thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những bài viết cũ [3]: Nhà thơ

 

Lời tác giả:
Hai cuốn sách đầu tay của tôi, Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (1988) và Nghĩ về thơ (1989), hiện nay đã tuyệt bản. Mười mấy năm, quan niệm về văn học đã đổi, cách viết cũng đã khác, tôi không còn hứng thú lắm để in lại. Tuy vậy, vẫn có một số bạn đọc xa gần thỉnh thoảng hỏi thăm về chúng. Thôi thì, thay vì tái bản thành sách, tôi chọn một số đoạn để đăng lại trên Tiền Vệ, như một món quà tặng cho một số tri âm, nếu có, đâu đó.

 

Nhà thơ là người sáng tạo ư? Không, tôi ngờ lắm. Từ xưa đến nay, nhà thơ có mang lại điều gì mới mẻ đâu. Hắn là người, bằng sự nhạy bén riêng của mình, phát hiện sâu sắc hơn ai hết những chất thơ đã vốn có, đã bàng bạc, ẩn tàng, giấu khuất đâu đó trong vũ trụ, ở thiên nhiên, ở cuộc đời, ở lòng người. Gió vẫn có đấy chứ, quen thuộc lắm mà, từ bao nhiêu đời rồi, nhưng phải đợi đến lúc nhà thơ ra đời, nghiêng mình làm lá, gió mới cất thành tiếng reo. Trăng vẫn có đấy chứ, từ xưa, trên cao, nhưng phải đợi đến lúc nhà thơ xuất hiện, lặng mình làm một mặt nước hồ im, trăng mới lại hiện về, long lanh hơn, huyền ảo hơn, ngay trên mặt đất, rất vừa tầm nhìn. Nhà thơ có sáng tạo được gì đâu? Hắn chỉ là lá reo để đón gió, là hồ im để đón trăng, là cỏ ngửa mặt để chờ sương. Hắn nắm bắt và giữ lại cho đời những chất thơ kín đáo nhất, mong manh nhất, thoáng qua nhất.

Ừ, mà nói cho ngay, nhà thơ cũng có sáng tạo đấy chứ. Nhưng ít thôi. Chỉ một điều: tạo ra linh hồn cho vạn vật, cái mà Thượng đế quên lúc tạo ra vũ trụ. Nhờ nhà thơ, gió trở thành hữu hình, trăng trở thành gần gũi, sương khói trở thành ấm áp. Có phải khói sóng xưa kia chỉ là người tình của sông của biển? Khi nhà thơ ra đời, khói sóng tự nhiên hoá thân thành một nỗi niềm: "Yên ba giang thượng sử nhân sầu"; "Lòng quê dờn dợn vời con nước". Có phải hiện tượng nắng ngả màu, mây trôi chậm và gió bỗng dưng hiu hiu xưa kia chỉ là hiện tượng của tự nhiên? Khi nhà thơ ra đời, lạ lùng chưa, tất cả trở thành tín hiệu của tình yêu, đều nói lên cái nao nao, cái bâng khuâng của kẻ lần đầu đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư. Có phải vầng trăng xanh xao trên kia ngày trước chỉ hờ hững đi ngang qua mặt đất mỗi tháng mấy lần? Khi nhà thơ ra đời, trăng hết lạnh lẽo. Trăng thành tình nhân. Trăng thành nỗi nhớ. Từ nỗi nhớ của những người yêu nhau nhưng phải xa nhau "vầng trăng ai xẻ làm đôi" đến nỗi nhớ day dứt cồn cào của những kẻ lưu cư nơi đất khách không nguôi một niềm ước mơ vô hạn được trở về:

Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
                          (Lý Bạch)

Mặc dù ngay từ đầu truyện, Nguyễn Du đã giới thiệu Kiều là một người hay thơ, nhưng tôi tin Kiều chỉ thực sự làm thơ hay sau buổi đi tảo mộ về. Nghĩ lại coi, có lạ không, khung cảnh lúc Kiều đi với lúc Kiều về khác nhau biết mấy. Cũng là thiên nhiên ấy, nhưng lúc đi, thiên nhiên chỉ là thiên nhiên; lúc về, thiên nhiên đã vương rất nhiều tâm tư của con người. Dòng nước tự nhiên "trong veo", nhịp cầu không chỉ "nho nhỏ" mà còn có "tơ liễu","bóng chiều thướt tha". Thiên nhiên không còn vô tình nữa. Thiên nhiên bị lây cái bâng khuâng của Kiều sau lần gặp gỡ Kim Trọng. Thiên nhiên cũng trở thành bâng khuâng. Kiều trở thành nhà thơ.

