thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khu phố tối

 

Đèn đường vẫn sáng. Rõ ràng là đèn đường không hề tắt. Nhưng, mắt tôi vẫn mờ mịt, tối tăm. Cảm giác luôn là thứ khiến tôi nhận biết nhanh nhất về mọi vật xung quanh mình, kể cả việc định hướng cho tri giác tồn tại, để xét đoán một cách chuẩn xác nhất cái không gian này.

Khu phố bị nhốt. Người qua kẻ lại đều bị nhốt. Đám trẻ cười ngổ ngáo ngồi bên góc vỉa hè nọ cũng đang bị nhốt. Màu đêm sặc sụa ngộp thở. Tôi bước xuôi theo những viên gạch trên vỉa hè. Vài chỗ lởm chởm vì gạch bị tróc xi-măng. Viên gạch bập bênh dưới đế giày của tôi tạo thành thứ âm thanh như lá khô bị giẫm nát trong một khu rừng mùa hè nào đó phía núi, nơi tôi đã sinh ra. Những mùa hè lặng lẽ nhốt chặt đôi chân trong thứ xiềng xích vô hình cùng với cơn mưa trắng trời. Lênh đênh. Trong đêm.

Tôi trở về nơi quen thuộc. Khu phố vẫn tối lắm. Tôi chẳng thể nào tiếp tục gượng gạo phán xét chủ quan rằng những ngọn đèn đường bao giờ cũng đủ sáng choang để soi lối dưới chân một vài kẻ khác. Tôi mở mắt, nhưng tôi chẳng nhìn thấy gì. Ánh sáng của ngọn đèn đường sục sạo, mơn trớn, lọc lừa thị giác. Rõ ràng tôi không hề bỏ rơi cái điểm gây chú ý ấy đang tập tễnh thấp cao lướt qua mặt mình. Hoặc là chưa mở mắt. Hoặc là tôi khá lập dị khi đeo kính râm vào ban đêm. Hoặc là tôi mù loà thật. Và, khả năng cuối cùng có thể xảy ra sau một vài cái “hoặc là” mang tính giả thiết đó, thì chẳng phải khu phố tối đang thực sự đẩy tôi vào một trò chơi kì quặc của đêm hay chăng?

Có một bầy ong vừa bay vù qua mặt tôi và đậu kín trên những bóng đèn đường. Khu phố tối sầm như vốn dĩ nó đã thế. Bà lão quấn khăn đen trùm lên một nửa khuôn mặt, đi từ phía những ngọn đèn đường đến vỉa hè này. Quần ống thấp ống cao, tay khệ nệ bị gạo, bao ni-lông và một vài thứ người ta bỏ đi. Người già thường cô đơn. Người già độc hành. Người già trôi miên man trên những gót chân nứt nẻ. Những viên gạch đã bong tróc xi-măng cập kênh. Tôi không biết bà lão sẽ đi về đâu trong khu phố tối này. Tôi nhìn theo. Tôi rất muốn dõi theo mãi cái bóng chậm chạp ấy tiến về phía nào đó. Và, tôi đã biết chỗ bà đang hướng đến. Bà lão rẽ qua ngay góc tường ấy, cạnh tấm chắn của một toà nhà. Sau đó bà lão biến mất vào màn đêm mờ ảo của ánh đèn đường lung linh lừa đảo. Tôi vẫn muốn tìm xem bà lão sẽ đi về đâu? Rõ ràng tôi có thấy bà vừa bước vào cái ngã rẽ cạnh chỗ tôi ngồi. Rõ ràng bà lão gầy hom hem ấy không thể nào biến mất một cách nhanh chóng chẳng để lại bất kì dấu vết nào như thế được.

Khu phố lại càng tối hơn nữa. Bức tường vôi trắng co cụm thành một khối thô cứng, nhốt chặt bóng đêm vào trong và hét la như điên dại. Chỉ có kẻ ở thiên đàng mới chẳng thể nghe thấy những âm thanh ghê rợn ấy. Chúng lần lượt gào lên từng âm thanh trầm đục, ám vào màng nhĩ. U ơ đêm tối. U ơ một lời. U ơ lặp lại. U ơ tắc nghẹn thành dòng kí tự ghép nối khắc lên vách tường sẫm màu: “nơi ngự trị của tôi!”

