thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Không bào chữa | Ba Lan | Tự do | Khói
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
TOMASZ JASTRUN
(1950~)
 
Tomasz Jastrun sinh ngày 15.9.1950 tại Warsaw, con của nhà thơ Mieczysław Jastrun [1903-1983], là một nhà thơ, người viết tiểu luận, đã khởi đầu sự nghiệp với tập thơ đầu tay Bez usprawiedliwienia (Không bào chữa, Warsaw, 1978), tiếp theo là tập Promienie blednego kola (Những đường bán kính của vòng lẩn quẩn, Nhà xuất bản Văn học, Krakow, 1980 - đoạt Giải thưởng Văn bút)) và đã xuất bản nhiều tập thơ khoảng trước năm 1989 – phần lớn là in bí mật: Biala Laqua (Đồng cỏ trắng, Warsaw, 1983 – một thứ biên niên dưới hình thức thơ, ghi lại quãng thời gian ông bị giam giữ), và Na skrzyżowaniu Azji i Europy (Nơi châu Á và châu Âu giao nhau, do Nhóm độc lập các nhà thơ và họa sĩ [bí mật] xuất bản, 1983).
 
Là một trong những người chống chế độ thiết quân luật (tiếng Ba Lan gọi là stan wojenny, “tình trạng chiến tranh”) do Nhà nước áp đặt ở Ba Lan sau 1981, ông là nhà thơ nói thẳng và được đánh giá rất cao. Là một trong những người gắn bó hoạt động trong phong trào công đoàn đối lập Đoàn kết (Solidarnosc), Tomasz Jastrun từng cho đăng một phóng sự nổi tiếng về những cuộc đình công tháng Tám 1980 ở Gdansk trong Puls, tạp chí định kỳ nửa bí mật ở Lodz, và thời gian này ông phụ trách mục “thông tin văn hóa” trong Ủy ban Văn hóa của Công đoàn Đoàn kết. May mắn thoát được cuộc săn bắt “toàn bộ” của nhà nước Ba Lan vào ngày 12.12.1981, một năm sau ông bị đưa vào trại giam Bialolleka (sau này sẽ trở thành nhan đề của một trong những tập thơ của ông). Từ 1985, thơ ông mới bắt đầu xuất hiện công khai, với Kropla, kropla (Một giọt, một giọt, 1985), Wezel polski, Wiersze stare i nowe (Cái gút Ba Lan, Những câu thơ cũ và mới, 1988)... Cuối những năm 80, ông hoạt động trong Ban biên tập tờ báo Res publica, và từ 1990 ông là Tùy viên Văn hóa Tòa Đại sứ Ba Lan ở Thụy Điển.
 
Với một sự nghiệp văn học có thể coi là đồ sộ gồm thơ và tiểu luận, ông nhận được nhiều giải thưởng ở Ba Lan. Tập thơ nổi tiếng On the Crossroads of Asia and Europe của ông. do Daniel Bourne chuyển ngữ (Salmon Run Press, 1999), đã góp một phần lớn đưa tên tuổi ông đến với người đọc thế giới.
 
 
 

Không bào chữa

 
Hắn không sao có thể tìm được
Một cách nào bào chữa cho cuộc sống
Thế nên hắn cứ thế bắt đầu sống không bào chữa
Như một cậu học trò trốn học đi chơi
Nhưng thỉnh thoảng
Nỗi sợ làm hắn thắt lòng
Khi hắn nghĩ
Đến lúc trở về nhà mình
Chờ đợi hắn ở đây
Chỉ có bố mẹ hắn đã chết.
 
 
 

Ba Lan

 
Có vẻ như nước nầy có mặt khắp nơi
Trên các đường phố trên các báo ngày
Và trong khẩu hiệu theo đó người Ba Lan lúc nào cũng thành công
Có vẻ như nước nầy phát biểu và ca hát không ngừng
Nhưng đâu đâu tôi cũng không sao
Nhìn thấy được nó
Cũng chẳng nghe được nó
 
Chỉ nơi đây thôi ta mới tìm ra nó
Nó không có đôi cánh của Niké
Không mang trên mình một chai vodka
Không cả một dấu triện chính thức
 
Nó là không khí mà ta thở
Và là khúc nhạc mà ta nghe
 
                  Xưởng đóng tàu Gdansk, tháng tám 1980
 
 

Tự do

 
Họ dẫn tôi vào
Và đọc số tên đầu và tên cuối
Xăm trên thẻ CC của tôi
Và để tôi đi
Y như tôi không có tội
Lẽ ra họ không nên đi tìm như thế
Họ không đủ ánh sáng
Trong mắt tôi
Hai tên cớm tân binh trẻ tuổi
 
Tôi bước đi tự do
Kéo lê những dãy đường phố sau lưng tôi
 
 
 

Khói

 
Khi tôi bước đến gần
Dãy tường nhà tù hôm nay
Tôi không cảm thấy gì cả
 
Hãy tha lỗi cho tôi
Vì các bạn ai cũng biết cái không gì cả của tôi
Có đủ hầm rượu tầng gác mái
 
Và khói lò sưởi
 
Nhìn qua những khe thiếc
Bạn thấy khói
Và bầu trời xanh thẳm
Với con chim bất động của nó
 
 
----------------
“Không bào chữa” và “Ba Lan” dịch từ bản tiếng Pháp “Sans justification” và “La Pologne” của Lucienne Rey và Gérard Gaillaguet trong Témoins – quarante-quatre poètes Polonais contemporains 1975-1990 (Les Ateliers du Tayrac, 1996). “Tự do” và “Khói” trích từ Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021