Chỉ trở thành nhà thơ khi người ta đã phá vỡ cảm giác đồng nhất giữa mình với ngoại cảnh để khám phá ra, trong sự phân thân kia, xuất hiện một sự đồng cảm sâu sắc. Làm thơ là dựng lên mối tương quan thân tình giữa con người và không gian chung quanh. Để con người bớt đi cái cảm giác lẻ loi giữa cái bao la vô tận của trời đất như Trần Tử Ngang ngày trước, "Niệm thiên địa chi du du / Độc sảng nhiên nhi thế hạ". Để không còn xa xôi, vô tình nữa, trước con người, một cành hoa, một áng mây, một vì sao. Để con người và vạn vật có khả năng đồng cảm với nhau hơn, chia xẻ với nhau những nỗi niềm cô đơn của mình:

Không gian dày đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng và nàng cũng trăng
                                (Hàn Mặc Tử)

hay:

Trời hiền khép một vòng thân
Trông cao xa ấy mà gần tâm tư.
                   (Cung Trầm Tưởng)

Nhà thơ không chỉ làm cho con người bớt khắc khoải trong cô đơn. Nhà thơ còn làm cho tâm hồn nhân loại giau có, rộng rãi mênh mông gấp bội. Trước khi nhà thơ ra đời, trái đất này có lẽ đã quá cũ. Cứ thế, cứ thế lặp lại hoài những vòng quay. Cứ thế, cứ thế phô bày vẫn bấy nhiêu cảnh trí. Như từ ngàn xưa. Với sự xuất hiện của nhà thơ, núi non sông biển lại hiện ra những bức tranh mới, luôn luôn biến hoá và đẹp đẽ vô ngần (Hải sơn vị ngã xuất tân đồ - Nguyễn Trãi). Nguyễn Trãi đã không từng tự hào về sự giàu có của thi nhân đó sao?

Nhãn để nhất thì thi liệu phu
Ngâm ông thuỳ dữ thế nhân đa?
(Một thoáng chất thơ đầy cả mắt
Người đời dễ sánh khách thơ a?)

Làm thơ là ban phát sự giàu có ấy cho mọi người. Trước khi nhà thơ ra đời, có lẽ loài người đã biết yêu nhau. Adam và Eva đã biết yêu nhau. Và chỉ biết yêu nhau. Với sự xuất hiện của nhà thơ, trong tâm hồn con người, không còn lẻ loi một người tình đang ngự, mà còn, hằng hà chung quanh, bao nhiêu chất thơ từ trời đất hiện về, điểm tô. Trên chân dung người tình, không chỉ có đôi mắt, dù đôi mắt vô hạn đẹp. Mà còn có dòng sông "Mắt em là một dòng sông. Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em" (Lưu Trọng Lư). Rồi còn có gió có mây nữa. "Có phải em mang trong áo bay / Hai phần gió thổi, một phần mây / Hay là em gói mây trong áo / Rồi thở cho làn áo trắng bay?" (Nguyên Sa). Đứng trước người yêu, mình không chỉ là mình, mình còn có thể là hoa cỏ may: "Hồn anh như hoa cỏ may / Một chiều cả gió bám đầy áo em" (Nguyễn Bính).