Đêm nào tôi cũng đến vỉa hè này. Tôi đã cố ngước mặt nhìn lên ngọn đèn vàng hòng tìm cho bằng được thứ ánh sáng kì ảo mang tên giải thoát. Nhưng, chẳng bao giờ tôi nhìn thấy. Chúng lúc nào cũng tối như thế. Chúng lúc nào cũng tù mù như thế. Sự âm u trỗi dậy trên từng viên gạch, nơi vỉa hè. Thi thoảng, tôi nghe vợ chồng người bán món sữa ngô trên chiếc xe đẩy lẩm bẩm gần vách tường, nơi bà lão biến mất không một dấu vết sau những kí tự mà tôi đã thấy đâu đó. Lần này, chúng được tách rời hẳn ra, không thanh điệu và thăm thẳm chìm xuống màn đêm khi màu vôi đã xám lại, khuất sau bóng tối: “n o i n g u t r i c u a t o i.”

Chiều nay, khi mặt trời lững thững chạy về phía chân núi, núp bóng, tôi dặn lòng sẽ không bước chân đến nơi ấy vào đêm nay. Tôi muốn thử đứng từ trên cửa sổ tầng hai và nhìn nghiêng qua những căn nhà khang trang đã im ỉm tắt đèn. Có thể dưới những ngọn cây, vẫn còn một chút dịu dàng của đêm sót lại. Nhưng, rõ ràng, tôi vẫn chỉ thấy một màu rất tối. Kể cả những thanh âm văng vẳng bên tai tôi lúc này về dòng kí tự đang chạy nhảy hớn hở, đùa vui và cả quyết: “nơ i ng u tr i cu a to i”, để rồi, sau đó tôi không tài nào chịu nổi cảm giác hoài nghi về một sự biến mất rất vô lí của một con người sờ sờ xác thịt, xương xẩu.

Chắc chắn bà lão ấy đã đi xuyên qua vách tường. Cái vách tường màu xám của một ngân hàng nhà nước nằm chễm chệ ngay góc phố này. Ngay sáng hôm sau, tôi quyết định quay trở lại, khi mặt trời chiếu rõ nhất vào cái góc đó. Tôi muốn xác định hẳn sự hoài nghi của mình, rằng: nơi cái góc tường của ngân hàng ấy không thể có chỗ ẩn nấp cho một con người dễ dàng biến mất. Vách tường thẳng thớm, trơ mảng vôi màu xanh đã nhạt. Bên cạnh vách tường chỉ là một cái máy rút tiền nằm chỏng chơ. Lạnh ngắt. May sao, tôi nhìn thấy điều gì đó. Chúng là những kí tự màu đỏ. Một dòng chữ đã bị người ta xé nát trên tấm băng-rôn. Vài kí tự méo xệch không ngay hàng thẳng lối. Chúng như cái xác nửa sống nửa chết đang trỗi dậy trên đường phố ngợp ngụa hơi người: “n i n u t i c a t i”. Tay ga bất chợt rồ lên. Bánh xe trước nhích lên một nửa nằm chênh vênh trên phần dốc của vỉa hè. Sau đó máy xe tắt lịm. Tôi đứng lại, nhìn xuống chân mình. Nhựa đường tan chảy. Mùa hè. Bóng của khu phố tối bồng bềnh trong não tôi hình ảnh của những đôi mắt không bao giờ nhắm lại. Họ vừa băng qua đường và nằm xuống ngay tượng đài chiến thắng.

Khu phố tối chồng lên nhau. Những hốc mắt trơ dại. Giữa đường, có rất nhiều câu kinh lặp đi lặp lại bởi vài kí tự cố tình không thèm chắp nối: “nowi nguwjtrij cuar tooi”.

