thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trao đổi với Nguyễn Viện về tiểu thuyết [kỳ III]

 

CỬA XUẤT BẢN vừa cho ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Viện trong tháng 5/2008.
 

 
Cuộc trao đổi giữa Tiền Vệ và nhà văn Nguyễn Viện dưới đây được thực hiện qua phương tiện điện thư và sẽ được đăng tải liên tục hàng ngày cho đến khi kết thúc.
 

_________________

 

Đã đăng: [kỳ I][kỳ II]

 

Tiền Vệ [TV]: Anh cho rằng nỗi sợ có thể là nguyên do chính tạo thành cái văn phong "hài hước và đểu cáng" của anh trong hầu hết tác phẩm của mình. Thế nhưng, thường thì nỗi sợ vẫn khiến người ta viết một cách rụt rè, khúm núm. Trong trường hợp của anh, cái văn phong "hài hước và đểu cáng" phải chăng là một phản ứng để tự trấn áp nỗi sợ, chống lại nó, thách thức nó? Hãy tưởng tượng đến cảm giác của một kẻ đi lạc vào trong một ngôi nhà ma lúc nửa đêm. Thay vì run lập cập, bước không vững, đái trong quần, anh ta huýt sáo, gây tiếng động, chửi thề ầm ĩ lên, và cảm thấy đỡ sợ hơn. Đó có phải là cảm giác của anh? Và ở đây, câu hỏi có thể đi sâu hơn một chút nữa, rằng phải chăng cái văn phong "hài hước và đểu cáng" là phản ứng tự nhiên của anh trước nỗi sợ, hay là sự chọn lựa của anh?

 

Nguyễn Viện [NV]: Chống lại nỗi sợ hay tự trấn áp nỗi sợ, trong truyền thống dân tộc là những chuyện tiếu lâm mang tính AQ, một biện pháp thắng lợi tinh thần của một dân tộc nhược tiểu.Trong mấy chục năm qua, ở trong nước, không biết đã có bao nhiêu chuyện hài hước thâm độc được nhân dân sáng chế để giễu chế độ cai trị. Tôi không nghĩ phản ứng của mình trước nỗi sợ cũng thuộc về truyền thống đó. Hài hước và đểu cáng là một khả năng không phải ai cũng làm được. Cù mà không cười thì vô duyên lắm. Tôi cũng chẳng anh hùng đến độ dám thách thức nỗi sợ. Nhưng tôi tin rằng mình là người tự trọng. Hài hước và đểu cáng là phản ứng tự nhiên của lòng khinh bỉ.

 

TV: Đồng thời với anh, một số nhà văn và nhà thơ khác cũng sử dụng những văn phong mang tính giễu nhại, bụi đời, bạt mạng, gây hấn, v.v... Anh có cho rằng đó cũng là những phản ứng hoặc những chọn lựa của họ với mục đích đương đầu với nỗi sợ, hoặc để tạo nên những tiếng nói đối lập với, hay tách rời khỏi, những giọng điệu của thứ văn chương "chính thống"?

 

NV: Tôi cho rằng tất cả những người viết kiểu giễu nhại, bụi đời, bạt mạng, gây hấn... đều là những phản ứng tích cực nhằm tạo nên những tiếng nói độc lập, không chỉ trong lãnh vực văn chương mà còn là một thái độ chính trị, nhằm xác lập một ý thức sáng tạo tự do và một ý thức công dân tự chủ. Thiếu tự do và tự chủ, không thể trở thành nhà văn.

Tôi cảm thấy vô cùng khôi hài khi các nhà văn quốc doanh trong các đại hội của mình thường phát biểu một cách tha thiết... xin được tự do sáng tác. Và các nhà chính trị cũng vô tư tuyên bố ân xá... “cởi trói” cho văn nghệ. Chưa bao giờ tôi thấy kẻ sĩ lại nhục thế.

 

TV: Đúng thế, lại còn có những người được thiên hạ tưởng là kẻ sĩ chính hiệu vì có lần dám than phiền lai rai để rồi bị trói suốt bao nhiêu năm, nhưng ngay khi vừa được cởi trói, thì họ vội vàng hí hửng viết lách theo kiểu xu nịnh. Và khi được nhà nước trao giải thưởng cho vài tác phẩm đã đổi chiều hay phi chính trị, thì họ xem đó là vinh dự to lớn, và họ hãnh diện vô cùng vì được quyền lực chính thống công nhận, và họ còn tỉ tê phân bua rằng trước kia họ đã bị hiểu lầm và bị trói oan, vì họ chưa bao giờ chống đối. Vâng, đúng là nhục. Tất nhiên cũng vì nỗi sợ. Nhưng vấn đề là người ta vượt qua nó hay sống với nó bằng cách nào.