Chao ôi, trước khi nhà thơ ra đời, có lẽ tâm hồn con người hạn hẹp lắm. Có khi chỉ là một chiếc gương soi. Soi bản thân mình. Có khi chỉ là một bàn thờ. Thờ thần linh. Thờ người tình. Với nhà thơ, diện tích tâm hồn con người mở ra, thênh thanh vô cùng vô tận. Những cành cây héo úa đâu đó dưới mắt thờ ơ của những kẻ chỉ biết cúi đi lầm lũi, nhờ nhà thơ, bỗng lại xanh tươi và nở hoa trong hồn người. Những làn hương dịu nhẹ dễ bị gió xua tan, nhờ nhà thơ, cứ đọng lại, mãi mãi vấn vương trong từng nhịp thở của con người. Những triều sóng vỗ của biển dễ bị chìm hút trong lãng quên, nhờ nhà thơ, cứ đọng lại hoài hoài một dư âm.

Và, còn nữa. Nhờ nhà thơ, con người nhìn rõ hơn diện mạo tâm hồn mình. Xưa, tâm hồn thăm thẳm mà u uẩn quá. Nó là cõi đêm. Nó là giông tố sấm chớp dữ dội nhưng cũng mù mịt vô cùng. Nhà thơ là kẻ lặn sâu hơn ai hết vào cái vùng bất an và vô định ấy. Nhà thơ có thể tả trăng, tả gió, tả mây, tả hoa... nhưng nghĩ cho cùng, qua đó nhà thơ nói lên tâm tư của con người. Trăng, gió, mây, hoa... chỉ là những cái cớ. Mục đích của nhà thơ không phải là tả cảnh mà là biểu hiện. Chỉ có trong thơ dở, cảnh mới là cảnh. Trong tất cả những bài thơ hay, cảnh là tâm tư, cảnh là người. Như Xuân Diệu từng viết: "Hồn ơi, phong cảnh cũng là người".

Thơ không xuất phát từ nhu cầu ghi lại mà từ nhu cầu nói lên. Thơ không nẩy lên theo một vầng trăng mọc mà theo một cảm xúc mới nhú. Ừ, mà hình như, thường người ta bắt đầu làm thơ hay mê thơ lúc bắt đầu thấy xôn xao trong lòng một tình yêu chớm nở. "Yêu nàng, bao nhiêu người làm thơ", Nguyễn Nhược Pháp nói thế... Phần lớn con người đi vào cõi thơ vì một ánh mắt một nụ cười hơn là một "tịch dương vô hạn hảo". Có phải không, khi các cô các cậu học trò, đến tuổi nào đó, vào lớp, biết vuốt lại mái tóc mình, biết hãm lại tiếng cười cho vừa đủ độ giòn cũng là lúc xuất hiện trong các cặp sách của họ, quyển vở nắn nót chép thơ? Nhu cầu làm thơ khởi từ chỗ chấm hết, trong tâm hồn, cái yên ả của tuổi thơ. Làm thơ trở thành một cách tỏ tình. Đọc thơ trở thành một cách tìm kiếm cảm thông. Trong hàng vạn, hàng chục vạn người biết yêu và vì biết yêu mà biết làm thơ ấy, cuối cùng, có lẽ chỉ có một hai người là trở thành nhà thơ thực sự: đó là những kẻ có đôi mắt tinh, đôi tai thính nhất có thể phát hiện ra từng tế bào đang đổi mới trong hồn mình.

Nhiều người, ở đời, chỉ có một mùa hoa. Cái rạo rực chỉ đến một lần rồi xa hẳn. Tôi luôn luôn đón nhận tin một nhà thơ nào đó chết đi với tất cả sự ngỡ ngàng, hoang mang. Bởi nhà thơ như một kẻ không có tuổi. Cứ giữ lại hoài trong lòng những phiến lá mới để sẵn sàng reo lên xôn xao ngay trước những cơn gió khẽ khàng.

