôi,
nhưng nếu tôi không còn ở thế giới này
thì thế giới sẽ khác—
—tôi sẽ khuyết đi ở đó—
và cơn giông sẽ đổ xuống một thế giới khác và không còn là cùng một cơn giông nữa.
 
*
 
Cả tôi nữa, tôi cũng biết phỏng đoán.
Nơi mỗi sự vật có cái yếu tính làm nó sinh động.
Nơi cây cỏ yếu tính ấy ở bên ngoài và đó là một nàng tiên nhỏ.
Nơi muông thú đó là một sinh vật ở bên trong và xa xôi.
Nơi con người đó là linh hồn cùng sống với hắn và đã là hắn.
Nơi các thần linh yếu tính ấy có cùng một kích thước
và cùng một không gian như thể xác
và đó là cùng một sự vật với thể xác.
 
Chính vì thế mà người ta nói rằng thần linh không bao giờ chết.
Chính vì thế mà thần linh không có một thể xác và một linh hồn,
mà chỉ có một thể xác, và thật là hoàn hảo.
Chính thể xác đã thay thế linh hồn nơi họ
và các vị thần có ý thức ngay trong chính xác thân thần thánh của mình.
 
*
 
Những gì có ở bên kia lối ngoặt của con đường
có thể là một vực thẳm, có thể là một tòa lâu đài,
và cũng có thể chỉ là con đường tiếp tục.
Tôi không biết và tôi không đặt câu hỏi.
Bao lâu tôi còn đi trên con đường trước lối ngoặt,
tôi hài lòng nhìn con đường trước lối ngoặt,
là vì tôi không thể thấy gì khác hơn.
Nếu như tôi nhìn về phía bên kia
và về phía mà tôi không thấy,
tôi có tiến bộ hơn chăng?
Ta chỉ nên chăm lo tới nơi mình đang ở.
Đã có khá nhiều cái đẹp trong việc ta ở đây, chứ không phải ở nơi nào khác.
Có chăng ai đó ở bên kia lối ngoặt của con đường,
những kẻ băn khoăn tới những gì có ở bên kia lối ngoặt của con đường,
đối với họ, ấy chính là con đường.
Nếu như ta phải tới đó, khi tới nơi ta sẽ biết.
Trong lúc này ta chỉ biết rằng ta không có đó.
Ở đây chỉ có con đường trước lối ngoặt, và trước lối ngoặt
có con đường không một lối ngoặt.
 
*
 
Trên mọi vật tuyết đã trải tấm khăn lặng lẽ.
Chỉ còn nghe những gì diễn ra trong nhà.
Tôi cuộn mình trong chăn và không buồn nghĩ tới cả suy nghĩ.
Tôi cảm thấy một niềm vui thú vật và mơ hồ tôi nghĩ
và tôi thiếp đi hữu ích chẳng kém gì mọi hành động của thế giới.
 
*
 
Đây có lẽ là ngày cuối cùng của đời tôi.
Tôi đưa bàn tay phải lên chào mặt trời,
nhưng tôi không chào mặt trời bằng cách nói lời từ biệt—
không, đúng hơn thời bằng cách ra hiệu rằng tôi sung sướng được thấy mặt trời: thế thôi.
 
(hết)
 
Đã đăng:
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
ALBERTO CAEIRO (1889-1915), «nhà thơ duy nhất của Thiên nhiên» như ông đã tự nhận, sinh tại Lisboa, Bồ-đào-nha ngày 16 tháng Tư năm 1889 và mất vì lao phổi năm 1915, tác giả tập thơ Người chăn giữ đàn thú. Ông là một «dị danh» của Fernando Pessoa, và được tôn kính như «bậc thày» của chính Pessoa, Álvaro de Campos và Ricardo Reis,... (Xin xem thêm : "Fernando Pessoa và người thày của ông" đã đăng trên Tiền Vệ).
 
Người chăn giữ đàn thú của Alberto Caeiro có 3 phần, phần đầu mang tiểu đề «Người chăn giữ đàn thú» gồm 49 bài ghi số La-mã; phần nhì có tiểu đề «Người mục tử si tình» gồm 6 bài; và phần còn lại gồm 53 bài được xếp dưới tiểu đề «Những bài thơ rời». Các bài ở hai phần sau chỉ phân cách nhau bằng dấu hoa thị (*). Một dịch giả tiên khởi người Pháp đã cắt bớt một số bài ở phần 3 của tác phẩm vì không đồng ý với... tác giả! Các bài này đã được lập lại trọn vẹn ở đây, căn cứ vào nguyên tác và theo một số dịch giả kế tiếp cũng người Pháp.
 
Con số tác phẩm của Fernando Pessoa khui thêm trong chiếc rương ông để lại xuất hiện ngày càng nhiều; số dịch giả mới cũng thêm đông đảo. Tôi rất tiếc không còn ngày giờ để coi những «khám phá mới» để nếu cần, sửa lại... Bản dịch bạn hiện có trước mắt (đã được một nhật báo Bồ-đào-nha «đọc và nói tới» với thiện cảm) sao lại nguyên văn bản dịch 1992 của tôi. Các bạn cần tra cứu thêm có thể đọc các sách của Fernando Pessoa do nhà Christian Bourgois hoặc nhà La Différence ở Pháp ấn hành. Gần đây lại có một pho Fernando Pessoa thật đồ sộ in trong tủ sách «La Pléiade» của nhà Gallimard, Pháp. Nguyên tác (loại bỏ túi) khá phổ biến ở Bồ-đào-nha.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021