Trở lại với nỗi sợ của anh. Vài năm sau khi hoàn tất cuốn tiểu thuyết TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN thì anh mới vượt qua được nỗi sợ để anh có thể công bố tác phẩm ấy trước công chúng độc giả bốn phương. Và từ đó đến nay anh chẳng còn sợ nữa, phải thế không? Và, khi đã hết sợ, phải chăng anh đã (và sẽ) chọn cho mình những văn phong khác, hay anh muốn giữ cái văn phong này dài lâu như một chữ ký cá nhân?

 

NV: Trong chừng mực nào đó, tôi vẫn còn sợ. Bởi tự do và tự chủ ở Việt Nam nằm trong phạm trù phạm pháp. Bất cứ lúc nào anh cũng có thể bị gán cho cái tội “lợi dụng tự do dân chủ để chống phá nhà nước”. Nhưng đồng thời tự do và tự chủ của công dân cũng không được coi là một khả năng. Hoặc anh chịu sự lãnh đạo của Đảng, hoặc anh bị các thế lực chống phá từ nước ngoài xúi giục.

Ngay khi viết những dòng này, tôi vẫn phải cân nhắc. Bất cứ nhà văn tự do nào cũng cảm thấy mình là kẻ nằm trên thớt. Mỗi lần công bố một tác phẩm hay một bài viết là mỗi lần chần chừ trước nỗi sợ. Tôi chỉ bước qua được nỗi sợ bằng sự tự trọng.

Tôi còn sợ, thì tôi còn hài hước và đểu cáng. Tôi mong một ngày kia tôi có thể viết một cách nhân ái và độ lượng.

 

TV: Nhìn lại vài năm vừa qua, trong lúc anh liên tục tung lên internet những truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết của anh, anh đã nhận được những tín hiệu gì dội lại từ các thành phần khác nhau trong văn giới và độc giả người Việt Nam trong và ngoài nước? Anh có cảm tưởng gì đối với những tín hiệu ấy?

 

NV: Một cách chính thức, tôi nhận được 3 lần giải thưởng của Tiền Vệ. Tôi thây đó đây một ít bài viết, một ít lần nhắc tên với một mức độ không đáng kể. Vào Google, search, thấy nhiều mạng văn học đăng lại truyện của mình. Trong chỗ riêng tư, thì sự khen tặng đến hết lời của nhiều giới khác nhau. Nhưng về mặt công luận, tôi vẫn có cảm giác văn chương của tôi gần như đã rơi vào hư vô. Ngoài những lời phê bình của ban biên tập Tiền Vệ về 3 cuốn tiểu thuyết NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG ĐÃ TỚI, TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN, và ĐI.COM, tôi chưa nhận được một lời nhận định nào về tác phẩm của mình từ bất cứ nhà phê bình chuyên nghiệp nào khác. Như thế có thể tạm kết luận, hoặc văn chương của tôi, đối với tuyệt đại đa số các nhà phê bình, là thứ hầu như đáng vất đi, hoặc chính họ bị mù (hoặc hèn).

 

[còn tiếp]

 

Đã đăng:

... Tại sao lại phải sợ? Đó chính là bi kịch của chúng ta, những người dân sống trong một chế độ toàn trị. Đây cũng là nguồn cảm hứng lớn lao nhất của tôi. Đối diện với cái sợ. Ai làm cho mình sợ? Sợ cái gì? Làm cho người khác sợ, có phải là tội ác? Làm thế nào vượt qua được nỗi sợ? ... (...)

 

... Đó là cách diễn đạt tốt nhất để mô tả một trạng huống, một tâm thái, một tâm thức, một bối cảnh xã hội và con người đương đại. Đó là sự đứt khúc văn hoá, sự hỗn độn trong đời sống, sự đứt mạch hệ thống tư tưởng nền tảng, sự mất định hướng trong điều hành của cơ chế chính trị, sự thay đổi các giá trị... Và sự chối bỏ của chính tôi với hệ thống, các định vị và định chế xã hội... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021