Mọi người tìm kiếm trong thơ những tiếng nói chưa thành của mình. Mà đời đâu phải chỉ có những rạo rực của tình yêu. Mọi nàng Kiều rồi sẽ bị xô bật ra khỏi lầu khuê có trướng rủ màn che. Mọi người, kẻ sớm người muộn, đều bị đẩy ra biển. Biển trầm luân. Để giơ thân đón sóng. Sóng đau thương. Nhà thơ, khác với mọi người, là kẻ làm cho sóng dội lên thành dư vang ngân mãi. Làm thơ là một cách tạo âm cho biển. Đoạn trường tân thanh là tiếng biển gào. Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc... cũng là những tiếng biển gào. Ngay cả những câu thơ hết sức bâng quơ "Em không nghe mùa thu" cũng là một thứ tiếng biển. Biển đang lặng sóng. Thầm thì.

Tất cả những bài thơ hay đều vang vọng âm thanh của biển. Phải không? Thơ đâu phải là tiếng đập riêng của trái tim. Thơ còn là, phải là tiếng dội của lòng người trước dư ba của sóng. Bởi vì là tiếng dội của sóng nên thơ không là tâm sự thuần tuý khép kín của một cá nhân. Thơ mở ra, gợi ra man mác những nỗi niềm tâm sự chung. Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm. Thơ là tiếng nói một người nhân danh tất cả mọi người trong hoàn cảnh ấy, số phận ấy. Nhà thơ chỉ độc quyền được cho mình một cánh cửa. Sau cánh cửa kia là của mọi người. Trên núi Kính Đình ngày xưa chỉ một mình Lý Bạch ngồi buồn hiu hắt ngắm mây bay chim bay nhưng còn nỗi cô đơn của ông, nỗi cô đơn ấy là của chung của nhân loại. Cả ngàn năm nay, mỗi khi con người lẻ loi trước thiên nhiên thì chợt nhớ lại, đọc lại "Chúng điểu cao phi tận / Cô vân độc khứ nhàn / Tương khan lưỡng bất yếm / Duy hữu Kính Đình san". Ngỡ như nỗi cô đơn và niềm bâng khuâng ấy là của riêng mình.

Thơ xoá đi cái không gian trống giữa người với người. Để giậu mồng tơi xanh rờn không là nỗi phân ly. Để tam tứ núi, thập bát đèo không là điều cách biệt. Thơ cũng xoá đi cái không gian chết giữa đời này với đời khác. Để những giọt lệ của Kiều ngày xưa còn cay cay trong mắt người bây giờ. Để nhân loại hôm nay còn thấy bàng hoàng trước tiếng thét dài làm lạnh cả hư không của thiền sư Không Lộ một ngàn năm xa xưa.

Giữa biển sóng trùng trùng, con người, với thơ, quờ quạng tìm đến với nhau. Chia cho nhau một chút lửa. Chia cho nhau một làn hương hoa. Thơ là hoa của mặt đất đầy bất an. Đừng có ai phong thánh cho mình lúc cầm bút làm thơ, nhé? Lý thuyết thật nhiều, nhưng sự thực lại rất đơn giản. Nhà thơ ơi, hãy làm thơ để loài người tìm thấy một nỗi niềm chung hầu gần lại với nhau hơn; để cho mỗi người tự thấy tâm hồn mình rộng lớn và đẹp đẽ hơn vô ngần những chén cơm, những manh áo, những thân thể ngọc ngà; để những ai trong các căn phòng khoá chặt kia biết nao lòng trước những luồng sóng vỗ làm quặn đau những nàng Kiều bất hạnh.

Và những ai, chiều nay, bước ra khỏi nhà, nhìn lên bầu trời thăm thẳm xanh biếc trên cao mà tự dưng cảm thấy trong lòng mình có chút xôn xao, bâng khuâng mơ hồ, thì xin hãy nhớ đến nhà thơ.

Những ai, đêm nay, sau cơn vật vờ giữa cuộc trầm luân, trở về nhà, lòng thảnh nhẹ, thoáng nhận ra đâu đó có làn hương bưởi, chợt nhớ đêm đã khuya lắm và thấy lòng ấm lại một mùi hoa, thì xin hãy nhớ đến nhà thơ.

Và hãy cám ơn thơ.

 

(Trích từ cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam, Quê Mẹ xuất bản tại Paris năm 1988)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021