thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trao đổi với Nguyễn Viện về tiểu thuyết [kỳ VI]

 

CỬA XUẤT BẢN vừa cho ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Viện trong tháng 5/2008.
 

 
Cuộc trao đổi giữa Tiền Vệ và nhà văn Nguyễn Viện dưới đây được thực hiện qua phương tiện điện thư và sẽ được đăng tải liên tục hàng ngày cho đến khi kết thúc.
 

_________________

 

Đã đăng: [kỳ I][kỳ II][kỳ III][kỳ IV][kỳ V]

 

Tiền Vệ [TV]: Nhìn lại tiểu thuyết Việt Nam, kể cả trước 75, sau 75, miền Nam, miền Bắc, trong và ngoài nước, anh có những suy nghĩ gì?

 

Nguyễn Viện [NV]: Nước Việt Nam nhỏ, cái gì cũng nhỏ. Tất nhiên cũng sẽ có người cãi. Tôi mong mọi điều tôi nói ra được hiểu là phát biểu cá nhân. Tôi không nói thay cho cho ai. Không nhân danh cái gì.

Riêng về lãnh vực ngôn ngữ, số vốn từ vựng của Việt Nam cũng không nhiều, đặc biệt trong các chuyên ngành như triết học, khoa học... Có những khái niệm mà chúng ta hoàn toàn chưa có từ vựng để diễn tả. Tôi cũng để ý thấy, một nền kinh tế lớn thường đi đôi với một nền văn hoá lớn. Mà chúng ta vẫn còn là một nước nghèo... từ khi lập quốc đến giờ. Hơn nữa, lịch sử tiểu thuyết Việt Nam cũng còn khá mới mẻ.

Thế thì, phải chờ thôi.

 

TV: Trước đây, anh có nghiên cứu về những ảnh hưởng đáng kể của thơ Việt Nam hải ngoại đối với thế hệ các nhà thơ trẻ ở Sài Gòn. Song song với điều ấy, anh thấy các thể loại khác, như truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận phê bình văn học của văn giới Việt Nam hải ngoại có tạo ra những ảnh hưởng gì đáng kể đối với người viết trong nước hay không?

 

NV: Dù muốn hay không muốn, chữ nghĩa của người viết sau ít nhiều có bóng của chữ nghĩa người đi trước. Giữa hải ngoại và trong nước, sự ảnh hưởng nói chung, theo tôi là văn giới trong nước được tiếp nhận từ hải ngoại cái kích thích tố của tự do hơn là ảnh hưởng trực tiếp từ một tác giả cụ thể nào. Những Hợp Lưu, Văn Học, Văn (Mỹ), Việt (Úc)... và sau này là Tiền Vệ, Talawas, Da Màu đã tạo đất cho cây trái văn chương trong nước nảy nở và phát triển.

Sách báo, website trong nước đã tự đóng cửa chính mình.

 

TV: Nhìn lại hành trình sáng tác của chính mình, anh tự thấy anh đã nhận những ảnh hưởng nào (từ văn chương Việt Nam và thế giới) trong ý thức thẩm mỹ và kỹ thuật viết, và anh đã "phùng tổ sát tổ" đối với những ảnh hưởng nào để trải qua những chặng thay đổi bút pháp?

 

NV: Văn chương của tôi có một bước ngoặt. Về bối cảnh cuộc sống, sau khi nghỉ làm ở báo Thanh Niên cuối năm 2001, tôi thấy mình thoát khỏi mọi hệ lụy. Tôi thật sự cảm thấy tự do. Và tôi đã viết như tôi cảm thấy đó là cách tốt nhất (như đã trả lời ở phần đầu). Vì trong giai đoạn đó tôi hoàn toàn không có cơ hội để thấy và xem bất cứ sách báo nào từ nước ngoài. Nhân đây tôi cũng xin cám ơn Hợp Lưu, Tiền Vệ, là những nơi đã phổ biến tác phẩm của tôi đầu tiên ở ngoài Việt Nam. Mặc dù, việc một tác phẩm (đầu tiên) của tôi đăng trên Hợp Lưu đã trực tiếp dẫn đến việc tôi phải nghỉ làm ở báo Thanh Niên. Một cách nào đó, cũng có thể nói đó là bước quyết định khiến tôi trở thành nhà văn như bây giờ. Sau này, tình cờ, tôi thấy có một người viết trước tôi, đó là Nguyễn Hương (ở Mỹ), có cách viết rất giống tôi trong cấu trúc như các truyện TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾNĐI.COM . Cũng sau này, tôi nghe nói (hình như đã đăng trên Tiền Vệ) về một tác giả nước ngoài viết cách đây cả trăm năm, cũng đã có cách viết “lộn xộn” như vậy.

