thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những kẻ xếp hàng

 

Căn nhà tôi ở thuộc một khu chật chội với những con hẻm nhỏ thông nhau chằng chịt tạo thành một thứ “hệ thống” phức tạp, gần giống một ma trận nhưng vô nguyên tắc mà những kẻ lạ sẽ khó lòng thoát ra khỏi nếu vô phước lạc vào. Những buổi sáng, để tránh nhàm chán, tôi hay chọn những cách đi khác nhau khi ra khỏi nhà: có lúc tôi quẹo sang phải, rồi theo những đường dẫn của chúng, tôi sẽ ra đúng quán phở ngay đầu con hẻm lớn; còn nếu chọn quẹo trái đầu tiên, tôi cũng sẽ phải vòng vo theo một lộ trình không kém rắc rối hơn để cuối cùng cũng đến được quán phở tôi vừa nói. Đường nào cũng về quán phở, và đó là một điều kỳ diệu nhờ vào sự ngẫu nhiên trong xây dựng tự phát – kiểu xây dựng đô thị phổ biến ở thành phố này – tạo nên. Có vẻ những xô bồ trên mặt đất chỉ là hình chiếu từ những rối rắm trong hệ thống thần kinh của chúng ta.

Một buổi tối nọ khi tôi chuẩn bị khoá cửa đi ngủ, thì bỗng nghe tiếng lạch bạch như tiếng dép lê chà xuống mặt đường và đang tiến dần về phía nhà tôi. Tôi ngừng lại và ráng đợi cho những tiếng động ấy tiến đến trước cửa, rồi lướt qua đi về phía trước. Với chút tò mò, tôi bước ra nhìn theo chiếc bóng lụ khụ của một ông già đang nặng nhọc đi về phía bóng tối. Đợi cho ông khuất hẳn vào một con hẻm nào đó và thứ âm thanh kia cũng chìm vào sự tĩnh lặng của đêm khuya, tối mới bước vào khoá cửa.

Vào đêm sau, cũng vào giờ sắp đi ngủ, tôi lại nghe thứ âm thanh của dép lê ấy đang đến gần. Và ông già hôm qua, cũng đang chậm chạp bước qua trước cửa để đi về phía trước. Tôi khoá cửa đi ngủ với một ít nghĩ ngợi khi đã nằm trên giường.

Rồi đêm thứ ba mọi chuyện xảy ra cũng chẳng khác, và sau một vài phút ngập ngừng, tôi quyết định lặng lẽ đi theo ông già. Ông dẫn tôi đi vòng vèo hết con hẻm này đến con hẻm khác, chậm chạp, lạnh lùng, theo một trình tự nào đó mà tôi nghĩ là chúng không lặp lại. Ông cứ lê lết từng bước khổ sở, còn tôi cứ kiên nhẫn bám theo. Cuối cùng, sau khi đã dạo qua hết những con hẻm với một lộ trình độc đáo đến khó tin, ông dừng lại trước một căn nhà và mở cửa bước vào.

Trong đêm tiếp theo, tôi chăm chỉ đứng đợi sẵn ngay trước cửa và khi bóng ông vừa tới, tôi đã nhanh chóng bám theo như một kẻ kế cận thứ hai, rồi cùng ông chu du theo một lộ trình không lặp lại qua những con hẻm tối. Để cuối cùng mọi thứ cũng được kết thúc vào chính căn nhà hôm qua (mà bây giờ tôi đoán chắc là nhà của ông). Và rồi khi tôi quay gót đi về, có một chiếc bóng của ai đó cũng vừa quay gót bước đi. Một kẻ nào đó đã bám theo mà tôi không hay.

Đến đêm sau, mọi sự cũng chính xác như những gì tôi đã mô tả, nhưng lần này tôi thấy xuất hiện thêm một hai người nữa và tất cả chúng tôi, như một thoả thuận vô ngôn ngầm ẩn nào đó, đều giữ yên lặng tuyệt đối khi bước theo ông. Để rồi, cũng theo cách ấy, chúng tôi cùng lặng lẽ quay gót trở về khi ông già đã mở cửa bước vào nhà mình.