Ngày mai. Tôi dự định sẽ không bước về phía khu phố tối và ngồi xuống bên vỉa hè đó nữa. Những buổi chiều đầy dông cũng vừa đủ để khiến mọi thứ xung quanh tối sầm lại trước mắt tôi. Nhưng, cuối cùng tôi vẫn chẳng thể nào cưỡng lại được niềm ham muốn bước chân ra khỏi cửa vào những đêm mùa hè, đến khu phố ấy, tìm kiếm bà lão đã biến mất sau cái hốc cầu thang tối của văn phòng chi nhánh ngân hàng nhà nước. Một người nghèo vừa biến mất trong bóng đêm. Một người già cô đơn vừa biến mất trong bóng đêm. Toà nhà sừng sững lặng im. Tối sầm.

Hôm sau tôi vẫn rời khỏi nhà đúng giờ, đến vỉa hè đó và ngồi xuống. Tôi ngắm tượng đài chiến thắng từ xa. Đàn voi của rừng đã từng đi qua, vòng quanh, chào mừng lễ hội của núi. Đàn voi thưa dần. Bây giờ voi chỉ còn là những cái bóng. Như quá khứ. Ám ảnh. Bởi những bộ xương trắng. Trước mắt tôi toàn màu trắng. Chấp chới dưới ánh đèn vàng nhạt. Bọn trẻ trâu không ngồi chễm chệ cười ngả ngớn trên những chiếc ghế nhựa nữa. Chúng cũng biến mất khỏi vỉa hè ấy, và chỉ để lại những kí tự mờ nhạt, thiếu đầu cụt đuôi, như một bức tranh chân dung không tay, không chân, không mắt mũi của anh chàng hoạ sĩ tôi quen. Tôi nhặt mớ kí tự rời rạc đó lên, để yên trong lòng bàn tay mình, xếp chúng chồng lên nhau, rồi nắm tay lại. Cái chắp tay mang lời nguyện trong đêm sâu bao giờ cũng khiến người ta biết cách tìm ra một con đường sáng.

Khu phố bỗng chốc ngưng bặt khi nghe tiếng kèn đám ma từ đâu đó vọng lại. Một đoàn đưa tang đang di chuyển chầm chậm trong đêm. Rồi tiếng kèn tắt lịm. Chỉ còn những âm thanh khóc hờ. Tôi nghe câu được câu mất. Tôi nhìn thấy họ từ từ chậm rãi vòng quanh tượng đài chiến thắng. Người ta lặp đi lặp lại lời của bóng đêm ngay giữa phố, giữa ánh đèn đường sáng choang. Khu phố vẫn dò dẫm cố gắng mở đường cho những đôi mắt chăm chăm hướng về phía trước. Tôi nghe tiếng bọn cú mèo, tiếng bầy ong vo ve lượn qua lượn lại quanh những bóng đèn đường. Vợ người bán sữa ngô bên vỉa hè chép miệng: “Người đó mấy ngày hôm nay không thấy đi qua đi lại vòng quanh tượng đài chiến thắng nữa. Hoá ra...”

Sáu ngã đường mờ mịt thu hẹp lại trong cõi mù của khu phố tối. Cơn mưa xứ này ập xuống bất ngờ vội vã. Nước mưa phủ lên những bóng đèn, phủ lên mặt người, phủ lên bước chân chậm chạp của tôi ngay giữa đêm. Mới hôm qua đây thôi, chính ở đoạn vỉa hè này, tôi còn nhìn thấy một người đàn ông ngực đeo đầy huy chương, mặc quân phục, đội chiếc mũ của quá khứ đi về phía những ngọn đèn đường rất tối.

Những lần sau, khi trở về, thi thoảng tôi vẫn nghe rất nhiều thanh âm của quá khứ rúc bên tai mình như một hồi trống trận. Nhưng, tri giác, cái điểm lạnh nào đó trong não đang kiềm chế những cơn hoang tàn tìm kiếm khoảng trống đã mất, không còn thôi thúc tôi phải bước chân ra vỉa hè ở ngã sáu ấy nữa. Khu phố ở chỗ tôi ẩn nấp cũng đã đủ tối lắm rồi.

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021