Sự tình cờ, cũng như nhiều người nói tôi viết theo lối hậu hiện đại. Mà thật ra, khi viết, tôi đã có biết gì về hậu hiện đại đâu. Và cho đến bây giờ, tôi cũng không quan tâm mình có thật sự hậu hiện đại hay không. Tôi chỉ nghĩ mình cần phải viết như một nhu cầu nội tại rằng: đó là cái cách thích hợp nhất.

Về các chuyển biến để lại trên tác phẩm, có thể nói tiểu thuyết THỜI CỦA NHỮNG TIÊN TRI GIẢ (hoàn tất năm 1999) là bước trung chuyển trong quá trình viết lách của tôi từ cái cũ sang cái tôi bây giờ.

Những tác phẩm đã từng để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi lại là những tác phẩm hết sức nghiêm trang như: Milarepa, con người siêu việt (Tây Tạng), Nhà sư vướng lụy (Nhật Bản, Bùi Giáng dịch), Một thoáng nàng (Holderlin).

 

TV: Anh tiên đoán thế nào về tương lai của văn chương Việt Nam trong vòng 10 năm tới, và liệu những gì sẽ xảy ra có giống với những hình ảnh trong mơ ước của anh không? Anh có hy vọng gì không?

 

NV: Tôi cũng mới trả lời phỏng vấn cho Da Màu một câu hỏi tương tự, nhưng là “33 năm nữa, văn chương Việt Nam sẽ như thế nào?” Tôi nói rằng lúc ấy, văn chương sến sẽ rực rỡ thay thế cho nền văn học cách mạng. Nhưng thật ra, nền văn học cách mạng đã đang chết từ bây giờ rồi. Những thay đổi trong lịch sử nói chung thường đi từ thái cực này sang thái cực khác, trước khi đến ngày văn học sến đăng quang, trong vòng 10 năm nữa, văn học Việt Nam sẽ có bộ mặt của người lưỡng tính.

 

[hết]

 

Đã đăng:

... Tại sao lại phải sợ? Đó chính là bi kịch của chúng ta, những người dân sống trong một chế độ toàn trị. Đây cũng là nguồn cảm hứng lớn lao nhất của tôi. Đối diện với cái sợ. Ai làm cho mình sợ? Sợ cái gì? Làm cho người khác sợ, có phải là tội ác? Làm thế nào vượt qua được nỗi sợ? ... (...)
 
... Đó là cách diễn đạt tốt nhất để mô tả một trạng huống, một tâm thái, một tâm thức, một bối cảnh xã hội và con người đương đại. Đó là sự đứt khúc văn hoá, sự hỗn độn trong đời sống, sự đứt mạch hệ thống tư tưởng nền tảng, sự mất định hướng trong điều hành của cơ chế chính trị, sự thay đổi các giá trị... Và sự chối bỏ của chính tôi với hệ thống, các định vị và định chế xã hội... (...)
 
... Tôi cho rằng tất cả những người viết kiểu giễu nhại, bụi đời, bạt mạng, gây hấn... đều là những phản ứng tích cực nhằm tạo nên những tiếng nói độc lập, không chỉ trong lãnh vực văn chương mà còn là một thái độ chính trị, nhằm xác lập một ý thức sáng tạo tự do và một ý thức công dân tự chủ. Thiếu tự do và tự chủ, không thể trở thành nhà văn... (...)
 
... Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ thuyết giáo về đạo đức không bao giờ thuộc về nhà văn. Cái mà anh ta cần làm trước hết là nghệ thuật của mình. Trong cái nghệ thuật ấy, người đọc cần nhìn thấy ở anh ta như tâm hồn và lương tri của thời đại mà anh ta đang sống. Bởi thế, nhà văn không thể là kẻ đồng loã với cái đen tối, cái phi nhân tính. Nhà văn phải luôn được coi là tiêu biểu cho sự phản kháng của lương tâm con người trước các thế lực muốn huỷ diệt quyền sống của con người... (...)
 
... nhìn chung Hội Nhà Văn trở thành một lực cản hơn là sự thúc đẩy cho cái mới xuất hiện. Cho nên không thể chờ đợi gì ở Hội Nhà Văn, bởi vì nó là một tổ chức của Đảng, do Đảng lãnh đạo, nó tuỳ thuộc vào ý muốn của Đảng chứ không phải ý chí của các nhà văn... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021