Tôi không nhớ chúng tôi đã đi với nhau được bao lâu, nhưng càng về sau, đoàn người nối đuôi càng dài và tất cả đều tuân thủ “kỉ luật im lặng” vô cùng nghiêm cẩn. Chúng tôi đã biến thành một đoàn quân tự nguyện để thực hiện bằng hết cái lộ trình rắc rối nhưng không bao giờ lặp lại ấy, vào hằng đêm, để tiễn ông già về nhà.

Và cứ vậy, cái trò diễu hành đó đã biến thành một thứ tục lệ mới mà chúng tôi phải thực hiện trước khi đi ngủ. Không có ai thắc mắc, vì ai lại đi thắc mắc một thứ tự nguyện bao giờ. Có lẽ tất cả đều đã mê mẩn nó, và không những vậy, có khi hầu hết đều nghĩ đó là một thứ trách vụ có phần thiêng liêng mà mỗi cá nhân phải có trách nhiệm tuân thủ.

Rồi cho đến một đêm, đã quá giờ nhưng không thấy ông già xuất hiện. Dù ruột gan tôi nôn nao, nhưng tôi chẳng muốn bước ra thực hiện cái lộ trình ấy mà không có ông già dẫn đường. Tôi gắng gượng đứng đợi trước cửa cho đến tận khuya rồi mới chịu khoá cửa đi ngủ.

Vào đêm sau, tôi nóng lòng đứng hóng từ sớm, và cứ đứng xuyên qua đêm khuya nhưng ông già vẫn biệt tăm. Một điều gì đó, kiểu như thất vọng, trào lên trong não tôi. Tôi có cảm giác như mình vừa thoái lui trước một trách nhiệm quan trọng mà chẳng vì lý do gì. Rồi tôi mang nguyên thứ dằn vặt ấy lên giường đi ngủ.

Sáng hôm sau, tôi quyết đi tìm hiểu sự thật. Khi tôi đến nhà ông già, đã thấy một đám người đông đúc đang tụ tập trước cửa, vẻ mặt ai nấy cũng đầy lo lắng. Rồi tôi cũng biết được sự thật là ông ngã bệnh và đã nhập viện. Chúng tôi chỉ còn biết cầu mong cho ông mau khỏi, rồi thất thểu ra về với một niềm hy vọng là ông sẽ vượt qua để lại tiếp tục dẫn dắt cuộc hành trình hằng đêm mà bây giờ đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của nhiều người quanh đây.

Chúng tôi đã mong ngóng đến vài ngày nhưng vẫn không có gì thay đổi. Ông già vẫn chưa về. Rồi thêm một vài ngày nữa, một chiếc xe cấp cứu đã hú còi ngay hẻm lớn và người ta đã đưa ông cụ về nhà trên một băng ca kín mít. Ông già đã mất và đó thật sự là một tin buồn cho cư dân trong hẻm. Trong buổi dự đám tang, tôi được một vài người thân trong gia đình cho biết là ông đã bị bệnh Alzheimer từ lâu, và hằng đêm ông hay trở dậy bỏ đi đâu đó, như một kiểu hoài niệm mơ hồ mà chẳng ai biết rõ.

Cũng trong ngày hôm ấy, chúng tôi có bàn với nhau nên duy trì chuyện đi hằng đêm dù ông già không còn nữa, và cho rằng đó nên là một truyền thống của khu dân cư này. Nhưng rồi mọi chuyện mau chóng xẹp xuống. Tôi chẳng còn chút hứng thú nào lúc đóng cửa vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Có lẽ, chẳng ai có thể thay thế được ông già ấy để dẫn dắt chúng tôi bước qua từng con hẻm mà không lặp lại một cách tài tình. Dẫu cho chúng tôi có thuộc lòng cái ma trận đó đi chăng nữa, thì mọi thứ dường như đã mất sức sống. Mọi thứ đã chết theo cùng ông già.

 

 

---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021